Views: 3
(Bài giảng lễ Khấn của Dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Tình thương – 17.7.2025)
Nếu muốn trở về cội nguồn lịch sử của đời sống thánh hiến trong Giáo Hội Công giáo hay Kitô giáo nói chung, có lẽ chúng ta phải đọc lại chương 7 của tác phẩm “Ngụy thư” Tiền Phúc Âm thánh Giacôbê tường thuật việc “Đức Maria dâng mình trong đền thờ”: Khi bé Maria tròn ba tuổi, ông Gioakim nói: “Chúng ta hãy mời các con gái trinh khiết của dân Do Thái tới; hãy giao cho mỗi đứa một con chiên, và hãy bảo mỗi đứa đứng với con chiên ấy lúc thiêu tế nó, để cầu mong cho con gái của chúng ta không quay về nhà và giữ cho linh hồn của con gái chúng ta được cầm giữ mãi mãi trong Đền thờ Thiên Chúa.” Họ làm những việc ấy cho tới khi họ đi tới Đền thờ Thiên Chúa. Vị thượng tế Đền thờ chào đón Maria, hôn cô bé, chúc phúc cho cô bé và nói rằng: “Hỡi Maria, Thiên Chúa tán dương tên của con trong suốt mọi thế hệ. Trong con, và vào ngày cuối của mọi ngày, Thiên Chúa sẽ hiển thị sự cứu chuộc của Ngài cho con cái Ítraen.” Rồi ông đặt bé Maria xuống bậc thứ ba của bàn thờ, và Thiên Chúa tuôn tràn ân sủng lên trên bé. Bé gái ấy nhảy múa khải hoàn trên đôi chân mình, và mọi nhà Ítraen đều thương yêu bé.
Chúng ta biết rằng, sách “Tiền Phúc âm thánh Giacôbê” không phải là một tác phẩm thuộc Quy điển Thánh Kinh, nhưng Giáo Hội vẫn đón nhận những câu chuyện được tường thuật trong đó mang giá trị Thánh Truyền. Thật vậy, câu chuyện “Đức Mẹ Maria dâng mình trong đền thờ lúc lên 3 tuổi” được kể lại trong sách này đã được Phụng vụ kính nhớ hàng năm vào ngày 21/11; và được chọn làm biểu tượng cho tất cả những ai chọn con đường “dâng mình cho Chúa” thuộc bậc giáo sĩ hay tu sĩ.
Hôm nay, một cách nào đó, chúng ta có thể nói, 10 chị em thuộc Hội Dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Tình thương cũng đang dâng mình trong đền thờ Chính Tòa Qui Nhơn này; một cuộc “Dâng mình” để thuộc về Chúa, thuộc về Giáo Hội, thuộc về Hội Dòng qua lời Khấn Trọn hay Khấn Lần đầu!
Từ hình ảnh cuộc dâng mình của cô bé Maria lên ba với cha mẹ là cụ Gioakim và Anna đến cuộc dâng mình thánh hiến của 10 cô thiếu nữ hôm nay với sự hiện diện của các ông bà cố và những người thân yêu, mà hầu hết thuộc thành phần chân quê nghèo khó, chúng ta cảm nhận và thấm thía ý nghĩa qua những lời của ngôn sứ Sôphônia trong Bài đọc 1 hôm nay: “Hãy tìm Chúa, hỡi tất cả các người hiền lành trong nước, là những kẻ tuân giữ luật Chúa; hãy tìm công lý, hãy tìm sự khiêm nhường … Ta sẽ để sống sót lại giữa ngươi một dân tộc khiêm tốn và nghèo hèn, biết tin tưởng vào thánh danh Chúa…”.
Vâng, trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa, từ Cựu ước đến Tân ước và trải dài trong suốt cuộc lữ hành trần thế của Hội thánh, Thiên Chúa luôn ưu ái những người khiêm tốn nghèo hèn, những người chỉ biết chọn Chúa làm gia nghiệp, và đánh cược cuộc sống, tương lai vào sự tin tưởng vào thánh danh Chúa, tuân giữ luật Chúa … Và dĩ nhiên, đây không là một sự chọn lựa bắt buộc để phải cam kết trong nước mắt đau buồn mà, như Đức Maria, đã hân hoan nhảy nhót lên đền thờ từ ngay bậc thứ ba trên đôi chân bé bỏng của mình. Vâng, đời sống thánh hiến trong Giáo Hội, một cách nào đó, đều rập khuôn bắt chước hay quy chiếu vào sự “vâng phục thánh ý Chúa Cha” của Ngôi hai Thiên Chúa, như Thánh vịnh 39 tiên báo và thư Do Thái lặp lại: “Lạy Chúa, này con xin đến, để thực thi ý Chúa”, một sự thực thi được cụ thể hóa thành “hy lễ”: Hy sinh và lễ vật thì Chúa chẳng ưng, nhưng Ngài đã mở tai con. Chúa không đòi hỏi hy lễ toàn thiêu và lễ đền tội, bấy giờ con đã thưa: “Này con xin đến”. Đó là của lễ của niềm vui dâng hiến, niềm vui tự nguyện, niềm vui quảng đại cho đi mà không tính toán. Sự dâng hiến như thế sẽ làm vui lòng Chúa, được Chúa yêu thương như Thánh Phaolô đã xác quyết: “Ai vui vẻ dâng hiến thì được Thiên Chúa yêu thương” (2Cr 9, 7).
Thế nhưng không ít người đã đặt vấn đề: Cho một chút xíu, bố thí vài đồng bạc lẻ… ai mà không làm được! Nhưng cho cả gia tài, cho cả mạng sống… hỏi thử được mấy người? Vấn đề trên khiến chúng ta liên tưởng đến hai câu chuyện trong Tin mừng: chuyện chàng thanh niên giàu có đã sụ mặt quay lưng khi Chúa Giêsu đề nghị về bán hết gia sản, bố thí cho người nghèo, rồi đến đi theo Chúa. Vâng, người thanh niên đạo đức, giũ luật nghiêm túc ngay tù thuở nhỏ, nhưng khi đụng đến gia tài, của cải… anh ta đã chọn lối khác thay vì bước theo Chúa Kitô. Riêng câu chuyện thứ hai thì chúng ta vừa nghe: Chợt có một bà goá nghèo đến bỏ hai đồng tiền là một phần tư xu. Người liền gọi các môn đệ và bảo: “Thầy nói thật với các con: Trong những người đã bỏ tiền vào hòm, bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết. Vì tất cả những người kia bỏ của mình dư thừa, còn bà này đang túng thiếu, đã bỏ tất cả những gì mình có để nuôi sống mình”.
Tôi nghĩ 10 nữ tu khấn dòng hôm nay đã dâng hiến cho Chúa “hai đồng tiền” chính là cuộc đời mình, thân xác mình, tâm hồn mình, trái tim mình … Các chị chính là những “bà góa nghèo” của thời đại hôm nay, một thời đại mà người ta luôn chọn lối sống hưởng thụ, giàu sang, ích kỷ, quyền thế…; và nếu nói theo ngôn ngữ của Đức thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II trong tông huấn Đời sống thánh hiến, thì các chị là những Maria Bêtania của thời đại hôm nay, dám đập bể bình dầu thơm cuộc đời để xức chân cho Chúa, để căn nhà của Hội thánh được tỏa hương thơm (ĐSTH 104).
Nói thì nói vậy, chứ thật ra, không có một chọn lựa tình yêu nghiêm túc và trọn hảo nào mà không phải trả giá. Đức Trinh nữ Maria đã trả giá cho tiếng “xin vâng” của mình bằng “một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà” (Lc 2,35). Đức Kitô đã trả giá cho tình yêu đến cùng bằng cái chết thập giá. Các Tông đồ với cái giá tử đạo để Tin mừng của Chúa được loan truyền cho thế giới. Biết bao thánh tử đạo, đồng trinh, hiển tu, truyền giáo… đã cho đi cả cuộc đời mình để như Á thánh Anrê phú Yên; “lấy tình yêu đáp lại tình yêu, đem mạng sống báo đền mạng sống”! Riêng các nữ tu, chắc một điều, đã có nhiều đêm khóc thầm, nhiều ngày héo hắc… chẳng khác nào người thiếu nữ đồng trinh con của thủ lãnh Giepthê: “xin cha cho con hai tháng để con quanh quẩn núi đồi mà khóc cho tuổi thanh xuân của con với các bạn rồi sau đó sẽ hiến dâng…” (Tl 11,37).
Vâng, một của lễ giá trị, một tình yêu trọn hảo, một quà tặng đẹp tuyệt vời… luôn luôn mang dáng đứng thập giá. Tuy nhiên, Thánh giá Đức Kitô luôn là con đường, là phương thế để giao hòa: Nhờ thập giá, Người đã làm cho đôi bên được hoà giải với Thiên Chúa trong một thân thể duy nhất; trên thập giá, Người đã tiêu diệt sự thù ghét. (Ep 2,16). Một cộng đoàn vắng bóng thập giá của hy sinh và tình yêu sẽ là một hỏa ngục chịu đựng chứ không bao giờ là “dấu chỉ của hiệp nhất yêu thương hạnh phúc…”. Phải chăng, vì muốn các cộng đoàn Kitô hữu thuở ban đầu luôn trở thành dấu chỉ của hạnh phúc, hiệp nhất, yêu thương… mà thánh Phaolô đã ân cần khuyên bảo: Anh em hãy gớm ghét điều dữ, tha thiết với điều lành; thương mến nhau với tình huynh đệ, coi người khác trọng hơn mình; nhiệt thành, không trễ nải; lấy tinh thần sốt sắng mà phục vụ Chúa…
Cuộc Khấn dòng của các chị hôm nay diễn ra trong khung cảnh toàn Dân Chúa đang tiến bước trong cuộc hành hương của niềm hy vọng. Các chị hãy coi sự kiện đặc biệt nầy là một “Lễ Trạm” trong cuộc hành trình thánh hiến của mình, của hội Dòng. Vì thế, lời nhắc bảo của thánh Phaolô hôm nay sẽ mãi còn giá trị: Hãy vui mừng vì có niềm hy vọng, cứ kiên nhẫn lúc gặp gian truân, và chuyên cần cầu nguyện. Và như thế, cho dù có đi ở hàng cuối cùng, cho dù có bị xếp ở vị trí nhỏ bé nhất, tầm thường nhất… thì các chị hãy xác tín rằng: điều quan trọng chính là về đích. Và tiêu đích mà tất cả chúng ta đều nhắm đến chính là Đức Kitô, một Đức Kitô yêu thương, nhập thể và cuối xuống rửa chân cho anh chị em mình. Đó chính là “Lời khấn”, là sự cam kết, không chỉ dành riêng cho 10 nữ tu khấn hôm nay, mà cho tất cả quý chị, tất cả chúng ta…
Trương Đình Hiền