LỜI CẦU NGUYỆN TRƯỚC CÂY THÁNH GIÁ

Views: 112

(Chúa Nhật Chúa Kitô Vua 2022)

            Vào đầu thiên niên kỷ thứ nhất, khi đế quốc Rôma trở lại Kitô giáo thì đại lễ “Sinh Nhật của Mặt Trời Công chính” (tức Lễ Giáng Sinh) đã xuất hiện để chiếu rọi Tin Mừng Cứu Độ trên toàn đế quốc Rôma, và qua đó, trên toàn thế giới: “Mọi dân trên khắp cùng bờ cõi trái đất đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta” (Is 52,10).

            Thế nhưng, cho đến năm 1925, tức là sau gần hai thiên niên kỷ, cho dù ánh sáng của “Mặt Trời Công Chính” đã chiếu sáng khắp năm châu bốn biển, thì Tin Mừng Cứu độ của Đấng Cứu Thế vẫn chưa chinh phục hết tâm hồn con người, hòa bình và công lý, tình yêu và sự thật… vẫn còn là một ước mơ xa vời, một con đường đang còn ở phía trước.

            Sở dĩ chọn cột mốc thời gian “1925” bởi vì vào đúng ngày 11.12.1925, ĐGH Pio XI, qua Tông thư “Quas Primas”, đã quyết định thiết lập lễ Đức Kitô Vua vũ trụ với chủ ý: qui hướng toàn nhân loại trong Vương quốc tình yêu của Đức Kitô, một nhân loại sau những tàn phá khủng khiếp về vật chất cũng như tinh thần của cuộc thế giới đại chiến lần thứ nhất (1914-1918) và đang rơi vào một toàn cảnh xã hội đầy rạn nứt, phân rẽ, hận thù, mất niềm hy vọng… Vâng toàn thể nhân loại phải được “tái tạo” theo ánh sáng Tin Mừng và quy tụ lại thành một đoàn dân duy nhất trong Vương quốc của Vua Kitô, Đấng là Đường, Sự thật, Sự sống…

            Từ ý nghĩa mang tính “mục vụ xã hội” đó, đến năm 1970, Giáo Hội quyết định đặt đại lễ Kitô Vua vào Chúa Nhật cuối cùng của Năm Phụng vụ để “gia trọng” ý nghĩa vốn đã rất phong phú của lễ Kitô Vua: Chúa Giê-su Kitô chính là đĩnh cao, là điểm đến của một chặng đường sống đức tin của Dân Chúa, một chặng đường phụng vụ tôn thờ mà lời vinh tụng kết thúc Kinh Nguyện Thánh Thể đã diễn tả trọn vẹn nội dung ý nghĩa nầy: “Chính nhờ Người, với Người và trong Người mà mọi danh dự và vinh quang đều quy về Chúa là Cha toàn năng trong sự hợp nhất của Chúa Thánh Thần đến muôn đời. Amen !”.

            Hôm nay, Chúa Nhật cuối cùng của Năm Phụng vụ, một lần nữa cộng đoàn chúng ta họp mừng long trọng đại lễ Chúa Kitô Vua vũ trụ, một lần nữa cùng lắng nghe sứ điệp Lời Chúa muốn khơi gợi lên trong tâm hồn để rút ra những bài học ứng dụng vào cuộc sống theo Chúa Kitô và góp phần tích cực xây dựng “Vương quốc Nước Trời”.

            Bài học đầu tiên mà Lời Chúa muốn nói với chúng ta đó chính là sự tùng phục và trung thành với Chúa Kitô. Cộng đoàn chúng ta có thể nhận ra y nghĩa này qua trích đoạn sách Samuel tường thuật việc toàn dân Israel truy nhận Đavít làm vua khi họ “tìm đến với ngài tại Hebron” và tuyên xưng mệnh lệnh Chúa truyền cho Đavít: “Chính ngươi sẽ chăn dắt Israel dân Ta, và sẽ trở nên thủ lãnh Israel’”. Và thái độ tùng phục và trung thành dành cho vua Đavít đã được cụ thể hóa qua một bản giao ước và một nghi lễ phụng vụ để ấn chứng: Vậy tất cả các vị kỳ lão Israel đều đến tìm nhà vua tại Hebron, và tại đó, vua Đavít ký kết với họ một giao ước trước mặt Chúa. Họ liền xức dầu phong Đavít làm vua Israel.

            Đứng trước một Israel rệu rã, yếu hèn khi đối diện với các thế lực lân bang hùng mạnh, trước một vua Saolê đang hồi mất uy tín…, dân Israel đã mơ về bóng dáng oai hùng của một Đavít, một vị vua xứng đáng chấp chính vương triều Israel để quy tụ lòng dân và xây dựng một Israel hùng cường vĩ đại… Và, như Kinh Thánh đã chứng thực, niềm hy vọng vào “vương triều Đavít” của dân Israel đã được đáp ứng; không những với tài kinh bang tế thế của Đavít mà còn với độ cường thịnh ngút ngàn của vương quốc Israel do vua Đavít lãnh đạo (1 Sb 18,1-14; 2 Sm 8,15-18). Quả thật, nếu Đavít là một vị “vua tồi”, bất trung, và dân Israel chia rẽ, không hết lòng đoàn kết lụy phục thì vương quốc Israel cũng sẽ rơi vào “vết xe đổ” của vương triều Saolê !

            Quả thật, bài học nầy, bài học “vua tôi một lòng một ý”, tùng phục, tín trung… chưa bao giờ lỗi thời, dầu để áp dụng cho các thể chế phàm tục hay các định chế thiêng liêng. Riêng Giáo Hội Chúa Kitô, một định chế vừa mang yếu tố phàm trần vừa “không thuộc về thế gian”, nên luôn cần bài học tùng phục và tín trung, luôn cần “một đoàn chiên quy tụ chung quanh và lụy phục một chủ chiên chính là Chúa Kitô” mà Đavít chính là hình bóng tiên trưng, như chính Chúa Kitô đã từng tuyên bố: “Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử” (Ga 10,16).

            Sở dĩ thế giới hôm nay vẫn còn chìm ngập trong thương đau và hận thù, trong chiến tranh và đố kỵ… bởi rất đông những người cùng tin vào Đức Kitô nhưng không tùng phục và trung tín với Ngài và với chân lý Phúc Âm mà Ngài truyền giảng. Thật vậy, những người Nga và Ukraina đều mang danh Kitô hữu nhưng đang bắn giết nhau từng ngày không thương tiếc. Rồi những anh chị em Kitô giáo và Hồi Giáo ở Trung Đông, Châu Phi, Á Rập cũng đều tin nhận Chúa Kitô theo cách của riêng mình, nhưng đang tìm cách loại trừ nhau với muôn ngàn cách… Đức Kitô chỉ còn là một “lá bùa hộ mệnh” hay chỉ là một cái cớ để biện minh cho những hành động quái ác của họ. Ngay cả ở giữa lòng Hội Thánh cũng đang nổi cộm bao gương mù gương xấu của chia rẽ, bất tuân, phản bội…, đầy dẫy những “cành nho không trái héo khô vì tách khỏi thân nho” (Ga 15, 4.6).

            Đến với Vua Kitô, ký giao ước với Ngài và trung thành lụy phục với giao ước đó chính là con đường duy nhất phải đi và phải chọn lựa; sứ điệp đầu tiên của lễ Chúa Kitô Vua là đó !

            Thế nhưng, câu chuyện Đavít được xức dầu làm vua và Vương triều Israel thống nhất cường thịnh nhờ được vua Đavít chăn dắt, như đã nói, chỉ là hình bóng tiên trưng để báo trước một “Đấng được xức dầu khác”, một vị “Kitô” đến sau thuộc dòng tộc Đavít, đó chính là Đức Giêsu người Nadarét, một chàng thợ mộc nghèo khó, một Rabbi hay một “tiên tri” không có viên đá gối đầu; và còn tệ hơn thế nữa: một ông vua bị đóng đinh nhục nhã trên thập giá… !

Thật vậy, Lời Chúa qua Tin Mừng Luca vừa được công bố lại muốn trình bày hay mạc khải dung mạo Vua Kitô qua thân phận của một tên tử tội bị đóng đinh trên thập tự giá: Sau khi đóng đinh Ðức Giêsu vào thập giá, dân chúng đứng nhìn, còn các thủ lãnh thì buông lời cười nhạo:… “Nếu ông là vua dân Do Thái thì cứu lấy mình đi!” Phía trên đầu Người, có bản án viết: “Ðây là vua người Do Thái”.

Ai mà tin được tên tử tội “thân tàn ma dại” bị treo trên thập giá kia là Vua !

Nhưng lạ lùng thay ! Chính trong lúc tưởng như cả rừng người trên Đồi Sọ hôm ấy đã thất vọng hoàn toàn về “tên tử tội Giêsu cứ lặng thinh trên thập giá”, mặc bao lời thách thức và lăng nhục: “Nếu ông là vua dân Do thái, thì hãy cứu lấy mình đi…”, thì vẫn còn có, ít là một người,  hướng về phía “Người tử tội đáng thương” kia để nhận ra “đó chính là Vị Vua đích thật và Vương Quốc của Ngài đang thực sự mở ra”. Vâng, người trộm bên hữu, sau khi trách mắng “tên đồng đảng xấc xược”, anh ta đã quay về phía Người tử tội đang hấp hối Giêsu và thưa lên những lời mà hầu chắc không xuất phát từ con người bệ rạc tội lỗi của anh nhưng từ một “miền xa xăm sâu thẳm” nào khác: “Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi”. Và anh đã không thất vọng khi nhận được hồi đáp: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên thiên đàng”.

Cùng với hồng ân của Thiên Chúa, phải chăng chính lòng khiêm hạ của trái tim ăn năn sám hối đã làm cho đôi mắt tâm hồn của tên trộm mở ra để nhìn thấy một điều kỳ diệu mà biết bao người không thể thấy được, để tin vào một nhiệm mầu mà không phải ai cũng có thể tin! Và đó chính là cách thế, là con đường, là sự chọn lựa căn bản để con người có thể đón nhận  mặc khải của Thiên Chúa, để khám phá được Vương quyền của Đức Kitô, và để được đi vào Vương quốc thần linh của Ngài: phải ăn năn sám hối, phải khó nghèo khiêm hạ, phải trở nên bé nhỏ: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều nầy, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn” (Mt 11,25). Đây chính là bài học thứ hai, và cũng là trọng tâm ý nghĩa của sứ điệp lễ Chúa Kitô Vua !

Như vậy, khi mừng lễ Chúa Kitô Vua hôm nay, chúng ta hoàn toàn có lý do để tri ân cảm tạ: cảm tạ vì được Chúa thương cho chúng ta được làm công dân trong Vương Quốc Chúa Kitô với danh dự và ân sủng cao vời như Thánh Phaolô khơi gợi cho cộng đoàn Côlôsê: “Anh em hãy vui mừng cảm tạ Chúa Cha, đã làm cho anh em trở nên xứng đáng chung hưởng phần gia nghiệp của dân thánh trong cõi đầy ánh sáng. Người đã giải thoát chúng ta khỏi quyền lực tối tăm, và đưa vào vương quốc Thánh Tử chí ái;trong Thánh Tử, ta được ơn cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi …”.

Cùng với tâm tình tri ân cảm tạ, lễ Chúa Kitô Vua còn mời gọi chúng ta sống thái độ cậy trông phó thác với một trái tim khiêm hạ khó nghèo.

Trong những ngày này, gần như cả thế giới đang hướng về đất nước Ukraina đang chìm trong khói lửa chiến tranh; và có một hình ảnh mà từ những ngày đầu cuộc chiến đã khiến cả thế giới suy nghĩ và mang theo một sứ điệp tin yêu và hy vọng: hình ảnh một cậu bé Ukraina cầu nguyện trước cây Thánh Giá…! Vâng, trên thế giới nầy, vũ trụ nầy, chẳng có một ai hay quyền lực nào có thể cứu chúng ta, có thể ban cho chúng ta một thế giới, một vương quốc khỏi đau thương và sự chết; một vương quốc của bình an và hạnh phúc đích thực… ngoài Vua Kitô và Vương quốc thuộc về Ngài; Vương quốc mà Ngài đã hứa chắc cho tên trộm bị đóng đinh bên hữu biết mở lòng để tin tưởng cậy trông: “Hôm nay con sẽ trên thiên đàng với Ta”. Amen.

Giuse Trương Đình Hiền