LỜI VÀ “ĐIỀU CHỈNH LẠI CÁNH BUỒM CUỘC SỐNG”

Views: 43

(CHÚA NHẬT XV THƯỜNG NIÊN A 2023)

            Chúa Giêsu đã từng khẳng định với các môn sinh của mình: “Lời Thầy nói với anh em là thần khí và là sự sống” (Ga 6,63); và cũng để biểu lộ “dáng đứng của Thần khí” sau khi từ cõi chết sống lại, Ngài đã “thổi hơi”: Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20,22). Như vậy, có thể nói được rằng, Lời Chúa, Thần Khí có liên hệ mật thiết với nhau và với sự sống đức tin của mỗi người. Không đón nhận Lời cũng có nghĩ chối từ Thần Khí; và một tâm hồn không Thần Khí là “mảnh đất hoang toàn không giọt nước”. Vì thế, sứ điệp Lời Chúa của phụng vụ Chúa Nhật 15 TN A muốn nói với chúng ta về “thái độ trước Lời Chúa”, vừa trong tư thế “đón nhận hạt giống Lời”; vừa trong thái độ “mang Lời đi gieo” !

            Khi nói đến ý nghĩa nầy, tôi chợt nhớ đến một câu châm ngôn về “gió” (cũng là biểu tượng của Thần Khí) mang tính ngụ ngôn của William Arthur Ward: Người bi quan phàn nàn về cơn gió. Người lạc quan chờ đợi nó đổi chiều. Người thực tế điều chỉnh lại cánh buồm.

            Chúng ta có thể thêm vào đằng sau chữ “người” hai chữ “tín hữu” và thay “chữ “gió” bằng chữ Lời, thì chúng có ngay câu tục ngữ mang chiều kích đức tin: “Người tín hữu bi quan thì phàn nàn về hiệu quả của Lời. Người tín hữu lạc quan thì chờ đợi Lời thay đổi thế giới. Người tín hữu thực tế điều chỉnh lại cánh buồm cuộc đời mình”.

            Trước hết, Lời Chúa phải được chúng ta tin nhận đó là Lời Hành Động, Lời hiệu quả, Lời mang lại ơn cứu độ, chứ không bao giờ là một lời của gió thoảng mây bay, lời của hoang vu trống rỗng.

            Để khẳng định chân lý nầy, chúng ta hãy nhớ lại lời của sứ ngôn Isaia trong Bài đọc 1 vừa được công bố: “Như mưa tuyết từ trời rơi xuống và không trở lên trời nữa, nhưng chúng thấm xuống đất, làm cho đất phì nhiêu, cây cối sinh mầm, cho người gieo có hạt giống, cho người ta có cơm bánh ăn, cũng thế, lời từ miệng Ta phán ra sẽ không trở lại với Ta mà không sinh kết quả, nhưng nó thực hiện ý muốn của Ta, và làm tròn sứ mạng Ta uỷ thác”.

            Và không chỉ “xuất phát từ miệng Ta” như một âm thanh, như một tiếng nói, cho dù là tiếng nói sáng tạo: “Thiên Chúa phán: – Phải có ánh sáng. Liền có ánh sáng” (St 1,3), hay tiếng nói tình tự vỗ về của người yêu: “Bởi thế, nầy Ta sẽ quyến rũ nó, đưa nó vào sa mạc để cùng nó thổ lộ tâm tình” (Hs 2,16), mà là một sự “xuất phát”, một cuộc lên đường, nhập thế, tự hạ… để “Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta…” (Ga 1,14).

            Với cuộc mặc khải tối hậu nầy, quả thật Lời Chúa đã cô đọng thành xương, thành thịt, thành người, thành “ngôi vị” và là Đấng tái tạo, Đấng Cứu độ thế giới.

Đức Kitô chính là Ngôi Lời Nhập Thể, là Lời vâng lệnh Chúa Cha xuống thế làm người, là Lời loan báo Tin Mừng bình an, là Lời Chân lý, là Lời đem lại sự sống đời đời. Ngài là Lời nhưng Ngài cũng chính là người đi rao giảng Lời, là Người công bố Tin Mừng Nước Thiên Chúa, là Người mang hạt giống chân lý tình yêu và cứu độ gieo vào mảnh đất trần gian. Ý nghĩa đầu tiên mà Chúa Giêsu muốn nhắm tới trong dụ ngôn “Gieo Giống” phải chăng là muốn cho dân Ít-ra-en ngày xưa và chúng ta hôm nay xác tín rằng: Nước Trời chắc chắn sẽ đến và “Lời loan báo về Nước Trời” chắc chắn sẽ sinh hoa kết trái, cho dù phải kinh qua khó khăn thử thách, vất vả hiểm nguy, chẳng khác nào người gieo giống phải đối diện với những “sỏi đá khô cằn, những bụi bờ gai góc, tưởng đâu hạt giống sẽ bị vùi dập, nghiền nát, và người gieo phải thất bại trắng tay. Nhưng rồi, mùa gặt bội thu lại đến mang theo rạng rỡ vui mừng, “hạt một trăm, hạt sáu mươi, hạt ba mươi…”

Thế nhưng, chúng ta có quyền tự hỏi: lẽ nào điều Chúa Giêsu muốn ngụ ý trong dụ ngôn nầy là chính cuộc đời và sứ vụ của mình? Cũng có thể lắm đấy chứ ! Ngay từ phút giây Nhập Thể vào mảnh đất trần gian, Lời Thiên Chúa đã chẳng đụng ngay con đường Bêlem sỏi đá, khô chồi đến độ, mọi cánh cửa nơi đó đều khép chặt để Ngài phải sinh hạ trong chuồng lừa máng cỏ đó sao ! Và rồi, trái tim nhân loại đâu có phải lúc nào cũng trỗ hoa để mỉm cười đón đợi Đấng Cứu Thế. Hêrôđê, Philatô, những người biệt phái, các ông tư tế của đền thờ không chỉ là những thế lực có thể bóp nát chính bản thân Ngài, nhưng còn có đủ quyền uy để bóp ngặt không để cho một mầm mống nào của chân lý do Ngài rao giảng được tồn tại, phát sinh. Trong suốt ba năm dãi dầu sương gió, từ Bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây, từ duyên hải Biển Hồ đến giữa lòng hoang mạc… Ngài đã cất công tung gieo hạt giống Lời Chúa. Nhưng kìa, tất cả gần như sụp đổ tan tành vào buổi trưa thứ Sáu: “Đóng đinh nó đi, đóng đinh nó đi… Xin tha Baraba, đóng đinh Giêsu vào thập giá…”. Vâng, có lẽ do áp lực của miếng cơm manh áo, của vị thế chính trị, của nhưng “lo toan vặt vãnh đời thường”, mà gai góc đã phủ kín mảnh đất tâm hồn của đám dân vô tội ấy để Lời chân lý họ đã nghe và thán phục hôm nào “Người nầy dạy như Đấng có uy quyền”, đã “đội nón ra đi”, đã bị bóp nghẹt từ trong trứng nước ! Phải chăng bi kịch thập giá là điểm hội tụ của tất cả những gì bi đát nhất của thân phận người gieo giống, của cuộc đời làm ngôn sứ của Chúa Giêsu…

Nhưng tiếng nói cuối cùng lại không là sự chết và đích điểm của Nước Trời lại không phải nấm mồ. Hạt giống Nước trời mà Chúa Giêsu gieo vào giữa lòng thế giới đã mục nát đi cùng với 33 năm cuộc đời nhập thể, với cái chết đau thương của Ngài, đã không luống công vô ích. Vào bình minh ngày Thứ Nhất Trong tuần, “hạt giống bị vùi dập Kitô” đã oai hùng chỗi dậy đánh bại thần chết và tội lỗi để mang nhân loại đi lên một lộ trình mới: lộ trình của  phục sinh, tin yêu và hy vọng. Tất cả đã từ từ vươn dậy. Để rồi xuyên qua bao thăng trầm dâu bể của lịch sử, hôm nay đã có một mùa lúa tốt tươi trên cánh đồng thế giới và hứa hẹn sẽ vàng đồng đầy kho nứt lẫm trong ngày thế mạt.

Đây cũng là niềm xác tín mà Thánh Phaolô muốn chuyển tải cho cộng đoàn tín hữu Rôma trong những ngày dầu sôi lửa bỏng của bách hại thương đau: “Nhưng không phải chỉ có các tạo vật, mà cả chúng ta là những kẻ hưởng ơn đầu mùa của Thánh Thần, chúng ta cũng rên siết trong khi ngóng chờ phúc làm nghĩa tử và ơn cứu độ thân xác chúng ta” (Bđ 2)

Và đó là con đường của Lời suốt 2000 năm nay, kể từ khi Hạt Giống Ngôi Lời chấp nhận chịu mục nát trên đồi Can-vê và muôn thế hệ Tông Đồ, chứng nhân nối tiếp cùng chấp nhận theo Đức Ki-tô làm “hạt lúa mì” mục nát đi trên cánh đồng thế giới. Để đức tin, để ơn cứu độ được đến với muôn người, muôn dân tộc, cần có những con người gieo giống tốt lànhnhững hạt giống tốt được gieo.

Vì thế, nếu Lời Chúa hôm nay không cho phép chúng ta đánh mất niềm tin yêu và hy vọng trong sứ vụ loan báo Tin Mừng, thì đồng thời, Lời Chúa cũng tra vấn chúng ta, thách thức chúng ta: Chính bản thân tôi đã đón nhận Lời Chúa thế nào ? Lời Chúa đã thật sự phát sinh hiệu quả ra sao trong mảnh đất của đời tôi ? Bởi vì Lời Thiên Chúa là Lời sống động kia mà ! Lời không chỉ là ngôn từ mà còn phải trở thành ngôn ngữ của cuộc sống.

Trong Tông sắc Aperuit Illis (Ngài đã mở trí cho họ) để thiết lập Chúa Nhật Lời Chúa, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã lưu ý: Chính Chúa Giê-su khẳng định điều đó một cách rõ ràng lúc khởi đầu sứ vụ: “Hôm nay đã hoàn thành đoạn Kinh Thánh mà anh chị em vừa nghe” (Lc 4, 21). Kẻ được nuôi dưỡng mỗi ngày bằng Lời Chúa, cũng giống như Chúa Giê-su, làm cho mình trở thành người đồng thời với những con người mà mình gặp gỡ; nó không bị cám dỗ rơi vào những nỗi nhớ khô cằn của quá khứ, cũng như những ảo vọng không tưởng hướng về tương lai.” (Số 12)

Nói cách khác, phải biến cuộc sống trở nên lời chứng sống động của Lời Chúa. Phải cất đi những góc gai sỏi đá và cày xới liên tục bằng hy sinh nguyện cầu để biến cuộc đời thành mảnh đất mở màu cho Lời Chúa kết trái đơm hoa; hay như “ngụ ngôn về gió” của William Arthur Ward… “điều chỉnh lại cánh buồm cuộc đời mình”. Vâng, chỉ như thế, thì như Đức Phanxicô khẳng định trong “Aperuit Illis”: Lời Chúa không còn là “nỗi nhớ khô cằn của quá khứ” hay “ảo vọng không tưởng của tương lai”, mà Lời Chúa chính là hôm nay và bây giờ. Amen.

Trương Đình Hiền