Views: 45
(Lễ Đức Mẹ Fatima – Bổn mạng Legio giáo xứ Tân Dinh – 13.5.2024)
Dẫn nhập đầu lễ:
Cách đây đúng 107 năm (13.5.1917), tại làng và cũng là giáo xứ Fatima thuộc miền Trung nước Bồ Đào Nha, Đức Maria đã hiện ra với 3 em bé chăn cừu là Lucia, Phanxicô và Giacinta. Biến cố này xảy ra trong bối cảnh của một nước Bồ Đào Nha Công giáo gần như toàn tòng vừa trải qua một cuộc cách mạng của nhà nước độc tài quân sự vô thần (1911-1916) mà hậu quả có khoảng 17.000 linh mục và tu sĩ bị giết, giáo dân bị khủng bố cấm cách, toàn thể nhà thờ, tu viện bị triệt hạ hoặc đóng cửa, không ai dám đi lễ, tượng Chúa, Đức Mẹ, các thánh bị chà đạp giữa đường phố… Đó cũng là thời điểm mà Nước Nga xảy ra cuộc cách mạng Cọng sản (1917) và toàn thể Âu Châu đang diễn ra cuộc Đại Chiến thế giới lần I (1914-1918)…
Chính trong bối cảnh đau thương tan nát vừa đạo vừa đời đó, Đức Mẹ đã hiện ra tại làng Fatima để truyền cho thế giới một sứ điệp với 3 điều cơ bản: Ăn năn sám hối, Lần hạt Mân Côi, Tôn sùng Trái tim Vô Nhiễm Đức Mẹ; và sứ điệp này Đức Mẹ nhờ 3 em bé nhà quê chuyển đạt cho thế giới như một phương thế chữa lành, một con đường giải thoát…
Chắc chắn khi chọn danh hiệu Đức Mẹ Fatima, nhất là với Thánh lễ mừng bổn mạng Mẹ Fatima hôm nay, anh chị em Legio Mariae giáo xứ Tân Dinh muốn trở thành những người chuyển tải sứ điệp Fatima cho anh chị em mình, cũng như để chính mình sống trọn vẹn sứ điệp đó.
Chia sẻ Lời Chúa:
Khi nói đến cuộc hiện ra của Đức Mẹ với 3 em bé chăn cừu ở Fatima ngày 13.5.1917 và liên tiếp các ngày 13 mỗi tháng sau đó cho đến lần cuối cuối cùng là 13.10.1917, người ta hay nhắc đến “3 bí mật Fatima” mà Đức Mẹ nhắn gởi riêng cho chị Lucia, người lớn tuổi và sống lâu nhất trong số 3 em bé, sau này là nữ tu Dòng kín Cát Minh. Ba bí mật đó là:
– Thứ nhất: Hình ảnh khủng khiếp về hỏa ngục với ma quỷ và các tội nhân đang ở đó.
– Thứ hai: thế chiến II và sự sụp đổ của chủ nghĩa cọng sản. Giáo Hội và ĐGH bị bách hại.
– Thứ ba: Vị Giám mục áo trắng (ám chỉ ĐGH) bị giết cùng với nhiều linh mục, tu sĩ, giáo dân…
– Về bí mật thứ nhất: hỏa ngục: thật ra, đây chỉ là bổ túc cho mạc khải về hỏa ngục trong kho tàng mạc khải (Thánh Kinh & Thánh Truyền) của Giáo Hội.
– Về bí mật thứ hai: Thế chiến II (xảy ra sau biến cố Fatima 22 năm: 1939-1945; sự sụp đổ của chủ nghĩa Cọng sản (Liên Sô): năm 1991: sau biến cố Fatiama 74 năm: năm 1990 Tổng bí thư Đảng Cọng sản Nga Mikhail Gorbachev trở thành Tổng Thống cùng với chương trình Tự do ngôn luận (Glasnost) và kinh tế thị trường (Perestroika) đã khiến Liên bang sô viết sụp đổ (1991) cùng với bức tường Bá Linh sau đó với toàn thể hệ thống xã hội chủ nghĩa khắp thế giới…
– Về bí mật thứ ba: Giám mục áo trắng… bị giết: Đúng ngày 13.5.1981 (Sau biến cố Fatima 64 năm) Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bị ám sát tại quảng trường Thánh Phêrô. May mắn, Đức Trinh nữ Maria Fatima đã cứu sống ngài; một năm sau, chính ĐGH Gioan Phaolô II đã hành hương và đặt viên đạn lấy ra từ thân thể ngài lên triều thiên của tượng Đức Mẹ Fatima…
Sở dĩ nhắc lại các bí mật Fatima là để chúng ta xác tín hơn về vai trò của Đức Mẹ trong mầu nhiệm Hội Thánh và ơn cứu độ. Vâng, việc Đức Mẹ hiện diện bên cạnh Chúa Con và Nhiệm thể của Ngài trong lịch sử cứu rỗi đã được Lời Chúa xác quyết rõ ràng: Riêng trong mùa Phục sinh này, chúng ta được sách Công vụ Tông đồ ngay từ những trang đầu đã cho thấy sự hiện diện của Đức Mẹ bên cạnh các Tông đồ và các môn sinh của Chúa ngay từ những phút giây Chúa vừa về trời, khi họ họp nhau tĩnh tâm, cầu nguyện đợi chờ Chúa Thánh Thần hiện xuống: “Mọi người đều đồng tâm kiên trì cầu nguyện cùng với người phụ nữ, và bà Maria Mẹ Chúa Giêsu với các anh em Người”. Trong khi đó, thư gởi giáo đoàn Galata đã khẳng quyết về vai trò quyết định của việc Đức Maria khi được chọn làm Mẹ Đấng Cứu Thế để mang ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại: “Khi đã tới thời gian đầy đủ, Thiên Chúa đã sai Con Ngài sinh hạ bởi người phụ nữ, sinh dưới chế độ Lề Luật, để cứu chuộc những người dưới chế độ Lề Luật”.
Như vậy có thể tuyên xưng một cách mạnh mẽ xác tín rằng: ngay từ giây phút Chúa Con từ trời xuống thế và cho đến khi Con Chúa từ dưới thế lên trời, hình ảnh và sự hiện diện của Đức Mẹ không khi nào vắng bóng. Và trên con đường lữ hành của Dân Chúa từ suốt 2000 năm nay, đâu đâu cũng thấy bóng dáng Mẹ hiện diện trên mọi nẻo đường: từ Lộ Đức tới La Vang, từ Fatima tới Trà Kiệu, từ Mễ Du sang Tà Pao, từ Częstochowska Ba Lan đến Guadalupe Mêhicô hay từ Măng đen vô Núi Cúi…; nơi nào Đức Mẹ cũng động viên, yên ủi, hướng dẫn và cầu nguyện cho Giáo Hội và với Giáo Hội…
Nếu người phụ nữ trong Tin Mừng Luca đã nhận ra cái vĩ đại, cao trọng của “Người phụ nữ đã sinh và cho Thầy bú mớm”, thì sứ điệp Fatima một lần nữa muốn con cái Mẹ hôm nay càng ý thức vai trò và tình mẫu tử của Trái Tim Mẹ hiền để siêng năng chạy đến với Mẹ nhất là bằng lời Kinh Mân Côi. Và nếu Con Mẹ đã xác nhận rằng: “Những ai nghe và giữ lời Chúa thì có phúc hơn”, thì sứ điệp Fatima một lần nữa muốn nói với chúng ta hôm nay rằng: trong khi có quá nhiều người quay lưng lại với Lời Chúa và những giá trị của Tin Mừng, của Lề Luật Thánh, thì các Kitô hữu, đặc biệt các hội viên Legio Mariae, càng phải là chứng nhân của việc hoán cải nhờ Lời Chúa, thực hành luật bác ái và sự công chính mới của Tin Mừng Phúc thật…
Nếu Đức Mẹ Fatima đã nhờ 3 bé mục đồng nhà quê chuyển tải sứ điệp hoán cải và cầu nguyện cho thế giới thì hôm nay, Đức Mẹ cũng đang nhờ các anh chị em Legio quê mùa đạo đức, những em bé Junior hồn nhiên chân chất… nhưng mang trái tim đạo đức nhiệt thành để chia sẻ cho mọi người, nhất là những người còn ngồi trong bóng tối sự chết, Tin Mừng cứu độ và niềm hy vọng phục sinh… mà sự biểu hiện cụ thể đó là Lời Kinh Mân Côi sốt sắng và lòng sám hối chân thật.
Ước gì mỗi hội viên Legio Mariae, ngày hôm nay và luôn mãi, lặp lại lời cầu nguyện và cam kết mà anh chị em vẫn thường nói lên trong ngày lễ Acies: Lạy Mẹ Maria là Mẹ con! Toàn thân con thuộc về Mẹ và mọi sự của con là của Mẹ (Maria, Totus Tuus). Đây cũng chính là khẩu hiệu Giáo Hoàng của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II: Totus Tuus. Vâng, ngài chính là vị Giáo Hoàng mà Đức Mẹ Fatima đã “lái viên đạn đi chệch hướng để cứu sống” tại quảng trường Thánh Phêrô hầu trở nên khí cụ làm tiêu tán cơn sóng thần duy vật vô thần của thế kỷ 20 khi bức tường Bá Linh bị sụp đổ!
Trương Đình Hiền