EPHPHATA: MỆNH LỆNH CỦA TÌNH YÊU

Views: 62

(Chúa Nhật 23 TN năm B 2021)

Hôm nay, có rất nhiều người trên thế giới, không kể lương giáo, cùng nhớ đến một người, một nữ tu Công Giáo, một trong những vĩ nhân của thế kỷ 20: Thánh nữ Têrêsa Calcutta, người lãnh giải Nobel Hoà Bình năm 1979. Bởi vì hôm nay chính là ngày “sinh nhật trên trời của Ngài” cách đây 24 năm: 5.9.1997.

            Nhắc đến “vị Thánh của người nghèo” nầy, chúng ta chợt nhớ đến một lời mời gọi, một tiếng kêu tha thiết của Ngài: “Ta khát” ! Đó là tiếng kêu của Chúa Giêsu trên Thánh giá. Ngài không khát nước mà khát Tình yêu. Điều mà chúng tôi phải thực hiện là giải khát cho Ngài”.

            Vâng, “xoa dịu cơn khát cho Chúa” phải chăng là tiếng kêu, tiếng thét của một nữ tu già nua ốm yếu vang lên cho thế giới, cho Giáo Hội, cho mỗi người chúng ta; một tiếng kêu, tiếng thét đã đánh động lương tâm, của biết bao người để dấn thân cho công cuộc thực hành bác ái yêu thương nơi những người nghèo, những bệnh nhân và những kẻ đang vất vưởng bệ vệ đường cuộc sống…

            Qua các trích đoạn Lời Chúa mà chúng ta vừa nghe, đặc biệt với bài Tin Mừng, chúng ta có thể nhận ra: sứ điệp Lời Chúa hôm nay cũng mang “dáng đứng” của một tiếng thét, một lời khẩn nguyện lớn tiếng của Đấng Thiên Chúa làm người: Tiếng kêu “EPHPHATA – HÃY MỞ RA”.

Có thể nói được “Ephphata” chính là “Tin vui”, “Tin mừng”, là “niềm hy vọng”…; mà nếu hiểu như thế, thì quả thật, trong suốt chiều dài lịch sử cứu độ, sứ điệp “EPHPHATA” đã không ngừng vang lên qua các ngôn sứ; và dĩ nhiên, sứ điệp nầy không bao giờ là chuyện “rủi may”, “hên xui” hay chỉ là ảo vọng hảo huyền của những con người “mê tín dị đoan”, mà là một “ước giao vững bền”, một hiện thực ắp đầy của tình yêu quan phòng từ một Thiên Chúa giàu lòng thương xót !

            Thật vậy, trước khi có “ngón tay và lời quyền năng của Đấng Emmanuel đụng chạm và vang lên nơi người câm điếc ở miền Thập tỉnh gần Galilê, thì hơn 700 năm trước, trong bối cảnh đen tối của đất nước Israel, sứ điệp “EPHPHATA” đã từng vang lên qua môi miệng của ngôn sứ Isaia: “Can đảm lên, đừng sợ! Này đây Thiên Chúa các ngươi đến để phục thù. Chính Người sẽ đến và cứu thoát các ngươi. Bấy giờ mắt người mù sẽ sáng lên, và tai người điếc sẽ mở ra. Bấy giờ người què sẽ nhảy nhót như nai, và người câm sẽ nói được…”. Chính những “lời an ủi” và “sứ điệp giải thoát” đó đã nuôi dưỡng niềm tin cho Dân Chúa chọn, để họ vượt qua bao khổ ải gian truân trên muôn nẻo đường lịch sử; và để họ ước mơ và hy vọng hướng tới ngày quang lâm của một Đấng Mêsia, “Đấng nhân danh Chúa mà đến” !

Và rồi, những gì chỉ có trong ước mơ và dự báo của một thời Cựu ước, thì lại được hiện thực nơi chính Đức Kitô, Người Thợ Mộc vô danh đến từ Nadarét. Tin Mừng Thánh Máccô hôm nay tường thuật rằng: chính Đức Giêsu-Kitô, Đấng đã đến dùng bàn tay uy quyền “đụng chạm” vào thân phận bệnh hoạn tật nguyền, điếc lác, câm nín của một người, một người “vừa câm vừa điếc”; tiếng “EPHPHATA” quyền năng của Ngài đã “chữa lành, giải thoát” để anh bắt đầu một cuộc đời mới trong ánh sáng và niềm tin, trong yên vui và hạnh phúc.

Tuy nhiên, trong dấu lạ chữa lành người câm điếc nầy, thánh sử Máccô còn gởi gắm vào đó nhiều ý nghĩa thâm thuý liên quan đến mỗi người chúng ta:

Chúa Giêsu từ địa hạt Tyrô, qua Siđon, đến gần biển Galilêa giữa miền thập tỉnh: Nói theo ngôn ngữ của ĐGH Phanxicô trong tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, thì qua những địa danh trên, quả thật Chúa Giêsu đã đi đến những “vùng rìa thế giới”, những “vùng ngoại vi”. Và đó cũng là địa chỉ của Hội Thánh, của mỗi người chúng ta hôm nay cần phải đến trong hành trình truyền giáo, Tân Phúc Âm hoá: “Mỗi Kitô hữu và mỗi cộng đoàn phải nhận ra con đường mà Chúa chỉ cho, nhưng tất cả chúng ta phải vâng theo tiếng gọi của Ngài là ra đi từ vùng đất tiện nghi của mình để đến với mọi vùng “ngoại vi” đang cần ánh sáng Tin Mừng.” (EG số 20).

– Người ta đem một kẻ câm điếc đến cùng Người và xin Người đặt tay trên kẻ ấy: “Người ta đem…”… và “người ta xin…”. “Người ta” ở đây sao mà dễ thương, sao mà quý hoá ! Trong mùa đại dịch Covid nầy, thế giới đang cần loại “người ta dễ thương” đó ! Vâng, đó là những con người như cô gái nghèo thất học trong đội “Siêu Shipper” của các nữ tu Dòng Đức Bà, với chiếc xe gắn máy cà tàng, hằng ngày xông pha, bất kể nặng nhọc, lây nhiễm để mang lương thực cho những gia đình đói khổ…; hay như người nữ tu già yếu Têrêsa Calcutta, dành cả một cuộc đời để yêu thương và phục vụ những người nghèo, những bệnh nhân, những người bị bỏ rơi bên vệ đường cuộc sống…

Người đem anh ta ra khỏi đám đông: Vâng, nơi nào, thời nào, cũng có những loại “đám đông dễ ghét”, ồn ào, a dua, hổn loạn… Phải “ra khỏi đám đông” dòng tộc, quê hương như Abraham; phải “ra khỏi đám đông” là đô thành, hoàng cung để vào hoang mạc Madian như Môsê, phải bỏ thành thị nơi đầy dẫy những kẻ bất trung, bội giáo để chạy lên núi Horeb như Êlia; phải bỏ đám đông của “tà tà mặt đất” để như các Tông Đồ lên núi Tabo….

Vâng, phải “ra khỏi đám đông” mới có cơ hội diện kiến Chúa, mới gặp gỡ “tay đôi” với Đấng là Mục tử nhân lành để từ đó “biến hình”, để từ đó “làm lại từ đầu”, để từ đó được tái tạo trong tình yêu và ân sủng. Mùa đại dịch Covid nầy, nếu đặt trong viễn tượng của câu Phúc Âm trên, thì quả thật, chúng ta đang có điều kiện thuận tiện để “ra khỏi đám đông”, khỏi những “ồn ào bon chen tất bật…” để dễ dàng gặp gỡ đối diện với Chúa !

– Ngài “đặt ngón tay vào tai anh”: Nếu có nhiều lần chúng ta để Lời Chúa ngoài tai, thì hôm nay, chúng ta cần để “ngón tay Lời Chúa chạm vào tai”, cần khao khát đọc và lắng nghe Lời Chúa trong gia đình, trong thinh lặng cá nhân để nuôi dưỡng và làm cho đức tin vững mạnh, như tự sắc Aperuit Illis của ĐGH Phanxicô; bởi nếu không “thì trái tim vẫn còn lạnh và những con mắt vẫn còn đóng kín, bị ghi dấu như vô số hình thức của sự mù lòa” (Aperuit Illis số 8); hay như lời cầu nguyện của Thánh Augustino: “Chúa gọi con, Chúa la to, và đã phá tan sự điếc lác của con. Chúa rực sáng, Chúa chiếu tỏa và đã xua tan sự mù lòa của con !”.

– Ngài “bôi nước miếng vào lưỡi anh ta”: Ngài làm phù phép ? Không, Ngài tận dụng mọi phương thế nhân loại. Ngài cứu chúng ta cũng bằng chính thân xác nhân loại của người như sau đó Ngài lấy chính Thịt Máu Ngài nuôi dưỡng chúng ta… Hơn nữa, đây cũng là hành vi, cách ứng xử với “văn hoá chữa bệnh” bấy giờ. Một bài học về “hội nhập văn hoá” cho những ai dấn thân trong công cuộc loan báo Tin Mừng. Giáo Hội không rao giảng một Đức Kitô, một Tin Mừng hoàn toàn xa lạ, trên mây trên gió và bằng những phương cách “áp đặt” hay “loại trừ”, mà là một Đức Kitô Nhập thể làm người, một Tin Mừng sẵn sàng đón nhận để “Tin mừng hoá”, “Phúc Âm hoá”…

“ngước mặt lên trời, Người thở dài và bảo: “Ephphata!” (nghĩa là “Hãy mở ra!”)…”: Tiếng “thở dài cầu nguyện” trước mỗi một hành vi quan trọng của cuộc đời cứu thế để chứng tỏ Ngài luôn thuộc về Thiên Chúa Cha, hiệp thông trọn vẹn với Chúa Thánh Thần; “hơi thở của Thần Khí” đã “ngự trên Ngài để sai Ngài đi rao giảng Tin Mừng…”. Không thể là chứng nhân, là tông đồ, là nhà truyền giáo đích thực, nếu chúng ta không có “lửa của Thần Khí”; không có “hơi thở của Thần Linh tràn ngập trong trái tim, trong cõi lòng mình.

tức thì tai anh ta mở ra, và lưỡi anh ta được tháo gỡ, và anh nói được rõ ràng: Lời và hành động của Chúa Giêsu lập tức phát sinh hiệu quả. Không đón nhận Lời với niềm tin sẽ không có dấu lạ xảy ra. Bằng chứng đã từng xảy ra nơi hội đường Nadarét: Ngài đã không làm được phép lạ nào vì họ cứng lòng tin (Mc 6,5-6). Ngày hôm nay cũng có nhiều người đôn đáo chạy tìm “phép lạ” nhưng lại không đón nhận Lời Chúa, không sống Lời Chúa… Chúng ta muốn Chúa làm phép lạ giải trừ con Covid, nhưng chúng ta lại lười cầu nguyện, nguội lạnh đức tin và nghèo nàn đức ái.

– Họ đầy lòng thán phục mà rằng: “Người làm mọi sự tốt đẹp, Người làm cho kẻ điếc nghe được và người câm nói được!”: Cuối cùng, dấu chỉ “phép lạ chữa người câm điếc” đã kết thành một lời “tuyên xưng và cảm tạ”: tuyên xưng Đấng Mêsia đang hiện diện, đang có mặt ở đây để thực hiện những gì mà các ngôn sứ đã tiên báo tự ngàn xưa.

            Lời Chúa với sứ điệp “EPHPHATA” hôm nay đến với chúng ta đúng ngày 5.9, ngày kỷ niệm Thánh Têrêsa Calcutta qua đời, vị thánh của lòng bác ái, mẫu gương phục vụ người nghèo. Thật là thích hợp để chúng ta “mở lòng ra sống tình bác ái yêu thương và lắng nghe bao nỗi khổ đau của anh chị em đồng loại”, của những người nghèo khổ, đặc biệt trong cơn đại dịch Covid tang thương nầy. Đây cũng chính là những lời khuyên dạy của Thánh Giacôbê mà chúng ta vừa nghe trong Bài đọc 2: lựa chọn người nghèo, yêu thương và kính trong người nghèo, bởi vì “Không phải Thiên Chúa chọn người nghèo trước mắt thế gian, để nhờ đức tin, họ trở nên giàu có và được hưởng nước Người đã hứa cho những kẻ yêu mến Người đó sao?”. Ước gì sứ điệp “EPHPHATA” hôm nay sẽ không rơi vào quên lãng nhưng trở thành “mệnh lệnh của tình yêu”; một tình yêu luôn biết “mở miệng” để ca ngợi lòng thương xót của Chúa” và một tình yêu biết “mở tai” để lắng nghe tiếng than của tha nhân”; một tình yêu mà mẹ thánh Têrêsa Calcutta đã mô tả là: “loại quả của cả bốn mùa, và nằm trong tầm với của mọi bàn tay”. Amen.

Trương Đình Hiền