MƠ VỀ MỘT GIÁO HỘI NHƯ THẾ

Views: 6

(CN VI Phục Sinh năm C 2025)

Chỉ trong khoảng thời gian 1 tháng vừa qua, không phải chỉ những người Công giáo mà gần như toàn thể thế giới đều nhận thấy chiều kích vĩ đại, thánh thiêng, uy tín và đầy ảnh hưởng của Giáo hội Công giáo Rôma. Thật vậy, từ cái chết đến tang lễ của Đức cố Giáo hoàng Phanxicô tiếp đến là cuộc Mật nghị của các Hồng y và sự đắc cử của Đức Tân Giáo hoàng Lêô XIV, người Kitô hữu chúng ta một lần nữa xác tín về bốn đặc tính cơ bản của mầu nhiệm Hội thánh: Duy nhất, Thánh thiện, Công giáo và Tông truyền.

            Sứ điệp phụng vụ của Chúa Nhật VI PS hôm nay, qua các gợi ý của bàn tiệc Lời Chúa, gần như muốn chúng ta sống mật thiết chiều kích Giáo hội, một Giáo hội mà mỗi người phải thuộc về, phải gắn kết, không phải chỉ là những “cành nho khô héo”, những “chi thể bệnh hoạn”, những “thành viên tiêu cực, phản chứng”…, nhưng phải là “những cành nho đầy hoa trái”, những “chi thể khỏe mạnh, năng động”, những “thành viên nhiệt thành là chứng nhân thứ thiệt’!

            Để sống được như thế, và để Giáo hội tiếp tục trở thành một “Đạo thuyết phục”, một tôn giáo ưu việt để muôn người mến yêu và chọn lựa, có lẽ mệnh lệnh sau đây của Đức Kitô là thích hợp nhất cho muôn nơi muôn thuở: Ai yêu mến Thầy, sẽ giữ lời Thầy. Một mệnh đề chỉ vỏn vẹn có 8 chữ đó nhưng lại bao gồm tất cả nội dung của đức tin và việc thực hành đức tin. Chúng ta thử dừng lại để tìm hiểu thêm “hai vế” hay hai hành vi sống đạo cơ bản “yêu mến Thầy, giữ Lời Thầy”, được Chúa Giêsu ký thác qua mệnh lệnh ngắn ngủi trên.

            Trước hết: “yêu mến Thầy”:

Chúng ta biết rằng: trọng tâm và tiêu đích của niềm tin Kitô giáo đọng lại nơi một Ngôi Vị, một con người, Đức Giêsu-Kitô; và qua Đức Kitô, chúng ta đến với Chúa Cha và thuộc về Chúa Thánh Thần. Hành trình đến và gặp gỡ Thiên Chúa là hành trình của tình yêu, từ trái tim đến với trái tim. Thiên Chúa của Kitô giáo là “Thiên Chúa của tình yêu”; và “Đạo Kitô” chính là “Đạo Yêu thương”! Đừng quên, để trắc nghiệm lòng đạo và niềm tin của Phêrô sau biến cố chối thầy 3 lần trong đêm Chúa Giêsu bị nộp, thì sau khi sống lại, Ngài chỉ hỏi Phêrô vỏn vẹn một câu cho 3 lần: “Con có yêu mến thầy không?”.

            Ngày hôm nay, câu hỏi đó cũng được dành cho mỗi người chúng ta: “Con có yêu mến Thầy không?”. Trả lời cho được câu hỏi đó sẽ xác định tính nghiêm túc và đúng đắn cho “sự chọn lựa đức tin” của mỗi người. Vì chưng, không thiếu gì những kẻ tự xưng mình là Kitô hữu nhưng không tuân theo mệnh lệnh “Yêu mến Thầy” mà thường nghe theo hướng hay vì mục đích “để được lên trời” hay “cho khỏi sa hỏa ngục” như câu chuyện ngụ ngôn sau đây:

Ngày kia, người ta thấy có một thiên thần rảo qua các con đường trong một thành phố nọ, một tay cầm ngọn đuốt, một tay xách thùng nước. Người ta mới hỏi thiên thần ngọn đuốt và thùng nước đó để làm gì? Thiên thần liền trả lời; ta dùng ngọn đuốt để đốt hết các toà nhà, các công trình đẹp đẽ trên thiên đàng để thiên đàng chỉ còn hoang vu tro bụi. Còn thùng nước để dập tắt hết mọi ngọn lửa đang bừng cháy trong hoả ngục để hoả ngục cũng chỉ là một cõi hoang vu như thiên đàng. Người ta mới hỏi làm như thế để làm gì? Thiên thần vội trả lời: để Thiên Chúa nhận rõ ai là người giữ đạo vì yêu mến Ngài thật sự, chứ không phải người ta giữ đạo để được lên thiên đàng hay vì sợ hoả ngục.

Thứ đến: “Giữ Lời Thầy”:

Nhưng điều gì để chứng tỏ lòng yêu mến Chúa? Có người cho rằng phải thường xuyên kinh nguyện, dâng lễ rước lễ hằng ngày, bố thí cho người nghèo liên tục, đọc thuộc từng câu từng đoạn trong sách Phúc âm… Dĩ nhiên làm được như thế thì còn gì bằng. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở đó thì chẳng khác nào câu chuyện chàng thanh niên giàu có đến chất vấn Chúa Giêsu để Ngài chỉ cho con đường nên trọn lành. Theo anh chàng giàu có này, trọn lành đó là chu toàn lề luật: “Tôi đã giữ trọn tất cả những điều đó ngay từ thuở nhỏ”. Nhưng thật đáng tiếc! Khi được Đức Kitô đề nghị “hãy về bán hết của cải, bố thí cho người nghèo, rồi hãy đến theo ta”, anh ta đã xịu mặt bỏ đi vì anh có nhiều của cải. Anh muốn được lên thiên đàng cùng với tất cả của cải của anh nên lời gọi mời của Đức Kitô “hãy về bán hết…” anh không thể chấp nhận!

            Trong nhịp sống đức tin của nhiều người, nhiều cộng đoàn chúng ta hôm nay, phải chăng vẫn còn đâu đó cách ứng xử như chàng thanh niên giàu có trên: bên trong cánh cửa nhà thờ là một cộng đoàn nghiêm trang, lễ nghi sốt sắng, kinh nguyện rập ràng…, nhưng bên ngoài cánh cổng thánh đường đó là một cuộc chụp giựt, tranh dành, mạnh được yếu thua, may nhờ rủi chịu. Người ta sẵn sàng đâm chém nhau, loại trừ nhau, chỉ vì một miếng cơm, một manh áo, một tất đất, một bờ tre… Vâng, người ta “giữ đạo cách hình thức lễ nghi ở trong nhà thờ” mà không giữ “Lời của Đức Kitô ở ngoài đời hiện thực”.

Phải chăng Đức Kitô, vì sợ cái tôn giáo mà Ngài muốn canh tân và thiết lập đặt trên nền tảng của tình yêu sẽ bị biến chất trở thành một thứ tôn giáo của lề luật vụ hình thức, nên trước khi về với Chúa Cha để bàn giao sứ mệnh loan truyền ơn cứu độ cho Hội Thánh, cho các Tông Đồ, Ngài đã muốn nhấn mạnh cái cốt lõi của niềm tin đó chính là thực thi Lời: “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ Lời Thầy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy”.

            Tóm lại, “yêu mến Thầy và giữ Lời Thầy” đó chính là mệnh lệnh của đức tin Công giáo, là cốt lõi của con đường hoàn thiện Kitô giáo.

            Thế nhưng, tự sức mình, người ta sẽ không thể thực hành nghiêm túc hai điều thoạt nghe đơn giản nhưng đầy thách đố này. Đức Kitô đã biết thế nên Ngài đã đưa ra “giải pháp tiên liệu” hay đã mặc khải về mầu nhiệm Chúa Thánh Thần: “Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy dỗ anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em”.

            Giáo hội ngay từ buổi sơ khai đã nhất loạt làm chứng về sự hiện diện của Chúa Thánh Thần. Sách Công vụ Tông đồ nơi Bài đọc 1 hôm nay đã nêu bật vai trò của Chúa Thánh Thần trong các hướng dẫn của các Tông Đồ về việc định hướng mục vụ cho cộng đoàn tiên khởi: “Thánh Thần và chúng tôi đã quyết định…”. Điều này phải chăng đã hiện thực rõ nét trong cuộc Mật nghị Hồng y để bầu chọn vị tân Giáo hoàng thứ 267 của Giáo hội. Vâng, “Thánh Thần và chúng tôi đã quyết định” chứ không phải dư luận, truyền thông, phe nhóm hay các cuộc mặc cả chính trị. Vâng, Giáo hội Công giáo: một Giáo hội hiệp nhất, tông truyền và được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần.

            Như thế, cuộc họp mừng Tạ ơn hôm nay chính là cơ hội cho toàn thể cộng đoàn chúng ta được Thiên Chúa viếng thăm và ban sức mạnh của Thánh Thần để tất cả cùng ra đi, làm chứng về một Giáo hội mà mọi thành phần đều “yêu mến Chúa Kitô và giữ Lời Ngài”, một Giáo hội luôn mặc lấy sự bình an của yêu thương và hiệp nhất, một Giáo hội đang cưu mang niềm hy vọng mãnh liệt về một ngày mai tươi sáng mà sách Khải huyền trong BĐ 2 hôm nay đã diễn tả như một “Giêrusalem, từ trời, từ nơi Thiên Chúa mà xuống, chói lọi vinh quang Thiên Chúa…”. Ước gì cộng đoàn giáo họ An Mỹ, cho dù không to lớn, giàu sang, nhà thờ An Mỹ không rực rỡ hoành tráng như những “đại thánh đường” được xây dựng với hàng trăm tỷ…, nhưng mãi mãi là một cộng đoàn “có vinh quang Thiên Chúa chiếu sáng nó, và đèn của nó chính là Con Chiên”. Amen.

Trương Đình Hiền.