MỘT “PHÉP LẠ CẢ THỂ” ĐANG DIỄN RA…

Views: 48

(MÌNH MÁU CHÚA KITÔ NĂM B 2024)

          Khi nhắc đến mầu nhiệm Thánh Thể, có lẽ câu chuyện “Cô bé Trung Hoa và 32 tấm bánh Thánh Thể” sẽ cho chúng ta một cảm nhận đặc biệt…

          Đây là câu chuyện do ĐGM Fulton Sheen kể lại trong cuộc phỏng vấn của đài truyền hình quốc gia Hoa kỳ mấy tháng trước khi ngài qua đời tại New York. Ngài đã trả lời rằng: chính câu chuyện này là một gợi hứng sâu đậm và quan trọng nhất cho cuộc đời mục tử và truyền giáo; và đã giúp ngài có một quyết định là mỗi ngày dành 1 giờ để chầu Thánh Thể trong suốt 60 năm… cho tới khi trút hơi thở cuối cùng tại trước Nhà tạm Thánh Thể tại nhà riêng ngày 9.12.1979. Vâng, đó là câu chuyện một cô bé Trung Hoa 11 tuổi do một linh mục Công giáo Trung Hoa sống sót thời Cọng sản nắm quyền năm 1949 tại Trung Quốc kể lại…

          Họ bắt giam linh mục tại nhà xứ… từ đây ngài có thể nhìn thấy cung thánh nhà thờ… Cán bộ Cọng sản đập phá nhà tạm, lấy Bình Thánh và đổ vương vải Mình Thánh Chúa dưới sàn cung thánh… Cha xứ biết rõ hôm đó còn đúng 32 bánh Mình Thánh Chúa… Người cán bộ ra đi, không để ý có một em bé đang chứng kiến… Ban đêm, em lén đến thờ lạy, quỳ đền tạ Thánh Thể 1 giờ, rồi bò và dùng lưỡi rước Mình Thánh Chúa (Thời ấy chưa được phép rước lễ trên tay)… Đêm thứ 32, vừa đền tạ Thánh Thể và rước lễ xong, cán bộ khám phá và đã dùng báng súng giết em bé ngay lập tức…

          Đúng là một vị thánh tử đạo, tử đạo vì tình yêu Thánh Thể!

          Hôm nay, cùng với Dân Chúa khắp nơi, chúng ta đang cử hành Mầu Nhiệm của chính “những tấm bánh mà cô bé Trung Hoa trân trọng, tôn thờ và vì đó mà bị giết chết”! Thế nhưng, để một lần nữa đi sâu vào Mầu Nhiệm đức tin đặc biệt này, chúng ta lại phải lắng nghe các hướng dẫn của Lời Chúa.

          Thật vậy, để hiểu được chính cái ý nghĩa thâm sâu của mầu nhiệm Thánh Thể; nhất là để cảm nhận được sự sống và niềm hy vọng mà Mầu Nhiệm Thánh Thể trao ban cho chúng ta, cho thế giới, cho đoàn Dân Mới do Đức Kitô thiết lập, chúng ta phải trở về với Lời Chúa khi nói với chúng ta về những “Kỷ Niệm tuyệt vời” trên chặng đường lịch sử cứu rỗi của Thiên Chúa.

          Trước hết, sách Xuất Hành (BĐ 1) cho chúng ta nhớ lại viễn cảnh huy hoàng tại núi Sinai trong ngày Thiên Chúa ký kết Giáo Ước với dân Israel khi vừa chân ướt chân ráo xuất hành khỏi kiếp nô lệ ngục tù và chết chóc Ai Cập và đang trên đường về Đất Hứa của tự do và sự sống.

          Đây là một Giao ước mà mục tiêu đó là Thiên Chúa quyết chọn Israel làm dân riêng thờ phượng Ngài và dẫn họ vào Đất Hứa của tình yêu và sự sống. Trong việc cử hành Giao Ước nầy, chúng ta thấy xuất hiện hai thực tại: Sách Giao Ước và Máu của con chiên. Sách Giao ước chính là Lời cam kết của Thiên Chúa, là Lời ban sự sống, là Lời của niềm hy vọng, là Lời chân lý dẫn đưa họ trên suốt cuộc hành trình. Máu con chiên lại chính là dấu chỉ của sự sống: sự sống trong đêm máu được bôi trên cửa để thiên thần vượt qua, và sự sống sẽ tiếp tục được trao ban cho họ để họ vững bước trên con đường dài hun hút về Đất hứa, cho dù họ phải đối diện với đói khát, gian lao và bao nhiêu đe dọa, hiểm nguy.

          Từ viễn cảnh của Giao ước cũ Sinai, Chúa Kitô trong đêm bị nộp, đã mượn bàn Tiệc của Đại Lễ Vượt Qua (với Sách Giao ước, với thịt chiên, với bánh rượu…), Ngài chính thức thiết lập một Giao ước Mới, không bằng máu chiên mà bằng chính Máu của Mình: “Nầy là chén máu Thầy, máu Giao ước mới và vĩnh cửu sẽ đổ ra cho các con và mọi người được tha tội…”.

Mầu nhiệm Thánh Thể hay Giao ước Mới do chính Đức Kitô thiết lập được Giáo Hội cử hành (hay tái-diễn-tưởng-niệm – anamnèse) hôm nay cũng bao gồm hai yếu tố nền tảng: Lời và Máu. Khi cử hành Mầu Nhiệm Thánh Thể mỗi ngày, và chính hôm nay, chúng ta được nghe Lời Chúa và chúng ta cùng thông hiệp Mình Máu Ngài.

          Trong khi đó, Thánh Phaolô trong trích đoạn thư gởi Do Thái mà chúng ta vừa nghe đã nhấn mạnh sự trỗi vượt và cao cả của Giao ước mới này của Đức Kitô bằng những từ trang trọng và chuẩn xác: “Người đã vào cung thánh không phải với máu các con dê, con bò, nhưng với chính máu của mình, Người vào chỉ một lần thôi, và đã lãnh được ơn cứu chuộc vĩnh viễn cho chúng ta…”.

          Kể từ giây phút huyền diệu của Ngày Thứ Năm Tiệc ly đó, nhất là từ ngày Thứ Sáu hôm sau, lúc 3 giờ chiều trên đồi Sọ, khi những giọt máu và nước sau cùng chảy ra từ cạnh sườn Ngài, Thịt Máu Đức Kitô, đã trở thành “Chất Dầu Thơm” ướp tràn thế giới[1], đã trở thành sự sống cho muôn ức triệu con người khắp năm châu, qua muôn thế hệ.

Quả thật, chính từ bàn Tiệc Thánh Thể được tiếp nối từ bàn Tiệc Ngày Thứ Năm Tiệc Ly, và liên tiếp diễn ra, từ những cuộc “Bẻ Bánh” tại nhà tiệc ly vào Ngày Thứ Nhất trong tuần khi Ngài sống lại từ cõi chết, tới bữa cơm chiều đạm bạc trong quán trọ trên đường Emmaus, hay Bữa Điểm tâm thân tình trên bờ biển hồ Tibêriát…, “Tấm bánh Giêsu” cứ tiếp tục được bẻ ra để nuôi không chỉ “5 ngàn người trong hoang mạc Giuđê”, mà hàng hàng lớp lớp anh chị em Kitô hữu suốt 2000 năm nay trên mọi miền thế giới.

          Được thông hiệp Mình Máu Chúa, được tham dự Lễ Bẻ Bánh, Tiệc Thánh Thể, không chỉ là một hồng ân vĩ đại, một bảo đảm tuyệt vời cho hạnh phúc vĩnh cửu ngay từ cuộc hành trình ngang qua thế giới hôm nay: “Ai ăn bánh nầy sẽ được sống đời đời…”,  mà còn là một đỏi hỏi dấn thân làm cho Thánh Thể hiện thực giữa đời thường.

  Khi nói đến ý nghĩa nầy, tôi chợt nhớ câu chuyện của linh mục Frank Ramsberger đi viếng đất thánh. Cha muốn khảo cứu, đặc biệt những nơi Chúa Giêsu đã sống, đã làm việc, đã chịu nạn, chết và sống lại từ cõi chết. Cha làm thân với một cậu con trai tên là Joseph, người con có bộ mặt nâu của một người chăn cừu Ả Rập. Cậu bé giúp lễ cho cha, dạy cha một vài từ ngữ Ả Rập khó.

Khi vị linh mục sắp sửa từ biệt để đến một vùng khác của đất thánh, Ngài nói với Joseph: “Con biết rằng: Chúa Giêsu Con Thiên Chúa đã sống như một cậu con trai, một người đàn ông, đã đi đứng trên những con đường này và đã thở bầu không khí này. Cái đó không giúp con yêu Người hơn sao?”.

          Joseph trả lời một câu đầy ý nghĩa: “Cha chẳng cần phải sống ở đây để yêu mến Chúa, vì bây giờ Chúa ở khắp mọi nơi trên thế giới. Ngày nay mỗi một nơi đều là đất thánh. Bất cứ nơi nào chúng ta ở, chúng ta ở trên đất của Chúa Giêsu”.

          Thưa cộng đoàn, nào chẳng phải ở đây, trong chính ngôi thánh đường nầy qua Phụng Vụ Thánh Lễ hằng ngày mà Đức Ki-tô đã giáng sinh, đã đi rao giảng, đã dự tiệc cưới Cana, đã chữa lành bao nhiêu bệnh nhân khỏi tội lỗi, tật nguyền linh hồn, đã công bố Tin Mừng, đã chịu chết và sống lại? Chẳng phải mầu nhiệm Thánh Lễ mỗi ngày đã làm cho Chúa Giêsu đang mãi mãi hiện diện giữa chúng ta đó sao?

          Quả thật rất nhiều anh chị em chúng chưa thật sự cảm nhận chân lý nầy, chưa sống trọn vẹn huyền nhiệm nầy, nên đời sống Kitô hữu chúng ta hình như vẫn còn ở lại đâu đó trong một góc tối của cuộc đời nô lệ Ai Cập mà chưa thật sự là một cuộc lên đường xuyên sa mạc để trở về Đất Hứa của tự do và sự sống.

          Chính vì thế, Mầu Nhiệm Thánh Thể hôm nay lại là một lần “Ký Giao ước Mới” với Chúa Giêsu, một lần nữa lắng nghe và thực hiện chính lời trăn trối thân thương của Thầy Chí Thánh: “Các con hãy làm việc nầy mà nhớ đến Ta”.

          So với cô bé 11 tuổi Trung Hoa với 32 đêm lén Chầu Thánh Thể và chịu chết vì Thánh Thể, chúng ta hôm nay đến với Thánh Thể và cử hành Thánh Thể quá thuận lợi dễ dàng! Xin đừng vì thế mà “gần chùa kêu bụt bằng anh” hay “quen quá hóa nhàm” đến độ chẳng còn tha thiết gì đến một “phép lạ cả thể” đang diễn ra hàng ngày chỉ để “cho chúng ta được sống và sống phong phú”!

Trương Đình Hiền


[1] Những lời thơ ám chỉ Thánh Thể trong bài thơ “Đáp lễ” của thi sĩ linh mục Trăng Thập Tự:

Ta cũng mang theo đây chiếc lọ mỏng dòn

Nhốt sẵn chất thơm của ngàn muôn thế kỷ.

Ta sẽ đập vỡ mà không lo uổng phí

Vì ta cần xức dầu thơm ta lên khắp cả vũ hoàn.