Cảm nhận đức tin, Chia sẻ Lời Chúa, Tài liệu Phụng Vụ

MÙA GẶT MỚI VÀ NGÔN NGỮ MỚI CHO THẾ GIỚI

(Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống 2022)

            Những kẻ tự nhận mình là “vô thần”, hoặc trên “lý thuyết” hoặc qua thực hành cuộc sống, đều cho rằng “ma quỷ” hay “thần linh” đều là chuyện “bá vơ”, lỗi thời…, là chuyện “mê tín” của đám dốt nát, bình dân nghèo nàn hạ cấp !

            Cũng thuộc dạng vô thần nói trên, một ký giả Pháp đã phỏng vấn Đức Hồng Y Lustiger bằng một câu hỏi xấc xược, đầy thách thức, nhân một bài nói chuyện của ngài về chủ đề ma quỷ: “….Đức HY có bao giờ thấy ma quỷ không?”. Ngài đã đĩnh đạc trả lời: “Có chứ”. Cô ta hỏi tiếp: “Thấy ở đâu?”. Ngài trả lời ngay: “Ở Dachau, Auschwitz, Birkenau…”. Đó là những “trại hủy diệt” khét tiếng của Đức Quốc xã thời đệ nhị thế chiến để giết chết, đày đọa những người Do Thái, những kẻ bất đồng chính kiến, những sắc dân thù địch khác (Ba Lan, Serbi, Roumani…). Vâng, nơi nào gieo chết chóc, thương đau, thù hận… đó là nơi ma quỷ hiện diện.

            Khi nhắc lại sự kiện đó trong “bài giảng tĩnh tâm thứ 19 dành cho Giáo triều Rôma năm 2.000 với chủ đề “Hãy nhận lấy Thánh Thần để canh tân bộ mặt trái đất”, vị Tôi Tớ Chúa của chúng ta – Đức Hồng Y F.X. Nguyễn Văn Thuận, đã nói rằng: “Nếu có ai hỏi tôi lúc nầy là có bao giờ thấy Chúa Thánh Thần chưa?, tôi sẽ không do dự trả lời ngay: có chứ, tôi đã thấy Người. Thấy ở đâu? Xin thưa trong Giáo Hội, mà cũng thấy ngoài Giáo Hội nữa….”. Và Vị Tôi Tớ Chúa của chúng ta đã lần lượt trình bày hoạt động của Chúa Thánh Thần qua một loạt các vị Giáo Hoàng lừng danh của thế kỷ 20, 21, các vị thánh đương đại như Têrêsa Calcutta, qua Công Đồng Vatican II, qua các Đại Hội giới trẻ thế giới… Sau đó, ngài chia sẻ về chính sức mạnh của Chúa Thánh Thần nâng đỡ ngài trong những tháng năm tù tội, và nhất là câu chuyện các anh chị em H’Mong nhận được ơn đức tin chỉ nhờ một phương tiện duy nhất là nghe Lời Chúa qua một đài phát thanh của Tin lành, đài Nguồn Sống…

            Là những Kitô hữu, không ai trong chúng ta lại không tin có Chúa Thánh Thần. Tuy nhiên, mỗi người có “cảm” được, “thấy” được Chúa Thánh Thần đang hiện diện và hoạt động như niềm xác tín của Vị Tôi Tớ Chúa, Đức Hồng Y F.X. Nguyễn Văn Thuận lại là chuyện khác.

            Hôm nay, Hội Thánh long trọng mừng lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, mà trong viễn tượng đức tin hay Lịch sử cứu rỗi, đây chính là ngày mừng lễ “Khai sinh Hội Thánh”, như được Hội Thánh hân hoan hát lên trong Kinh Tiền Tụng: “Chính trong ngày khai sinh Hội Thánh, Chúa Thánh Thần đã làm cho hết thảy chư dân nhận biết Thiên Chúa và liên kết mọi ngôn ngữ khác biệt lại, để họ tuyên xưng cùng một đức tin”.

            Nếu các quốc gia, dân tộc…, thường chọn một sự kiện, một biến cố quan trọng, vĩ đại, ấn tượng… để làm ngày “Quốc Khánh”, thì Thiên Chúa đã chọn một ngày Lễ Ngũ Tuần, Lễ tưởng niệm một đại lễ “mừng kỷ niệm Giao Ước Si-Nai và Tạ ơn mùa gặt mới” của “Đạo Cũ” – Do Thái giáo, để khai sinh “Đạo Mới” – Kitô giáo. Và “sự kiện” chính trong nghi lễ “khai trương đặc biệt” nầy, là biến cố “Thần Hiển của Ngôi Ba Thiên Chúa” mà ngôn ngữ Phụng Vụ truyền thống gọi là “Chúa Thánh Thần Hiện xuống”.

Quả thật, như sách Công Vụ tông đồ tường thuật, chính ngày nầy, giống như cuộc “Thần hiển uy hùng với “khói bùng lửa dậy” của Giavê trên núi SiNai” thời Cựu Ước, nơi căn nhà Tiệc ly, Chúa Thánh Thần đã xuất hiện bằng những “ngọn lửa tình yêu và ân sủng tuôn đổ dạt dào trên nhóm Mười hai”, để từ đó một “Dân tộc mới”, một “Vương Quốc mới” chính thức được khai sinh, “Vương quốc đầy tràn sự thật và sự sống, đầy tràn ân sủng và thánh thiện, đầy tràn tình thương, công lý và bình an”[1]. Quả thật “Mùa Gặt Mới” của Vương Quốc Nước Trời đã chính thức mở ra qua “Dân Mới” là Giáo Hội như được báo trước với đại lễ mừng “Mùa Gặt Mới Ngũ Tuần” của “Dân Giao ước cũ” !

Đây chính là công trình của Ngôi Ba Thiên Chúa, Vị Thiên Chúa, mà qua cách gọi của chính Chúa Giêsu và được “Hội Thánh của Ngài” hiểu và quảng diễn, mang nhiều tên gọi gần gũi với cuộc sống đời thường:Đấng Bảo Trợ, Thần Khí sự thật, Chim Câu dịu hiền, Dòng sông dạt dào sức sống, Hơi thở tác sinh, Ngọn lửa nồng nàn thanh tẩy và sưởi ấm, Cha kẻ cơ bần, Đấng ban ân huệ, Đấng soi sáng tâm hồn, Đấng an ủi tuyệt vời, Khách trọ hiền lương, Đấng uỷ lạo dịu dàng…

Riêng Thánh Giáo phụ Augustino, mượn cách diễn tả của kinh Ca Tiếp Liên “Khách Trọ hiền lương của tâm hồn”, thì cho rằng: “Chúa Thánh Thần là vị khách thầm lặng của tâm hồn. Muốn cảm nghiệm được sự hiện diện của Người cần phải thinh lặng. Vị khách này thường tỏ mình ra một cách rất êm đềm trong ta và với ta, qua tiếng lương tâm hoặc qua tiếng thúc giục bên trong hay bên ngoài” (Youcat, số 120).

            Vâng, “hiền lương, thầm lặng, êm đềm…” phải chăng, đó chính là những phẩm chất, hoạt động, là đường đi nước bước… của Vị Thiên Chúa Ngôi Ba, của Thần Khí mà hoa quả phát sinh hoàn toàn trái ngược với những hoa quả của xác thịt, của tinh thần tế tục như giáo lý của Thánh Phaolô Tông Đồ phân biệt: “Những việc do tính xác thịt gây ra thì ai cũng rõ, đó là: dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hoà, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa, chè chén, và những điều khác giống như vậy… Còn hoa quả của Thần Khí là: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ.” (Gl 5, 19-23).

Trong ngày lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống nầy, Phụng Vụ cũng đã nêu bật yếu tố “hiền lương, thầm lặng, êm đềm…” đó khi công bố trích đoạn Tin Mừng Gioan tường thuật sự kiện Đấng Phục Sinh hiện đến nơi Nhà Tiệc Ly vào “Ngày Thứ Nhất trong tuần” và “thổi hơi trên các môn sinh”, để những kẻ đang co ro sợ hãi, đóng cửa cài then… tìm lại sức trẻ lên đường, “chèo ra chỗ nước sâu mà buông câu thả lưới…”: Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội cho ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại”.

Vâng, “hơi thở”, “cơn gió nhẹ”, “dòng nước mát” hay “cánh chim câu dịu hiền”… đều là những thực tại “hiền lương, thầm lặng, êm đềm” nhưng là dấu chỉ của sự sống hay là chính biểu hiện của “Đấng ban sự sống” là chính Thiên Chúa Ngôi Ba (Kinh Tin Kính).

Nhưng “hiền lương, thầm lặng…” không có nghĩa là yếu nhược, nhát đảm và chào thua; mà là một cuộc thanh tẩy dứt khoát, một biến đổi tận căn. Thật vậy, như sách Công Vụ Tông Đồ mô tả: hôm nay, nơi Nhà Tiệc Ly, Chúa Thánh Thần đã thực hiện một cuộc biến đổi nhiệm mầu, mạnh mẽ và dứt khoát được biểu hiện qua sức mạnh của “gió” và “lửa”: Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, tất cả các môn đệ đều tề tựu một nơi, bỗng từ trời phát ra tiếng động như tiếng gió mạnh thổi đến, lùa vào đầy nhà nơi họ đang sum họp. Lại có những lưỡi như thể bằng lửa xuất hiện và rải rác đậu trên từng người…

Vâng, “ngọn gió Thánh Thần” sẽ thổi bay mọi do dự, hồ nghi, sợ hải để “cánh bườm con thuyền các Tông đồ” căng gió lướt sóng ra khơi; cũng vậy “ngọn lửa thiêng Thánh Thần” sẽ thiêu rụi mọi rác rến, ô nhơ, lỗi lầm, yếu đuối… để những anh dân chài quê mùa dốt nát Galilê mạnh mẽ hiên ngang ra đi rao giảng Tin Mừng và xây dựng một thế giới mới, một mái nhà chung mà mọi người đều nói chung một ngôn ngữ đó là tình yêu.

Và suốt con đường dài thăm thẳm 2000 năm qua, Chúa Thánh Linh vẫn “hiền lương, thầm lặng, êm đềm…” nhưng luôn mang sức mạnh của “gió và lửa” để “canh tân bộ mặt thế giới” qua những con người như “Phaolô ngã ngựa”, như Anê, Agata, Goretti, liễu yếu đào tơ; như linh mục Maximilien Kolbe, Giám mục Oscar Romero, Anrê Phú Yên… sẵn sàng “chết vì một tình yêu lớn”; như Mẹ thánh Têrêsa Calcutta, như Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, như chàng thiếu niên Acutis, hay như “đệ nhất phu nhân Evita Peron”, vị ân nhân của dân nghèo Argentina… sẵn sàng “đập bể bình dầu thơm cuộc đời” để ngôi nhà Hội Thánh được ướp hương thơm của Tin Mừng.

            Như thế, chúng ta có thể nói được rằng: đường đi nước bước của Thần Khí thật quá khác xa với những chọn lựa của trần gian: trần gian chọn sức mạnh ồn ào kinh thiên động địa của “tên lửa siêu vượt âm”, của “lựu pháo M777”, của phi cơ, tàu chiến tối tân, của chiến tranh hận thù, tiêu diệt, của những tỷ đô la, của những kho dầu khí… mà cuộc chiến Nga – Ukraina diễn ra đã hơn ba tháng qua là một biểu hiện rõ nét. Phải chăng, đây chính là cái cách “gieo” nghịch với Chúa Thánh Thần”, mà Thánh Phaolô gọi là gieo xuống trong xác thịt: ai gieo giống nào thì sẽ gặt giống ấy. Ai theo tính xác thịt mà gieo điều xấu, thì sẽ gặt được hậu quả của tính xác thịt là sự hư nát.” (Gl 6,8).

            Thế giới vẫn còn “ngổn ngang những đổ nát” do chiến tranh, hận thù, lầm lạc… vì con người vẫn lựa chọn “theo tính xác thịt mà gieo điều xấu”. Nhưng, chúng ta, dù “Do Thái hay dân ngoại, nô lệ hay tự do”, những người nhờ Thánh Thần để “tuyên xưng Giêsu Kitô”, để “làm nên một thân thể”…, cùng xác tín sẽ có một “Mùa gặt mới”, một lễ “Ngũ Tuần mới” cho thế giới; một thế giới cùng nói, cùng hiểu một thứ ngôn ngữ mới đó chính là tình yêu.

            Cùng với niềm xác tín đó chính là cuộc sống “hướng theo Thánh Thần mà tiến bước” (Gl 5,25) và không quên tha thiết nguyện cầu với Đấng luôn là vị “Khách trọ hiền lương”: “Lạy Chúa Thánh Thần xin hãy đến và xin canh tân bộ mặt trái đất”. Amen.

Trương Đình Hiền (Hiện Xuống 2022)


[1] Kinh Tiền Tụng lễ Chúa Giêsu Kitô Vua vũ trụ.