Views: 87
Gợi ý suy niệm sứ điệp Lời Chúa CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG (A 2019)
Tiếng gọi đầu tiên và xuyên suốt của Mùa Vọng đó chính là “Vươn tâm hồn lên tới Chúa” (Ca Nhập lễ CN I MV). Nhưng “vươn lên” bằng cách nào lại chính là câu trả lời của sứ điệp Lời Chúa Chúa Nhật II Mùa Vọng.
Thật vậy, phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật II MV (A) hôm nay mời gọi chúng ta “vươn tâm hồn lên tới Chúa” bằng những hành vi đức tin sinh động, những thực hành sống đạo cụ thể, mà cả sứ ngôn Isaia lẫn Thánh Gioan Tẩy giả, và Thánh Tông Đồ Phaolô đều minh họa bằng những hình ảnh, vật dụng cũng như hành vi gần gũi giữa đời thường: “Đai thắt ngang lưng là đức công chính, giải buộc bên sườn là đức tín thành” (BĐ 1), “Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi…” (TM), “đồng tâm nhất trí…hiệp ý đồng thanh…đón nhận nhau…” (BĐ 2)
Nhưng để hiểu được dụng ý trên của toàn bộ sứ điệp Lời Chúa được chuyển tải hôm nay, thiết tưởng chúng ta nên bắt đầu với trích đoạn của ngôn sứ Isaia trong Bài đọc 1:
Gần 700 năm trước biến cố Chúa Giáng Sinh, giữa bối cảnh một Giêrusalem hoang tàn đang bị ngoại bang Babylon giày xéo, giữa một đoàn dân cúi đầu trước kiếp khổ nhục lưu đày, ngôn sứ Isaia đã long trong tiên báo: “Ngày ấy, từ gôc tổ Giê-sê, sẽ đâm ra một nhánh nhỏ, từ cội rễ ấy sẽ mọc lên một mầm non. Thần Khí của Đức Chúa sẽ ngự trên vị nầy….Bấy giờ sói sẽ ở với chiên con, beo nằm bên dê nhỏ…Sẽ không còn ai tác hại và tàn phá trên khắp núi thánh của Ta, vì sự hiểu biết Đức Chúa sẽ tràn ngập đất nầy, cũng như nước lấp đầy lòng biển…” (BĐ 1).
Vị ngôn sứ thi sĩ nầy có quá ảo tưởng không, khi vẽ ra một viễn cảnh xã hội loài người “đẹp như mơ” mà có lẽ chưa bao giờ hiển hiện trên thế giới?
Ước mơ thì cứ ước mơ. Có ai cấm. Nhưng có điều lạ đó là ước mơ của Isaia ngày nào tưởng đâu đã rơi vào quên lãng của cát bụi trần gian, của bao cuộc chiến tranh hoang tàn, thay ngôi đổi chủ, của những hận thù, tranh đoạt với máu đổ, đầu rơi, với gươm đao súng đạn…lại “suýt nữa” đã trở thành hiện thực, cũng trên dãi đất Palestine khô cằn sỏi đá và hằn đậm dấu vết của khổ nạn thương đau.
Thật vậy, gần 700 năm sau những lời tiên báo của ngôn sứ Isaia, người ta đã chứng kiến một sự kiện lạ lùng: hàng hàng lớp người, đủ mọi thành phần: bặm trợn, bụi đời như lính tráng, thuế vụ…, nghiêm chỉnh đạo đức như Biệt Phái, Sađốc…, không kể thành phần lao động quê mùa mà đại diện đó là chàng thợ mộc Giêsu đến từ Nadarét…, tất cả đã quy tụ lại bên bờ sông Giođan để được ông Gioan làm phép rửa, chứng thực cuộc sám hối đổi đời…để chuẩn bị đón tiếp Đức Chúa đến khai mạc Vương quốc Nước Trời (Tin mừng Matthêo 3,1-10). Và cũng kể từ cuộc “sám hối tập thể” tại sông Giođan qua “tiếng hô từ hoang mạc”, nhất là, sau khi “chàng Thợ Mộc Giêsu đến từ Nadarét từ dòng sông Giođan bước lên bờ”, vùng đất Palestine đã dậy sóng tưng bừng trước dồn dập những tin vui: kẻ què đi, người mù thấy, câm miệng nói, điếc tai nghe, phung cùi bỏ hoang mạc tối tăm lạnh lặn trở về hội nhập cuộc sống với cộng đồng….Chưa hết, con trai bà góa Naim sống lại, chàng thanh niên Lazarô chết thúi bốn ngày trong huyệt đĩnh đạc bước ra, thiếu phụ Canaan 12 năm khổ đau với bệnh nan y loạn huyết, chỉ mới chạm đến gấu áo Ngài đã tự nhiên khỏe mạnh… Và còn hơn thế nữa, anh chàng Lêvi ngày nào chễm chệ trên chiếc ghế thu thuế bất chấp danh dự, sỹ diện, và cả lòng tự ái dân tộc miễn có tiền, thì nay đang thanh thản bước chung trong nhóm môn sinh rày đây mai đó để phục vụ Tin Mừng; hay cô thiếu nữ tai tiếng trong thành đã dùng cả nước mắt, tóc, dầu thơm và cả nụ hôn chân thành để đoan thệ với Ngài bắt đầu một cuộc đời mới. Và cũng có một chuyện hi hữu mà người ta vẫn nhắc mãi với nhau: cả đám đông năm ngàn người, không kể đàn bà con nít, có được một bữa no nê giữa chốn đồng không mông quạnh với chỉ võn vẹn 5 chiếc bánh và 2 con cá từ bàn tay kỳ diệu của chính Ngài, Người mà tự chính miệng mình đã xác quyết: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời các ngươi vừa nghe”, lời mà tiên tri Isaia đa từng tiên báo: “Thần khí của ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng ngự trên tôi, vì ĐỨC CHÚA đã xức dầu tấn phong tôi, sai đi báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn, băng bó những tấm lòng tan nát, công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm, ngày phóng thích cho những tù nhân,…” (Is 61,1)
Thì ra, thế giới đã có một thời, cách đây hơn 2000 năm tại vùng đất Palestine, đã từng chứng kiến sự kiện “Thần Khí của Đức Chúa sẽ ngự trên vị nầy….Bấy giờ sói sẽ ở với chiên con, beo nằm bên dê nhỏ…Sẽ không còn ai tác hại và tàn phá trên khắp núi thánh của Ta, vì sự hiểu biết Đức Chúa sẽ tràn ngập đất nầy, cũng như nước lấp đầy lòng biển…”.
Nhưng sự kiện hi hữu đó, biến cố có một không hai đó lại chưa là đích điểm của một công trình toàn diện; đúng hơn, mới chỉ là khởi điểm cho một cuộc lớn lên và kiện toàn trong một lần “đến” khác, một cuộc quang lâm của một Vị Vua khải hoàn chiến thắng trong một Vương quốc Nước Trời viên mãn vĩnh hằng.
Và Lời Chúa trong Mùa Vọng, đặc biệt với Chúa Nhật hôm nay, muốn nói với chúng ta, những người Kitô hữu, rằng: Thế giới nầy, cuộc sống nầy, xã hội nầy có đẹp hơn không, có hòa bình hiệp nhất không là do chính thái độ của chúng ta đối với chính Thiên Chúa, tương tự như, thái độ của những người nghèo, đui què mẻ sứt, tật bệnh phung cùi…đã dành cho Chúa Giêsu cách đây 2000 năm.
Nếu ai còn nghi ngờ thì có thể đọc lại những lời phát biểu của một cô gái con của một một nhà giảng thuyết, nhân dịp trả lời một cuộc phỏng vấn sau thảm kịch “khủng bố 11.9.2001” tại New York:
– “Tại sao Thiên Chúa lại có thể để xảy ra một thảm họa khủng khiếp như vậy.”
Câu trả lời của thiếu nữ nầy thật thâm thúy :
– “Tôi nghĩ là Thiên Chúa rất buồn vì điều đó, ít nhất Ngài cũng buồn bằng chúng ta. Nhưng từ bao năm nay, chúng ta đã yêu cầu Ngài đi khỏi trường học, khỏi chính phủ và khỏi đời sống của chúng ta. Ngài là “quân tử” nên đã lẵng lặng rút lui. Làm sao chúng ta có thể mong Chúa ban ơn lành và che chở chúng ta khi chúng ta đã khẩn thiết xin Ngài hãy để mặc chúng ta một mình ? Và những biến cố vừa xảy ra như tấn công khủng bố, bắn giết trong trường học, chiến tranh…tôi nghĩ rằng mọi sự đã bắt đầu với Madeleine Murray O’ Hare, khi bà ấy than phiền là không muốn để đọc kinh trong trường học nữa. Và chúng ta đã đồng ý…Rồi một người khác lại có ý kiến là chúng ta không nên đọc Kinh Thánh nơi trường học, cũng chính quyển Kinh Thánh trong đó dạy chúng ta : “Chớ giết người, chớ trộm cắp, yêu chính bản thân mình, v.v…”, và chúng ta đã đồng ý…..Thật là kỳ lạ là con người có thể vứt bỏ Chúa một cách dễ dàng rồi sau đó lại tự hỏi tại sao thế giới biến thành địa ngục. Thật kỳ lạ là chúng ta có thể tin những gì báo chí nói mà lại nghi ngờ những gì Kinh Thánh nói”.
Những nhận định của cô thiếu nữ trên có thể dẫn tới một kết luận: Nơi nào thiếu vắng Thiên Chúa, nơi đó bóng tối hoành hành. Nơi nào mù tịt về Thiên Chúa, nơi đó sẽ lầm lạc và hổn loạn. Nơi nào gạt bỏ Thiên Chúa ra bên ngoài, nơi đó chỉ còn lại tội ác và sự dữ.
Và điều đó cũng mạnh mẽ khẳng quyết: Nơi nào “đầy Thiên Chúa” nơi đó sẽ “thái bình thịnh trị”, sẽ tràn đầy hạnh phúc, bình an, công lỹ và yêu thương. “Sẽ không còn ai tác hại và tàn phá trên khắp núi thánh của Ta, vì sự hiểu biết Đức Chúa sẽ tràn ngập đất nầy, cũng như nước lấp đầy lòng biển…” (BĐ 1).
Và để thế giới của chúng ta, để cuộc sống chúng ta “hiểu biết Thiên Chúa như nước ngập tràn đại dương”, chắc chắn không có giải pháp nào hay hơn đề nghị của Thánh Gioan Tẩy Giả, một nhân vật đặc trưng của Mùa Vọng: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần…Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi…. hãy sinh hoa quả để chứng tỏ lòng sám hối”.
Một thế giới không chịu đổi thay, một nhân loại cứng lòng với những tính hư tật xấu sẽ là một thế giới mang tai họa triền miên, sẽ là một nhân loại bị sự dữ thống trị. Không phải cứ sở hữu những thứ vũ khí mạnh nhất, những hệ thống tin học tinh vi nhất, những mạng lưới an ninh quốc phòng hoàn hảo nhất, với nền kinh tế vững mạnh nhất…là tức khắc xóa tan đi chiến tranh, bạo lực, hận thù, và muôn ngàn sự dữ, sự ác.
Trên bình diện gia đình và đời sống cá nhân cũng thế. Một gia đình chỉ biết đặt điểm tựa trên tiền bạc vật chất, trên uy thế chính trị, trên sự hưởng thụ và kiêu căng…chắc chắn không chóng thì chày, không sớm thì muộn, gia đình ấy cũng sẽ đổ vỡ tan tành.
Mùa Vọng mãi mãi sẽ là một cơ hội thích hợp để mỗi người chúng ta, mỗi gia đình và toàn thể dân Công Giáo cùng đứng lên làm cuộc cách mạng nội tâm, sửa đổi cuộc sống sao cho phù hợp với những đòi hỏi của Thiên Chúa. Từ cuộc cải biến nội tâm với lòng khiêm nhượng sám hối, chắc chắn mảnh đất thế giới sinh nhiều hoa thơm trái ngọt, sự hiểu biết Thiên Chúa sẽ dâng đầy và rồi một “triều đại đua nở hoa công lý” sẽ xuất hiện.
Tuy nhiên, để đón nhận Đức Kitô và sứ điệp của Ngài, luôn là một “cuộc xuất hành mới” đầy cam go, thử thách, vất vả …; nhất là khi phải “bạt xuống nhưng đồi núi của kiêu căng, hợm hĩnh, của tham vọng ngông cuồng” đã một thời hằn sâu trong cái tôi, hoặc phải “lấp đi những hố sâu của hận thù chia rẽ, ghen ghét giận hờn, đố kỵ, cách ngăn”, như những “vết xâm thâm căn trong tâm hồn và trong các mối tương quan, mà bộ phim Untattoo You (Hãy tẩy vết xâm của bạn đi) đã minh họa cách sinh động[1].
Tuy nhiên, sứ điệp Lời Chúa mà chúng ta vừa nghe và chia sẻ với nhau đó không bao giờ chỉ là những “giải pháp bất khả thi”, những “mission impossible” hay những “lời hứa hẹn suông”, giống như những phương thế tuyên truyền trong các “chiến dịch tranh cử” của xã hội dân sự, mà đúng như Lời Thánh Phaolô xác nhận trong thư gởi giáo đoàn Rôma: “Quả thế, mọi lời xưa đã chép trong Kinh Thánh, đều được chép để dạy dỗ chúng ta. Những lời ấy làm cho chúng ta nên kiên nhẫn, và an ủi chúng ta, để nhờ đó chúng ta vững lòng trông cậy.”; và cũng từ thái độ xác tín với Lời Chúa đó, ngài đề nghị: “Vậy, anh em hãy đón nhận nhau, như Đức Ki-tô đã đón nhận anh em, để làm rạng danh Thiên Chúa”.
Vâng, con đường của Mùa Vọng, con đường để nhân loại đến với nhau, con đường để kết nối muôn vạn trái tim để làm nên một đại gia đình yêu thương hiệp nhất đều phải bắt đầu từ đây: chúng ta hãy đón nhận nhau, như Đức Ki-tô … để làm rạng danh Thiên Chúa”, như huyền thoại “con đường hoa của hai tên cướp”[2] mà người ta vẫn kể cho nhau nghe trong những câu chuyện hay về việc “dọn đường đón Chúa”. Amen.
Trương Đình Hiền.
[1] Mark Link S.J. Giảng lễ Chúa Nhật Năm A. Tuần II, HÃY TẨY VẾT XÂM ĐI, Tài liệu ronéo, tr 13: Cuốn phim kể lại những nguy hiểm của tục xâm mình và cho thấy việc tẩy xóa những vết xâm nhỏ nơi cacnhs tay và nơi mặt, cũng như các vết xâm lớn nơi ngực và lưng thực khó khăn biết bao…
[2] Đại ý câu chuyện: Hai tên cướp bị săn đuổi trốn lên rừng và tìm được hai cái hang của hai vị ẩn tu đã chết. Hai tên nầy quyết tâm sửa dọn hang và làm một con đường nối lại để qua ngày giúp nhau trong cuộc sống sám hối. Từ đó, nhờ đời sống tốt lành, nơi hang của hai người đã mở con đường gặp gỡ dân dưới đồng bằng, và con đường đầy những bông hoa…Khi hai tên cướp qua đời, dân chúng trân trọng và tôn vinh như “hai ông thánh”…