MÙA VỌNG VÀ HÃY “BAY LÊN NHỮNG NỤ CƯỜI”

Views: 137

(Chúa Nhật 3 Mùa Vọng năm A 2022)

            Khi nghe lời hiệu triệu của Thánh Phaolô dành cho cộng đoàn Philipphê được Giáo Hội chọn để hát Ca Nhập Lễ hôm nay “Anh em hãy vui luôn trong Chúa”, tôi bỗng nhớ giai điệu cùng giọng hát dễ thương của bé Như Quỳnh trong ca khúc “Bay lên nhé nụ cười” của nhạc sĩ Nguyễn Hoàng Linh:

Bay lên nhé những nụ cười nồng ấm!

Những ngọt ngào rạng rỡ ước mơ.

Ngày mai muôn vì sao lấp lánh soi con đường

Và những con đường thênh thang mang ta đi thật xa…

            Vâng, nụ cười là biểu cảm của niềm vui. Sứ điệp Lời Chúa của CN 3 MV nầy gọi mời chúng ta vui, gọi mời toàn thể Dân Chúa hãy “bay lên những nụ cười nồng ấm”, và là những nụ cười “ngọt ngào rạng rỡ ước mơ…”. Phải chăng chính vì thế mà Chúa Nhật hôm nay được mang tên “Chúa Nhật Hồng”; và chủ tế có thể mang phẩm phục màu hồng tươi vui nồng ấm thay cho màu tím xa vắng đợi chờ !

            Thế nhưng, đang giữa con đường Mùa Vọng mang “gam màu tím của khắc khoải đợi chờ”, của “dọn đường cực nhọc”… Phụng vụ lại chuyển sang “gam màu hồng của hoan vui rạng rỡ”, của “hớn hở tưng bừng” chắc phải có lý do quan trọng ?

            Vâng, lý do quan trọng chính là đây: Phụng vụ Mùa Vọng không muốn chúng ta sống tâm tình “đợi chờ trong héo hon”, “dọn đường trong mỏi mệt”… mà phải là trong phấn chấn hân hoan, tỉnh táo và sinh động ! Thật vậy, Chúa Nhật tuần 3 Mùa Vọng muốn khơi lên trong lòng mọi tín hữu, và qua tín hữu, trong tâm hồn mọi người, niềm vui ơn cứu độ của Đức Kitô và trong Đức Kitô. Đây là niềm vui hiện thực và sinh động được bén rễ trong đức tin vào sự “hạ cố viếng thăm của Thiên Chúa qua sự hiện diện của Đức Kitô để cứu độ và tái tạo thế giới”.

            Để làm bật nổi ý nghĩa nầy, trước hết, Phụng vụ mượn lời của ngôn sứ Isaia, hơn sáu thế kỷ trước Chúa Kitô, trong bối cảnh một đất nước Israel hoang tàn của kiếp đời nô lệ lưu đầy, đã gióng lên niềm vui: “Vui lên nào, hỡi sa mạc và đồng khô cỏ cháy, vùng đất hoang, hãy mừng rỡ trổ bông, hãy tưng bừng nở hoa như khóm huệ, và hân hoan múa nhảy reo hò…”. Và đây chính là lý do của niềm vui hân hoan dạt dào đó: “…Chính Người sẽ đến cứu anh em. Bấy giờ mắt người mù sẽ mở ra, tai người điếc nghe được. Bấy giờ kẻ què sẽ nhảy nhót như nai, miệng người câm sẽ reo hò…”.

            Thế nhưng lịch sử Dân Chúa đã minh chứng rằng: những lời trên hoàn toàn không ứng cho biến cố xảy ra sau đó khi vua Kyro cho dân hồi hương trở về xây lại đền thờ, hay cho thời anh em nhà Macabê đứng lên đánh đuổi ngoại bang giành quyền tự chủ. Bởi vì đền thờ Giêrusalem rồi cũng lại tan tành đổ nát; hết Ba Tư, Babylon, Hy Lạp đè đầu cởi cổ rồi lại đến Rôma; người mù vẫn đầy đường, người điếc vẫn đầy phố, kẻ què vẫn rụt cổ nằm im, kẻ câm vẫn ngậm miệng buồn tủi…

            Vâng, những lời trên của Isaia chỉ ứng cho một người, một “Đấng phải đến” mà ông Gioan Tẩy Giả cứ mãi khắc khoải băn khoăn, đến đổi đã sai môn sinh đến để chất vấn trực tiếp như Tin Mừng Matthêô hôm nay kể lại: Ông sai môn đệ đến thưa Ngài rằng: “Thầy có phải là Đấng phải đến chăng, hay chúng tôi còn phải đợi Đấng nào khác?” Chúa Giêsu bảo họ: “Hãy về thuật lại cho Gioan những gì các ông nghe và thấy: người mù được thấy, người què đi được, người phong hủi được khỏi, người điếc được nghe, người chết sống lại, và tin mừng được loan báo cho kẻ nghèo khó; và phúc cho ai không vấp ngã vì Ta”.

            Cách đây 2000 năm, đã có một “tin vui động trời” như thế vang rộn trên những nẻo đường của một đất nước Israel đang oằn mình dưới gót giày thực dân của đế quốc La mã.

Thật vậy, tất cả những gì, không phải chỉ các môn sinh của Gioan đã “mắt thấy tai nghe”, mà hàng hàng lớp lớp dân Giêrusalem, Samari, Galilê, Tyrô, Siđon, Capharnaum, Giêrikhô chứng kiến… trong những tháng ngày đó đều vang rộn tin vui, tin mừng.

– Vui mừng khi những con người mang thương tật điếc, câm, què, mù… chỉ một cái nhìn trìu mến, một cử chỉ quyền năng đã phục hồi nguyên vẹn không chỉ thể xác mà là toàn vẹn con người.

– Vui mừng khi cuộc đời mang thân phận cùi hủi vốn đã thân tàn ma dại bị ném vào hoang mạc để chết dần chết mòn theo năm tháng trong nỗi tuyệt vọng thảm thương, lại đột nhiên được chữa lành để ngẩng cao đầu mà hội nhập vào cuộc sống bình thường !

– Vui mừng những cuộc đời hoang vu, rỗng tuếch vì vật chất bon chen, vì rẻ khinh loại trừ của những kẻ như Lêvi, Giakêu thu thuế lại được Thầy Giêsu ghé mắt viếng thăm và quyết chọn làm môn đệ.

– Vui mừng khi tấm thân nhơ nhớp của kiếp phận “nhớp nhơ mang tiếng cả thành” của cô Maria lại có ngày được chạm đến bàn chân của chính Vị Tôn Sư thánh thiện để vững tâm làm lại cuộc đời; hay trái tim tan nát, thất vọng của người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình đang bị bao vây bởi những con mắt rẽ khinh và những lời kết án cay nghiệt, lại được chính Thầy Giêsu phán những lời đầy khoan dung nhân ái: “Phần ta, ta không kết án chị đâu”.

– Vui mừng khi người mẹ già thành Naim đi bên quan tài đưa xác con lại gặp được một Đấng quyền uy phục sinh con mình từ trong cõi chết; hay chị em nhà Bêtania gặp lại người em trai Lazarô chết thúi trong huyệt mộ đã 4 ngày sống lại…

– Vui mừng khi một người đàn bà bị bệnh nan y chỉ mới sờ vào tấm áo choàng với niềm tin bỗng dưng khỏi bệnh, những em thơ được vỗ về âu yếm, đám đông cả mấy ngàn người tụ họp để nghe giảng Lời Chúa và cùng nhau được một bữa no nê ngay trên thảm cỏ xanh mà nghe đâu chỉ với 5 chiếc bánh và 2 con cá…

            Phụng vụ Chúa Nhật III Mùa Vọng cũng muốn làm sống lại nơi chúng ta niềm vui như thế; niềm vui trong Chúa Kitô, niềm vui gặp gỡ Đức Kitô trên mọi ngỏ nghách cuộc đời mình.

Và chắc một điều, đây hoàn toàn không là niềm vui bồng bột, nhất thời…, như niềm vui của người dân Croatia đêm qua trong trận bóng đá thắng đội Brasil; hay niềm của một ai đó ở Califorrnia trúng tờ độc đắc vé số powerball hôm tháng 11 vừa rồi với gần 2 tỷ đô la…

Không, như thánh Phaolô nói với dân thành Philipphê, đây là “niềm vui trong Chúa”; là niềm vui cao khiết, thánh thiêng mà rất nhiều khi lại phải trả bằng máu và nước mắt.Mà đâu chỉ các thánh nhân mới có được niềm vui thánh thiện. Thật ra, ở giữa đời thường cuộc sống, cũng đang có bao nhiêu “chứng nhân của niềm vui” mà đôi khi chúng ta chưa kịp tỉnh táo để nhận ra hay chưa đủ khiêm nhường để học hỏi: niềm vui của một em học sinh dừng xe để đưa một bà lão qua đường; niềm vui của một chú xe ôm chia sẻ nửa phần cơm cho một em bé bán vé số; niềm vui của một nữ công nhân trẻ quyết định giữ lại bào thai cho dù cuộc sống đầy chông gai phía trước; niềm vui của một nữ tu già vừa mỉm cười từ giã cuộc đời sau một đời phục vụ hy sinh; niềm vui của một thương gia vừa hoàn thành một quán cơm 2.000$ cho những anh chị em nghèo cơ nhỡ….; và nếu chịu khó đi ngược thời gian, chúng ta sẽ gặp niềm vui của một chàng giáo lý viên mang tên Anrê Phú Yên, trên đường ra pháp trường Gò Xử thành Chiêm vẫn thao thao bất tuyệt kể chuyện “tình yêu đáp trả tình yêu”, hay niềm vui của linh mục Maximilien Kolbe trong trại tù khét tiếng Auschwitz thời đệ nhị thế chiến khi vừa chấp nhận chết thay cho một người cha còn vợ còn con…

Như vậy, để có được một “Chúa Nhật hồng” trong cuộc đời hiện tại hôm nay với niềm vui thanh khiết, và nhất là, để có được một “Giáng Sinh vui vẻ (Merry Christmas) và an bình” trong những ngày sắp tới; hay xa hơn chút nữa, để có được một cuộc đời luôn tràn ngập tiếng cười của yên vui và hạnh phúc, thiết tưởng ngay từ hôm nay, nơi Bàn Tiệc Thánh Thể nầy, chúng ta phải cùng nhau gặp gỡ Đức Kitô và hãy để cho Tin Mừng của Ngài đi vào mọi ngỏ ngách của cuộc sống, để cho sự hiện diện của Ngài phảng phất thường xuyên trong mối quan hệ ứng xử và hành động của chúng ta; và đó cũng là để biến những lời hiệu triệu của Thánh Phaolô dành cho giáo đoàn Philipphê, mà Phụng vụ hôm nay một lần nữa nhắc lại, trở thành hiện thực giữa đời thường: “Anh em hãy vui luôn trong Chúa…”, hay như lời của một bài thơ:hãy “Bay lên nhé những nụ cười nồng ấm”. Amen.

Trương Đình Hiền