MÙA XUÂN NÓI VỚI TA ĐIỀU GÌ

Views: 117

(Bài giảng Lời Chúa ngày Mồng Một Quý Mão – 2023)

Kính thưa cộng đoàn Phụng vụ,

            Trước hết, trong buổi sáng tinh mơ của ngày Đầu Năm Mới, năm (Quý Mão, 2023), tôi xin được kính chúc Quí Cha, Quí Thầy, Quí nam nữ tu sĩ các hội dòng, các bạn chủng sinh chủng viện và các em dự tu các dòng nam nữ, cùng toàn thể ÔBACE, đặc biệt các vị cao niên, các bạn trẻ, các em thiếu nhi và những người ngheo đơn bệnh tật, các gia đình có người thân ra đi hay gặp phải những chuyện đau buồn trong Năm Cũ… , chúc tất cả một Năm Mới đầy tràn bình an và hạnh phúc, một Xuân Mới chan hòa niềm vui và ân lộc của Thiên Chúa. (Cho một tràng pháo tay).

            Kính thưa cộng đoàn, một điều khá đặc biệt, đó là năm nay, cả Dương lịch và Âm lịch với 3 biến cố hay đại lễ lớn cả đạo lẫn đời đều diễn ra vào ngày Chúa Nhật: Giáng Sinh năm nay (25/12), Tết Dương Lịch (1/1/23) và Tết Âm Lịch Quý Mão (Mồng Một Tháng Giêng Quý Mão) đều rơi đúng ngày Chúa Nhật. Cho dù, đó chỉ là sự trùng hợp của vòng quay thời gian, của sự tuần hoàn vũ trụ, nhưng dù sao cũng muốn nói với chúng ta rằng: Thời gian là của Chúa và mọi sự đều thuộc về Chúa; riêng đối với người tín hữu chúng ta, mọi biến dịch của vũ trụ, mọi biến thiên của cuộc sống, mọi đối thay hay biến cố trong đời chỉ thật sự có ý nghĩa khi được ánh sáng Mầu Nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô soi chiếu. Chính vì thế, thật là ý nghĩa khi chúng ta họp nhau mừng ngày Minh Niên Quý Mão trong chính ngày Chúa Nhật thứ III Thường Niên – Chúa Nhật Lời Chúa.

            Thế nhưng, như một câu chất vấn của nhạc sĩ Trần Tiến trong ca khúc “Mùa Xuân Gọi”: “Mùa xuân nói với em điều gì ? Mà sao mắt em vui thế ?…”, chúng ta cũng hãy tự hỏi: Trong ánh sáng đức tin, Mùa Xuân nói với ta điều gì ?

            Để trả lời cho câu hỏi trên, không gì hơn là chúng ta nhớ lại các gợi ý của Lời Chúa vừa được công bố. Thật vậy, chỉ có Lời Chúa mới cho chúng ta tìm được ý nghĩa đích thực của sứ điệp “Xuân về” hay “Tết đến”. Và đây cũng chính là ước nguyện của Đức Thánh Cha Phanxicô dành cho Chúa Nhật nầy khi ban hành Tông thư Aperuit Illis để thiết lập Chúa Nhật Lời Chúa: “Ước gì Chúa nhật Lời Chúa có thể làm lớn lên trong dân Chúa lòng sùng đạo và sự chăm chỉ quen thuộc với Thánh Kinh, như tác giả thánh đã dạy trong thời xưa “Lời này ở gần ngươi, Lời ở trong miệng ngươi và trong tim ngươi, để ngươi đem ra thực hành” (Tl 30, 14).(AI 15).

            Chúng ta vừa nghe sách Sáng Thế ký (Bài đọc 1) tường thuật việc tạo dựng đầu tiên của Thiên Chúa là dựng nên “ánh sáng” để qua đó thiết đặt “thời gian”: “Hãy có những vật sáng trên vòm trời và hãy phân chia ngày và đêm, và trở thành dấu chỉ thời gian, ngày và năm tháng, để soi sáng trên vòm trời và giãi sáng mặt đất”. Thì ra, vũ trụ với bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông và phận người với “Sinh, lão, Bệnh, Tử”… nào có phải là chuyện ngẫu nhiên tình cờ, sắc sắc không không… mà là chính công trình sáng tạo và quan phòng yêu thương của Thiên Chúa. Vì thế, Mùa Xuân nói với ta điều đầu tiên và cũng là điều mà lời Chúa trong sách Giảng Viên đã khẳng định đó là: “Ở dưới bầu trời nầy, mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời” (Gv 3,1). Vâng, mọi sự mọi thời đều bởi Chúa và do Chúa.

            Anh chị em biết đó, mùa xuân trước (Nhâm Dần) tôi còn má, nhưng hôm nay Xuân Quý Mão má tôi đã về “bên kia thế giới” hay “quê hương hằng sống” hơn 4 tháng rồi. Cũng vậy, “cái lúc” hay “cái thời” của Đức cố GH Bênêđictô XVI, dù cho muốn kéo dài cuộc sống thêm 14 giờ 26 phút nữa để bước qua năm 2023, thêm được 1 tuổi (96) nhưng cũng không được; khi được “Chúa thương gọi về” lúc 9.34 ngày 31/12/2022 vừa qua. Và khi mỗi người chúng ta “ngộ” được chân lý nầy, hay cùng nhận ra “điều đầu tiên mùa Xuân” muốn nói nầy, chắc chắn chúng ta sẽ cảm nhận được: mọi thời khắc đều quý giá, mọi phút giây đều là mùa Xuân, đều là ngày Minh Niên để đến với Chúa và đến với anh chị em mình; như cái cách cảm nhận về thời gian của tác giả Thánh Vịnh 89 mà Hội Thánh đã hát lên trong Đáp Vịnh Ca hôm nay: “Xin dạy chúng tôi biết đếm ngày giờ, để chúng tôi luyện được lòng trí khôn ngoan… Xin cho chúng tôi sớm được no phỉ ân tình của Chúa, để chúng tôi mừng rỡ hân hoan trọn đời sống chúng tôi…” (Tv 89, 12-13. 14. 16).

Và dĩ nhiên, khi sống được như thế, cuộc đời chắc chắn sẽ đong đầy niềm vui, niềm vui của Thánh ân, niềm vui của tình yêu, niềm vui của những con người luôn vâng phục Thánh Ý Thiên Chúa như Đức Trinh Nữ Maria hoan vui hát lên bài Magnificat: “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng trong Thiên Chúa Đấng Cứu độ tôi…”; và đây lại chính là “điều thứ 2 Mùa Xuân muốn nói” với chúng ta qua sứ điệp của Thánh Phaolô gởi giáo đoàn Philipphê vừa được công bố trong Bài đọc 2: “Anh em thân mến, anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em! Sao cho mọi người thấy anh em sống hiền hoà rộng rãi, Chúa đã gần đến. Anh em đừng lo lắng gì cả…”. Thế nhưng Thánh Tông Đồ Dân ngoại cũng lưu ý chúng ta rằng: “niềm vui của Chúa” luôn phải đi đôi, luôn được thể hiện và mang lại hoa trái là việc lành phúc đức, chứ không phải niềm vui dựa trên sự giàu sang, bạc tiền, danh vọng, nhậu nhẹt, những giá trị vật chất chóng tàn, mau qua… : “thưa anh em, những gì là chân thật, cao quý, những gì là chính trực tinh tuyền, những gì là đáng mến và đem lại danh thơm tiếng tốt, những gì là đức hạnh, đáng khen, thì xin anh em hãy để ý.”. Ý nghĩa nầy hình như cũng được phản ảnh đâu đó trong ca từ của hai câu cuối trong ca khúc “Mùa Xuân gọi” của nhạc sĩ Trần Tiến:

“Mùa xuân hát trên môi người, gọi niềm vui đến mỗi ngày

Mùa xuân hát trong tim người, gọi tình yêu mãi ban đầu” !

Và từ “sứ điệp niềm vui” nầy, trích đoạn Tin Mừng Matthêô mà chúng ta vừa nghe sẽ dẫn chúng ta tới “điều thứ ba mà Mùa Xuân muốn nói”: đó chính là niềm tin cậy phó thác cho lòng thương xót của Chúa; hay theo ngôn ngữ của chính Chúa Giêsu thì đó là: “Thầy bảo các con. Chớ áy náy lo lắng cho mạng sống mình: lấy gì ăn; hay cho thân xác các con: lấy gì mà mặc. Nào mạng sống không hơn của ăn, và thân xác không hơn áo mặc sao? Hãy nhìn xem chim trời, chúng không gieo, không gặt, không thu vào lẫm, thế mà Cha các con trên trời vẫn nuôi chúng…. Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng coi chúng mọc lên thế nào? Chúng không làm lụng, không canh cửi. Nhưng Thầy nói với các con rằng: Ngay cả Salomon trong tất cả vinh quang của ông, cũng không phục sức được bằng một trong những đóa hoa đó…”.

Chúng ta đừng quên, liên tiếp 3 Mùa Xuân vừa qua: Tý, Sửu, Dần, cả thế giới đi qua chặng đường Covid-19 với cả một nỗi buồn đau, lo lắng, mất mát; đúng như câu nói quen thuộc của dân gian “Tý hư, Sửu hao, Dần bất lợi”. Thế nhưng, Thiên Chúa vẫn là “Thiên Chúa của kẻ sống”; và Ngài có đầy quyền năng và dư lòng thương xót để con cái của Ngài vẫn có được những mùa Xuân trong cuộc sống, như những con chim sẻ được bảo vệ để tung cánh giữa trời Xuân hay cánh hoa huệ khoe sắc hồng giữa nắng Xuân bên bờ ruộng !

Và nếu có thêm một điều nào Mùa Xuân muốn nói nữa thì đó là “câu chuyện cầm tinh con mèo” hay “Quý Mão”. Thực vậy, “mèo là con vật nhu mì và nhanh nhẹn, biểu hiện cho lòng yêu chuộng hòa bình và thanh lịch, đồng thời có nhiệm vụ bắt chuột, canh giữ bồ lúa cho chủ. Xin cho mỗi người chúng ta trở thành khí cụ hòa bình trong tay Chúa, luôn tỉnh táo giữ gìn và làm phát triển kho tàng đức tin đã lãnh nhận, hầu đem ánh sáng Phúc Âm soi chiếu vào môi trường chúng ta đang sống…” (Thư chúc Tết của hai ĐGM Qui Nhơn năm 2011).

Kính thưa cộng đoàn, kể từ thập niên 80 của thế kỷ trước, khi ban nhạc ABBA cho ra đời ca khúc “HAPPY NEW YEAR”, thì cũng kể từ đó, mỗi dịp Tết đến Xuân về, cả thế giới lại âm vang rộn rã những giai điệu và ca từ đầy ấn tượng của ca khúc bất hủ nầy. Trong nhiều lời của bài ca trên, một đoạn ngắn cuối tiểu khúc 1 ca rằng: Its the end of the party. And the morning seems so grey. So unlike yesterday. Nows the time for us to say…Happy new year, Happy new year…” (Tiệc đã đến lúc tàn. Và bình minh vẫn ảm đạm. Thật chẳng giống ngày hôm qua. Giờ đã đến lúc chúng ta nói: Chúc mừng năm mới. Chúc mừng năm mới…”.

Kính thưa cộng đoàn, ít ngày nữa hay cụ thể, sau ngày Mồng Ba Tết, cuộc sống gần như trở lại bình thường; những đoá hoa mai rơi rụng, những bữa cơm bữa tiệc đoàn tụ chấm dứt, mùa Xuân lại đi qua… Thế nhưng ở đây bây giờ chính là lúc thích hợp nhất để chúng ta cùng nói với nhau: Happy new year, Happy new year – Chúc mừng Năm Mới, Chúc mừng Năm Mới” ! Amen.

Trương Đình Hiền.