NĂM MỚI, HÀNH HƯƠNG VÀ BÀI CA MAGNIFICAT

Views: 16

(Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa 2024 – GX. Qui Hòa)

          Hôm nay, chắc chắn chúng ta, cộng đoàn dân Chúa giáo xứ Qui Hòa, ai cũng vui mừng và hạnh phúc, khi chúng ta đón cái Tết đầu năm Dương lịch 2025 trong khung cảnh phụng vụ lễ Mẹ Thiên Chúa, và ngày cầu cho hòa bình thế giới. Vâng, cùng với Mẹ Maria, chúng ta chào đón một ngày mới, một năm mới đầy hạnh phúc như mấy câu thơ của tác giả có biệt biệu “Chưa Biết”:

Hạnh phúc là gì em biết không

Là sớm mai em đón nắng hồng

Qua ô cửa chào bình minh ló rạng

và biết rằng ngày mới đã sang trang…

          Mà có lẽ không riêng chúng ta ở đây, những công dân của địa cầu, “những người lữ hành trong hy vọng” trên đường dương thế (Peregrinantes in Spem) cảm nhận được hạnh phúc, nhưng tôi tin và xác tín rằng: hôm nay, giờ nầy, trên chốn thiên cung, quê hương Nước Trời, có một người cũng đang thật hạnh phúc… Vâng đó chính là Mẹ Maria, Người Mẹ mà hôm nay Hội Thánh long trong mừng kính một đặc ân, một tước hiệu vô cùng cao quý của Ngài: MẸ THIÊN CHÚA.

          Để cắt nghĩa tại sao Đức Mẹ Maria hôm nay là người hạnh phúc, xin mời các bạn nghe lại đoạn cuối của một ca khúc về Mẹ của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung mà nữ ca sĩ Công Giáo Hiền Thục đã trình bày rất thành công:

Bao ngày Mẹ ngóng, bao ngày Mẹ trông

Bao ngày Mẹ mong con quay về…  

Mẹ chợt tỉnh giấc, và Mẹ nhìn thấy

Con Mẹ vẫn bé như thiên thần

Thấy con khóc oà, mắt Mẹ lệ nhoà

Cám ơn vì con đến bên Mẹ…

          Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung thật thâm thuý khi diễn tả nỗi niềm hạnh phúc của người mẹ trong giây phút cuối đời được thấy con trở về bên mẹ: cám ơn vì con đến bên mẹ…

          Vâng hôm nay, không chỉ một đứa con, mà hàng tỷ đứa con Công Giáo, Chính Thống giáo “đến bên Mẹ”, làm sao mà Đức Mẹ không hạnh phúc. Chắc chắn trên trời Đức Mẹ cũng đang nhìn xuống để thì thầm: “cảm ơn vì chúng con đến bên mẹ!”.

          Nhưng, lý do gì để chúng ta “đến bên Mẹ” hôm nay? Để trả lời, chắc chúng ta phải làm một cuộc hành hương trở về quá khứ …

          Cách đây hơn 15 thế kỷ, dân thành Êphêsô đã có một đêm rước đuốc tưng bừng, đêm 22.06.431, đêm mà Dân Chúa hân hoan vì sự vinh thắng của đức tin truyền thống về mầu nhiệm Mẹ Maria Mẹ Thiên Chúa được Công Đồng Êphêsô tuyên tín bằng những từ ngữ chắc chắn: “Nếu ai không tuyên xưng Đấng Emmanuel là Thiên Chúa thật, và do đó, Rất Thánh Trinh Nữ là Mẹ Thiên Chúa, vì Mẹ sinh ra xác phàm của Ngôi Lời nhập thể, thì mắc vạ tuyệt thông”. Và cũng từ cái “đêm không ngủ rực sáng tưng bừng Êphêsô” ấy, một làn gió xuân tươi mát dịu dàng của “Tình Mẹ”, của “Đấng Đầy ơn phước”, của lời chào thân thương “Ave Maria”, của bài kinh bất hủ “Magnificat”… đã lan ra khắp Âu Châu và toàn thể địa cầu. Và rồi, sau hơn 15 thế kỷ từ biến cố Công đồng Êphêsô, tín điều “Mẹ Thiên Chúa”, sau những chặng đường dài được sống, suy tư, cầu nguyện và củng cố trong nhịp sống đức tin của Dân Chúa, cách đây hơn 60 năm (chính xác là vào ngày 21.11.1964), đã được Công Đồng chung Vatican II xác định một cách thâm thúy và nhẹ nhàng hơn trong Hiến chế về Hội Thánh (Lumen Gentium): “Từ muôn đời, Đức Trinh Nữ đã được tiền định làm Mẹ Thiên Chúa cùng một lúc với việc nhập thể của Ngôi Lời Thiên Chúa… Đức Trinh Nữ nhờ ơn huệ và vai trò làm Mẹ Thiên Chúa, Mẹ được hợp nhất với Con Mẹ là Đấng Cứu Chuộc và hiệp nhất với Giáo Hội… Mẹ Thiên Chúa là mẫu mực của Giáo Hội trên bình diện đức tin, đức ái và hoàn toàn hiệp nhất với Đức Kitô” (GH 61,63).

Thật là may mắn! Thật là diễm phúc! Trong trật tự của đức tin Tông truyền, Giáo Hội Công giáo chúng ta vẫn dành cho Mẹ Maria một tình mẫu tử đậm đà và một niềm tôn kính sâu xa đúng đắn! Có thể nói được: Giáo Hội vẫn còn Mẹ, vẫn xứng đáng nhận được “một bông hồng cài lên áo” như lời ca trong ca khúc “Bông Hồng cài áo” của Phạm thế Mỹ: “Một bông hồng cho anh, một bông hồng cho em, một bông hồng cho những ai đang còn mẹ… Thì xin em hãy cùng tôi vui sướng lên, hãy cùng tôi vui sướng lên…”.

          Tuy nhiên, Tước hiệu nầy có to tát quá không? Có bất hợp lý như một số người, đặc biệt, một số Hội Thánh Tin Lành đã bài bác phủ nhận? Chúng ta có thể trả lời một cách xác tín: Đức Maria Mẹ Thiên Chúa là một tín điều hoàn toàn phải đạo và chính đáng!

          Bởi chưng, khi xuống thế làm người, Ngôi Hai Thiên Chúa đã chấp nhận mang lấy bản tính của nhân loại. Nếu Ngài đã không từ chối sinh ra trong lòng một dân tộc cứng đầu và phản loạn, đã không chọn cho mình một gia đình quí tộc đế vương, nhưng lại chấp nhận thuộc dòng con cháu Áp-ra-ham mà trong thứ tự gia phả (Mt 1,1-16) đã có ít nhất 4 người phụ nữ không ra gì: Ta-Ma loạn luân (St 38, 1-30), Ra-kháp mãi dâm (Gs 2, 1-21), Rút ngoại đạo (R 3-4), Bát-sê-ba ngoại tình (2 Sm 11,12), thì việc Ngài làm con Đức Maria, một Trinh nữ thánh thiện, không nhiễm tội truyền, có gì là không chấp nhận được! Cũng thế, nếu “Đấng Thánh của Thiên Chúa” sẵn sàng đi giữa tội nhân xuống dòng sông Giođan chịu phép rửa, đã không ngại gần gũi, tiếp xúc với những người thu thuế tội lỗi như Matthêô, Giakêu, phụ nữ ố danh tai tiếng …, rồi lại chấp nhận bị kết án, bị lột trần, bị đánh tan nát và bị đóng đinh chết giữa hai tên trộm cướp…, thì việc Ngài chấp nhận làm Con của một người Trinh Nữ thánh thiện có gì là bất hợp lý đâu!

          Chẳng những đã không bất hợp lý mà lại rất cần thiết; vì Đức Trinh Nữ Maria đã được Thiên Chúa tuyển chọn để cọng tác với Ngài trong công cuộc thực hiện chương trình cứu rỗi mà thư thánh Phaolô gởi giáo đoàn Galát vừa khẳng định trong Bài đọc 2: “khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà, và sống dưới lề luật, để chuộc những ai sống dưới lề luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử”.

          Vâng, nhờ Đức Kitô chúng ta nhận được ơn “làm nghĩa tử” và Đức Kitô chính là “Anh Cả của một đoàn em đông đúc”. Chính trong tư cách Mẹ của Đức Kitô,  Mẹ Thiên Chúa mà Đức Maria đã trở nên phương thế để “đàn em của Chúa Kitô” tức Hội Thánh lớn lên và không ngừng tươi trẻ. Mẹ đã chăm sóc, bảo bọc, nuôi dạy Bé Giêsu thế nào thì Mẹ cũng chăm sóc đàn em của Ngài như thế; hôm qua cũng như hôm nay.Thật vậy, ở giữa lòng Hội Thánh Công Giáo hôm nay, Đức Maria không chỉ hiện diện qua những ảnh hình của hội họa, điêu khắc, thi ca, âm nhạc…, mà Mẹ Maria đã đang và mãi mãi đồng hành với Hiền Thê của Con Mẹ, để làm cho Hội Thánh lớn lên và không ngừng tươi trẻ. Từ Lộ Đức tới La Vang, từ Trà Kiệu tới Fatima, từ Tà Pao tới Măng đen… Mẹ luôn dõi theo từng bước chân của Hội Thánh để chăm sóc giữ gìn, để động viên an ủi, để dạy bảo răn đe. Nói cách khác, Mẹ không ngừng đem cho Giáo Hội những làn gió mát của Thánh Thần để chiếc sáo Giáo Hội rung lên những giai điệu tuyệt vời hầu chuyển tải sứ điệp Tin Mừng cho muôn dân tộc, như cách diễn tả của cố thi sĩ Xuân Diệu, một người ngoại giáo, đã cảm nhận sâu sắc về Mẹ Trà Kiệu qua mấy những câu thơ mượt mà thanh thoát:

Nên hôm nay con ngồi như trẻ nhỏ,

Giữa đáy trưa trong lòng Mẹ vô cùng.

Con là sáo mẹ là ngàn vạn gió,

Mẹ là trời con là hạt sương rung.       

          Ngày lễ Mẹ Thiên Chúa hôm nay cũng là ngày đầu năm Dương lịch (2025) và được Giáo Hội chọn làm ngày “cầu nguyện cho hòa bình thế giới”. Vâng, Mẹ chính là dấu chỉ của hòa bình và sự chúc lành cho Dân Chúa mà lời cầu nguyện hôm nay chính là sự vọng lại của lời cầu nguyện mà Môsê đã dạy cho dân Israel thuở xưa: “Xin Chúa chúc lành cho con, và gìn giữ con. Xin Chúa tỏ nhan thánh Chúa cho con, và thương xót con. Xin Chúa ghé mặt lại cùng con, và ban bằng yên cho con”  (Bđ 1).

          Ước gì năm nay, Năm Thánh của những đứa con đang hành hương trong hy vọng (Peregrinantes in Spem), Mẹ Thiên Chúa, “Đức Maria ban sự bình an” sẽ lau sạch những giọt nước mắt ở Ukraina, ở Gaza, ở Syria… để khắp nơi đều hoan ca với Mẹ trong bài ca Magnificat đi cùng năm tháng: “Linh hồn tôi nhảy mừng trong Chúa… vì Ngài đã thực hiện cho tôi bao việc lạ lùng…!”. Amen.

Trương Đình Hiền