Views: 3
(Chúa Nhật 4 Phục Sinh năm C 2025)
Bằng ngôn ngữ và hình ảnh của đời thường du mục trên những thảo nguyên lộng gió của vùng Palestine, Thiên Chúa đã mạc khải bản thân mình cho dân tộc Israel qua hình ảnh của một “người chăn chiên”:
“Chúa chăn nuôi tôi tôi chẳng thiếu thốn chi…
Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi năm nghỉ.
Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi…
Đầu con, Chúa xức đượm dầu thơm,
Ly rượu con đầy tràn chan chứa…”.
Nếu “Người Mục Tử của Cựu ước đã chăn nuôi dân Israel bằng “dòng nước trong lành”, bằng “dầu thơm lựng”, bằng “ly rượu đầy tràn”… thì Người Mục Tử Giêsu của Tân Ước đã chăm sóc “đoàn chiên mới” bằng “dòng nước tinh tuyền của Nhiệm tích Thánh Tẩy”, bằng “ly rượu, tấm bánh là chính Máu Thịt Người”, và bằng “Dầu Thánh Thần được thông ban qua hồng ân Thêm Sức”. Và đó chính là phương thế, là con đường, là năng lực Người Chăn chiên vô hình Giêsu” đã chọn để chăm sóc, dẫn đưa và nuôi sống đoàn chiên mà Ngài đã cứu chuộc bằng chính cuộc Nhập Thể-Tử nạn-Phục sinh của Ngài suốt 2000 năm nay và cho mãi đến tận thế.
Thế nhưng, để có được một “đàn chiên” chăm sóc, dưỡng nuôi, Vị Mục Tử Kitô đã phải trả giá bằng cuộc khổ hình thập giá và sống lại vinh quang: “Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên (Ga 10,11); và khi đã hoàn tất công trình “Vượt Qua” ở dưới thế, Chúa Kitô đã thiết lập Hội thánh, ban Thánh Thần để sai Hội thánh ra đi kiếm tìm chiên lạc và đưa về cho Thiên Chúa một “đoàn chiên mới”: “Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử” (Ga 10,16).
Trích đoạn sách Công vụ Tông đồ của Bài đọc 1 hôm nay đã thuật lại con đường loan báo Tin mừng đầy nhiêu khê vất vả của hai Tông đồ Phaolô và Banaba; nhất là khi hai ngài đối diện với những chống đối kịch liệt của những người thuộc Do Thái giáo: “Các người Do-thái thấy đám đông dân chúng, thì đâm ghen tương, nói lộng ngôn, chống lại các điều Phaolô giảng dạy. Phaolô và Barnaba can đảm nói rằng: “Phải giảng lời Thiên Chúa cho các ngươi trước tiên, nhưng vì các ngươi từ chối lời Thiên Chúa và tự cho mình không xứng đáng sống đời đời, thì đây chúng tôi quay về phía các dân ngoại”.
Tuy nhiên, chính sự quay lưng chối từ của họ, đã củng cố cho “ơn gọi loại biệt” của hai vị tông đồ nầy là “quay về phía dân ngoại”, một sứ mệnh mà cho tới mãi hôm nay, đã không còn là chuyện “loại biệt của một số tông đồ”, nhưng là sứ vụ chung cho toàn thể Hội thánh, sứ vụ “Đi Ra”, như lời khẳng định trong tông huấn “Niềm vui của Tin Mừng” của Đức cố Giáo hoàng Phanxicô: “Sau cùng, chúng ta không thể quên rằng loan báo Tin Mừng trước hết và trên hết là giảng Tin Mừng cho những người không biết Đức Giêsu Kitô hay luôn luôn chối bỏ Ngài.” (Số 14). “Mỗi Kitô hữu và mỗi cộng đoàn phải nhận ra con đường mà Chúa chỉ cho, nhưng tất cả chúng ta phải vâng theo tiếng gọi của Ngài là ra đi từ vùng đất tiện nghi của mình để đến với mọi vùng “ngoại vi” đang cần ánh sáng Tin Mừng.” (Số 20).
Cái viễn tượng muôn dân được nghe loan báo Tin Mừng, được hưởng niềm vui ơn cứu độ, được trở thành “đoàn chiên được chăm sóc trong mái nhà Thiên Chúa” đã không bao giờ là một viễn cảnh mơ hồ hay một dự định hoang tưởng… Đó chính là cùng đích, là điểm đến chung cuộc trong kế hoạch diệu kỳ đầy tình thương của Thiên Chúa như sách Khải huyền mô tả nơi Bài đọc 2: “Tôi là Gioan, tôi thấy một đoàn người thật đông không tài nào đếm nổi, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ. Họ đứng trước ngai và trước Con Chiên… Họ sẽ không còn phải đói, phải khát, không còn bị ánh nắng mặt trời thiêu đốt và khí nóng hành hạ nữa. Vì Con Chiên đang ngự ở giữa ngai sẽ chăn dắt và dẫn đưa họ tới nguồn nước trường sinh. Và Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ” (Bđ 2: Kh 7,9.14-17).
Thế nhưng, trên cuộc hành trình dài thăm thẳm dẫn tới viễn cảnh “một đoàn chiên một chủ chiên”, Đức Kitô, Vị Mục tử nhân lành, luôn hiện diện và đồng hành với Hội thánh và trong Hội thánh: Đây chính là nền tảng và điều cốt yếu làm nên Kitô giáo. Một “Hội thánh không Đức Kitô” sẽ không bao giờ tồn tại; và bất cứ ai, bất cứ thế lực nào muốn “thay thế Đức Kitô bằng quyền lực của mình” để khống chế hay lèo lái Hội thánh theo ý loài người sẽ hoàn toàn thất bại! Cũng vậy, một đoàn chiên không đón nhận, xác tín và gắn kết mật thiết với Đức Kitô sẽ chỉ là một “tổ chức, một bầy đàn èo uột, ốm yêu, bủng beo…”. Trong trích đoạn Tin mừng Gioan vừa được công bố, Đức Kitô đã tuyên cáo dứt khoát: “Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: “Chiên Ta thì nghe tiếng Ta, Ta biết chúng và chúng theo Ta. Ta cho chúng được sống đời đời; chúng sẽ không bao giờ hư mất, và không ai có thể cướp được chúng khỏi tay Ta”.
Để Đức Kitô Mục tử hiện diện trong thế giới này và để có nhiều người trở thành “cánh tay nối dài của Ngài để chạm đến nhiều người” hầu dẫn đưa họ về “một đoàn chiên duy nhất”, Hội thánh đã chọn Chúa Nhật hôm nay để cầu nguyện: cầu nguyện cho ơn thiên triệu linh mục-tu sĩ. Hơn lúc nào hết, thế giới, Giáo hội đang cần những bậc “chân tu”, những tâm hồn can đảm và quảng đại sẵn sàng “đập bể bình dầu thơm cuộc đời để xức chân cho Chúa, để làm rực lên mùi thơm cho ngôi nhà Giáo hội” (ĐSTH số 104).
Qua chân dung của hai vị mục kế vị thánh Phêrô: một Phanxicô vừa tạ thế và một Lêô XIV vừa đắc cử, chúng ta như rờ đụng được tới sự hiện diện của Đức Kitô phục sinh và quyền năng tác động của Chúa Thánh Thần. Tạ ơn Chúa, nhờ những vị mục tử tốt lành như thế mà chúng ta xác tín rằng: ngày mà thế giới chỉ còn là “một đoàn chiên, một chủ chiên” sẽ không còn xa!
Trương Đình Hiền