Views: 11
(Lễ Thánh Gia 2024 – Khai mạc Năm Thánh thường lệ 2025)
Lễ Thánh Gia năm nay làm tôi chợt nhớ một kỷ niệm…
Vào đêm 23.12.2014 trước lễ Giáng Sinh tại Quảng Ngãi, khi đi dạo trong sân thánh đường, tình cờ đối diện với hai người người mẹ trẻ không phải giáo dân, dắt con đi xem Noel; và cả hai đều bồng một đứa, dắt một đứa, bốn đứa đều mặc đồ ông già Noel trông thật dễ thương. Thấy ngồ ngộ và vui tươi hồn nhiên nên tôi xin được chụp chung tấm hình. Và họ rất vui mừng được chụp hình với ông cha đạo. Anh chồng của một bà cũng vội vã chen ngay vào phía sau để được chụp chung… Sau đó tôi post cái hình nầy lên facebook với một bài thơ nhỏ mang tên “SAO TA CỨ PHẢI NGƯỜI XA LẠ”, thì liền được nhiều người like, trong đó có một comment: “Đây là bức hình đẹp nhất của cha trong mùa Giáng Sinh nầy”…
Tôi cảm nhận cái đẹp nhất mà người kia nhận xét, chính là cái đẹp của gia đình, của mẹ của con, của một mái ấm gần gũi với “Bà Mẹ, Đứa con và Người cha” đang ở trong hang đá kia. Đây là cái đẹp của gia đình nhân loại khi cùng nhau đi chiêm ngưỡng Thánh Gia trong dịp Giáng Sinh.
Quả thật, khi chiêm ngưỡng Thánh Gia nơi hang lừa máng cỏ, chúng ta mới thấy hiện lên cách rõ nét ý nghĩa thâm sâu và cũng rất dịu dàng của mầu nhiệm: “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” – Emmanuel.
Thiên Chúa ở cùng chúng ta cũng có nghĩa Thiên Chúa chấp nhận làm người trong thân phận của một em bé được sinh ra từ lòng mẹ cùng khóc oa oa như bao nhiêu tiếng khóc chào đời khác.
Thiên Chúa làm người cũng có nghĩa là Thiên Chúa chấp nhận làm một người con hiếu thảo trong một gia đình để lớn lên từng ngày trong sự học biết lời dạy của sách Huấn Ca: “của dâng cho Cha sẽ không rơi vào quên lãng, của biếu cho mẹ sẽ đền bù được tội lỗi”, hay “Ai thờ cha thì bù đắp lỗi lầm, ai kính mẹ thì tích trữ kho báu… Ai tôn vinh cha sẽ được trường thọ, ai vâng lệnh Đức Chúa sẽ làm cho mẹ an lòng” (Bđ 1)
Trong sứ điệp phụng vụ được chuyển tải hôm nay qua Tin Mừng Luca trong trình thuật “Đức Mẹ và Thánh Giuse ba ngày tìm con bị lạc trong đền thờ” đã cho ta ý nghĩa trọn vẹn của mầu nhiệm Thiên Chúa làm người.
Vâng,
– Thiên Chúa làm người cũng có nghĩa là một Thiên Chúa thuộc về một gia đình công chính, biết chu toàn lề luật thánh thiêng của Thiên Chúa như gia đình Giuse-Maria: Hằng năm cha mẹ Chúa Giêsu có thói quen lên Giêrusalem để mừng lễ Vượt Qua. Lúc bấy giờ Chúa Giêsu lên mười hai tuổi, cha mẹ Người đã lên Giêrusalem, theo tục lệ mừng ngày lễ Vượt Qua.
– Thiên Chúa làm người cũng là một Thiên Chúa của một gia đình mà cha mẹ và con cái luôn biết “lo công việc của Thiên Chúa”: “Mà tại sao cha mẹ tìm Con? Cha mẹ không biết rằng Con phải lo công việc của Cha Con ư?”.
– Thiên Chúa làm người cũng là một Thiên Chúa biết sống hiếu thảo vâng phục cha mẹ trong gia đình và lớn lên từng ngày trong ân sủng: Bấy giờ Người theo hai ông bà trở về Nadarét, và Người vâng phục hai ông bà. Maria mẹ Người ghi nhớ những việc đó trong lòng. Còn Chúa Giêsu thì tiến tới trong sự khôn ngoan, tuổi tác và ân sủng, trước mặt Thiên Chúa và người ta.
Và nếu phải học thêm điều gì nơi “mái trường Thánh Gia” thì đây là những bài học mà các sách Tin Mừng đã chuyển tải:
– Bài học của sự chấp nhận hụt hẫng phũ phàng khi bị chối từ để phải dừng chân nơi quán trọ.
– Bài học của sự cam chịu trong thanh thản phó thác cái rét mướt, lạnh lùng khi đùm túm qua đêm nơi hang súc vật ngoài đồng vắng.
– Bài học của những nỗi lo sợ, kinh nghiệm bị săn đuổi, lưu đày khi mới mở mắt chào đời đã vội sống đời di cư, trốn chạy…
– Bài học trân trọng những giá trị cần lao, vất vả nơi tấm áo, mâm cơm đầy tình yêu của mẹ, nơi những giọt mồ hôi cần cù liêm khiết của Cha…
– Bài học của sẻ chia niềm vui nỗi buồn với bạn bè lối xóm, biết làm sao thoa dịu những vết thương đau của những kẻ lâm cảnh khốn cùng…
Chắc chắn, những lời giảng dạy trong cuộc đời công khai của Chúa Giêsu sẽ ghi đậm dấu ấn những lời nhủ khuyên sâu lắng, khiêm hạ của thánh Giuse, những chuyện kể dạt dào tình thương của Mẹ Maria hay những kỷ niệm đạo đức thân tình của những gia đình nghèo nhưng công chính nơi làng quê Na-da-rét….
Trong bối cảnh một đất nước, một quê hương Việt Nam càng ngày càng gia tăng các tệ nạn trong đời sống gia đình (ly dị, phá thai, buôn bán trẻ em và phụ nữ, nạn bạo hành trong gia đình, sự buông thả luân lý của giới trẻ, đồi trụy gia tăng nơi học đường…), thì con đường duy nhất để chữa trị những căn bệnh hiểm nguy đó chính là tìm về học lại nơi mái trường “Thánh Gia”, một địa chỉ mà nhạc sĩ Ngọc Lễ đã diễn tả cách thi vị qua ca khúc “Ba ngọn nến lung linh”: có “Ba là cây nến vàng, mẹ là cây nến xanh, con là cây nến hồng, ba ngọn nến lung linh, thắp sáng một gia đình… gia đình ôm ấp ta những ngày thơ, cho ta bao niềm thương mến… Bên nhau những khi đơn độc, bên nhau đi suốt cuộc đời …” .
Lễ Thánh Gia năm nay lại được cử hành trong khung cảnh long trọng của ngày các Giáo Hội địa phương chính thức Khai mạc Năm Thánh thường lệ 2025 mà trọng tâm ý nghĩa đó chính là “Những người hành hương trong hy vọng” (Peregrinantes in spem). Ước gì tình yêu, ân sủng và nguồn ánh sáng từ “điểm xuất phát” là chính mầu nhiệm Thánh Gia sẽ dẫn dắt đoàn Dân Chúa tiến bước trong niềm hy vọng: hy vọng cho một thế giới yên vui hòa bình; hy vọng các gia đình, những người cha, người mẹ, các con cái thấm nhuần đức yêu thương, hòa thuận như chính lời dạy của Thánh Phaolô trong Bđ 2 hôm nay: “Và trên hết mọi sự, anh em hãy có đức yêu thương, đó là giây ràng buộc mọi điều toàn thiện. Nguyện cho bình an của Chúa Ki-tô làm chủ trong lòng anh em, sự bình an mà anh em đã được kêu gọi tới để làm nên một thân thể…”.
Xin cho “ngọn nến Thánh Gia” luôn cháy sáng trên mọi nẻo đường hành hương của chúng ta, những Kitô hữu, và của mọi gia đình, mọi người trên thế giới. Amen.
Trương Đình Hiền