NGỌN NẾN TRÊN TAY CHÀNG HIỆP SĨ

Views: 61

Lễ Đức Mẹ dâng Chúa Giêsu trong đền thờ – 02.02.2020

Kính thưa ông bà và anh chị em,

            Hôm nay, cộng đoàn chúng ta hiệp cùng toàn thể Hội Thánh cử hành lễ Đức Mẹ dâng Chúa Giêsu trong đền thánh. Cử hành phụng vụ nầy đã có lâu đời trong nhịp sống đức tin của Dân Chúa và bắt nguồn từ truyền thống luật lệ và phụng vụ cựu ước, cùng với việc Giáo Hội trong tiến trình góp phần thanh tẩy các tập tục mang tính thần thoại và mê tín của văn hoá ngoại giáo Rôma.

– Trước hết là truyền thống phụng vụ theo luật lệ của Cựu ước:

            Theo sách Lêvi 12,1-8, một người phụ nữ khi sinh con trai sẽ ở cử 40 ngày và sinh con gái sẽ ở cử 80 ngày. Sau thời gian đó phải đến đền thờ để thực hành nghi thức thanh tẩy và dâng con cho Chúa. Nếu giàu có mang theo con chiên, nếu nghèo mang theo 1 cặp bồ câu non. Tin mừng Luca hôm nay tường thuật việc Đức Maria và Thánh Giuse, sau 40 ngày sinh hạ hài nhi Giêsu tại Bê-lem, đã tuân thủ giáo luật cựu ước lên đền thờ thanh tẩy và dâng Chúa Giêsu cho Thiên Chúa.

            Bài học vâng phục lề luật của Đức Mẹ, thánh Giuse là dấu chỉ đối nghịch với sự kiêu căng, bất tuân lệnh Chúa của Adong-Evà. Chính nhờ sự vâng phục đầy khiêm hạ nầy, ơn cứu độ đã đến cho trần gian.

            Tuy nhiên, phụng vụ hôm nay không chỉ đơn thuần là nhắc lại một sự kiện lịch sử hay nhấn mạnh về sự tuân thủ lề luật của gia đình Thánh Gia. Bởi chưng trước mắt người đời hôm nay hay ngày xưa, biến cố nầy cũng chỉ đơn thuần là một sinh hoạt giản đơn của nhịp sống đời thường trong dân Chúa. Cách đây 2000 năm, tại Giêrusalem, ngày nào mà không có các đôi vợ chồng trẻ lên đền thờ để thực hiện nghi thức giản đơn nầy ! Điều phụng vụ gợi lên, qua sứ điệp Lời Chúa sắp được công bố, để chúng ta cảm nhận và đem vào cuộc sống chính là cuộc “HỘI NGỘ CỦA NIỀM TIN”, cuộc “GIAO DUYÊN GIỮA NHÂN LOẠI TĂM TỐI KHÁT MONG VÀ ĐẤNG ĐẾN LÀ ÁNH SÁNG CỨU ĐỘ”. Cũng chính trong ý nghĩa nầy, mà những cây nến sáng được thắp lên trong nghi thức đầu lễ sẽ là một nhắc nhớ và hướng tầm nhìn đức tin của chúng ta về NGỌN NẾN PHỤC SINH, biểu tượng của Đức Kitô, Đấng là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống ; Đấng là Ánh Sáng chiếu vào nơi tối tăm, là Mặt trời hy vọng, là Sao mai giữa đêm trường.

            Để cắt nghĩa là làm bật nổi nội dung về “Chúa Kitô là ánh sáng cứu độ”, lời Chúa trong sách ngôn sứ Malaki (Bđ 1)đã tiên báo Đấng Cứu Thế sẽ đến thanh tẩy con cái Lêvi và biến Dân Chúa trở nên của lễ đẹp lòng Chúa. Vâng, chính Ngài sẽ thiết lập một trật tự phụng vụ mới, không phải trên núi nầy hay núi nọ, nhưng là trong Thánh Thần và chân lý; và chính Ngài, Đấng giống anh em mình mọi đàng sẽ là Vị Đại Giáo Trưởng nhân lành và trung tín thực thi công cuộc cứu độ và giải thoát bằng cuộc Hy tế thập giá. (Bđ 2)

Thứ đến, Lễ Nến hôm nay còn là dấu chỉ việc Giáo Hội thanh tẩy và Tin Mừng hoá các nền văn hoá ngoại giáo.

            Trước năm 700, Đức Giáo hoàng tại Rôma thường phát nến cho giáo dân tham dự lễ Mẹ dâng Con và tổ chức cuộc rước nến, vừa để tôn vinh Chúa Kitô là “Ánh Sáng muôn dân”, vừa để cải hóa hủ tục dân ngoại Rôma thường tổ chức hai cuộc rước đuốc linh đình:

– Cuộc rước đuốc rất dâm đãng tại Lupercal trên đồi Palatina gọi là Lupercalia từ ngày 2 tới 15 tháng 2 để kính thần Faunus là thần phong phú của người và súc vật.

– Cuộc rước đuốc rất thần thoại kỷ niệm thần Céres cùng với thủ hạ cầm đuốc băng qua núi đồi tìm ái nữ Proserpina đã bị Pluton là diêm vương cưỡng đoạt.

            Đặc biệt, trong câu chuyện thần thoại thứ 2, chúng ta đọc thấy ý nghĩa của việc Tin Mừng hoá nầy: Proserpina trong câu chuyện thần thoại này là hình bóng loài người đã bị diêm vương Satan cướp đoạt. Céres tượng trưng Thiên Chúa không nỡ bỏ con, liền đốt đuốc là chính Chúa Kitô tận tình tận lực đi tìm con.

            Qua diễn trình phụng vụ và sự chuyển tải các sứ điệp Lời Chúa, biến cố Dâng Chúa vào đền thánh hôm nay gần như loé sáng lên hai biểu tượng: ÁNH LỬA VÀ THANH GƯƠM. Vâng, đó là “Ánh lửa cứu độ bừng sáng lên trong con tim đợi chờ mòn mỏi của Simêon, Anna và “Thánh gươm loang máu trong viễn tượng Hy Tế của Chúa Con và trong con tim Xin vâng của Người Mẹ Đồng trinh.

            Nếu ngày xưa, Simêon đã mãn nguyện toại lòng khi được “bồng bế Đấng Mêsia Giêsu trên đôi tay già nua mệt mỏi vì đợi chờ hy vọng” với cái nhìn về tương lai trông ảm đạm nhiêu khê: “Một lưỡi gươm sẽ đâm thấu lòng bà” ; thì hôm nay cuộc hội ngộ với Đức Kitô Phục sinh đang ở đây trong Nhiệm Tích Thánh Thể lại đòi hỏi chúng ta bừng lên khí thế để lên đường, biểu dương ánh sáng cứu độ và tình yêu, để thắp sáng lên khắp hang cùng ngỏ hẻm ngọn lửa của Tin Mừng cho dù phải trả giá, dù “gươm có đâm thâu” hay nát thân nơi ngục tù lao lý.

            Vâng, được gặp gỡ Ánh Sáng cứu độ, mỗi người phải trở nên ánh sáng: các con là ánh sáng thế gian. Mà đã là ánh sáng thì phải chấp nhận tỏa sáng hết mình, như cây nến, chỉ thực sự là cây nến hữu dụng, khi bị cháy thiêu và hao mòn cho đến khi không còn gì:

            Thân nên hình hài đang sám hối

            Thiêu từng nếp cũ tháng ngày qua.

            Trong những ngày mà đại dịch Coronavirus đã làm cả thế giới rúng động, thì cũng chính tại “ổ dịch Vũ Hán”, bức thư của nữ bác sĩ Tào Hiểu Anh gởi cho con trai đã làm xúc động hàng triệu con tim. Đây là một chứng từ đẹp, một tia sáng trong bối cảnh đầy u ám tối tăm của sự chết.

“Con trai của mẹ, con đã bao giờ nhìn thấy sự cầu cứu dâng lên trong ánh mắt của những bệnh nhân và gia đình họ chưa? Họ đã luôn nhìn mẹ như vậy để mong chờ được cứu sống. Vì vậy mà hơn ai hết, mẹ hiểu được nỗi đau và sự tra tấn họ đang phải chịu đựng…Mẹ yêu con tới 100%, nhưng thời gian mẹ mà mẹ dành cho con không thể là 100% được. Dù biết sự nguy hiểm trong công việc này, nhưng mẹ luôn cảm nhận được sự mất mát đáng sợ mà dịch bệnh để lại, vì thế mà mẹ có mong muốn cả đời của mẹ là loại bỏ những điều đó. Xin lỗi con trai, hãy nghĩ rằng cuộc chia ly ngắn ngủi của ta sẽ làm nên tiếng cười của hàng triệu gia đình con nhé. Đây là điều mà trách nhiệm của những người bác sĩ như mẹ nên làm… Khi dịch bệnh qua đi, mẹ hứa sẽ ở bên con nhiều nhất có thể, con hiểu ý mẹ mà, phải không?”

Được biết, vị bác sĩ này đã nghỉ hưu trước Tết Nguyên đán. Thế nhưng khi virus corona bùng phát, bà quyết định cùng các bác sĩ, y tá ở lại Trung tâm truyền nhiễm chiến đấu với dịch bệnh, đem hơn 30 năm kinh nghiệm để bảo vệ những bệnh nhân xấu số.[1]

            Cũng chính trong ý nghĩa “toả sáng trong tối tăm” nầy, mà Giáo Hội đã chọn ngày hôm nay làm ngày Hướng về ơn gọi Thánh Hiến để vừa tuyên dương những anh chị em tu sĩ khắp mọi miền thế giới, với biết bao sắc màu cách kiểu dấn thân, đã làm nên những cánh hoa tuyệt mỹ, những ánh sao rạng ngời… trang điểm khu vườn và bầu trời Giáo Hội ; vừa cũng là dịp gọi mời nhiều tâm hồn quảng đại dám “đập bể bình dầu thơm quí giá cuộc đời” để xức chân Chúa Kitô đang hiện diện trong những con người khổ đau, tật bệnh, đói nghèo…như những lời kết của bài thơ “Thanh gươm và ánh lửa”:

Vâng, cuộc đời của chúng ta,
Của những ai đã một lần
Gặp gỡ Đức Kitô trên vạn nẻo đường xuôi ngược,
Nhất là của những con người,
đã quyết chọn sống tu trì và dấn thân tiến bước,
Làm chứng tình yêu và thắp sáng u minh.
Thì mãi mãi mang theo hành trang bên mình,
thanh gươm báu chữ tình

để chịu đâm thâu và kiên trung chiến đấu,

với ngọn lửa Thánh Linh nóng bừng hồn hậu,

để rạng ngời soi dấu bước lên đường.
 Vâng, thanh gươm và ánh lửa yêu thương,
Cho chị, cho anh và cho chúng ta hết thảy !
Simêon, Anna, Giuse, Maria…không trừ ai cả,
những con người,
đã một lần “thấy ánh quang cứu độ” bừng lên !

            Kính thưa ông bà và anh chị em,

            Quả thật Đức Kitô, Ánh Sáng cứu độ, đã đến và đang đến. Nhưng gặp được Ngài, mọi người phải có một đường riêng. Bởi vì ánh nến hôm nay rồi sẽ vụt tắt, cửa đền thờ chút nữa đây sẽ đóng lại. Ngoài kia muôn con đường cuộc sống lại mở ra. Nếu chúng ta bước đi mà trong tim không còn chút lửa nào của tình yêu Kitô đọng lại, thì cây nến được làm phép hôm nay chỉ là một trang sức vô duyên kệch cỡm, đức tin chỉ là một thứ thuốc lú bùa mê rẽ tiền. Nếu chúng ta đối diện với anh chị em đồng loại, với trách nhiệm và bổn phận đã được giao phó bằng một cõi lòng đóng kín, ích kỷ, nhỏ nhen, ghen ghét…thì quả thật đền thờ không còn phải nơi để gặp gỡ tin yêu, để đón nhận ân sủng…mà sẽ chỉ là một sân khấu để đến đó mà trình diễn thời trang hay là một câu lạc bộ giải trí để đến tìm một chút thư giản tinh thần.

            Chúng ta hãy cầu nguyện cho nhau, trong cuộc gặp gỡ với Đức Kitô Thánh Thể hôm nay, trong Bàn Tiệc thánh đặc biệt nầy, không phải chỉ là cuộc “bồng ẳm Chúa Giêsu bằng đôi tay xa lạ”, mà là một cuộc hội ngộ của tình yêu, của cõi lòng, của trái tim, của tin, cậy, mến, của sự quyết tâm “nhìn thẳng vào NGỌN NẾN KITÔ” mà tiến bước, như giai thoại về chàng Hiệp Sĩ của thời Thập tự chinh, quyết mang ngọn lửa từ mồ thánh về thắp lên những cây nến nơi thánh đường quê hương. Amen.

 

Trương Đình Hiền

[1] Nguồn: https://baomoi.com/buc-thu-cua-nu-bac-si-gui-con-trai-tu-benh-vien-vu-han-gay-bao-mang/c/33815506.epi