Views: 27
(Chúa Nhật 31 TN B 2024: Mến Chúa – Yêu người)
Người Việt Nam nói chung, dẫu là Nam hay Bắc, dẫu là “Miền Trung đất cày lên sỏi đá” hay miền “mạn ngược Tây Nguyên rừng rú man di…”, dẫu nông dân tay lấm chân bùn, “bình dân học vụ” hay “lá ngọc cành vàng”, trí thức tài năng … đều ưa chuộng và dễ dàng chọn lựa một loại hình “văn hóa ứng xử”, hay “văn minh quan hệ nhân bản” mang tên “Lá lành đùm lá rách”, “Bầu ơi thương lấy bí cùng”, “thương người như thể thương thân”… Phải chăng, đây là một lối vận dụng của người Việt Nam cái nguyên tắc hay cột trụ đầu tiên trong “Ngũ Thường” của Khổng giáo: NHÂN, NGHĨA, LỄ, TRÍ TÍN vào cuộc sống đời thường.
Riêng, người Do Thái, thì từ hàng ngàn năm trước, kể từ khi dân Israel lãnh nhận “Bản Thập Điều” trên núi Sinai, đã được dạy dỗ “đạt tình thấu lý” về mối quan hệ con người với nhau và với Thượng Đế. Tuy nhiên, đối với phần đông người Do Thái, ít ra cho tới thời Chúa Giêsu cách đây 2000 năm, câu Sách Thánh Lêvi “Ngươi hãy yêu thương kẻ khác như chính mình ngươi.” (Lv 19,18) chỉ là “điều răn thứ hai”, “điều luật phụ”, mà có thể họ ít lưu tâm và dấn thân thể hiện. Với họ, điều răn quan trọng nhất phải là lời của sách Đệ Nhị Luật: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn người” (Đnl 6,5).
Thật vậy, theo truyền thống tín ngưỡng của dân Israel, đoạn sách Đệ Nhị Luật (6,4-6) đã được chọn làm thành Kinh SHEMA để đeo trên trán, nơi cườm tay, trước cửa nhà…; một việc làm để nhắc nhớ niềm tin kính và việc phượng thờ Chúa mọi phút giây trong đời sống của họ: “Hỡi Israel, hãy nghe đây, Chúa là Thiên Chúa chúng ta, là Chúa độc nhất. Hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết sức ngươi. Những lời tôi truyền cho ngươi hôm nay, phải ghi tạc vào lòng” (Bđ 1). Vâng, đối với tâm thức tín ngưỡng của họ: nội dung cốt lõi của việc thể hiện niềm tin chính là: Mến Chúa bằng lễ lạc, phụng tự, luật lệ… sao cho nghiêm túc, và bất cần đến những nỗi đắng cay, lầm than của anh em đồng loại xung quanh. Nhưng Đức Kitô thì không như thế!
Khi thoáng thấy cách ứng xử “khá bất thường” của Thầy Giêsu, và cũng có thể, để dằn mặt và “trắc nghiệm bản lãnh đức tin” và kiến thức giáo lý của anh chàng Giêsu thợ mộc đến từ Nadarét, như Tin Mừng hôm nay vừa kể, những người Biệt phái muốn Chúa Giêsu bày tỏ thái độ có “mến Chúa trên hết mọi sự” như họ không; và họ đã dàn dựng một màn phỏng vấn: “Trong các giới răn điều nào trọng nhất?”.
Nhưng oái ăm thay, ngoài dự đoán của họ, khi nghĩ rằng Giêsu chỉ là một kẻ “hạ tiện” dốt nát Lề Luật, Kinh Thánh, thì Ngài đã trả lời đúng phóc bằng chính câu Lời Chúa của sách Đệ Nhị Luật: “Giới răn trọng nhất chính là: Hỡi Israel, hãy nghe đây: Thiên Chúa, Chúa chúng ta, là Chúa duy nhất, và ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi”.
Và còn hơn thế nữa, câu chuyện “phỏng vấn” do họ dàn dựng đặt bẫy để hạ bệ “thần tượng Giêsu” khỏi phong trào đề cao và ngưỡng mộ của quần chúng, đã làm họ chưng hửng! Ngài đã “móc” lại một điều luật được ghi trong một sách Thánh Kinh khác, sách Lêvi, mà có lẽ, những ông biệt phái, những thầy ký lục ít khi đọc đến hoặc xem thường, như chính cách sống của họ đã “bỏ rơi hay xem thường con người”: “Nhưng giới răn thứ hai cũng giống giới răn ấy là: Ngươi hãy yêu thương kẻ khác như chính mình ngươi.” (Lv 19,18). Và có lẽ câu phán quyết “xanh rờn” tiếp liền sau đó đã làm họ ngỡ ngàng và chưng hửng: “Toàn thể Lề luật và sách các Tiên tri đều tóm lại trong hai giới răn đó”. Vâng “Hai” chứ không chỉ có “một”; hay nói cách khác, hai khoản luật trên quy về cùng một đích điểm duy nhất, một giới răn duy nhất: YÊU MẾN.
Như vậy đã quá rõ ràng, với lập trường sống đạo và quan niệm đức tin của Chúa Giêsu, trong giới răn “mến Chúa trên hết mọi sự” phải bao hàm “yêu thương anh em như chính mình”; và không chỉ trả lời bằng cách “trưng dẫn Thánh Kinh”, Đức Kitô đã “bảo vệ” cho luận điểm “Mến Chúa Yêu người” bằng chính cuộc sống và cả cái chết của mình. Các sách Tin Mừng đã thuyết minh cụ thể lập trường và quan niệm đó của Ngài. Với Ngài:
– “Mến Chúa và yêu anh em” đó chính là chen chân giữa đám dân đen để cùng họ lội xuống dòng sông Giođan cho ông Gioan làm phép rửa; là chọn kẻ thu thuế làm môn sinh và ăn uống với họ…
– “Mến Chúa và yêu anh em” đó là đụng chạm, đón tiếp những người cùi hủi đáng thương; là để người phụ nữ tội lỗi hôn chân, xức dầu; là chữa các bệnh nhân trong ngày Sabat; là ăn uống mà chẳng cần rửa tay…
– “Mến Chúa và yêu anh em” đó là cảm thông và kính trọng người phụ nữ ngoại tình bị bắt tại trận cùng với lời phán quyết đầy nhân ái yêu thương: “Phần Ta, Ta cũng không kết án chị đâu”.
– “Mến Chúa và yêu anh em” là nói với người bất toại bằng lời mang tính thẩm quyền của Thiên Chúa “Tội con đã được tha” …
– “Mến Chúa và yêu anh em” đó là sẵn sàng quỳ xuống rửa chân cho các môn sinh để dạy họ bài học cụ thể về yêu thương phục vụ…
– “Mến Chúa và yêu anh em”, sau cùng, đó là sẵn sàng chịu chết giữa hai tên trộm cướp để hoàn thành lời chứng cuối cùng: chết vì yêu thương anh em chính là của lễ đẹp nhất để tôn vinh và yêu mến Thiên Chúa…
Quả thật, chọn lựa “mến Chúa yêu người” của Đức Kitô đã bị nhóm Luật sĩ và tư tế Do Thái kết án là phá luật cha ông, là “lộng ngôn phạm thượng” … và Ngài đã chết vì chọn lựa đó!
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay muốn trình bày cho chúng ta một Tin Mừng trọn hảo để thể hiện niềm tin qua chân dung và lời dạy của chính Đức Kitô, “một vị Thượng tế thánh thiện, vô tội, tinh tuyền, tách biệt khỏi kẻ tội lỗi và đã được nâng cao trên các tầng trời” (Bđ 2); nhưng cũng là “một vị Thượng Tế nhân từ và trung tín trong việc thờ phượng Thiên Chúa, hầu đền tội cho dân. Vì bản thân Người đã trải qua thử thách và đau khổ, nên Người có thể cứu giúp những ai bị thử thách” (Dt 2,17-18).
Là môn sinh của Đức Kitô, những con người như linh mục Maximilien Kolbe, như Mẹ Têrêsa Calcutta hay bao nhiêu vị Đại thánh khác trong lịch sử hai ngàn năm của Giáo Hội…, để có được sức mạnh và lòng can đảm yêu thương con người đến cùng, các ngài đã phải đắm chìm cầu nguyện kết hợp thâm sâu với Thiên Chúa.
Vâng, bao lâu con người còn ngưỡng vọng lên trời để truy nhận, tin thờ Thiên Chúa, bấy lâu con người còn trung thành với trái đất để chia sẻ, phục vụ và bác ái yêu thương nhau! Cũng vậy, tôn giáo chỉ phát triển, niềm tin chỉ đong đầy, khi mọi tín đồ biết sống tinh thần “lá lành đùm lá rách”, biết nhìn nhận “tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”; và biết chọn lối ứng xử thường xuyên “thương người như thể thương thân”!
Trương Đình Hiền (CN 31 TN B 2024)