NHỮNG NGƯỜI THỢ KHIÊM TỐN CỦA VƯỜN NHO

Views: 97

(Lễ Các Thánh Nam Nữ 1.11.2022)

            Trong suốt nhiều năm trở lại đây, đặc tính thứ hai trong bốn đặc tính cơ bản thuộc tín điều Giáo Hội: Giáo Hội Thánh Thiện, đã trở thành “con dê tế thần” trên “bàn thờ truyền thông” của thế giới cuồng chống Giáo Hội. Điển hình là sau khi xuất hiện bản cáo trạng 14.8.2018 của Bồi Thẩm Đoàn Pennsylvania về các tội phạm lạm dụng tình dục của hàng ngũ lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Hoa Kỳ tại sáu giáo phận, tờ báo New Yorrk Times đã đăng một xã luận mang tựa đề: “Vết Nhơ Bất Thánh Thiện của Giáo Hội Công Giáo”[1].

Có một sự thật chúng ta không thể chối cải, đó là đời sống hiện thực của Giáo Hội Công Giáo trong những năm tháng vừa qua, và cả ngay hôm nay, đang diễn ra biết bao nhiêu gương mù, gương xấu, tội lỗi, khiếm khuyết…, ngay nơi hàng ngũ cấp cao của Giáo Hội tại Vatican hay tại những cộng đoàn giáo xứ xa xôi đó đây trên khắp thế giới. Nếu nhìn Hội Thánh Chúa Kitô chỉ với một “góc nhìn” mang tính trần tục và tự nhiên đó, thì quả thật, như cách ví von đầy ý nghĩa và thuyết phục của cố mục sư Tin Lành Lutheran người Rumani, thì Hội Thánh chỉ là một “nhà thương bốc mùi tanh tưởi của máu mủ”; đơn giản, vì đó là nơi “cưu mang những bệnh nhân”[2] để mang đến sự chữa lành.

            Thế nhưng, trong chính ngày đầu tiên của tháng 11 nầy, Phụng vụ của Giáo Hội giới thiệu cho chúng ta một “góc nhìn về Hội Thánh” khác, đúng hơn, “một thành phần” không thể thiếu trong 3 thành phần làm nên một “Hội Thánh duy nhất, thánh thiện, Công giáo và Tông truyền”; thành phần đó, cộng đoàn đông đảo đó được gọi là “Các Thánh Nam Nữ ở trên trời”, hay còn được gọi là “Giáo Hội chiến thắng”, “Hội thánh khải hoàn”.

            Thế nhưng, Hội Thánh khải hoàn, hay Các Thánh Nam nữ đó thực sự là những ai?    

            Theo định nghĩa của chính sách Khải huyền vừa được công bố qua Bài đọc 1 hôm nay thì Hội Thánh đó, cộng đoàn các Thánh Nam nữ đó là “những người từ đau khổ lớn lao mà đến, họ giặt áo và tẩy áo trắng trong máu Con Chiên”. Trong khi đó, Thánh Gioan trong thư thứ 1 (Bđ 2), lại định nghĩa cách đơn giản hơn: Các Thánh chính là những người “nhờ tình yêu được gọi là “con Thiên Chúa”“khi được tỏ ra” thì “sẽ giống như Người”.

            Qua hai cách định nghĩa đó, chúng ta có thể nhận ra hai chiều kích cơ bản của sự “thánh thiện Kitô giáo: Thập giá và tình yêu. Không thể là “Thánh” nếu không “giặt áo mình trong máu Con Chiên”; và cũng không thể “Thánh”, nếu không “yêu thương” để nên giống Thiên Chúa

            Thế nhưng, gần như cả hai định nghĩa nầy đều phát xuất, hay đúng hơn, đều hiện diện nơi định nghĩa thứ ba của chính Đức Kitô trong Bài Giảng Tám Mối Phúc Thật: Các Thánh chính là những người “được phúc Nước Trời”; mà “được phúc Nước Trời” thì phải chứng thực cuộc sống qua 8 nẻo sau:

– Thánh vì được Nước Trời nhờ sống tinh thần nghèo khó.

– Thánh vì được cơ nghiệp Nước Trời vì sống hiền lành.

– Thánh vì được Thiên Chúa an ủi khi đón nhận khổ đau.

– Thánh vì được Thiên Chúa ban tràn đầy khi khát khao công chính.

– Thánh vì được Thiên Chúa xót thương khi biết thương người.

– Thánh vì được trực diện Thiên Chúa khi mang trái tim trong sạch.

– Thánh vì được làm con cái Thiên Chúa khi sống thuận hoà.

– Thánh vì được vào Nước Trời khi chấp nhận thương đau bách hại.

            Tuy nhiên, nếu nói về các Thánh mà chỉ dừng lại ở “ba” định nghĩa trên: Thập Giá, Tình Yêu, Phúc Nước Trời, thì chắc sẽ có nhiều người cho rằng con đường nên thánh vẫn là quá khó hay vẫn xa xôi dịu vợi làm sao ấy !

            Hoàn toàn không phải thế ! Với “trực giác nên thánh từ thân phận của một công nhân đã từng lăn lộn vất vả giữa đám thợ nghèo”, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II, lại định nghĩa Các Thánh là những “người thợ khiêm tốn nhưng vĩ đại”: “những con người nam nữ qua việc không mệt mỏi thực thi những công việc hằng ngày trong vườn nho Chúa. Sau khi đã sống cuộc đời âm thầm chẳng được ai biết đến, và có thể còn bị những người quyền cao mạnh thế hiểu lầm, các Ngài đã được Thiên Chúa đón nhận. Các Ngài là những người thợ khiêm tốn, nhưng vĩ đại, đối với công cuộc phát triển Nước Chúa trong lịch sử”[3].

            Và cái nhìn và quan niệm về sự thánh thiện đó lại được đức đương kim Giáo Hoàng Phanxicô, trong tông huấn Gaudete et Exsultate, phát hiện ngay chính nơi cuộc đời của rất nhiều người đang sống bên cạnh chúng ta; và ngài không ngần ngại gọi họ chính là “những vị thánh” ở giữa đời thường: “Tôi thích chiêm ngắm sự thánh thiện nơi sự kiên trì của dân Thiên Chúa: nơi những người cha người mẹ nuôi dưỡng con cái với tình thương bao la, nơi những người nam và nữ làm việc vất vả để lo cho gia đình, nơi những bệnh nhân và các tu sĩ cao niên không bao giờ đánh mất nụ cười. Trong sự kiên trung hằng ngày của họ, tôi nhìn thấy được sự thánh thiện của Hội Thánh đang chiến đấu. Sự thánh thiện ấy rất thường được nhìn thấy nơi những người sống ngay bên chúng ta, chính những người đang sống giữa chúng ta phản chiếu sự hiện diện của Thiên Chúa.” (GE số 7).

            Thời đại 4.0 nầy liệu có được những vị Thánh như các ĐGH tuyên bố đó không ? Thưa có. Đó chính là Á Thánh CARLO ACUTIS đã được Giáo Hội tuyên phong chân phước ngày 10/10/2020 tại Assisi, nước Ý. Ngài là một vị thánh đầu tiên có email, một game thủ và một lập trình viên hay gọi tắt là IT của thời công nghệ 4.0. Con đường nên thánh của ngài dựa vào lòng yêu mến Chúa Giê-su Thánh Thể. Ngài biết vận dụng công nghệ  Internet để quảng bá về tình thương của Chúa Giê-su qua các phép lạ từ bí tích Thánh Thể… Quả thật, Ngài chính là một sự minh họa rõ nét nhất, một bằng chứng hùng hồn nhất cho lối sống thánh thiện rất gần gũi và hiện đại, rất đời thường và phổ thông mà ai ai cũng có thể đạt được.

            Như vậy, cuộc cử hành lễ các Thánh Nam Nữ hôm nay lại là cuộc “cử hành của chính niềm hy vọng, cùng đích và cuộc chiến đấu mỗi ngày” của mỗi cuộc đời người Kitô hữu chúng ta. Vâng, đó là cuộc chiến đấu để “giặt áo mình trong máu Con Chiên” bằng những hy sinh, từ bỏ và sẵn sàng chấp nhận thương đau thập giá vì tình yêu. Đó là noi gương Đức Trinh Nữ Maria, “Nữ vương Các Thánh Nam Nữ ở trên trời” từng ngày lắng nghe và thực hành Lời Chúa; nhất là thực thi con đường Tám Mối Phúc Thật. Và đó cũng là cuộc sống biết tận dụng mọi phương tiện truyền thông hiện đại Chúa ban để mang Chúa đến với mọi người như Á Thánh Acutis…

Nói cách khác, nên thánh chính là mỗi ngày, như Thánh Gioan, “sống và thực hành yêu thương để nên giống Thiên Chúa”, hay ít ra, trở thành “bà con với Thượng Đế” (như câu chuyện em bé nghèo và lòng tốt của một thiếu nữ: “Cô có phải là Thượng Đế không”…), để cuối cùng được nghe chính Chúa mách bảo: “Hỡi người bà con tốt bụng của Ta ! Những gì ngươi đã làm cho những kẻ bé nhỏ nhất là đã làm cho chính Ta. Hãy vào nhập đoàn cùng các thánh trên thiên đàng”. Amen.

Trương Đình Hiền


[1] PETER STEINFELS, ”Phúc Trình Đại Bồi Thẩm Đoàn Pensylvannia: Không Phải Như Nó Tỏ Ra”, Chuyển ngữ: Vũ Văn An, website http://www.vietcatholic.org/News/Home/Article/248414)

[2] RICHARD WURMBRAND, Mes prisons avec dieu, Édition Francaise, Casterman 1969. P. 32: “Un hôpital peut emprester le pus et le sang, dis-je; c’est là que réside sa beauté, car il reçoit le malade avec ses plaies dégoûtantes et ses horribles maladies. L’Église est l’hôpital du Christ. Des millions de patients y sont soignés avec amour. L’Eglise accepte les pécheurs – ils continuent à pécher – et l‘Église est blâmée à cause de leurs péchés.”

[3] ĐGH GIOAN PHAOLÔ II, Tông Huấn “Kitô hữu giáo dân”, 30.12.1988, số 17.