NHƯ “ĐANG MẶC CHIẾC ÁO HOA HỒNG”

Views: 38

(Lễ Các Thánh Tử Đạo tại Việt Nam 2023)

            Gần nửa thế kỷ đón nhận, sống, làm chứng và loan báo Tin Mừng, Hội Thánh tại Việt Nam chưa bao giờ quên lãng “những hoa quả đầu mùa”, hồng ân vĩ đại mà Chúa đã thương ban cho đoàn dân Công giáo Việt Nam bé nhỏ. Vâng, các thánh Tử đạo Việt Nam chính là “hoa quả đầu mùa” mà Giáo Hội Việt Nam không ngừng dâng lên Chúa để “cảm tạ tri ân”: Nay Hội Thánh lại dâng các Ngài lên Chúa / như hoa quả đầu mùa để cám tạ tri ân …” (Kinh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam).

Thế nhưng, để có được những hoa quả đầu mùa cao quý này, Hội Thánh tại Việt Nam đã phải đi qua “con đường dài đầy nhiêu khê và thử thách”; con đường nhuộm thắm máu đào hy sinh, thương đau và khổ lụy.

Các Tin Mừng đã dùng những chương cuối để kể câu chuyện về “Con đường khổ nạn của Chúa Giêsu” (Via Dolorosa) và sự Phục Sinh của Ngài. “Con đường khổ nạn” bắt đầu từ Dinh trấn thủ Philatô và kết thúc nơi đồi Sọ (Golgota). Con đường nầy không dài lắm, chỉ loanh quanh qua mấy khu phố của thành Giêrusalem, nhưng lại đầy máu và nước mắt…

            Kể từ khi “Tin Mừng của Chúa Giêsu” được loan báo trên “vùng đất mang hình chữ S bên bờ Biển Đông” mà hôm nay gọi là Việt Nam, thì “câu chuyện con đường khổ nạn” đó lại được viết tiếp, không phải chỉ “một ngày Thứ Sáu” mà trải dài suốt gần “200 năm” (Kể từ vị Tử đạo đầu tiên: Á Thánh Anrê Phú Yên (1644) đến vị Thánh tử đạo cuối cùng: Phêrô Đa (1862)[1]; không phải chỉ diễn ra một đoạn đường ngắn từ dinh Philatô và kết thúc nơi Đồi Sọ mà ngang dọc khắp miền, từ Bắc xuôi Nam, từ đồng bằng lên núi thẳm, từ phố thị đến rừng sâu, từ dinh quan, trại lính đến chòi vắng hầm sâu…; không phải chỉ với “đòn vọt, nhạo cười, thập giá và vòng gai, lưỡi đòng và mật đắng”… mà đủ mọi cực hình: chém đầu (trảm), lóc thịt (bá đao), thắt cổ (giảo), chặt chân tay trước khi chém (lăng trì), thiêu sinh, rũ tù…; và không phải chỉ với một con người mà hàng ngàn hàng vạn với đủ mọi thành phần: Giám Mục, linh mục, Thầy giảng, nữ tu, chủng sinh, giáo dân đủ mọi thành phần: thợ may, thợ mộc, nông dân, linh tráng, quan chức sĩ phu, giang hồ tứ chiếng…

            Thật vậy, như nhận xét của chính Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong Bài Giảng lễ phong Hiển thánh cho 117 Chứng nhân Việt Nam ngày 19.6.1988, giống như “một thuở ban đầu” của “Hội Thánh phương Tây trong ba thế kỷ đầu tiên”: “Từ năm 1533, nghĩa là từ lúc khởi đầu việc rao giảng Kitô giáo tại Đông Nam Á, trong suốt ba thế kỷ, Hội Thánh tại Việt Nam đã phải chịu những cuộc bách hại khác nhau, nối tiếp nhau, có đôi lúc ngưng nghỉ, như những gì đã xảy ra cho Hội Thánh Phương Tây trong ba thế kỷ đầu tiên”[2].

Vâng, Giáo Hội tại Việt Nam, trải dài từ thời Trịnh Nguyễn phân tranh, đến Tây Sơn – Nguyễn Ánh, rồi qua các triều vua Nguyễn, phong trào Văn Thân với chủ trương “Bình Tây sát Tả”…, đã có có vô số “những hạt lúa gieo vào lòng đất” để từ đó “thu lượm được mùa lúa dồi dào” mà 117 vị Hiển Thánh (và 1 vị Á Thánh) được mừng kính hôm nay là một chứng từ cụ thể.

            Mừng lễ kính các Thánh Tử Đạo tại Việt Nam hôm nay, là dịp để một lần nữa, như gợi ý của chính Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II trong Bài giảng lễ, chúng ta xác tín rằng: “máu các vị Tử đạo là suối nguồn ân sủng để thăng tiến đức tin…; để  “đức tin của cha ông chúng ta vẫn tiếp tục thông truyền đến các thế hệ mới”…; để những người Kitô hữu Việt Nam hôm nay “tiếp tục là những môn đệ đích thực của Chúa Kitô… ”[3].

Và để những ý nghĩa trên tác động và hiện thực trong cuộc sống, không gì bằng chúng ta cùng lắng nghe, đón nhận những gợi ý của sứ điệp Lời Chúa vừa được công bố.

Nếu trong ngày lễ Các Thánh nam Nữ, sách Khải huyền đã xác định rằng: các Thánh đó là “những người từ đau khổ lớn lao mà đến và đã giặt áo mình trong Máu Con Chiên”, thì hôm nay, lễ Các Thánh Tử đạo Việt Nam, Phụng vụ mượn Lời của sách Khôn Ngoan để trình bày chân dung của các Thánh Tử Đạo mang vóc dáng của một người “quân tử” Á Đông, coi cái chết “nhẹ tựa lông hồng”, thanh thản bình an như đang trải qua một cuộc thử luyện: “Linh hồn những người công chính ở trong tay Chúa, và đau khổ sự chết không làm gì được các ngài. Ðối với con mắt của người không hiểu biết, thì hình như các ngài đã chết … Nhưng thật ra các ngài sống trong bình an. Và trước mặt người đời, dầu các ngài có chịu khổ hình, lòng trông cậy của các ngài cũng không chết..….”.

Và nếu chưa đầy đủ thì chúng ta cùng nghe lại lời của Thánh Phaolô gởi giáo đoàn Rôma trong BĐ 2, như một chứng từ rõ nét về thân phận của những người quyết chọn Chúa Giêsu làm tình yêu tuyệt đối đến độ mọi thực tại khác trở thành nhỏ rức: “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu Chúa Kitô ? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo ? Như có lời chép: Chính vì Ngài mà mỗi ngày chúng con bị giết, bị coi như bầy cừu để sát sinh”.

Qua những chứng từ còn lưu lại, nếu đem đối chiếu với sứ điệp Lời Chúa vừa nêu, chúng ta có thể khẳng định rằng: cuộc đời, nhất là cuộc tử đạo của các Chứng nhân Tử Đạo Vệt Nam, chính là những bài thuyết minh sinh động cho sứ điệp đó.

Đây, chúng ta cùng nghe lại một đôi chứng từ:

– Thánh Phêrô Cao đã tâm nguyện: “Xin cho con chịu đau khổ vì danh Đức Ki-tô, được đón nhận ngành lá tử đạo về tới bến thiên đàng”.

– Thánh Phaolô Tịnh can đảm thưa với quan án: “Thân xác tôi ở trong tay quan, quan muốn làm khổ thế nào tùy ý. Nhưng linh hồn là của Chúa, không có gì khiến tôi hy sinh nó được”.

– Thánh Phaolô Khoan đã hát lên lời nguyện hiến tế cuộc đời: “Vinh danh chúc tụng ngợi khen Thiên Chúa là Chúa Cả trời đất, chúng con xin dâng mạng sống cho Ngài”.

– Thánh Anrê Kim Thông: “Thà tôi bị lưu đày và phải chết vì Chúa, chứ tôi không chối đạo”…

            Có một điều chúng ta cũng cần ghi nhớ: Nếu “nên thánh” là ơn gọi chung của mọi Kitô hữu, không trừ ai, thì cũng vậy, “nên thánh tử đạo” cũng là con đường, là cơ hội được mở ra cho hết thảy mọi người; vì thật ra, “tử đạo”, nguyên ngữ có nghĩa là “chứng nhân”; mà, như Đức Kitô, “Anh em là chứng nhân của Thầy…” (Lc 24,48); hay cụ thể hơn: “Các con sẽ bị điệu đến nhà cầm quyền và vua chúa vì Thầy, để làm chứng cho họ và cho dân ngoại được biết”. Mệnh lệnh “làm chứng” đó dành cho tất cả chúng ta. Điều nầy đã được chứng thực nơi 117 Thánh Tử đạo tại Việt Nam; quả thật, trong số các ngài có đủ mọi thành phần Dân Chúa đã để lại những chứng từ tuyệt đẹp bằng chính thân phận, cuộc đời của những kẻ “đơn sơ bé mọn”:

– Những người nông dân thật thà chân chất: như Thánh Lô-ren-sô Ngôn, Đa-Minh Ninh, An-rê Tường, Đa-Minh Nhi…

– Những anh dân chài trên sông nước bềnh bồng: như Thánh Đinh văn Dũng, Đinh văn Thuần, Đa-Minh Toại, Đa-Minh Huyên

– Hoặc là một chàng thợ mộc nghèo nàn, đơn bạc: như Thánh Phêrô Đa.

– Họ cũng chỉ là những giáo dân rất bình thường, sống mộc mạc giản đơn, thực hành kinh bổn nơi xóm đạo nhà quê, hay lo lắng việc nhà Chúa với chức danh Trùm họ, Câu xứ: như Giuse Túc, Phaolô Hạnh, An-rê Kim Thông, Nguyễn Văn lựu.

– Đặc biệt trong số nầy có cả một người đàn bà, một người vợ đảm đang, một người mẹ hiền lành đạo đức trong một gia đình với 6 mặt con: Nữ Thánh Anê Lê Thị Thành.

– Cũng có cả những người từng là “bộ đội” của triều đình, sống cuộc đời lính: Thánh Phan Viết Huy, Bùi Đức Thể…

– Dĩ nhiên làm sao thiếu được những gương mặt sáng ngời của các Vị Mục Tử chăn dắt đoàn chiên: đó là các Thánh Giám Mục như Stê-pha-nô Thể, Va-len-ti-nô O-choa, Linh mục An-rê Dũng Lạc, Lê Bảo Tịnh, Nguyễn Bá Tuần…

Có cả những chàng thanh niên tuổi đời đầy mộng ước như chủng sinh Tôma Thiện nhưng cũng có cả những vị quan uy quyền nơi cung đình như Thánh Hồ Đình Hy…

            Ngay từ đầu, chúng ta đã khẳng định với nhau rằng: Tử đạo là một hồng ân. Nếu không có ơn Chúa, không ai có thể vỗ ngực tự mình đứng vững trước bao cực hình thảm khốc. Thời nào cũng có bách hại, cũng có những bạo chúa Nêrô, Minh Mạng, Tự Đức… Nhất là thời nào cũng đầy những cạm bẫy, những cám dỗ, những mua chuộc, những dối gạt phĩnh phờ… Chính vì thế, hãy luôn khiêm hạ và tỉnh thức, hãy nhiệt tình và quảng đại, hãy cầu nguyện và hy sinh.

Mừng kính các Thánh Tử Đạo hôm nay cũng là một lời đoan hứa mới, một quyết tâm mới trước Anh Linh Tiên Tổ: quyết tâm “Làm Kitô Hữu cho đến chết” như lời xác quyết của Thánh Phaolô Hạnh; hay đón nhận khổ đau cái chết cách nhẹ nhàng thanh thản như thánh nữ Anê Lê Thị Thành: “mẹ mặc áo hoa hồng đó”… Nói cách khác, cử hành “mầu nhiệm Tử đạo” cũng có nghĩa là quyết tâm sống “chiều kích tử đạo” trong giây phút hiện tại của đời thường; hay, biến cuộc sống hôm nay trở thành cuộc hành hương tiến về thiên quốc, như kiểu nói của Thánh linh mục Hạnh: “Anh em ở lại nhé ! Chúng tôi đi về Thiên Đàng đây”. Rất thanh thản, bình yên. Đúng là như thấy mình “đang mặc chiếc áo màu hoa hồng”.

Trương Đình Hiền


[1]HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM, Hạnh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, nxb. Tôn Giáo 2018, PHẦN 1. CHÂN DUNG CÁC THÁNH TỬ ĐẠO TẠI VIỆT NAM, tr. 11.

[2] SĐD, tr. 322.

[3] SĐD.