NHỮNG CHUYẾN TÀU ĐỜI VÀ ĐIỂM HẸN

Views: 39

Bài giảng Thánh lễ an táng Cha Phêrô Hoàng Kym tại nhà thờ Chính tòa Qui Nhơn, ngày 15-05-2020 của Đức Cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi

Hôm nay chúng ta họp nhau đây trong ngôi từ đường của Giáo phận Qui Nhơn, xung quanh thi hài của cha cố Phêrô Hoàng Kym, nguyên Tổng đại diện của Giáo phận, như để níu kéo những giờ, những phút, những giây, còn có thể gần nhau trước lúc vĩnh viễn chia tay: cha thì trở về với Thiên Chúa, còn chúng ta thì còn ở lại trần gian chờ chuyến tàu sau, nhưng điểm hẹn thi đã rõ ràng: đó là nhà Cha trên trời. Cha cố Phêrô sẽ không còn trở lại với chúng ta nữa, vì cha đã đi đến đích.

Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ của Người: “Lòng các con đừng xao xuyến. Các con tin vào Thiên Chúa thì hãy tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy có rất nhiều chỗ ở, nếu không, Thầy đã nói với các con rồi,  Thầy đi để dọn chỗ cho các con. Nếu Thầy đi và dọn chỗ cho các con, Thầy lại đến và đem các con đi với Thầy, để Thầy ở đâu thì các con cũng ở đó” (Ga 14, 1-3).

Tin tưởng vào lời Chúa Giêsu, trong bài đoc II trích thư thứ 2 gửi tín hữu Côrintô, thánh Phaolô cũng viết rằng: “Chúng ta biết rằng nếu căn nhà chúng ta ở trần gian là túp lều này bị phá hủy đi, thì chúng ta có một tòa nhà do Thiên Chúa thiết lập, một chỗ ở vĩnh viễn trên trời không do tay người phàm làm ra” (2Cr 5, 1).

Trong sách Sáng Thế 5,21-24, chúng ta gặp thấy những dòng mô tả về cuộc sống và sự ra đi của tổ phụ Khanốc như sau: “Khi Khanốc sống được sáu mươi lăm tuổi thì sinh Mơthuselac. Sau khi sinh Mơthuselac, ông Khanốc đi với Thiên Chúa ba trăm năm và sinh ra con trai con gái. Tổng cộng ông Khanốc sống được ba trăm sáu mươi lăm tuổi. Sau khi đi với Thiên Chúa, ông không còn nữa, vì Thiên Chúa đã đem ông đi”.

Ngay cả những chuyên viên Thánh Kinh cũng không đồng ý với nhau về ý nghĩa chính xác của câu “Thiên Chúa đã đem ông đi”. Có một cô bé khi nghe câu chuyện này đã giải thích bằng lối hiểu đơn sơ của cô như sau:

Thiên Chúa và Khanốc là đôi bạn thân, thân đến độ cả hai hay đi dạo chơi xa với nhau. Một hôm các ngài đi, đi mãi, đi xa tít tắp. Khi dừng lại, các ngài nhìn quanh và thấy mình đến gần nhà của Thiên Chúa hơn là nhà của Khanốc. Thế là Thiên Chúa nói với Khanốc rằng: “Sao Khanốc không về nhà với Ta?” Và dĩ nhiên Khanốc đã đi về nhà Thiên Chúa.

Biến cố tương tự cũng xảy ra hôm nay. Thiên Chúa và cha cố Phêrô là đôi bạn thân, bạn rất thân. Thiên Chúa và cha cố Phêrô đã đi với nhau bao năm, qua muôn dặm dài, trên những nẻo đường nhiều lúc chông gai.

Ngày 29 tháng 4 năm 1965, thầy phó tế Phêrô Hoàng Kym đã được Chúa kêu gọi lên chức linh mục thuộc hàng giáo sĩ Giáo phận Qui Nhơn. “Từ đó, vâng từ đó”, cha Phêrô đã chính thức và dứt khoát bước vào cuộc hành trình với Đức Kitô cho đến khi đi vào cõi vĩnh hằng vào lúc 10 giờ 15 phút sáng ngày 12 tháng 5 năm 2020 vừa qua, hưởng thọ 86 tuổi đời, trong đó có 55 năm thi hành tác vụ linh mục.

Với 55 năm hành trình theo Chúa trong thánh chức linh mục, cuộc đời linh mục của cha được chia thành 4 giai đoạn, tựa như 4 mùa xuân, hạ, thu, đông của một năm. Mùa xuân đời linh mục của cha là 10 năm phục vụ tại chủng viện Qui Nhơn, từ năm 1965 đến 1975. Cũng như mùa xuân là mùa cây cối đâm chồi nẩy lộc, thì trong thời gian này, cha đã tận tâm thi hành nhiệm vụ của một nhà đào tạo vun xới các mầm non ơn gọi là các chủng sinh trong vườn ươm của Giáo phận là chủng viện Qui Nhơn.

Mùa xuân êm đềm trong chủng viện đã trôi qua và được tiếp nối bởi mùa hạ cuộc đời linh mục của cha là 22 năm phục vụ giáo xứ Tân Dinh kiêm giáo xứ Công Chánh từ năm 1975 đến 1997 với tư cách là cha sở. Mùa hạ là mùa nóng bức nhưng đồng thời cũng là mùa trái cây đầy ắp. Thời gian cha phục vụ cộng đồng dân Chúa hai giáo xứ Tân Dinh và Công Chánh là thời kỳ khó khăn nóng bỏng, nhưng cha đã góp phần làm phát sinh nhiều trái ngọt là những kitô hữu đạo đức.

Mùa thu đời linh mục của cha là 19 năm làm cha sở giáo xứ Qui Đức từ năm 1997 đến 2016. Trong thời gian này cha có 11 năm gánh thêm nhiệm vụ Tổng Đại diện từ năm 2005 đến 2016. Mùa thu cũng là mùa thu hoạch cuối cùng trong năm. Giáo xứ Qui Đức là nơi có số giáo dân đông nhất trong Giáo phận, lại thêm nhiệm vụ Tổng Đại diện, công việc thật nặng đề đối với đôi vai của một linh mục đã bước vào tuổi sang thu. Tuy nhiên, tại đây cha cũng đã thu hoạch nhiều kết quả với tư cách một người thợ gặt.

Cuối cùng, mùa đông đời linh mục đã đến với cha qua 4 năm hưu dưỡng bên cạnh chủng viện Làng Sông cổ kính và thân yêu, nơi cha đã từng chập chững bước vào đời chủng sinh vào năm 1947. Trong 4 năm qua, bên cạnh những cội sao già trên trăm tuổi, nhìn thấy những lá sao non xanh tươi vào mùa xuân, những cánh hoa sao nhẹ bay trong gió vào cuối hạ đầu thu và những cành sao già trơ trụi vào mùa đông, cha có dịp lần giở lại những trang lịch sử thăng trầm của Giáo phận nhà và nghiền ngẫm về đoạn đường linh mục đã qua của mình để dâng lời tạ ơn Thiên Chúa.

Tất cả những ai biết cha đều nhìn thấy nơi cha một con người trầm tĩnh, ít nói, nhưng sâu sắc và tế nhị. Cha có rất nhiều sách hay và quí, nhất là những sách về văn học và văn hóa Đông Tây kim cổ, những tư tưởng của các nhà hiền triết Rôma như Cicero hay Seneca. Hằng ngày cha làm bạn với sách vở, bởi vì người ta vẫn thường nói: một cuốn sách hay cho ta nhiều điều tốt, cũng như một người bạn tốt cho ta nhiều điều hay. Cha trở thành một quyển tự điển sống để các cha trẻ đến tham khảo về những vấn đề liên quan đến tư tưởng và cách đối nhân xử thế. Cha đã vận dụng những kho tàng kiến thức ấy trong khi thi hành nhiệm vụ giảng dạy tại chủng viện hay tại các giáo xứ mà cha phục vụ.

Cha là một người rất kỹ lưỡng chu đáo, theo kiểu nói của giới trẻ ngày nay là “chỉnh chu”. Tính chu đáo được thấy rõ nét trong các cử hành phụng vụ và trong việc tổ chức giáo xứ. Mọi sự đều rập ràng, đi vào khuôn phép. Cha không khó, nhưng cha muốn đâu vào đó! Cha rất chịu khó không ngại mệt mỏi trong việc ngồi tòa giả tội hằng ngày cho giáo dân, khi phải đứng hàng giờ để cho giáo dân hôn chân Chúa trong ngày thứ Sáu tuần thánh, khi đi chiếc xe đạp cút kít trên những con đường sỏi đá lầy lội để làm việc mục vụ từ giáo xứ Tân Dinh đến giáo xứ Công Chánh.

Ngoài ra, mặc dù xuất thân từ một gia đình giàu có tại Gò Dài, nhưng cuộc sống của cha rất bình dân và giản dị. Hằng ngày cha tự nấu ăn, những thức ăn cha thích nhất là cá bống và cá chốt kho khô, những nồi cháo lươn, những đĩa nước mắm đậm đà hương vị quê hương. Sự giản dị của cha cũng có thể được nhìn thấy nơi cách cha ăn mặc. Tấm hình của cha trong dịp tang lễ hôm nay cho thấy hình ảnh của một cha già mái tóc bạc phơ, mặc một chiếc áo chùng đen hơi lạ đối với nhiều người ngày nay: đó là chiếc áo đen của giáo sĩ nhưng được biến thể theo kiểu áo dài đàn ông của người Việt. Trong những ngày hưu dưỡng tại Làng Sông, mặc dù tuổi cao sức yếu, nhưng ngày nào cha cũng ra vườn cuốc đất, đào đá, chặt tre… như một người nông dân thứ thiệt.

Đặc biệt cha có một tâm hồn hết sức gắn bó với quê hương. Ngoài việc gắn bó với quê hương Việt Nam qua cách ăn, cách mặc như đã nói trên đây, cha còn rất gắn bó với quê hương là Giáo phận Qui Nhơn. Cha rất trân trọng và thường nhắc đến truyền thống của Giáo phận, như một gia sản đáng quí mà các thế hệ sau phải gìn giữ và phát huy.

Trong những tháng cuối đời, mùa đông cuộc đời của cha đã chuẩn bị kết thúc qua một loạt những dấu hiệu, đó là sức khỏe của cha bắt đầu suy yếu, mắt cha bị mờ dần rồi đi đến mù lòa. Từ sau tết nguyên đán Canh Tý năm nay, cha đã vào Sài Gòn chữa bệnh lần cuối, cha đã trải qua hai lần phẫu thuật đường ruột. Trong khi thân xác của cha chịu đau đớn và ngày càng yếu, cái chết đang đến gần từng ngày, từng giờ, nhưng chắc hẳn cha vẫn xác tín như tác giả sách Khôn Ngoan trong bài đọc I rằng: “Linh hồn những người công chính ở trong tay Chúa, và nỗi khốn khổ của sự chết không đụng tới các ngài…Vì Chúa đã thử thách các ngài như vàng thử trong lửa và chấp nhận các ngài như của lễ toàn thiêu” (Kn 3,1.6).

Cha đã cùng đi với Đức Kitô trên con đường thập giá của bệnh tật cho đến sáng thứ Ba vừa qua, khi nhận thấy con đường của cha đã dẫn đưa cha đến trước cửa nhà Thiên Chúa, nên Thiên Chúa đã nói với cha: “Này cha Phêrô, hôm nay cha vào nhà Ta và ở lại luôn với Ta chứ?” Cha đã nhẹ nhàng gật đầu và đã bước vào nhà Cha trên trời, nơi không còn đau thương khóc lóc.

Anh chị em thân mến!

Trong thời gian cha cố Phêrô chữa bệnh tại Sài Gòn, đã có mấy lần tưởng chừng cha ra đi, nhất là trong Tuần Thánh và thời gian tạm dừng các sinh hoạt tôn giáo tập trung vì dịch bệnh Covid-19. Nếu cha ra đi trong khoảng thời gian đó thì chúng ta không thể cử hành lễ an táng trọng thể cho cha như hôm nay. Có người nói đùa rằng cha cố Phêrô là người rất kỹ tính, cho nên cha tính rất kỹ về ngày ra đi của mình. Nhưng chắc chắn anh chị em đã cùng với chúng tôi cầu nguyện, nên Chúa đã hoãn ngày gọi cha về cho đến khi chính phủ vừa tuyên bố cho phép các sinh hoạt tôn giáo tập trung. Chúng ta hãy dâng lời tạ ơn Thiên Chúa vì hồng ân đặc biệt này và tiếp tục cầu xin Chúa cho linh hồn cha cố Phêrô, để Chúa ở đâu thì cha cũng ở đó và được sống mãi với Chúa muôn đời trong nhà Cha trên trời.

GM. Matthêô Nguyễn Văn Khôi