(Sinh Nhật Đức Mẹ 2022 – Kết thúc Năm thánh kỷ niệm 100 năm Legio Mariae (1921-2021) và 75 năm Legio hiện diện tại Việt Nam (1947 – 2022)
Kể từ lúc Tổ tông loài người sa ngã, cửa địa đàng đóng lại, Ađam-Eva dắt díu nhau bước đi trong một thế giới mà Kinh Lạy Nữ Vương đã mô tả là “chốn khách đày” là “nơi khóc lóc” thì hầu như cả nhân loại rơi vào nỗi buồn muôn thuở; những nỗi buồn nối tiếp nhau trong cuộc sống đọa đày, đến độ, ngay các bậc thánh nhân như thánh Gióp cũng muốn chết ngay từ lòng mẹ: “Phải chi đừng xuất hiện ngày tôi đã chào đời,… (…). Sao tôi không chết đi lúc vừa mới chào đời, không tắt thở ngay khi lọt lòng mẹ?…” (G 3,3.11); hay tiên tri Giêrêmia đã nguyền rủa cả ngày sinh của mình: “Tại sao tôi đã không chết ngay trong lòng mẹ để mẹ tôi nên nấm mồ chôn tôi, và lòng bà cưu mang tôi mãi mãi? Tôi đã lọt lòng mẹ để làm chi? Phải chăng chỉ để thấy toàn gian khổ, buồn sầu, và thấy cuộc đời qua đi trong tủi hổ? (Gr 20,17-18).
Thế nhưng, cho dù ma quỷ và tội lỗi muốn đày đọa con người trong nỗi buồn muôn thuở, thì Thiên Chúa luôn hứa hẹn niềm vui, như lời hứa ngay từ buổi con người cam tâm phản bội và ma quỷ reo vang đắc thắng khi lôi kéo con người vào con đường lầm lạc: “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó.” (St 3,15).
Vâng, Tin Mừng nguyên thủy với “lời hứa” của Thiên Chúa đã cho ta thấy thấp thoáng bóng hình của một người nữ. Quả thật, niềm vui ơn cứu độ ngay từ đầu đã được Thiên Chúa chuẩn bị mà sự hiện hữu của một người phụ nữ đã nổi bật lên như một vai trò thiết yếu: “Dòng giống của người phụ nữ ấy sẽ đạp dập đầu mi…”; đểrồi từ đó, tin vui trên từng bước hiện thực, như cách cắt nghĩa tràn trào hy vọng của ngôn sứ Mikêa về “Đấng thống trị Israel và người nữ sinh ra Ngài” mà chúng ta vừa nghe công bố trong bài đọc 1: “Hỡi Bêlem Ephrata, ngươi nhỏ nhất trong trăm ngàn phần đất Giuđa, nhưng nơi ngươi sẽ xuất hiện một Đấng thống trị Israel, và nguồn gốc Người có từ nguyên thuỷ, từ muôn đời. Vì thế, Người sẽ bỏ dân Người, cho đến khi một người nữ phải sinh, sẽ sinh con”.
“Cho đến khi một người nữ phải sinh” ! Thì ra, lịch sử thế giới nầy, lịch sử của chương trình cứu độ gần như đang “đặt cược” cho một “ngày sinh của một người phụ nữ” ! Vâng, thế giới có được cứu không, niềm vui có trở lại không, cuộc sống có ý nghĩa không… đều được quyết định ngay từ ngày sinh nhật của Đức Trinh Nữ Maria, như cách cắt nghĩa của Thánh Gioan Đamatsô: “Hết thảy mọi người hãy đến, chúng ta hân hoan mừng ngày sinh ra niềm vui sướng của cả thế giới ! Hôm nay đây, từ một bản tính thế trần, một thiên đàng đã thành hình dưới thế. Hôm nay đây, việc cứu rỗi đã bắt đầu cho thế giới!”. Riêng Thánh Phêrô Đamiano thì đã nhìn ngày lễ Sinh Nhật Đức Mẹ choáng ngợp hân hoan như một ngày “Cung hiến Thánh đường” thời vua Salomon: “Vua Salomon và dân Chúa mừng ngày cung hiến đền thờ bằng lễ hiến tế uy linh và long trọng thế nào, thì chúng ta cũng vui mừng trong ngày Đức Maria chào đời như vậy. Cung lòng Mẹ là đền thờ cực thánh. Ở đó, Thiên Chúa đã tiếp nhận nhân tính và đi vào thế giới con người một cách hữu hình.”.
Thế nhưng, để cắt nghĩa cho hết cái chiều sâu và chiều rộng của “niềm vui trong ngày lễ Sinh nhật Đức Mẹ, thì chúng ta lại phải lắng nghe những lời chỉ dạy của Tin Mừng, mà Tin Mừng vừa được công bố hôm nay lại là bản Gia Phả của Chúa Giêsu theo thánh Matthêô !
Có một điều khá lạ trong bản Gia phả đặc biệt nầy là sự xuất hiện của 5 người phụ nữ ! Thì ra, “ngày sinh của Mẹ” đã báo trước một “Triều Đại mới”, một ‘Dòng Tộc Mới” không còn phân biệt đối xử, trọng nam khinh nữ, tất cả đều là công dân của Nước Trời, anh em trong Đức Kitô. Riêng chi tiết: Đức Mẹ được đặt cuối cùng mà liên tiếp đi ngược lên dòng tộc của Đấng Cứu Thế lại là chân dung của 4 người phụ nữ trong Cựu ước có thể nói được là “không ra gì”, mà trong số đó có những bà đáng gọi là “bại hoại”: Thama loạn luân, Rakhap kỹ nữ, Ruth ngoại đạo và Basheba ngoại tình !
Vâng, sự xuất hiện của “Người phụ nữ thứ năm” – Maria: Giacóp sinh Giuse, là bạn của Maria, mẹ của Chúa Giêsu gọi là Đức Kitô, hay ngày “Mẹ sinh ra”, Thiên Chúa đã bắt đầu cuộc rửa sạch mọi vết nhơ của những người phụ nữ đi trước, tượng trưng cho cả một nhân loại tội lỗi đớn hèn; ngày sinh nhật của Mẹ đã làm cho lịch sử nhân loại “mở ra một chương mới”: một nhân loại không còn những “Rakháp Giêriko” lương dân hay “Ruth Moáp” ngoại đạo; như Thánh Phaolo đã cắt nghĩa vào thời Tân ước: “Vậy, không còn phải phân biệt Hy Lạp hay Do Thái, cắt bì hay không cắt bì, man di, mọi rợ, nô lệ, tự do, nhưng chỉ có Đức Kitô là tất cả và ở trong mọi người” (Cl 3,11); không còn những bức tường ngăn cách thánh nhân hay tội nhân như Thama loạn luân hay Basheba ngoại tình bởi vì “người Con của Mẹ” sẽ nhất quyết: “Vì tôi đến không phải để gọi những kẻ công chính song gọi kẻ tội lỗi” (Mt 9, 13).
Thì ra, đây là một bản gia phả mang ý nghĩa đặc biệt, mà Đức nguyên Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã định nghĩa cách thâm thúy: “gia phả của đức tin và ân sủng”; và linh mục Nguyễn Văn Độ đã chú giải thêm: “Vì cho dẫu gia phả này được đan dệt bằng biết bao tội nhân và những kẻ gian ác, nhưng lịch sử ấy lại là lịch sử của tình thương và lòng thương xót Chúa, được chính Thiên Chúa can thiệp đúng lúc. Thiên Chúa đã viết lịch sử ấy bằng những nét đặc biệt, khác thường. Cái đặc biệt nhất vẫn là Thiên Chúa đã không bỏ rơi một nhân loại phản bội lại Ngài, không làm ngơ trước sự đau khổ và tội lỗi của con người. Thiên Chúa đã hành xử thật tốt đẹp với con người, đối với từng người. Chính vì một lịch sử, một thế giới tội lỗi mà Mẹ Maria đã sinh ra để cưu mang Chúa Giêsu Đấng cứu độ chúng ta. Mẹ Maria đã làm loé lên niềm hy vọng cho một trần gian đang lầm lỗi. Mẹ đã điểm tô cho một lịch sử đã bị ông bà nguyên tổ làm lu mờ vì tội phản nghịch cùng Thiên Chúa. Mẹ Maria đã làm cho lịch sử hồi sinh khi ông bà nguyên tổ làm hoen ố vì tội lỗi. Nhân loại đáng lẽ bị đắm chìm trong sự chết, nhưng Mẹ đã làm cho có sự sống viên mãn…”
Vâng, đó là lý do của niềm vui trong ngày sinh nhật Mẹ; hay đơn giản hơn, vì ngày sinh nhật Mẹ gắn liền hay báo trước chính ngày sinh nhật của Đấng Cứu Thế, như đoạn cuối trong trích đoạn Tin Mừng hôm nay: “Này đây một trinh nữ sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa-ở-cùng-chúng-ta”.
Và lịch sử của thế giới, đặc biệt, lịch sử của “Đoàn Dân Mới”, kể từ ngày sinh nhật Mẹ, đã bắt đầu “ghi thêm” những ngày sinh nhật có ý nghĩa, trong số đó, phải kể này sinh nhật của ông Phan Đức (Frank Duff), người sáng lập phong trào Legio Mariae, hay ngày sinh nhật của phong trào nầy cách đây 101 năm (7.9.1921) tại một căn phòng nhỏ tại Ái Nhĩ Lan…
Riêng anh chị em hội viên Legio Mariae chúng ta mừng lễ Mẹ hôm nay, ngoài niềm vui được nhận lãnh ân thánh, chúng ta còn phải trở nên nhân chứng của của niềm vui, tông đồ đi loan niềm vui ơn cứu độ, loan báo niềm vui được Chúa thương qua sự bảo trợ của Mẹ Maria, như cách loan báo và làm chứng của Thánh linh mục Gioan Maria Vianney:
Một ngày nọ, thánh Gioan Maria Vianney, cha sở họ Ars, gặp trong nhà thờ một người đàn bà có vẻ đang đau khổ nhiều. Bà ta vừa trở thành góa phụ. Ông chồng đã rơi từ cầu xuống sông và bị chết đuối. Ông ta đã chết khi chưa kịp ăn năn thống hối. Do đó, đối với bà, ông chồng chắc chắn đã mất linh hồn.
Cha Vianney đã nhẹ nhàng đến gần, và được Chúa soi sáng, cha đã nói:
– Chồng bà đã được cứu thoát.
Quá ngạc nhiên và tỏ vẻ không tin, bà ta lại hỏi:
– Thưa cha, làm sao lại có thể như vậy?
Cha Vianney cắt nghĩa:
– Có Chúa ở giữa chiếc cầu và dòng sông. Chồng bà đã cùng rơi với Chúa và khi rơi, ông đã làm hòa với Ngài.
– Nhưng làm sao có thể như vậy được? Bà vợ hỏi lại:
– Ðó là một ơn của Ðức Mẹ. Cha Vianney trả lời và cắt nghĩa tiếp:
– Vì một hôm, trên đường từ đồng về nhà, chồng bà đã hái một đóa hoa đem chưng trước tượng Ðức Mẹ ở bên đường. Ðức Mẹ có thể quên được cử chỉ tốt đẹp này sao?
Vâng, niềm vui ơn cứu độ, niềm vui của Tin Mừng hay niềm vui làm đẹp lòng Thiên Chúa, làm mát lòng Mẹ Maria, đâu cần chi những điều to lớn, nhưng chỉ cần: một chuỗi Mân Côi, một giờ kinh tối, một Thánh lễ, một buổi đi công tác, một nghĩa cử yêu thương, tha thứ trong gia đình, một giúp đỡ, phục vụ đơn sơ nhỏ bé cho người xung quanh…; vâng, tất cả đều là những đóa hoa đồng nội đem chưng trước tòa Mẹ. Mẹ sẽ không bao giờ quên. Nhất là Mẹ sẽ không bao giờ quên những ai chút nữa đây, thành tâm đón nhận Mình và Máu Con Mẹ trong Thánh Thể. Bởi vì, họ sẽ thuộc trọn về Đức Kitô, Đấng Cứu Độ, nên cũng thuộc trọn về Mẹ, vì Mẹ đã đón nhận lời trăn trối của Chúa Con dưới chân thập giá: “Đây là Mẹ con, đây là con Mẹ”. Amen.
Trương Đình Hiền