Views: 25
(Bài giảng Lễ Khấn Dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Tình Thương – 3.9.2020)
(1 V 17, 10-16; Pl 2, 1-11; Ga 13, 1-15)
Như chúng ta vừa nghe, sứ điệp Lời Chúa trong phụng vụ Lễ Khấn Dòng hôm nay đã làm sáng lên những khuôn mặt: bà goá Sarepta, cộng đoàn tín hữu Philipphê, Chúa Giêsu và các Tông đồ trong Bữa Tiệc Ly. Qua những “gương mặt” nầy, cử hành phụng vụ hôm nay muốn chuyển tải đến chúng ta một sứ điệp để sống đức tin và ơn gọi, đặc biệt, ơn gọi thánh hiến.
Trước hết, chúng ta dừng lại nơi chân dung “Bà Goá Sarepta” của sách Các Vua, kẻ đã vui lòng cống hiến “chút bột và chút dầu cuối cùng” để nuôi sống “tiên tri Êlia, Người của Thiên Chúa”. Trong Kinh Thánh, gương mặt của các bà goá được khắc hoạ rất nhiều lần, nhiều nơi. Riêng câu chuyện “bà goá thời ngôn sứ Êlia” rất giống với câu chuyện “hai đồng xu nhỏ của bà goá” trong Tin Mừng Luca (Lc 21,1-4). Từ hình ảnh “chút bột và chút dầu cuối cùng của Bà Goá Sarepta đến “hai đồng xu nhỏ của bà Goá trong Tân ước”, chúng ta khám phá ra những vẻ đẹp rạng ngời nơi “những chút bột, chút dầu, những đồng xu bằng xương bằng thịt của những ơn gọi tu trì” và nơi những “bà goá nghèo” là những bậc cha mẹ chấp nhận sống cô đơn, bần hàn, túng ngặt… để sẵn sàng “dâng con cho Chúa”.
Cho dẫu trong Giáo Hội không thiếu những Giáo Hoàng, Hồng y, Giám mục, linh mục, tu sĩ… xuất thân từ những gia đình “danh gia vọng tộc”, những nhà “địa chủ quyền quý cao sang”, đông con nhiều cháu…, nhưng cũng không thiếu những ơn gọi thuộc những gia đình nghèo nàn rách nát, những “bà goá” chỉ có một đứa con duy nhất ở những vùng sâu vùng xa, những “căn hộ nhà sàn” thuộc những sắc tộc ít người lam lủ, thiếu trước hụt sau, lầm than đói khổ !
Thế giới hôm nay, trong cơn lốc tục hoá và khủng hoảng ơn gọi, Giáo Hội trân trọng biết bao, biết ơn thật nhiều “những chút bột, chút dầu, những đồng xu nhỏ” và “những bà goá nghèo” đang tản mác khắp nơi trên muôn vạn nẻo đường cuộc sống; những người mà Chúa Giêsu không ngại ngùng gọi là “những kẻ bé mọn được ơn mạc khải” (Mt 11,15), và Đức Thánh Cha Phanxicô trân trọng gọi tên là “những vị thánh ở sát bên nhà chúng ta” (Gaudete et Exsultate số 7). Vâng, ở giữa cộng đoàn chúng ta hôm nay, đẹp làm sao, quý làm sao “chút bột, chút dầu, những đồng xu nhỏ xinh xinh” là những nữ tu, là những người cha người mẹ, đang dâng về cho Chúa những gì đẹp nhất, quý giá nhất của đời mình, của gia đình mình !
Từ câu chuyện “bà goá”, Lời Chúa muốn chúng ta một lần nữa đón nghe lời huấn dụ của Thánh Phaolô gởi giáo đoàn Philipphê, một cộng đoàn nói được là đầu tiên của Âu Châu đón nhận Tin Mừng. Đây cũng là cộng đoàn đã từng quyên góp giúp đỡ thánh Phaolô trong bước đường truyền giáo hay lúc tù ngục, và cũng là cộng đoàn được ngài rất ưu ái và tin tưởng. Cho dù là một giáo huấn cho cộng đoàn cách đây gần 2000 năm, nhưng chúng ta cũng dễ dàng nhận ra một điều rất thích hợp để áp dụng cho các cộng đoàn của Giáo Hội hôm nay, nhất là cho cộng đoàn những người sống đời thánh hiến; riêng hôm nay, những lời nầy, phải chăng không những thích hợp mà rất cần thiết cho những chị em Dòng Nữ Tỳ tuyên khấn lần đầu và khấn trọn: hay “mặc lấy tâm tình của Đức Kitô”, tâm tình vâng phục, khiêm nhường và bác ái hiệp nhất trong cộng đoàn.
Thật vậy, Thánh Phaolô đã ân cần giáo huấn rằng: “hãy cảm nghĩ trong anh em điều đã có trong Đức Giêsu Kitô”; điều đó cũng có nghĩa là hãy “cùng chung một lòng mến, được đồng tâm nhất trí với nhau, chớ làm điều gì bởi ý cạnh tranh hay bởi tìm hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi kẻ khác vượt trổi hơn mình, mỗi người đừng chỉ nghĩ đến những sự thuộc về mình, nhưng hãy nghĩ đến những sự thuộc về kẻ khác…”. Đặc biệt, những lời huấn dụ liền sau đó của Thánh Phaolô lại chính là một lời “vinh tụng” Đức Kitô mà bất cứ người tu sĩ nào cũng đều thuộc nằm lòng; và không chỉ thuộc mà còn phải sống mỗi ngày như một câu châm ngôn: “Người huỷ bỏ chính mình mà nhận lấy thân phận tôi đòi, đã trở nên giống như loài người với cách thức bề ngoài như một người phàm. Người đã tự hạ mình mà vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá”.
Từ ý nghĩa “tự hạ thẳm sâu của Đức Kitô” trong thư gởi giáo đoàn Philipphê, đĩnh điểm của sứ điệp Lời Chúa hôm nay dừng lại nơi hình ảnh Chúa Giêsu quỳ xuống rửa chân cho các môn sinh trong bữa tiệc Vượt Qua cuối cùng trước khi dấn thân vào cuộc khổ nạn. Vâng, đây là một hình ảnh sống động nhất và cũng thật cao cả của đức khiêm nhường phục vụ, một dấu chỉ đã trở thành “bí tích của yêu thương phục vụ”, một cách diễn tả khác của “Tình yêu Thánh Thể”, “Tấm bánh sẻ chia” mà bất cứ ai mang danh Kitô hữu đều được gọi mời tham gia và thực hiện đến cùng.
Riêng đối với các chị trong Hội Dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu tình thương thì chính con đường “hạ mình xuống” chọn “làm người rửa chân” cũng chính là chọn “chỗ cuối cùng”, một chọn lựa thuộc “căn tính linh đạo” của Hội dòng mà số 25 trong Bản Dự Thảo Hiến Chương đã minh định: “Chúng ta luôn sẵn sàng “đến mà ngồi vào chỗ cuối cùng” theo lệnh ĐGM sở tại, luôn đặt trọng tâm vào việc yêu thương phục vụ thành phần anh chị em kém may mắn, nghèo đói. Để qua những việc bác ái phục vụ nầy, đưa nhiều người về với Giáo Hội” (Dự thảo Hiến Chương số 25).
Với những người không thấm nhuần ý nghĩa “khó nghèo của Tin Mừng Tám Mối phúc thật”, không hiểu và cảm nhận được ý nghĩa cao cả và phong phú của “dấu chỉ Rửa Chân”, thì việc hạ mình “chọn chỗ cuối”, chọn thập giá…là một điên rồ, thất bại; nhưng, với chúng ta, những người Kitô hữu, những tu sĩ, thì “rửa chân”, “chọn chỗ cuối” lại là một “sức mạnh và khôn ngoan” của Thiên Chúa như xác tín của Thánh Phaolô (1 Cr 1,22-25), là năng lực để thăng tiến chính mình và tha nhân, như cách diễn tả của Đức Giám Mục Bùi Tuần: “Chỉ khi ta hạ mình xuống, người khác mới được nâng lên; chỉ khi ta chịu nhỏ xuống, người khác mới có thể lớn lên; chỉ khi ta thành người nghèo khó, người khác mới trở nên giàu có; chỉ khi ta chấp nhận bị khinh khi, người khác mới được tôn trọng; chỉ khi ta chịu kém cỏi, người khác mới được khôn ngoan”.
Kính thưa cộng đoàn, đặc biệt quý nữ tu,
Trong ngày lễ khấn hôm nay tôi chợt nhớ đến một nụ cười đã làm vang động cả thế giới: nụ cười lúc lâm chung của nữ tu Cecilia người Argentina. Vâng người nữ tu nầy mang căn bệnh quái ác ung thư và cho dù phải chịu đựng những cơn đau ghê gớm lúc cuối đời, soeur vẫn mĩm cười và đã mĩm cười cách thanh thản hồn nhiên khi từ giả cõi đời về với Chúa.
Phải chăng đó là nụ cười của những người đã sống hết mình sứ điệp cho đi của bà goá, sứ điệp tự hạ thẳm sâu của Đức Kitô, một Đức Kitô sẵn sàng cuối xuống rửa chân cho anh em. Chúng ta hy vọng rằng, chút nữa đây, trên cung thánh nầy, các nữ tu khấn lần đầu và khấn trọn của chúng ta cũng nở một nụ cười như thế trong sâu thẳm cõi lòng dành cho Chúa Kitô và Hội Thánh.
Và như thế, sứ điệp bà goá, sứ điệp tự hạ và sứ điệp rửa chân sẽ đọng lại nơi bàn Tiệc Thánh Thể hôm nay, nơi chính Tấm Bánh được bẻ ra từ Thân Mình hiến tế của Đức Kitô, nơi ly rượu được rót ra từ chính trái tim bị đâm thâu của Ngài được ban tặng cho tất cả chúng ta đang hiệp thông nơi đây. Cùng với các chị khấn dòng, chúng ta cùng sẵn sàng, trân trọng đi vào “điểm hẹn” thâm sâu nhất của huyền nhiệm Hiến Tế của Đức Kitô; và không quên mang theo lời nguyện cầu cho các chị tuyên khấn hôm nay thật sự tìm được hạnh phúc và bình an, có được “nụ cười dâng hiến”, nụ cười của trái tim tự do và thanh thản dành cho Thiên Chúa và con người. Amen.
Trương Đình Hiền