Views: 50
(Bài gợi ý suy niệm sứ điệp Lời Chúa Chúa Nhật 30 TN C 2019)
Gần như để tiếp nối và khai triển chủ đề về lòng khoan dung và yêu thương của Thiên Chúa dành cho những tâm hồn khiêm hạ, khó nghèo (như “mười người phung cùi được chữa lành” trong CN XXVIII, “Bà góa nghèo được minh oan” trong CN XXIX), sứ điệp Phụng vụ hôm nay muốn nhấn mạnh tới thái độ của loài người chúng ta trước tình yêu Thiên Chúa: đó chính là tấm lòng khiêm hạ, sám hối và tin cậy vào lòng xót thương của Thiên Chúa.
Thái độ đó, tấm lòng đó chính là chủ đề xuyên suốt của toàn bộ Thánh Kinh và cũng là lời giáo huấn căn bản của Thiên Chúa, khi Ngài không ngừng dạy cho con người hiểu và xác tín chân lý nền tảng nầy: Thiên Chúa, “Đấng xét xử công minh”, Ngài luôn bênh đỡ những tâm hồn khiêm nhu bé nhỏ thật thà và chân tình sám hối ăn năn, như chứng từ của sách Huấn Ca được phụng vụ chọn công bố trong Bài đọc 1:
“Vì Đức Chúa là Đấng xét xử,
Người chẳng thiên vị ai.
Người không vị nể mà làm hại kẻ nghèo hèn,
nhưng nghe lời kêu xin của người bị áp bức.
Người không coi thường lời khấn nguyện của kẻ mồ côi,
hay tiếng than van của người goá bụa…”.
Chắc chắn, các thế hệ nối tiếp trong “Dân Chúa chọn” thời Cựu ước đã thấm nhuần chân lý nầy và đã bộc lộ qua những lời kinh nguyện hằng ngày mà Thánh vịnh 33 – chúng ta vừa hát lên qua Đáp vịnh ca – đã nói lên tất cả:
“Chúa gần gũi những tấm lòng tan vỡ,
Cứu những tâm thần thất vọng ê chề.
Chúa cứu mạng những người tôi tớ,
Ai ẩn thân bên Chúa không bị phạt bao giờ…”
Khi Đức Kitô xuất hiện loan báo Tin Mừng, thì chân lý trên không còn là những dòng chữ để đọc và để nghe, mà đã trở thành những “hiện thực sống động”, như chính Ngài đã long trọng tuyên bố nơi hội đường Na-da-rét:
“Người mở ra, gặp đoạn chép rằng: Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa. Đức Giê-su cuộn sách lại, trả cho người giúp việc hội đường, rồi ngồi xuống. Ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. Người bắt đầu nói với họ: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe.” (Lc 4,17-21).
Đặc biệt, qua trích đoạn Tin mừng Lu-ca vừa được công bố: Đức Ki-tô trình bày dụ ngôn về “người thu thuế và người biệt phái lên đền thờ cầu nguyện”, không chỉ để nói riêng với những người biệt phái, luật sĩ, những kẻ hay “cậy mình công chính” và khinh thường những thấp cổ bé miệng, cần phải hoán cải thực thi khiêm nhường, mà còn để dạy muôn thế hệ Kitô hữu luôn biết cầu nguyện với Thiên Chúa trong thái độ khiêm tốn và đầy lòng ăn năn sám hối. Đó chính là con đường của đức tin chân thật; và con đường nầy sẽ mang lại hoa trái thiêng liêng đích thực là ơn tha thứ, ơn cứu độ cho chúng ta.
Chúng ta cũng đừng quên: không phải chỉ những người thuộc “giao ước cũ” hay những kẻ mang danh Kitô hữu mới được dạy dỗ chân lý về “khiêm nhường thống hối” nầy; cả những anh em Hồi Giáo cũng đã truyền cho nhau câu chuyện ngụ ngôn sau đây, diễn tả cũng những nội dung mà sách Huấn Ca hay Tin Mừng Luca vừa đề cập tới:
Ngày kia Đức Allah truyền cho một sứ thần xuống thế gian tìm xem có điều gì tốt đẹp nhất để mang về trời. Sứ thần đáp xuống ngay một chiến trường nơi máu của các vị anh hùng đang chảy lai láng. Sứ thần thu nhặt một ít máu mang về cho Đức Allah. Nhưng xem ra Đức Ala không hài lòng mấy. Ngài bảo: “Máu đổ ra cho tổ quốc và tôn giáo là một điều quý giá nhưng vẫn chưa phải là điều tốt đẹp nhất nơi trần gian.”
Sứ thần đành phải giáng thế một lần nữa. Lần này ngài gặp đám tang của một người giàu có nhưng rất quảng đại. Vô số người nghèo đi theo sau quan tài, vừa đi vừa khóc vừa xông hương để tỏ lòng biết ơn đối với vị đại ân nhân. Sứ thần liền thu nhặt hương thơm mang về trời. Lần này Đức Allah mỉm cười đón lấy hương thơm ngào ngạt. Nhưng xem ra Ngài vẫn chưa hài lòng, Ngài nói: “Dĩ nhiên lòng biết ơn là một trong những điều hiếm có và tốt đẹp nơi trần gian. Nhưng Ta nghĩ rằng còn có một cái gì tốt đẹp hơn.”
Lại một lần nữa sứ thần đành phải vâng lệnh. Sau nhiều ngày tìm kiếm khắp 4 phương, một buổi chiều nọ ngồi nghỉ bên vệ đường, Ngài bỗng thấy một người đang khóc sướt mướt. Trước những câu hỏi đầy ngạc nhiên của sứ thần, người ấy giải thích: “Tôi đã chìu theo cơn cám dỗ mà phạm tội. Giờ đây nước mắt là lương thực hằng ngày của tôi”. Sứ thần giơ tay hứng lấy những giọt nước mắt còn nóng hổi và thẳng cánh bay về trời. Đức Allah chăm chú nhìn những giọt nước mắt rồi mỉm cười nói: “Thế là ngươi đã hoàn thành tốt nhiệm vụ. Quả thật dưới trần gian không có gì tốt đẹp và hữu ích cho bằng lòng sám hối, bởi vì nó có sức canh tân cuộc đời. Một lòng sám hối chân thật có sức biến đổi mùa đông giá rét của lòng người thành mùa xuân ấm áp của tình yêu.” (Trích ”Món quà giáng sinh”).
Khi bình thường, không có chuyện gì xảy ra, người ta có thể dễ dàng chọn thái độ khiêm nhường và nói lên tâm tình thống hối. Tuy nhiên, khi bị “đày đoạ” xuống tận cùng khổ nhục, khi đối diện với những thảm kịch…mà vẫn vững vàng “ngước mắt lên” và xác tín và lòng thương xót của Thiên Chúa, đó mới thật là anh hùng, là đức tin, là người con đích thực của Thiên Chúa.
Lòng khiêm nhu và tin cậy phó thác của Thánh Tông Đồ Phaolô trong những ngày đang ở giữa cảnh ngục tù tăm tối (như trong trích đoạn thư gởi cho đồ đệ Timôthê trong Bài đọc 2), mãi mãi là chứng từ rõ nét, là mẫu gương sống động dành cho tất cả những ai theo vết chân người trong công cuộc rao giảng Tin Mừng:
“Còn tôi, tôi sắp phải đổ máu ra làm lễ tế, đã đến giờ tôi phải ra đi. Tôi đã đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin. Giờ đây tôi chỉ còn đợi vòng hoa dành cho người công chính; Chúa là vị Thẩm Phán chí công sẽ trao phần thưởng đó cho tôi trong Ngày ấy, và không phải chỉ cho tôi, nhưng còn cho tất cả những ai hết tình mong đợi Người xuất hiện” (2 Tm 4,6-8).
Và nhắc đến Phaolô trong “ngữ cảnh” của sứ điệp “khiêm nhường hoán cải” của Chúa Nhật hôm nay, thì chúng ta đừng quên rằng: chính vị đại Tông Đồ lừng danh nầy, sau khi trở lại, đã tự nhận mình là một “tông đồ mạt hạng”:
“Thật vậy, tôi là người hèn mọn nhất trong số các Tông Đồ, tôi không đáng được gọi là Tông Đồ, vì đã ngược đãi Hội Thánh của Thiên Chúa. Nhưng tôi có là gì, cũng là nhờ ơn Thiên Chúa, và ơn Người ban cho tôi đã không vô hiệu; trái lại, tôi đã làm việc nhiều hơn tất cả những vị khác, nhưng không phải tôi, mà là ơn Thiên Chúa cùng với tôi.” (1 Cr 15,9-10).
Vâng, đối với Thiên Chúa, những giọt nước mắt của con tim khiêm nhường thống hối sẽ có giá trị hơn muôn nghìn công đức của cái tôi ngạo mạn khoe khoang!
Giuse Trương Đình Hiền