NƯỚC TRỜI ĐANG HIỆN THỰC GIỮA CHÚNG TA

Views: 42

(Chúa nhật 11 thường niên năm b 2024)

          Trong những ngày này, thế giới đang trông chờ kết quả tích cực và mang tính “ràng buộc” của cuộc họp Thượng đỉnh về hòa bình cho Ukraina (Summit on Peace in Ukraine) tại Thụy Sĩ. Vì cuộc chiến tàn khốc giữa Nga và Ukraina đã kéo dài hơn hai năm và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, trong khi đó bom đạn lại rền vang tại vùng Tiểu Á trong cuộc đối đầu giữa Israel và lực lượng Hamas, khiến cho hàng trăm, hàng ngàn người đôi bên bỏ mạng, nhà cửa tan hoang, kinh tế khủng hoảng, ngọn lửa hận thù giữa giữa các quốc gia lan rộng… nên mọi dân tộc, mọi người trên thế giới, ai ai cũng đều mong đợi một giải pháp hòa bình!

          Vâng, một thế giới hòa bình, một đất nước yên vui, một quê hương an hòa hạnh phúc… luôn là ước mơ của loài người muôn nơi muôn thuở. Phải chăng vì nỗi ước mơ cháy bỏng này mà không ít những nhà chính khách, những vị sáng lập tôn giáo, những kẻ đầu cơ chính trị, những vị tiên tri… thường loan báo những “bản tin về tương lai”; và những “bản tin tiên tri” này thường mang hai chiều kích hay dấu chỉ: hoặc là những viễn tượng u ám tối đen đầy thất vọng mang tính “hù dọa”; hoặc là tươi sáng rạng rỡ mang niềm hy vọng tốt lành…

          Cách đây gần hai ngàn năm, Chúa Giêsu người Nadarét cũng đã “mòn chân” trên những nẻo đường xứ Palestina để loan báo những lời “tiên tri về vận mệnh thế giới” mà nội dung có thể được gồm tóm trong một chủ đề khá xuyên suốt đó là “Nước Trời”. Theo thần học và giáo lý Kitô giáo, Nước Trời trong ngôn ngữ của Đức Kitô chính là viễn cảnh về một thực tại viên mãn cuối cùng của chương trình cứu độ của Thiên Chúa, là tên gọi của hạnh phúc vĩnh hằng; và để giới thiệu và kiến giải cái thực tại trông có vẻ “xa vời và khó hình dung” đó, Đức Kitô đã dùng vô số những dụ ngôn và hình ảnh biểu tượng. Chỉ riêng tác giả Tin Mừng Matthêu, chưa hết một đoạn 13 đã nhắc tới 7 dụ ngôn về Nước Trời: Gieo giống, Cỏ lùng, Hạt cải, Men trong bột, Kho báu và Ngọc quý, Chiếc lưới cá… Và dĩ nhiên, mỗi một dụ ngôn, Đức Kitô muốn chúng ta “tiếp cận” đến giáo lý Nước trời dưới một góc cạnh, một chiều kích độc đáo riêng.

          Chẳng hạn với trích đoạn Tin Mừng Máccô hôm nay, huyền nhiệm Nước Trời được Đức Kitô chuyển tải qua hai nội dung:

– Trước hết Nước Trời là một thực tại mang sức mạnh tiềm ẩn (dụ ngôn hạt giống âm thầm): “Nước Thiên Chúa giống như người kia đã gieo hạt xuống đất: người đó ngủ hay thức, đêm hay ngày, hạt giống cứ đâm mầm và mọc lên … trước hết thành cây, rồi đâm bông, rồi kết hạt…”.

          Để trấn an và giữ vững niềm tin yêu hy vọng cho cộng đoàn, Máccô đã trình bày sứ điệp Nước Trời của Đức Kitô mà chủ yếu đó là: hãy vững tin vào sức mạnh tiềm ẩn của Nước Trời, của Lời Chúa, của Ơn cứu độ. Tin Mừng đã được gieo, đã được đón nhận, không mất đi đâu hết; không tiêu tán, bị xóa nhòa, nhưng vẫn âm thầm đâm rễ, lớn lên, chờ ngày sinh hoa kết trái.

– Thứ đến Nước Trời là một thực tại mang niềm hy vọng vươn cao (dụ ngôn hạt cải): “Nước đó giống như hạt cải, khi gieo xuống đất thì nhỏ bé nhất trong tất cả các hạt trên mặt đất. Nhưng khi gieo rồi, nó mọc lên thành cây rau lớn nhất, và đâm những cành to, đến nỗi chim trời có thể tới núp bóng được”.

          Vâng, cộng đoàn Kitô hữu, Giáo Hội của Chúa Kitô, cho dù chỉ là một nhóm nhỏ bị loại trừ, bách hại, như một “hạt cải bé bỏng”, trước một sức mạnh khổng lồ của đế quốc Rôma với quyền lực dữ dằn của bạo chúa Nêrô, và của bao thế lực trần gian khác dọc dài qua hai ngàn năm lịch sử… thì rồi vẫn vươn cao thành đại thụ che rợp địa cầu, thành bóng mát cho muôn dân. Ngày hôm nay, Hội Thánh Công Giáo chính là niềm tin, là điểm tựa tinh thần, là kim chỉ nam cho lối đường ngay chính dẫn nhân loại đến bến bờ hạnh phúc đích thực.         

          Mà chuyện nầy đâu là huyễn tưởng đối với những người đặt trọn niềm tin vào quyền năng Thiên Chúa. Trong suốt bao ngàn năm Cựu ước, Thiên Chúa vẫn hành động như thế qua chính chứng từ của tiên tri Êgiêkiel trong BĐ 1: “Chính Ta sẽ chặt ngọn cao nhất cây hương nam; Ta sẽ bẻ một chồi non từ ngọn mọc ra và sẽ đem trồng nó trên núi cao chót vót. Ta sẽ trồng nó trên đỉnh núi Israel, nó sẽ đâm chồi kết quả và trở thành cây hương nam vĩ đại; các thứ chim trời đều đến ẩn náu dưới thân cây và làm tổ dưới tàn nó.…”.  

          “Chồi non hương Nam” được trồng trên mảnh đất Israel đã trở thành đại thụ rợp bóng địa cầu” đó phải chăng là hình ảnh tiên trưng về “chồi non từ gốc Giê-sê”, “chồi non” nhỏ bé sinh hạ tại hang lừa máng cỏ Bêlem, bị săn đuổi, dập vùi với bàn tay của bạo vương Hêrôđê; “chồi non” là một người công nhân thợ mộc âm thầm ẩn dật dưới mái nhà của quê nghèo Nadarét… để rồi sau đó trở thành một “Rabbi” tỏa bóng trên muôn thân phận con người què mù đui điếc, bệnh hoạn tật nguyền, gái điếm lẫn thu thuế, phung hủi lẫn điên khùng quỷ ám…; những kẻ đến núp bóng để nhận được “bóng mát” của tình yêu và ân sủng, tự do và phục hồi…; “Chồi non” đó cũng chính là một tên tội phạm bị đóng đinh chết trên đồi Sọ, bị chôn vùi trong lòng đất lạnh ba ngày, để sau đó từ “Mồ trống” chỗi dậy đem ánh sáng và sức sống Thần linh giải chiếu trên mọi nẻo đường thế giới…

          Vâng sứ điệp “Chồi non” thời “Giao ước cũ” của Êgiêkiel được hiện thực viên mãn nơi “sứ điệp Hạt lúa và Hạt cải” của Tân ước, của Đức Kitô và “Đức Kitô Tử nạn –Phục sinh”; và dĩ nhiên, đó luôn là “sứ điệp của niềm hy vọng”, sứ điệp để Dân Chúa hôm qua cũng như hôm nay luôn đặt trọn niềm tin vào sự chiến thắng cuối cùng của Lòng Thương Xót, của Ơn Cứu Độ. Và chúng ta đừng quên, sứ điệp về mầu nhiệm Nước Trời không chỉ nêu lên ý nghĩa mà còn đỏi hỏi phải hành động: người kia đã gieo hạt xuống đất. Vâng, để có được Nước Trời mai hậu thì hôm nay mỗi người chúng ta phải là những người đi gieo hạt!

          Vì thế, điều bận tâm lúc nầy, ưu tiên một hằng ngày của người Kitô hữu không phải là “khi nào chúng ta chết”, khi nào chúng ta “được về thiên đàng ở với Chúa”; nhưng là chúng ta đang sống làm sao với Chúa ngay trong “giây phút hiện tại”, như lời khuyến dụ của Thánh Phaolô dành cho giáo đoàn Côrintô: “Và vì thế, dù ở trong xác hay ra khỏi xác, chúng ta hãy cố gắng sống đẹp lòng Chúa”.

          Và như thế, mỗi một thành phần dân Chúa hôm nay đều là một “Chồi non”, một “hạt cải”, một “hạt giống” đang được Thiên Chúa trồng vào mảnh đất thế gian để làm nên những “đại thụ cho chim trời núp bóng”, những “đồng lúa chín vàng” để nuôi sống chúng sinh. Điều quan trọng còn lại đó là chúng ta trở nên những người cộng tác với Thiên Chúa để “gieo hạt cải đời mình” và “gieo những chồi non tốt lành” cho cánh đồng thế giới; chồi non của yêu thương và phục vụ, của thực hành công chính và cuộc sống chứng nhân…

          Và như thế, câu chuyện “Nước Trời” hay sống “mầu nhiệm Nước Trời” mà sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi không là chuyện ươm mơ về một thế giới huyễn tưởng; mà là chuyện rất đời thường hôm nay, mọi ngày, như chính lời khẳng quyết của Đức Kitô: “Nước Trời không ở đâu xa lạ. Nước Trời đang ở giữa các ngươi” (Lc 17,21).

Trương Đình Hiền