PHÉP LẠ CẢ THỂ CUỐI CÙNG ĐANG DẦN HIỆN THỰC

Views: 51

(CHÚA NHẬT XVII TN B 2024)

Từ trái tim “chạnh lòng thương” tới mối “bận tâm thực hiện”, quả thật con đường của Thiên Chúa đến với loài người bao giờ cũng dẫn tới phép lạ. Từ phép lạ “Manna, chim cút, mạch nước Meriba… trong những ngày lang thang nơi hoang mạc thuở Xuất hành”, hay như hai câu chuyện:

– Phép lạ “20 chiếc bánh lúa mạch nuôi cả trăm người của ngôn sứ Êlisê” (trong BĐ 1);  – Phép lạ từ “năm chiếc bánh và hai con cá trong tay của một em bé” trở thành bữa tiệc khoản đãi phủ phê mấy ngàn thực khách của Tin Mừng Gioan, …tất cả đều muốn nói với chúng ta rằng: Thiên Chúa không bao giờ lãnh đạm, thờ ơ trước thân phận đói khổ lầm than của nhân loại.

Thật vậy, có nhiều người vẫn lầm tưởng: Thiên Chúa chỉ quan tâm thực hiện những “dấu lạ động trời” như những phép lạ tai ương đổ xuống trên Ai Cập, như “Biển Đỏ dựng sóng nước thành đường đi”, như khói bốc lửa dậy khi ban Mười Điều răn trên núi Sinai, như tiếng kèn làm đổ sập thành Giêricô kiên cố…

Không đâu, mối bận tâm thường xuyên và hàng đầu của Thiên Chúa lại chính là những chuyện đôi khi chỉ là “vụn vặt tầm phào”, những chuyện của đời thường, của kiếp sống mỏng manh, của những ước vọng bình thường, của những nhu cầu giản đơn cần thiết. Thiên Chúa đã trải qua kinh nghiệm một “đời thường nhân loại” với tất cả những lao tâm khổ tứ, cay đắng ngọt bùi, thương đau khổ lụy. Còn đó Bêlem với máng cỏ hang lừa, còn đó Nadarét với cái đục cái cưa của nghề thợ mộc; còn đó những bước chân mệt nhoài đói khát trên những nẻo đường cát bụi Palestina, còn đó những phút giây ngủ gà ngủ gật trên chiếc thuyền nhân loại bị sóng đánh tả tơi; còn đó chén thù chén tạc khi chấp nhận đồng bàn với những người anh em thu thuế và tội lỗi… Và rồi, còn đó cây thập giá với cái chết tủi nhục trên đồi Sọ, còn đó bữa cơm chiều nơi quán trọ bên đường Emmaus hay bữa điểm tâm nóng hổi trên bờ hồ Tibêriát với tấm bánh nướng thơm và vài con cá nhỏ… Vâng, đó không là những mối bận tâm của Thiên Chúa đó sao, tất cả lại không là “dấu lạ” đó sao?

Thiên Chúa không quay lưng với những giá trị và nhu cầu vật chất. Chính vì thế, tràn ngập cả bốn cuốn Tin Mừng là những chuyện kể về “Dấu Lạ”; những “Dấu lạ” ngang qua cuộc sống đời thường: mắt thôi mù để có ánh sáng, tai thôi điếc để nghe được âm thanh, phung cùi lành sạch để trở về hội nhập cuộc sống bình thường, rượu ngon thay nước lã để tân lang và tân nương khỏi bẽ mặt, những bệnh nan y được khỏi, kẻ chết sống lại để có được niềm vui và hy vọng… Và Chúa Nhật hôm nay (17 TN B), Tin mừng kể lại: với mấy chiếc bánh kiều mạch và vài con cá nục của một em bé, Đức Kitô đã biến thành một bữa đại tiệc ắp đầy hân hoan no phỉ…

Ngày xưa đã vậy hôm nay vẫn thế! Thiên Chúa vẫn mãi mãi còn quan tâm chăm sóc nhân loại, nhất là những người đang “đói ăn khát uống”, từng ly từng tí qua Thánh Thần, qua Giáo hội, qua những Tông đồ, qua chị, qua anh, qua tôi, qua những con người cùng đồng cảm với Ngài và sẵn sàng vâng lệnh Ngài “để lo cho họ ăn”, để sẻ chia và phục vụ. Bởi vì thật ra, điều cốt yếu Đức Kitô nhắm tới không là “Bữa tiệc của trần gian”, không là thỏa mãn những nhu cầu vật chất và những khát vọng trần tục, mà chính là “Bàn Tiệc của Nước trời”, là hạnh phúc vĩnh cửu, là thiên đàng. Dấu lạ “Bánh hóa nhiều hôm nay” chính là tiên báo “Bánh Trường Sinh” Ngài sẽ thực hiện vào Bữa Tiệc Vượt Qua ngày Thứ Năm trước khi ra đi chịu khổ hình thập giá để trở thành “Tiệc Thánh Thể” dấu chỉ của Bàn Tiệc Nước trời mai hậu.

Tuy nhiên, để đáp ứng những yêu cầu bức xúc của con người, cũng như để thỏa mãn lời réo gọi của con tim chạnh lòng thương nơi chính mình, Thiên Chúa ít khi muốn “độc quyền” thi thố dấu lạ. Ngài luôn cần những bàn tay nhân loại trải dài qua thăng trầm lịch sử cứu độ từ Cựu tới Tân ước: Đó là những Môsê, Đavít, Êlia, Esther…; là những Giuse, Maria, Gioan Tẩy giả, Maria Mađalêna, Anê, Cecilia, Têrêsa, Anrê Phú Yên… Đó chính là những “em bé” trong Tin mừng Gioan hôm nay, quảng đại, biết cho đi “chút phần nhỏ bé nhất của riêng mình” để Thiên Chúa làm nên điều kỳ diệu.

Phải chăng, Thánh lễ hôm nay cũng lại là một “phép lạ” như thế đang chợt về! Để từ đây, những “phép lạ của tình thương” lại nối tiếp trong thế giới, trong cuộc đời. “Phần nhỏ nhất trong cuộc đời” mà Thiên Chúa đang cần đến phải chăng là những điều Thánh Phaolô trong Bài đọc 2 hôm nay đề nghị: “hãy ăn ở xứng đáng với ơn kêu gọi anh em đã lãnh nhận. Anh em hãy hết lòng khiêm nhượng, hiền hậu, nhẫn nại, chịu đựng nhau trong đức ái; hãy lo bảo vệ sự hợp nhất tinh thần, lấy bình an hoà thuận làm dây ràng buộc.

Thì ra, sứ điệp Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay muốn chuyển tải nội dung này: Nếu những Kitô hữu hay mỗi người trên thế giới này đều mang trái tim chạnh lòng thương của Chúa Giêsu và sẵn sàng quảng đại trao vào tay Chúa chút phần nhỏ bé của riêng mình, thì mỗi ngày có trăm vạn phép lạ “bánh hóa nhiều” đã xảy ra trên thế giới này; nếu không là “phép lạ vật chất” để không ai phải đói khổ lầm than, thì cũng là “phép lạ tinh thần”: phép lạ của tình liên đới, sẻ chia, bao dung, tha thứ…! Và như thế, viễn tượng về một “Phép lạ cả thể cuối cùng” chính là “Vương quốc Nước Trời” mà Đức Kitô và Hội thánh của Ngài dày công xây dựng sẽ không là chuyện mơ hồ hoang tưởng mà chắc chắn đang hiện thực từng bước mỗi ngày!

Giuse Trương Đình Hiền