PHÉP LẠ XẢY RA CHO TÔI HÔM NAY! AMEN!

Views: 40

(Chúa Nhật 14 TN B 2024)

          Nếu Chúa Nhật tuần trước (13 TN B), Tin mừng Máccô giới thiệu một “chân dung đức tin tuyệt hảo”: “một người phụ nữ ngoại giáo bị bệnh xuất huyết 12 năm”, có đức tin mạnh mẽ qua “cú chạm nhẹ vào chiếc gấu áo của Thầy Giêsu”, thìChúa Nhật hôm nay, Tin mừng Máccô lại nói với chúng ta về một cộng đoàn Do thái giáo cứng lòng tin trước một “Thầy Giêsu giảng dạy đầy uy quyền”, bằng cái nhìn cố chấp trần tục, “vấp phạm vì Người”: “Ông này chẳng phải bác thợ mộc con bà Maria, anh em với Giacôbê, Giuse, Giuđa và Simon sao? Chị em ông không ở với chúng ta đây sao?” Và họ vấp phạm vì Người

          Qua hai thái độ khác nhau đó, Tin mừng Máccô đã cho thấy rằng: Ở Capharnaum, ở những vùng rìa ngoại giáo, có thể “Giêsu Nadarét” đang là “Thần tượng” của nhiều người”; nhưng ở đây, giữa lòng Dân Chúa, tại chính quê hương mình, “Giêsu” chỉ là bác thợ mộc, xuất thân từ một gia đình dân giả, nghèo hèn! Thần tượng ở đâu chứ về đây là “sụp đổ”! Mà không chỉ “dân đồng hương với Chúa”, nhiều người trong dân Israel thuở ấy cũng xem thường cái “lý lịch trích ngang thuộc về Nadarét”: “Ở Nadarét có gì khá đâu ?” (Ga 1,46).

          Nói đến “thần tượng”, có lẽ, dân Israel, vào thời Chúa Giêsu cách đây 2000 năm, chưa hay không bị “lây lan” cái bệnh “cuồng thần tượng” như dân Việt Nam! Điển hình như trong những tháng qua đối với nhà sư khất thực sống “hạnh Đầu đà” Thích Minh Tuệ. Thần tượng hóa một vị chân tu đức độ như thầy Thích Minh Tuệ thì cũng có thể hiểu được. Tuy nhiên, có những hiện tượng “cuồng thần tượng” cách mê muội, “lên đồng” thì thật đáng xấu hỗ: như một “bộ phận dân Hà Nội” cách đây mấy năm: khi nhóm nhạc nam Hàn Quốc Super Junior về biểu diễn tại Hà Nội, thông tin về một bạn fan nữ đòi tự tử, giết bố mẹ, thậm chí còn tuyên bố hùng hồn trên mạng xã hội rằng “bố mẹ có thể không có nhưng các anh phải luôn là số một”…

          Lời Chúa hôm nay không nhằm “thần tượng hoá Giêsu” hay muốn tất cả chúng ta hôm nay cùng “lên đồng tập thể” trước chân dung của Ngài; nhưng là dạy chúng ta có thái độ và sự chọn lựa đầy niềm tin đối với Ngài để sống có ý nghĩa và sống vĩnh hằng: “Ai tin vào Người Con thì có sự sống đời” (Ga 3,36); “Việc Thiên Chúa muốn cho các ông làm, là tin vào Đấng Người đã sai đến.” (Ga 6,29).

          Từ thái độ “dè bỉu, khinh thường” thiếu niềm tin của dân Nadarét dành cho Chúa Giêsu vì “lý lịch nhân thân thấp kém của Ngài” hay vì sự “quen thuộc thường tình của 30 năm đồng hành dân dã” nơi quê nghèo Nadarét, Lời Chúa cũng muốn nói với chúng ta rằng: Thiên Chúa thường chọn lựa những con người, những cách thế xem ra tầm thường nhỏ bé để làm nên những công trình kỳ diệu. Vâng, Thiên Chúa cao cả quyền năng đó chính là “Thiên Chúa đã nhập thể làm người, đã mặc xác phàm nhân loại, đã trở nên người con của bà Maria, đã từng làm bác phó mộc lam lũ giữa muôn người…”. Vâng,Thiên Chúa uy quyền vĩ đại siêu vượt trên muôn loài lại là “một Rabbi đi chân đất, một ngôn sứ chẳng có viên đá gối đầu…; sau cùng, một tội nhân bị kết án, một vị vua với triều thiên gai, một tên tử tội bị đóng đinh giữa những người trộm cướp…”.

          Đứng trước một nhân vật, một con người như thế mà có kẻ “dám” tin, “dám đặt niềm trông cậy”, “dám đánh liều để tin yêu phó thác…”, thì đó hoàn toàn là công trình của ân sủng. Thật vậy, không có ơn trên làm sao anh mù có thể thân thưa: “Lạy Ngài con tin” (Ga 9,38); hay người phụ nữ 12 năm bị bệnh nan y xuất huyết dám “chạm đến áo Người” với niềm xác tín: “Miễn sao tôi chạm tới áo Người thì tôi sẽ được lành” (Mc 5,25-34); haytên trộm bị đóng đinh vào chiều thứ Sáu trên đồi Sọ có thể quay về phía Thầy Giêsu Nadarét bị đóng đinh đang hấp hối: “Thầy Giêsu ơi, khi Thầy vào Nước của Thầy, xin nhớ đến tôi” (Lc 23, 42).

          Trước những con người như thế, và với niềm tin như thế, chắc chắn “phép lạ sẽ xảy ra”; phép lạ của tình yêu cứu độ, phép lạ của hồng ân hoán cải, phép lạ của niềm hy vọng vĩnh hằng…; và dĩ nhiên, ngược lại hoàn toàn, sẽ không có phép lạ nào xảy ra nơi những tâm hồn luôn đóng lại vì kiêu căng, đố kỵ, luôn khước từ Đức Kitô với sĩ diện, tự hào… Quả thật, đáng buồn cho Chúa Giêsu trong một chuyến “hồi hương vinh quy bái tổ”: Ở đó Người không làm phép lạ nào được, ngoại trừ đặt tay chữa vài bệnh nhân, và Người ngạc nhiên vì họ cứng lòng tin.

          Thì ra, việc dân Do thái cứng lòng không tin nhận Đức Kitô, một tiên tri ở giữa họ, đã được ngôn sứ Êdêkiel loan báo từ bao trăm năm trước mà chúng ta vừa nghe nơi Bài đọc 1: “Ta sai ngươi đến để nói với những con cái dầy mặt cứng lòng rằng: ‘Chúa là Thiên Chúa phán như vậy’. Hoặc chúng nghe, hoặc chúng không nghe, vì đây là bọn phản loạn, và chúng sẽ biết rằng giữa chúng có một tiên tri”.

          Phải chăng, từ lời cảnh  báo đó đến sự cố “dân Nadarét tẩy chay Chúa Giêsu”, sứ điệp Lời Chúa Chúa Nhật 14 TN B hôm nay cũng đang cảnh báo, gọi mời mọi người Kitô hữu rà soát lại, điều chỉnh lại thái độ niềm tin và việc đón nhận Đức Kitô vào cuộc sống mình. Chúng ta có đang sống, đang hành động, đang dấn thân cho công cuộc loan báo Tin mừng và làm chứng cho một “Đức Kitô đang sống giữa chúng ta” (Tông huấn Christus Vivit), hay “một ông Giêsu nào đó” như một “xác chết trong viện bảo tàng” (Tông huấn Evangelii Gaudium)!

          Nếu hai ngàn năm trước, tại quê hương Nadarét, “Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng đón nhận” (Ga 1,11) để đến nỗi “Người không làm phép lạ nào được”, thì hôm nay, Người đang đến giữa cộng đoàn chúng ta, không phải với một “Rabbi Giêsu đang nổi tiếng như cồn”, mà là một “Tấm Bánh Thánh Thể” giản đơn khiêm hạ; hay đâu đó ngoài kia, Ngài đang đến trong thân phận của một “em bé đánh giày, một lão già ăn xin, một người giúp việc, một người mẹ buôn gánh bán bưng”… Quả thật, Ngài vẫn đang ở đó, nhưng liệu chúng ta có “dè bỉu, khinh khi, chối từ, ngoãnh mặt”…, hay sẵn sàng chọn lựa thái độ của thánh Phaolô, thái độ của một người chấp nhận sự yếu đuối, tầm thường để sức mạnh Đức Kitô làm nên tất cả: “tôi rất vui sướng khoe mình về những sự yếu hèn của tôi, để sức mạnh của Đức Kitô ngự trong tôi… vì khi tôi yếu đuối, chính là lúc tôi mạnh mẽ”.

          Vâng, hôm nay, “phép lạ” phải xảy ra cho tôi, vì tôi tin; tôi tin Ngài đang với tôi và cho tôi qua Tấm Bánh đơn mà linh mục chủ tế ân trao: Mình Thánh Chúa Kitô! Amen!

Giuse Trương Đình Hiền