Views: 4
(Chúa nhật 15 thường niên C 2025)
Vào thập niên 70 của thế kỷ trước (năm 1978), trong “bầu trời văn hóa cọng sản Liên Sô” bỗng xuất hiện một tác phẩm đậm chất nhân sinh quan Kinh Thánh của Kitô giáo mà nội dung cốt lõi đó chính là “tình thương”. Vâng, đó là cuốn tiểu thuyết của nhà văn Nodar Dumbadze người Georgiađược dịch sang tiếng Việt với tựa đề “QUY LUẬT CỦA MUÔN ĐỜI” mà sứ điệp chuyển tải đó là “YÊU THƯƠNG GIÚP ĐỠ LẪN NHAU”.
Đối với những con người bị trói buộc lâu ngày trong cái gông cùm “ý thức hệ cọng sản của triết thuyết Mác-Lê”, lấy chủ trương “đấu tranh giai cấp” làm phương hướng hành động, chọn bất cứ phương tiện nào, cho dù là khủng bố, chiến tranh, tiêu diệt… để đạt được mục tiêu “chuyên chính vô sản”… thì quả thật, việc xuất hiện một ấn phẩm mang chủ đề “BÁC ÁI, YÊU THƯƠNG”, nội dung cốt yếu trong giáo lý Tin Mừng của Đức Kitô, nếu không là “văn hoá phản động”, thì cũng là một chuyện thuộc loại “xưa nay hiếm”!
Thật vậy, đối với những ai được giáo dục, nuôi dưỡng và thấm nhuần Kinh Thánh Cựu cũng như Tân ước, nhất là những giá trị của sứ điệp Tin Mừng, thì “BÁC ÁI YÊU THƯƠNG” chính là “quy luật nền tảng” được khắc ghi rõ ràng trong Kinh Thánh từ mấy ngàn năm trước và lưu truyền cho đến mãi hôm nay và ngàn sau. Vì thế, không lạ gì câu trả lời của một tín đồ Do Thái và cũng là một nhà thông luật trước câu hỏi của Chúa Giêsu, như Tin Mừng Luca tường thuật: Người nói với ông: “Trong Lề luật đã chép như thế nào? Ông đọc thấy gì trong đó?” Ông trả lời: “Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết sức và hết trí khôn ngươi, và hãy thương mến anh em như chính mình…” (Lc 10,25-28).
“Bản tóm Lề Luật” mà nhà thông luật trên đã trả lời cho Chúa Giêsu, thật ra, xuất phát từ hai trích đoạn Lời Chúa về hai khoản luật “Mến Chúa” và “Yêu người” của hai tác phẩm quan trọng trong Bộ Ngũ Thư của Cựu ước mà truyền thống vẫn cho rằng đó là “Sách Luật”:
– Mến Chúa: Trích sách Đệ Nhị Luật: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất.” (Đnl 6,5).
– Yêu người: Trích sách Lê-vi: “Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình.” (Lv 19,18).
Vâng, đó là Luật tối thượng gồm tóm trong “Thập Điều” mà Thiên Chúa đã ban cho loài người qua cuộc thần hiển tại núi Sinai vào thời dân Israel xuất hành về “Đất Hứa”. Chính vì thế, dân tộc Israel luôn được nhắc bảo, động viên, để trung thành thực thi huấn lệnh này, như những lời tuyên cáo của nhà lãnh đạo Môsê được sách Đệ Nhị Luật lưu lại như chúng ta vừa nghe qua Bài đọc 1: Môsê nói cùng dân chúng rằng: “Nếu các ngươi nghe tiếng Chúa là Thiên Chúa các ngươi, hãy tuân giữ các giới răn và huấn thị của Người đã được ghi chép trong sách Luật này, hãy trở về cùng Chúa là Thiên Chúa các ngươi hết lòng và hết linh hồn các ngươi…”.
Thật ra, khi tạo dựng nên con người giống hình ảnh Thiên Chúa, thì đồng thời, Thiên Chúa cũng đặt để trong chính bản tính con người khả năng yêu thương, bởi vì “Thiên Chúa là tình yêu”. Tuy nhiên, con người đã đánh mất cái bản chất tốt đẹp thiêng thánh đó khi “đứng lên chống lại thánh ý Chúa” để “tự tung tự tác với cái tôi của mình”. Và từ đó, tội lỗi, sự hận thù, ghen ghét đã nhập vào thế gian mà thảm kịch “Cain giết em là Abel” như là một chứng từ rõ nét, để tiếp sau đó, máu và nước mắt đã tràn lan khắp địa cầu…
Qua những nghìn năm được giáo hóa, dân “ưu tuyển đại diện” là Israel, cho dù được sở hữu “hòm bia Giao ước” với Mười Điều Răn mà tóm gọn với hai giới răn cơ bản “Mến Chúa” (Đnl 6,5) và “Yêu người” (Lv 19,18), phần đông họ đã biến Lời và Luật trở thành những “câu thần chú trên môi mép” mà “lòng dạ thì hoàn toàn xa cách Thiên Chúa lẫn anh em đồng loại” (Mt 15,8)! Đền thờ Giêrusalem tráng lệ vẫn khói hương nghi ngút đó nhưng là chỉ để dành riêng cho giới tư tế, biệt phái và quan chức tai to mặt lớn trong xã hội lui tới thờ phượng; còn ngoài kia, bọn phong cùi vẫn chết dần chết mòn nơi hang sâu hố thẳm; bọn mù què đui điếc vẫn lê lết bên những vệ đường cát bụi; bọn dốt nát ghèo hèn vẫn oằn mình dưới ách nô lệ của ngoại bang hay vương quyền…
Tuy nhiên, “Thiên Chúa không bỏ mặc con người dưới quyền lực của tội lỗi và sự chết” (KNTT IV). Ngài đã quyết định mở ra “Chương Trình Cứu Độ” mà đích điểm và trọng tâm chính là Con Một yêu dấu của chính Ngài: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”. (Ga 3,16).
Vâng, chính Đức Kitô là Đấng đã vâng lệnh Chúa Cha vào đời dạy cho loài người ý thức bản chất “yêu thương” là của riêng con người và đồng thời chứng thực tình yêu của Thiên Chúa thể hiện qua chính con người, cuộc đời, nhất là cái chết và sự sống lại của Người, như cách xác nhận của Thánh Phaolô trong trích đoạn thư Côlôsê vừa mới được công bố: “Đức Giêsu Kitô là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử mọi tạo vật; (…). Vì chưng, Thiên Chúa đã muốn đặt tất cả viên mãn nơi Người; và Thiên Chúa đã giao hoà vạn vật nhờ Người và vì Người; nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa ban hoà bình trên trời dưới đất.” (Cl 1,15-20).
Có thể nói được, chủ đề xuyên suốt của “Tin Mừng Nước Chúa” và chương trình hành động “cứu nhân độ thế” trong ba năm rao giảng của Chúa Giêsu đó chính là khai triển hai giới răn cơ bản “Mến Chúa, yêu người”; và cái chết thập giá của Ngài chính là sự “đóng ấn chung cuộc” cho hai điều cơ bản đó. Chúng ta hoàn toàn có thể tìm thấy ý nhĩa nầy được Ngài lồng trong dụ ngôn “Người Samari nhân hậu”, qua trích đoạn Tin mừng Luca mà chúng ta vừa nghe công bố.
Thật vậy, với “dụ ngôn nầy”, trước hết, Chúa Giêsu muốn chúng ta luôn ý thức thân phận đang lữ hành trên con đường gian nan dưới thế, những “nẻo về Giêricô lầm lạc, tội lỗi và bị bủa vây bởi những cạm bẫy của thế gian, ma quỷ”; đó cũng là thân phận “bị cướp giật, bị thương tích đầy mình, bị bỏ rơi bên đường…” của chính chúng ta! Và rồi, chính Chúa Giêsu là “Người Samari nhân hậu” đã tìm gặp, cứu thoát và đem chúng ta vào “quán trọ Hội Thánh” để chăm sóc, chữa lành (Charles E. Miller) …! Chúng ta không được quên lãng “hồng ân cứu độ” cao cả nầy. Và một khi đã trở nên “Người Samari nhân lành” theo mẫu gương của Thầy Chí Thánh, chúng ta sẽ nhận ra “ai là người thân cận của mình” để sẵn sàng yêu thương phục vụ.
Hôm nay trên muôn nẻo đường thế giới, đang có mặt đầy dẫy những thân phận người “bị cướp” và cũng đầy dẫy những hạng người vô cảm, “sợ bị lấm tay”, sợ phải phiền luỵ… Là Ki-tô hữu, chúng ta hãy để Lời Chúa biến chúng ta thành khí cụ của tình yêu và biến chúng ta thành anh em của mọi người, nhất là của những ai đau khổ, bất hạnh.
Xem ra, luật “mến Chúa, yêu người” hay bài học “trở thành người Samari nhân hậu”, bài học “nhận ra người anh em” chính là “Quy luật của muôn đời”. Vâng, quy luật của muôn đời hay mãi mãi là lời chất vấn thường xuyên, cùng là lời phán xét cuối cùng, như lời của Thánh Gioan Thánh Giá: “Vào buổi xế chiều cuộc sống, chúng ta sẽ bị xét xử về tình yêu”.
Trương Đình Hiền.