RA ĐI TỪ NGỌN LỬA NGŨ TUẦN

Views: 44

(LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG 2020)

Tôi thích nhất cách cắt nghĩa về mầu nhiệm Chúa Thánh Thần của Vị Tôi Tớ Chúa, Đức cố Hồng Y F.X. Nguyễn Văn Thuận, khi ngài giảng cho Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II và Giáo triều Rôma năm 2000. Ngài mở đầu bài giảng thứ 19 với đề tài “HÃY NHẬN LÃNH THÁNH THẦN để canh tân bộ mặt trái” đất bằng những câu phỏng vấn của một ký giả dành cho Đức Hồng y Tổng Giám Mục Paris Lustiger về chủ đề ma quỷ: “….Đức HY có bao giờ thấy ma quỷ không? Có chứ – Thấy ở đâu? – Ở Dachau, Auschwitz, Birkenau…”

            Và Đức F.X đã nói tiếp: “Nếu có ai hỏi tôi lúc nầy là có bao giờ thấy Chúa Thánh Thần chưa?, tôi sẽ không do dự trả lời ngay: có chứ, tôi đã thấy Người. Thấy ở đâu? Xin thưa trong Giáo Hội, mà cũng thấy ngoài Giáo Hội nữa….”; Và Vị Tôi Tớ Chúa của chúng ta đã lần lượt trình bày hoạt động của Chúa Thánh Thần qua một loạt các vị Giáo Hoàng lừng danh của thế kỷ 20, 21, các vị thánh đương đại như Têrêsa Calcutta, qua Công Đồng Vatican II, qua các Đại Hội giới trẻ thế giới…Sau đó, ngài chia sẻ về chính sức mạnh của Chúa Thánh Thần nâng đỡ ngài trong những tháng năm tù tội, và nhất là câu chuyện các anh chị em H’Mong nhận được ơn đức tin chỉ nhờ một phương tiện duy nhất là nghe Lời Chúa qua một đài phát thanh của Tin lành, đài Nguồn Sống….

            Vâng, ai trong chúng ta cũng đều tin vào sự hiện diện và hoạt động của Chúa Thánh Thần. Nhưng hôm nay, ngày lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, để củng cố niềm tin đó, chúng ta cùng tìm hiểu những ý nghĩa mà Lời Chúa khơi gợi.

Trước hết, sách Công Vụ nơi Bài đọc 1 tường thuật rõ: Chúa Thánh Thần hiện xuống vào chính ngày lễ NGŨ TUẦN, một đại lễ “mừng kỷ niệm Giao Ước Si-Nai và tạ ơn mùa gặt mới” của “Đạo Cũ” – Do Thái giáo, để khai sinh “Đạo Mới” – Kitô giáo. Trong Kinh Tiền Tụng của ngày lễ hôm nay, Giáo Hội đã hát lên như một lời tuyên xưng đối với chân lý trên: “Chính trong ngày khai sinh Hội Thánh, Chúa Thánh Thần đã làm cho hết thảy chư dân nhận biết Thiên Chúa và liên kết mọi ngôn ngữ khác biệt lại, để họ tuyên xưng cùng một đức tin” [1].

Và kể từ đây, lịch sử cứu độ đã bắt đầu một chương mới: một “Dân tộc mới”, một “Vương Quốc mới” chính thức được khai sinh, “Vương quốc đầy tràn sự thật và sự sống, đầy tràn ân sủng và thánh thiện, đầy tràn tình thương, công lý và bình an”[2].

Nhưng Chúa Thánh Thần là ai mà lại làm được một công trình vĩ đại như thế?

  1. Chúa Thánh Thần, Đấng ban sự sống:

            Trong Kinh Tin Kính, Hội Thánh không ngừng tuyên xưng: “Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa và là Đấng ban sự sống”. Sự sống đó là kỳ công của chương trình Sáng Tạo và cũng là cùng đích của chương trình cứu độ. Thánh Kinh thường dùng 2 thực tại “khí” và “nước” để chỉ sự sống.

“HƠI THỞ SỰ SỐNG”: Tin mừng Thánh Gioan hôm nay tường thuật việc Đức Kitô Phục sinh trao ban Chúa Thánh Thần cho các Tông đồ vào Ngày Thứ Nhất trong tuần tại nhà tiệc ly qua hành vi thổi hơi: Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần.” (Ga  20,22).

            Vâng, bắt đầu từ phút giây nhận lãnh “hơi thở của sức sống phục sinh” đó, các cánh cửa của căn nhà tiệc ly “đóng im ỉm vì sợ người Do Thái” đã bắt đầu mở toang, và những anh tông đồ hoang mang sợ sệt trốn chui trốn nhủi hoặc tìm về chốn cũ nghề xưa, đã lấy lại niềm tin và sức sống để mạnh mẽ lên đường, “đưa thuyền ra chỗ nước sâu”, bất kể thương đau và hy sinh mạng sống…!

“DÒNG NƯỚC TÁI SINH”: Nếu Chúa Thánh Thần được gọi là “Hơi thở sự sống”, thì Ngài cũng được mệnh danh là “Dòng nước tái sinh”.

            Chúng ta đừng quên: Người phụ nữ Samaria đã nhận được “dòng nước hằng sống” bên bờ giếng Giacóp khi đối thoại chân tình với Đấng có thể ban dòng nước ấy để từ hôm ấy một cuộc đời mới, một con đường mới đã mở ra. Những con người như Giakê, Lêvi, Maria Mađalêna, Nicôđêmô, Người phụ nữ ngoại tình, người trộm bị đóng đinh… một khi đến và tin vào Đấng là “Đường, Sự Thật, Sự Sống” lập tức một nguồn nước sống đã tuôn chảy dạt dào nơi trái tim họ, nơi cuộc sống họ, để từ đó, quả thật như sứ ngôn Êgiêkien: họ đã được tái tạo để có “một trái tim mới một tâm hồn mới”.

            Thế nhưng, tất cả đó cũng mới chỉ là “dấu chỉ”. Nguồn sống đích thực chỉ được chính thức trao ban cho nhân loại kể từ khi có những dòng “máu và nước tuôn ra từ trái tim của Đấng Bị Đóng Đinh” (Ga 19,34). Nhờ dòng nước vượt qua nầy mà một dòng tộc mới, một dân mới được khai sinh cùng với dòng nước tái sinh của nhiệm tích thánh tẩy.

Trong một thế giới, một xã hội mà “sự chết” đang hoành hành, hiện diện qua nhiều cách thế như: tàn ác, vô cảm, hận thù, tham lam, mê tín, dục lạc (Đặc biệt với sự tàn phá khủng khiếp của đại dịch Covid-19), mừng lễ Chúa Thánh Thần là dịp để người Kitô hữu tiếp tục sinh những hoa quả phúc đức của bác ái đối với anh chị em xung quanh, hoa quả của cuộc sống công bình chính trực, của lương tâm ngay thẳng thật thà, của trái tim từ bi nhân hậu, của cõi lòng vị tha, quảng đại và hiệp nhất…

  1. Chúa Thánh Thần Đấng thanh tẩy và đổi mới (Lửa):

            Đức Kitô đã từng tuyên bố rằng: “Thầy mang lửa xuống trần gian và thầy muốn lửa ấy cháy lên…”. Điều ấy phải chăng đã ứng nghiệm vào dịp lễ Ngũ Tuần cách đây 2000 năm. Thật vậy, sau khi ngọn lửa Thánh Thần được ban xuống trên các Thánh Tông Đồ, thì tiếp đó mấy ngàn người hành hương bất ngờ được lãnh nhận Phép Rửa sau khi đón nghe bài tuyên chứng của Tông Đồ Phêrô. Một cuộc “đại Thanh Tẩy” nhiệm mầu khơi mào cho bao nhiêu cuộc thanh tẩy khác muôn nơi muôn thuở trong suốt chiều dài lịch sử của nhân loại cho đến ngày tận thế.

            Cần thiết biết bao sự thanh tẩy của “lửa Thánh Thần” cho môi trường sống của xã hội hôm nay, môi trường đang bị ô nhiễm nặng nề vì bao nhiêu thói hư tật xấu của con người : Môi trường thiên nhiên bị huỷ hoại, ô nhiễm; môi trường xã hội đủ loại bị băng hoại, biến chất, ngập tràn đồi truỵ (y tế, giáo dục, chính trị, kinh doanh, thực phẩm…)

            Vì mang sứ mệnh là chứng nhân và tác nhân cho sự thanh tẩy nhiệm mầu trên toàn nhân loại, nên chính bản thân Giáo Hội cần phải được Ngọn Lửa Thánh Thần thiêu rụi mọi bất hòa chia rẽ, mọi tiêu cực biếng lười, mọi giả hình thối nát. Và Giáo Hội đó chính là giáo xứ chúng ta, mỗi gia đình chúng ta. Vâng, tất cả đều cần được canh tân và đổi mới.

  1. Chúa Thánh Thần Đấng qui tụ, hiệp nhất:

   Trong ngày Chúa Thánh Thần Hiện Xuống như sách Công Vụ tường thuật: mọi dân tộc đều cùng nghe được tiếng nói của của các môn đệ Chúa Kitô. Như vậy, “ngôn ngữ bất đồng của sự kiện tháp Babel” khiên loài người chia rẽ, phân tán, giờ đa được quy tụ, hiệp nhất trong đại gia đình Con cái Chúa.

   Nói cách khác, Chúa Thánh Thần là nguyên lý sự hợp nhất trong Giáo Hội, bởi vì mọi đặc sủng và ơn thánh đều bắt đầu từ một Thần Khí, một Chúa là Thiên Chúa duy nhất như lời khẳng định của Thánh Phaolô trong thư Cô-rin-tô nơi Bđ 2 hôm nay: “Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Thiên Chúa. Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người…Thật thế, tất cả chúng ta, dầu là Do thái hay Hy lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất”(1Cr 12,4-13)

            Giáo lý của thánh Phaolô đặc biệt dành cho cộng đoàn Kitô hữu Côrintô ngày xưa đang gặp sự chia rẽ, bất hoà; và cũng rất thời sự đối với mọi cộng đoàn tín hữu chúng ta hôm nay. Có thể nói được, dấu chỉ rõ nét nhất của một cộng đoàn, một Giáo Hội đang có Chúa Thánh Thần, đó chính là sự hiệp nhất, yêu thương. Trái lại, là biểu hiện của “xác thịt, ma quỷ, vắng bóng Thần Khí” ! (Gl 5,16-24). Chắc chắn, khi tha thiết cầu nguyện cho “chúng được nên một” (Ga 17), Đức Kitô đã thấy trước một thách đố lớn lao cho Giáo Hội của Ngài đó chính là “sự hiệp nhất”; và Ngài cũng thấy rõ, chỉ khi nào Hội Thánh” đó ngoan nguỳ để Chúa Thánh Thần hướng dẫn, tác động mới tồn tại và phát triển.

            Như vậy, mừng lễ Chúa Thánh Thần hôm nay, một lần nữa chúng ta van nài Đấng Ban Sự sống không ngừng “xuống” trên nhân loại đang có quá nhiều cảnh lầm than đang cần “chỗ nghỉ ngơi”, đang có quá nhiều nước mắt đang cần niềm an ủi, đang có quá nhiều địa chỉ lạnh lùng cần sưởi nóng và đang có quá nhiều tâm hồn tăm tối cần “sự sáng chứa chan hồng phúc” [3].

            Và ước gì ngọn lửa của Thần Khí sẽ thiêu rụi những yếu hèn, sợ hải, hồ nghi, chia rẽ và thất vọng để mọi người chúng ta mở tung mọi cánh cửa, can đảm dấn thân đến mọi vùng ngoại biên để loan báo Tin Mừng.

Một điều chắc chắn đó là: không ai có khả năng rao giảng và làm chứng nếu không được “Thần Khí Chúa ngự xuống”. Nói cách khác, Tin Mừng chỉ được vang xa khi Hội Thánh và mỗi người xác tín và cảm nhận được rằng: “Thần Khí Chúa đang ngự trên tôi” (Lc 4,18-19).

Chính vì thế, chúng ta có thể nói được rằng: mọi cuộc ra đi, lên đường, ra khơi…của Dân Chúa, của mỗi người chúng ta, đều là cuộc “RA ĐI TỪ NGỌN LỬA NGŨ TUẦN”.

 

Trương Đình Hiền

[1] Kinh Tiền Tụng lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống.

[2] Kinh Tiền Tụng lễ Chúa Giêsu Kitô Vua vũ trụ.

[3] Theo ý Ca Tiếp Liên lễ Chúa Thánh Thần.