RỬA CHÂN, TẤM BÁNH VÀ CHỨC LINH MỤC

Views: 69

(Thánh lễ Tiệc Ly – Thứ Năm Tuần Thánh 2024)

Buổi chiều hôm nay chúng ta hội họp nhau đây để cử hành Giờ của Đức Giêsu Kitô. Chúng ta chiêm ngưỡng Chúa Giêsu sống những giờ phút cuối cùng của Người ở trần gian nầy. Người sẽ làm cho chúng ta những việc mà từ ngày sinh ra Người đã để dành cho đến hôm nay. Đây là những việc thâm thúy và quan trọng nhất trong cuộc đời trần gian của Người, mà theo ngôn ngữ thi ca của nhà thơ Trăng Thập tự trong bài thơ “Đáp Lễ”, đó chính là “giờ Đức Kitô đập bể bình dầu thơm cuộc đời Ngài để ướp thơm cho toàn thế giới”:

Ta cũng mang theo đây chiếc lọ mỏng dòn

Nhốt sẵn chất thơm của ngàn muôn thế kỷ.

Ta sẽ đập vỡ mà không lo uổng phí

Vì ta cần xức dầu thơm ta lên khắp cả vũ hoàn…

 Vâng, Người đến trần gian để “xức dầu thơm ta lên khắp cả vũ hoàn” đó chính là mang tình yêu của Chúa Cha đến cho loài người, một tình yêu cho đến cùng: “Đức Giêsu đã yêu thương những kẻ thuộc về Người còn ở trần gian nầy, Người đã yêu thương họ cho đến cùng.”  Chính vì hành vi “yêu thương cho đến cùng” nầy đã làm cho Thánh lễ hôm nay mang một sắc thái đặc biệt, Thánh lễ mẹ của mọi thánh lễ.

Qua những chỉ dẫn của Phụng vụ, nhất là các bài đọc Lời Chúa, chúng ta có thể nhận ra “hành vi yêu thương cho đến cùng” của Đức Kitô sẽ gồm 3 việc nầy: – Rửa chân và ban Điều răn mới. – Thiết lập BTTT – Trao ban tác vụ Linh mục.

– Rửa chân: 

Cho dù Thánh Gioan đã dùng cả chương 6 để tường thuật về giáo lý Thánh Thể của Chúa Giêsu qua chủ đề “Bánh Hằng Sống”, nhưng trong khung cảnh của “Bữa Tiệc cuối cùng”, ngài không hề nhắc một câu nào về việc Đức Kitô lập bí tích Thánh Thể. Tuy nhiên, nhiều học giả Kinh Thánh xem trình thuật về việc rửa chân trong bối cảnh của Bửa Tiệc Ly lại là một “dấu chỉ” tuyệt vời về Thánh Thể, và là chìa khoá không thể thiếu để hiểu về Thánh Thể lẫn thiên chức linh mục.

Chúng ta thử dừng lại các “dấu chỉ đặc biệt” của hành vi “Rửa chân này:

– “quỳ xuống, rửa chân”: Một việc kỳ dị, lạ lùng, khó hiểu; vì theo truyền thống Do Thái, người tự do, hàng con cái trong nhà, không bao giờ làm như vậy. Chỉ có người nô lệ – mà là nô lệ ngoại quốc – khi chủ truyền bảo làm, thì mới làm việc ấy. Nay Đức Giêsu là Thầy, là Chúa các môn đệ, đích thân làm việc nầy: “quì xuống, rửa chân”. Phêrô phải khó khăn biết bao để chấp nhận hành vi rửa chân nầy của Thầy mình: “Thầy mà lại rửa chân cho con sao ?”. Không chỉ Phêrô mà gần như bất cứ ai, nếu không nhận nghĩa cử này như luật nền tảng của đời sống Kitô hữu và nhất là của sứ vụ tông đồ, thì chắc chắn cũng không chấp nhận được: “Nếu Thầy không rửa chân cho anh, anh sẽ không được đồng bàn với Thầy” (Ga 13,7-8). Phêrô chỉ đầu hàng khi nhận được “tối hậu thư” đó, “tối hậu thư” mang tên tình yêu phục vụ, tình yêu khiêm hạ…

– “Đức Giêsu chổi dậy, cởi áo ra”. Hành vi diễn tả một sự lột xác, xóa bỏ thân mình, để trở nên người tôi tớ, khom lưng làm công việc của một người nô lệ… Thánh Phaolô đã cảm nhận sâu xa cuộc tự hạ thẳm sâu này của một “Vị Thiên Chúa làm người”: “không nghĩ phải dành cho được địa vị ngang hàng cùng Thiên Chúa… song đã hũy mình ra không tức là lĩnh lấy phận tôi đòi” (Phi.2,5-7).

Chưa hết. Tình yêu của Chúa còn muốn chấp nhận cả những cái ít giá trị, nếu không muốn nói là xấu xa, hèn hạ nơi con người, mà biểu tượng là đôi chân đi đất. Chúa đến, Chúa cúi xuống, Chúa rửa, Chúa lau. Điều đó nói lên rằng Chúa yêu con người ngay trong cảnh khốn cùng của họ mà ngôn ngữ của Thánh Gioan đó chính là “Ngài yêu thương họ đến cùng” để họ, những con người phàm tục thấp hèn, được ngồi ngang hàng với Chúa, và được nghe lời âu yếm của Chúa: “Các con gọi Ta là Thầy là Chúa-thật đúng như vậy”… “Nhưng từ nay các con là bạn hữu của Thầy”. “Yêu nhau trăm sự chẳng nề…” là vậy!

Sau cùng, có một nghĩa cử yêu thương thâm thúy khác trong “dấu chỉ Rửa Chân” mà chúng ta không thể bỏ qua đó là Đức Chúa Giêsu hạ mình ngay cả trước Giuđa,  kẻ phản bội Ngài. Cử chỉ đó cho thấy Đức Chúa Giêsu đã yêu cho đến cùng. Ngài yêu cả kẻ phản bội Ngài, kẻ đã chà đạp trên tình yêu… Ngài không xua đuổi, Ngài không loại trừ…

Bài học “rửa chân” của Bữa Tiệc Ly xem ra cần thiết biết bao trong cuộc sống cộng đoàn đời tu của chúng ta hôm nay. 

– Thánh Thể:   

Chắc chắn  chúng ta không thể suy niệm nhiều về mầu nhiệm Thánh Thể. Chính Hội Thánh cũng biết như thế, nên khuyên ta dành thời giờ chầu sau Thánh lễ hôm nay, để suy niệm thêm về ơn Thánh Thể mà Chúa thông ban cho chúng ta.

Phụng vụ chiều nay muốn cho chúng ta nhìn vào  mầu nhiệm Thánh Thể như lễ Vượt Qua của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã chọn khung cảnh lễ Vượt Qua của người Do Thái để thiết lập Bí Tích Thánh Thể, một “cuộc Vượt qua mới” khi Ngài chấp nhận từ bỏ đời nầy, từ bỏ mạng sống, từ bỏ thân thể hữu hình để vượt qua mọi biên giới trần gian mà về cùng Chúa Cha. Bàn Tiệc Thánh Thể đượm màu hy tế. Chúa Giêsu biết rõ con đường Thánh Giá đang chờ đợi Người. Người cầm chén rượu, nhưng đã biến nó thành chén Máu người. Nên cuộc Vượt qua-Lễ Thánh Thể là một cuộc lễ tế hy sinh nhuộm thắm máu đào: “Mình Thầy, bị nộp vì anh em… Máu đổ ra vì anh em…”. Thánh Giá của “Ngày Thứ Sáu” đã hiện thực nơi đây trong tâm khảm Người, và từ đây “Giao ước mới” chính là cuộc khổ nạn được thực hiện: “Vì này là chén Máu Thầy, Máu giao ước mới và vĩnh cửu”.

Sống mầu nhiệm Thánh Thể hôm nay chính là đón nhận Đức Kitô với tất cả tin yêu trong “Tấm Bánh” được trao ban mỗi ngày qua Nhiệm tích Thánh Thể, như cách cảm nhận của bài thơ “Mùi của Bánh tình yêu”:

Nên chỉ có những ai,

Đã một lần cảm nhận được mùi tình yêu cao cả,

Mùi thơm nồng của dịu ngọt tình Cha,

Mùi yêu thương của máu thịt ngọc ngà,

Của Đấng đã cho ta,

và vì ta mà sẵn sàng hy sinh mạng sống !

Vâng, chỉ có những ai

cảm nhận được mùi tình yêu của tấm bánh,

Mới đi tìm, mong mỏi, khát khao.

Giữa chốn trần gian,

Có biết bao nhiêu tấm bánh, đủ loại, mời chào.

Nhưng duy nhất,

Chỉ một tấm bánh mang mùi tình yêu đích thực.

Tấm bánh Ki-tô,

Kết tinh của vũ trụ bao la trời đất,

Của tình Cha trọn vẹn với Thánh Linh,

Của tình yêu cứu độ, của thập giá hy sinh,

Của anh, của chị, của em,

Của con đường dẫn đi lên vĩnh hằng!

– Trao ban tác vụ Linh mục:

“Các con hãy làm việc nầy mà nhớ đếnThầy”: Với những lời nầy Chúa Giêsu trao ban thừa tác vụ linh mục.  

Cha thánh Gioan Maria Vianey đã nói:  “… Nếu không có bí tích truyền chức thánh, chúng ta sẽ không có Chúa (Giêsu trong BTTT). Ai đã đặt Người ở đó, trong nhà Tạm? Linh mục. Ai đã đón nhận linh hồn các con bước vào cuộc sống? Linh mục. Ai đã nuôi dưỡng linh hồn để nó có sức thực hiện cuộc lữ hành? Linh mục. Ai đã chuẩn bị cho nó ra trước mặt Chúa khi rửa sạch nó lần cuối cùng trong Máu Chúa Kitô? Linh mục, luôn luôn là linh mục. Và nều linh hồn ấy chết (trong tội trọng), ai sẽ phục sinh nó? Ai sẽ trả lại cho nó sự yên hàn và bình an? Vẫn là linh  mục. Các con không thể nhớ lại chỉ một ơn nào của Thiên Chúa mà các con không gặp thấy bên cạnh đó hình ảnh của linh mục”.

Như vậy, sứ điệp Lễ Tiệc Ly chiều nay đã mở ra 3 chiều kích của một “Tình yêu đến cùng” của Đức Kitô: Tửa chân-Tấm bánh-Mục tử.     

Trong một xã hội mà người ta thích “đưa mình lên để thống trị”, đua nhau đi tìm “tấm bánh mì” vật chất, và lẫn tránh cuộc đời “hiến tế vì tình yêu”, chúng ta hãy cầu nguyện để Hội thánh quyết chọn con đường “hạ mình xuống rửa chân”, quyết tìm “Bánh Hằng Sống” và luôn trung thành trong lý tưởng “mục tử”. Chúng ta cử hành Thánh lễ Tiệc nầy với quyết tâm và niềm xác tín của Thánh Phêrô sau bài giảng về Bánh Hằng Sống: “Bỏ Thầy chúng con biết đến cùng ai vì Thầy có Lời ban sự sống đời đời” (Ga 6, 68).

Trương Đình Hiền