Views: 80
(Chúa Nhật 3 Mùa Chay năm C 2022)
Đối với dân tộc Israel, có thể nói được, giai đoạn lịch sử quan trọng nhất của họ đó chính là thời gian “40 năm trường hành trong hoang mạc”; đây cũng là giai đoạn mà các ngôn sứ thời Cựu ước đã sánh ví như “thời trăng mật” của Thiên Chúa và dân riêng của Ngài, như cách diễn tả đầy chất lãng mạn của ngôn sứ Hôsê: “Bởi thế, này Ta sẽ quyến rũ nó, đưa nó vào sa mạc, để cùng nó thổ lộ tâm tình. Từ nơi đó, Ta sẽ trả lại vườn nho của nó, biến thung lũng A-kho thành cửa khẩu hy vọng. Ở đó, nó sẽ đáp lại như buổi thanh xuân, như ngày nó đi lên từ Ai-cập”. (Hs 2,16-17).
Và cũng chính nơi “giai đoạn dặc biệt” nầy, đã gồm tóm mọi giáo huấn, răn dạy căn bản của Thiên Chúa được thể hiện; và mọi sự sửa sai, sám hối, canh tân của dân được thực hành. Hơn nữa, đây là sự kiện vượt thời gian, có giá trị cho cả các thế hệ mai sau, như chính Thánh Phaolô đã xác quyết nơi thư gởi giáo đoàn Côrintô được công bố nơi Bài đọc 2 hôm nay: “tất cả cha ông chúng ta đã được ở dưới áng mây, đi ngang qua biển và tất cả nhờ Môsê mà được thanh tẩy, dưới áng mây và trong lòng biển; tất cả đã ăn cùng một thức ăn thiêng liêng, và uống cùng một thức uống thiêng liêng… Những việc đó đã xảy đến cho họ để làm gương, và đã được ghi chép để răn bảo chúng ta là những người đang sống trong thời đại cuối cùng…”.
Chính vì thế, cuộc hành trình của Mùa Chay của Giáo Hội Chúa Kitô hôm nay luôn được quy chiếu về cuộc “XUẤT HÀNH” của dân Do Thái ngày xưa. Bởi vì chính qua giai đoạn Lịch sử Cứu Độ quan trọng nầy, Dân Chúa hôm qua cũng như hôm nay và mãi mãi luôn tìm thấy những chỉ dẫn cần thiết để “vượt qua” kiếp sống ngục tù nô lệ của tội lỗi và dục vọng, của lầm lạc và yếu đuối, của bội nghĩa và bất trung… để tiến về miền “đất hứa” của ân sủng và tự do, của thủy chung và nồng thắm, của tin yêu và hy vọng….
Trong Phụng Vụ Lời Chúa của Chúa Nhật 3 Mùa Chay (Năm C) hôm nay, biến cố Xuất Hành lại được nhắc đến như một minh hoạ cụ thể để dẫn chúng ta vào trọng tâm chính là SÁM HỐI: cuộc sám hối đích thực của con cái Chúa.
Sự “sám hối đích thực” của ngườ Kitô hữu luôn đòi hỏi một sự “diện kiến”, “gặp gỡ”, “đối thoại” với Thiên Chúa Toàn năng trong thái độ khó nghèo khiêm tốn và trong niềm xác tín vào lòng thương xót; để từ đó khởi sự một sự canh tân, đổi đời triệt để liên quan đến cùng đích vĩnh hằng !
Lời Chúa qua trích đoạn sách Xuất Hành vừa được công bố đã vạch ra cho chúng ta ý nghĩa của “sám hối đích thực” qua câu chuyện về cuộc hội ngộ giữa Môsê và Thiên Chúa trong hoang mạc Madian: “Trong những ngày ấy, Môsê chăn chiên cho ông nhạc là Giêtrô, tư tế xứ Mađian. Ông lùa đoàn chiên qua sa mạc, đến núi Horeb là núi của Thiên Chúa. Thiên Chúa hiện ra với ông trong ngọn lửa cháy từ giữa bụi gai...”
Câu chuyện được bắt đầu bằng cuộc đối thoại giữa một chàng Môsê đang trốn chạy như một tên tội phạm nguy hiểm của triều đình Pharaô và tiếng nói kỳ diệu phát ra từ “Bụi gai bốc cháy” giữa hoang mạc. Hình ảnh nầy với mệnh lệnh: “Hãy cởi dép ra…” đã cho thấy một nhân loại yếu đuối, tội lỗi, nhơ bẩn và một Thiên Chúa thánh thiện, uy quyền; và muốn được gặp gỡ Thiên Chúa, muốn được chuyện vãn với Ngài thì tác động đầu tiên phải là “cởi dép”: “Ngươi đừng đến gần đây. Hãy cởi dép ở chân ra, vì chỗ ngươi đang đứng là nơi thánh”.
Với các anh chị em dự tòng sắp lãnh nhận các Bí tích Nhập Đạo, thái độ “cởi dép” chính là những câu trả lời trước khi được nhận lãnh bí tích: Chủ lễ: “Để sống trong tự do của con cái Thiên Chúa, ông (bà, anh, chị, em, con) có từ bỏ tội lỗi không?”. Dự tòng đáp: “Thưa từ bỏ”. (Nghi thức đơn giản nhập đạo của người lớn)…
Với chúng ta, “cởi dép” chính là trút bỏ cái tôi trần tục, là vứt bỏ những “trang phục” giả hình kệch cởm để trở về với con người đích thực của mình, là uốn nắn, thanh lọc lối sống đạo ỡm ờ, ba phải… để bắt đầu một một đức tin sống động vững vàng…, một mối tương quan “Phụ tử tình thâm” đối với Thiên Chúa và “huynh đệ sắt son” với hết thảy anh chị em !
Tiêu đích của Mùa Chay hay trọng tâm của sám hối nào chẳng phải là tiếng gọi “cởi dép” trước những vùng “đất thánh thiêng” cưu mang sự hiện diện của Thiên Chúa; vùng đất thánh của Phụng vụ, của các Bí tích, của Lời Chúa…, hay vùng đất thánh chính là những con người bằng xương bằng thịt, những mảnh đời khố rách áo ôm… mà chính Đức Kitô đã hơn một lần xác quyết: “Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han.” (Mt 25,35-36).
Dĩ nhiên, đây không đơn thuần là một “hành vi nhân bản mang tính khuyến thiện”, để thực hành như một quán tính hay “thời vụ” qua mỗi Mùa Chay; mà là một “lựa chọn” mang tính quyết định cho chính số phận đời đời của mình, như chính Đức Kitô đã khẳng quyết trong trích đoạn Tin Mừng Luca: “Ta bảo các ngươi: không phải thế. Nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy”.
Chúng ta hôm nay cũng vậy: “Đừng tưởng” mình thánh thiện, vô tội mà dửng dưng với lời gọi mời sám hối của Mùa Chay và của cuộc hành trình hoán cải trong nhịp sống Kitô hữu. Đứng trước sự toàn thánh của Thiên Chúa không ai có thể trịch thượng “mang nguyên đôi dép dơ bẩn” của cuộc đời mình, của “cái tôi” trần trụi, dơ dáng dị hình của mình ! Cũng vậy, đứng trước vẽ đẹp rạng ngời thánh thiêng của mỗi loài thụ tạo, của mỗi một con người “nhân linh ư vạn vật”, không ai được quyền cả gan xúc phạm thân xác lẫn tâm hồn, cuộc sống lẫn nhân cách của anh em đồng loại…
Từ thái độ đầu tiên là “cởi dép” đó, Lời Chúa dẫn dắt chúng ta vào thái độ trọng tâm của “sám hối đích thực”. Sám hối là dám tin vào tình yêu của Thiên Chúa.
Thật vậy, điều cốt yếu của thái độ sám hối Kitô giáo phải đặt trọng tâm vào tình yêu đối với Thiên Chúa, phải là một quy hướng của lòng hiếu thảo tin yêu về chính Ngài, là Đấng giàu lòng xót thương và đầy khoan nhân tha thứ để quyết tâm làm lại cuộc đời trong tin yêu phó thác. Đó chính là thái độ ăn năn sám hối đích thực mà sách giáo lý gọi là “Ăn năn tội vì Chúa”; và đó cũng chính là tiêu đích của câu chuyện kế tiếp của sách Xuất Hành khi Thiên Chúa mạc khải Danh của Ngài và ý định cứu độ của Ngài cho Môsê: “Ta đã thấy dân Ta phải khổ cực ở Ai-cập. Ta đã nghe tiếng chúng kêu than kẻ đốc công áp bức. Ta biết nỗi đau khổ của chúng, nên Ta xuống cứu chúng thoát khỏi tay người Ai-cập và đưa ra khỏi đất ấy đến miền đất tốt tươi rộng lớn, đất tràn trề sữa và mật”.
Quả thật, một Thiên Chúa hằng hữu toàn năng lại chính là Thiên Chúa của tình yêu, của cảm thông, tha thứ, khoan dung và đồng hành.
Sám hối chân thực chính là “dám tin vào tình thương của Chúa để đứng lên trở về”. Trình thuật Tin Mừng về bi kịch Khổ Nạn đã cho chúng ta thấy hai mẫu người đối lập đã dẫn tới hai kết cục khác nhau: Bằng những giọt nước mắt sám hối và vững tin vào ánh mắt nhân từ của Thầy Chí Thánh, cho dù chối Thầy 3 lần, Phêrô vẫn được Thầy thứ tha, đón nhận và tín nhiệm giao cho thánh vụ chăn dắt Giáo hội. Trong khi đó, Giuđa quay lưng lầm lũi bước đi trong bóng tối cô độc của cái tôi kiêu căng và khước từ vĩnh viễn tình thương yêu tha thứ để cuối cùng kết thúc cuộc sống bằng chiếc dây thòng lọng của tuyệt vọng.
Như thế, hành trình sám hối của Mùa Chay thánh, hay cuộc lên đường tiến về Giếng Rửa Tội của các anh chị em Dự tòng, luôn mang dáng đứng của một cuộc “xuất hành mới đầy hy vọng”; hy vọng sẽ đi vào một miền “đất hứa” tâm linh xinh tươi và đầy hoa thơm cỏ lạ của ân sủng, một “mái ấm nhà cha” đầy ắp hạnh phúc và niềm vui của “anh em sum họp một nhà”, một tiệc cưới Phục Sinh bảo đảm hạnh phúc vĩnh hằng mà từ hôm nay mọi người đang tham dự Tiệc Thánh đều “xúng xính hân hoan” trong chiếc áo trắng tinh của những người con Thiên Chúa… !
Chúng ta phải xác tín rằng: sám hối, chay tịnh luôn mang về những hoa quả phúc đức, những trái ngọt thiêng liêng…; hay theo ngôn ngữ của dụ ngôn Tin Mừng về “cây vả không trái”, cho dù hôm nay còn khô chồi trơ trụi, thì nhờ lòng khoan dung của Thiên Chúa, một mai sẽ kết trái đơm hoa: “Thưa ông, xin để cho nó một năm nay nữa, tôi sẽ đào đất chung quanh và bón phân; may ra nó có quả chăng, bằng không năm tới ông sẽ chặt nó đi”.
Với chúng ta, những Kitô hữu, hay với anh chị em dự tòng sắp nhập đạo, nào ai lại muốn đứng im làm “cây vả khô chồi choán đất” trong suốt cả Mùa Chay; và cũng chẳng vui gì khi tiến về mừng đại tiệc Phục Sinh trong “đôi dép cũ mèm” !
Hơn nữa, thế giới nầy vẫn còn đầy dẫy những vụ “Philatô tàn sát ở Galilê” hay những những vụ tai ương hoạn nạn kiểu “mười tám người bị tháp Silôe đổ xuống đè chết”, chẳng khác nào cảnh chết chóc, bom rơi, đạn lạc đang diễn ra từng ngày ở Ukraina, thì sứ điệp “Sám Hối” luôn là hồi chuông báo động cho chúng ta và mọi người không trừ ai trên thế giới. Bởi, như lời xác quyết mạnh mẽ của chính Chúa Giêsu: “Nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy”. Amen.
Giuse Trương Đình Hiền