Views: 22
(Cảm nhận về “đời tu” trong ngày cầu nguyện cho ơn gọi linh mục-tu sĩ)
Huấn luyện viên Park Hang Seo[1], người mà trên sân cỏ luôn đưa ra giáo án với những bài tập mới lạ khiến các cầu thủ cảm thấy rất khó nhưng rất hào hứng, đã đem lại nhiều kết quả tốt đẹp mà trước thời của ông, ít có huấn luyện viên nào làm được. Đặc biệt, các cầu thủ của đội tuyển bóng đá Việt Nam đã nhận xét về ông rằng: Park Hang Seo là người vui vẻ hòa đồng, nhiệt tình, hy sinh hết mình vì học trò.
Nếu nhìn cuộc đời trong viễn tượng của một “sân cỏ”, thì tôi cũng có thể nói được rằng: Thầy Giêsu chính là một người Huấn luyện viên vĩ đại nhất trong đời tôi.
Thật vậy, khi nhìn lại hành trình ơn gọi qua suốt hơn 20 năm, tôi thật sự cảm nhận rằng mình đã được huấn luyện dưới mái trường của Thầy Giêsu.
Nếu phải chọn một thời điểm cho một cuộc khởi đầu thì tôi xin chọn “ngày ấy”, ngày mà tôi cất tiếng khóc chào đời. Vâng, đó là ngày Thiên Chúa tình yêu đã đưa tôi bước vào “sân cỏ cuộc đời” và đặt tôi dưới sự hướng dẫn của “Huấn luyện viên Giêsu”. Phải chăng đó là ngày quan trọng và đẹp nhất của đời tôi ; ngày tôi được Thầy Giêsu chính thức ghi danh vào sổ các thành viên tham gia tập luyện để được tuyển chọn vào “đội tuyển của Thầy”.
Và kể từ dạo đó, tôi chính thức dấn thân vào môi trường huấn luyện đầy khắc nghiệt trên sân cỏ của cuộc đời…
Những ngày đầu chập chững với những bước chân còn non yếu, Thầy chỉ tập cho tôi làm quen và thích nghi dần dần với các điều kiện cơ bản của sân cỏ: hiểu biết và thân tình với các bạn đồng đội, chịu đựng khi thời tiết, khí hậu đổi thay, bền bĩ với thời gian luyện tập và dẻo dai trong sức khoẻ…
Sau những năm dài được huấn luyện, cuối cùng tôi cũng được chính thức ghi danh vào “đội tuyển mang tên Giêsu” ; và cũng kể từ đó, cuộc đời tôi đã trải qua bao nhiêu thăng trầm thay đổi khi bước chân trên những “sân cỏ cuộc đời”, đối diện với những người mà tôi gặp gỡ, gánh vác những công việc phải làm, những trách nhiệm phải mang, đón nhận niềm vui cũng như nỗi buồn trước những thành công xen lẫn thất bại …
Tôi xác tín một điều: tất cả đều được dệt nên từ tình yêu thương vô bờ của Chúa và sự chăm sóc, huấn luyện đầy ưu ái của Ngài. Đúng như câu tục ngữ của người xưa: “Thương thì cho roi cho vọt” !
Tôi còn nhớ lần đầu tiên thi đấu trên “sân cỏ ấy”, với đôi chân yếu ớt của một cầu thủ không mấy kinh nghiệm, nên khi chạm mặt đối thủ, tôi liên tiếp nhận đủ những cú “va chạm” điếng người và cuối cùng bị “đốn ngã” hầu như không thể đứng dậy nổi ! Nhưng có lẽ nhờ niềm tin và nghị lực được tao luyện dưới sự dìu dắt của Thầy Giêsu, tôi đã can đảm đứng lên tiếp tục “thi đấu”, theo đúng châm ngôn mà Thầy thường nhắc bảo chúng tôi: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!” (Mt 14, 27).
Sau những lần thất bại như thế, Thầy Giêsu tiếp tục đào tạo, nhào luyện, cung cấp những kỹ năng, bồi bổ kiến thức, rèn luyện thể lực, trí lực, tâm lực để tôi tiếp tục bước vào những trận đấu tiếp theo. Phần tôi, cho dù không tránh khỏi những phút giây nản lòng, những ngày tháng mỏi mệt, muốn buông xuôi…, tôi vẫn cương quyết đứng lên “chơi tiếp” trên bất cứ sân cỏ nào; vì tôi luôn xác định sự chọn lựa nghiêm túc của đời mình: đó là tự nguyện dấn thân, cam kết sống chết cùng Thầy Giêsu khi “tham gia đội tuyển”. Vì thế, dù đi bất cứ nơi đâu, trong bất cứ hoàn cảnh nào, thuận lợi hay khó khăn trắc trở… tôi cương quyết chấp nhận “thi đấu” cho đến cùng.
Và trong một trận đấu khác… Lần này, tôi hy vọng sẽ nắm chắc thành công, vì tôi rất tự tin và tự hào với các kỹ năng đã chuẩn bị kỹ cùng với những kinh nghiệm của những lần thi đấu trước. Nhưng chuyện xảy ra trên “sân cỏ đời” đâu như ta tưởng. Trước những đối thủ lão luyện và tinh ranh, không ngại những cú va chạm “rắn” và thẳng mặt…, thật là “chanh chua” để tôi có thể giành lấy cơ hội chiến thắng. Lúc này tôi chợt nghĩ ra rằng: khi bước vào sân cỏ có nghĩa là chấp nhận mọi kết quả: chiến thắng vinh quang hay thất bại, mất mát, ngay cả bị chấn thương…
Tuy cũng chỉ là sân cỏ nhưng không có sân cỏ nào giống sân cỏ nào. Có sân là cơ hội cho người này nhưng là sự thất bại cho người kia; mỗi sân cỏ đều mang đến cho mỗi cầu thủ một cơ hội khác nhau cũng như mỗi pha bóng, đường banh đều tạo ra những bất ngờ. Có pha bóng cao, có pha bóng thấp, khi mạnh và đôi khi chệch hướng…khiến ta không tài nào đoán được. Mỗi hướng bóng lên, mỗi đường bóng xuống…đều là những thử thách, những trải nghiệm cần thiết và quý giá trên sân cỏ cuộc đời mà tôi cần phải học hỏi nhiều hơn nữa. Cần phải học hiểu chiến thuật của đối phương, học tiên đoán chính xác hướng đi của bóng, học cách xử lý bóng của đồng đội… và bao nhiêu kỷ năng khác…
Với một chút “nhân sinh quan” theo góc nhìn “sân cỏ bóng đá”, tôi muốn sẻ chia một chút cảm nhận về “sân cỏ cuộc đời”.
Trên “đấu trường nhân sinh” hay “sân cỏ cuộc đời cũng thế. Đôi khi “trái bóng tương quan” không cao, không xa nhưng vì lòng dạ “người chơi” hẹp hòi ích kỷ, tầm nhìn thấp… cho nên đã không chạm đến được quả bóng của sự tha thứ, bao dung, và không thể “kiến tạo những đường bóng” sẻ chia, hiệp thông và bác ái với những người bên cạnh. Cũng vậy, có những lúc cơ hội nắm trong tầm tay nhưng ta đã để chúng vụt bay xa vì tâm hồn mình đã bị đóng băng, mất cảm giác nên không nhận ra tín hiệu của đồng đội để cảm thông chia sẻ và tương trợ.
Như các vị trí và trách nhiệm được phối trí cho mỗi một cầu thủ trên sân bóng, con người khi sinh ra, ai cũng được Chúa mời gọi và trao ban cho một sứ mạng. Có người sống đời gia đình, có người sống đời thánh hiến, có người suốt đời hy sinh cho các bệnh nhân trong bệnh viện hay trại phong …Vâng! Mỗi người là một “ơn gọi” với những bổn phận và trách nhiệm khác nhau ; có người thành công, có người thất bại, có người đi tiếp, có người bỏ cuộc tháo lui…, nhưng tất cả đều có chung một sứ mạng phải hoàn thành đó chính là tình yêu.
Trong thần thoại Hy Lạp, vì yêu, thần Prômêtê đã ăn cắp lửa từ trời đem xuống cho con người. Prômêtê đã trả giá cho hành động táo bạo và liều lĩnh ấy khi bị treo trên đỉnh núi cho kên kên moi gan rỉa ruột.[2]
Trong chương trình Cứu độ, vì yêu, Đức Giêsu đã từ trời xuống thế, để yêu thương và phục vụ “Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá cứu chuộc muôn người” (Mc 10,45). Đức Giêsu phải trả giá cho tình yêu ấy bằng cái chết trần trụi, nhục nhã trên Thánh giá.
Vì yêu, mỗi người chúng ta được mời gọi hiện hữu trong cuộc đời, được mời gọi làm người, làm con Thiên Chúa, và đặc biệt, làm môn đệ của Chúa Giêsu qua đời sống thánh hiến.
Bước vào đời sống thánh hiến trong cộng đoàn tu trì, mỗi người chúng ta như đang bước vào “sân cỏ cuộc đời” với những “quy luật khắc nghiệt trên sân” đầy hiểm nguy và thách đố. Cộng đoàn của những người sống đời thánh hiến đâu phải chỉ gồm toàn những người ưu tú, thánh thiện, tài ba lỗi lạc hay hoàn hảo…, nhưng là một cộng đoàn mang đầy những vết sẹo của khiếm khuyết bất toàn, của yếu đuối sa đi ngã lại… Vâng, đó là cộng đoàn được Thiên Chúa mời gọi, quy tụ và tuyển chọn để cùng nhau thi hành sứ vụ yêu thương và phục vụ. Chúng ta được mời gọi bước theo Chúa trên hành trình dâng hiến trong đời sống cộng đoàn; nơi đây mỗi người cùng chung chia vận mạng, cùng chịu trách nhiệm, cùng đón lấy thành công cũng như đón nhận thất bại…; nơi đây, mọi người cùng hiệp thông với nhau, chia sớt lấy gánh nặng cho nhau khi cùng chấp nhận những ưu khuyết điểm, những dở dang đổ vỡ, những bệnh hoạn tật nguyền….
Noi gương cộng đoàn các tông đồ ngày xưa, nhờ sức mạnh của tình yêu và ân sủng, các tông đồ sống hiệp thông huynh đệ, một lòng một ý với nhau như sách Công vụ làm chứng: “Các tín hữu thời bấy giờ đông đảo, mà chỉ có một lòng một ý. Không một ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng đối với họ, mọi sự đều là của chung”(Cv 4,32). Cũng như các cầu thủ khi ra sân, tinh thần đồng đội là trên hết, cuộc “ra khơi” của những người sống đời thánh hiến phải trang bị hành trang “hiệp hành” (synodality), đồng trách nhiệm. Vẫn biết rằng đây là một thách đố lớn cho mỗi người chúng ta khi bước vào “sân cỏ của đời thánh hiến”. Tuy nhiên chúng ta hãy xem đó là một lời mời gọi của Thiên Chúa và là một động lực để nâng đỡ chúng ta trên hành trình dâng hiến.
Ngày cầu nguyện cho ơn thiên triệu linh mục tu sĩ cũng là dịp để mỗi người chúng ta nhìn lại ơn gọi của mình. Khi nhìn lại hành trình mình đã đi qua, cùng với những niềm vui hay nỗi buồn, thành công hay thất bại đã trải nghiệm, hy vọng mỗi người sẽ cảm nhận được sự phong phú muôn màu muôn vẻ của đời thánh hiến mà chỉ có tình yêu thương của Thiên Chúa mới có thể làm được.
Tin Mừng đã cho ta thấy rằng: Chúa Giêsu chọn gọi các tông đồ theo Chúa là những người rất bình thường. Đó là những ngư phủ quê mùa chân chất như anh em “Simon con nhà Gioan”, suốt ngày bận bịu với chiếc thuyền câu, với tấm lưới…, tính tình nóng nảy, bốc đồng; đó là một Tôma kém tin hay một Lêvi miệt mài đếm tiền bên bàn thu thuế … Nhưng Chúa đã đón nhận cuộc đời của họ cùng với tất cả những khiếm khuyết, giới hạn thuộc kiếp phận làm người của họ.
Chúng ta hôm nay cũng được Chúa gọi mời như thế. Chúa không buộc chúng ta chối bỏ thân phận hiện hữu của mình; Ngài muốn chúng ta theo Ngài với tất cả con người thật, đầy cá tính, cả những thương tích của tội lỗi và sự nghèo nàn trần trụi. Thế nhưng, ơn gọi chọn bước theo Ngài, luôn đi kèm với một cái giá từ bỏ thật lớn lao mà nếu không có ân sủng và tình yêu thúc đẩy, đỡ nâng, người ta sẽ “buồn rầu gục mặt quay lưng”, như chuyện kể về “người thanh niên giàu có” của Tin Mừng (Mt 19,16-22).
Trong những ngày này, con thuyền Hội Thánh đang chênh vênh giữa biển đời sóng gió, với bao khó khăn, thử thách vây phủ tứ bề. Đời sống đức tin nơi nhiều cộng đoàn tín hữu đang xuống cấp trầm trọng, ơn gọi dấn thân sống cuộc đời thánh hiến càng lúc càng khan hiếm, thưa thớt…Riêng, cơn đại dịch Covid-19 đã giết chết hàng mấy trăm linh mục, mấy chục nữ tu tại Âu Châu… Đứng trước bức tranh đầy ảm đạm, nếu không nói là đen tối như thế, quả thật, lời mời gọi các bạn trẻ lựa chọn dấn thân sống cuộc đời sống thánh hiến là một thách đố lớn lao cho Giáo hội và việc giảm sút ơn gọi là một vấn nạn hóc búa đặt ra cho các Hội Dòng hôm nay.
Tuy nhiên, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đề nghị một giải pháp mang tính tiên tri được ghi lại trong tông huấn Đời Thánh Hiến (Vita Consecrata): “Nhưng hoàn cảnh khan hiếm cần được giải quyết với thái độ bình thản của những người biết rằng Thiên Chúa đòi nơi mỗi người sự trung tín dấn thân hơn là sự thành công. Tuyệt đối phải tránh sự thất bại thực sự của đời thánh hiến, tức là thất bại không phải do số ơn gọi giảm sút mà do việc kém gắn bó với Thiên Chúa, với ơn gọi riêng và với sứ mạng. Ngược lại, khi trung tín bền đỗ trong sự gắn bó nói trên, người ta công bố rõ ràng, trước mặt thế giới, niềm trông cậy vững vàng nơi Đấng là Chủ lịch sử. Người nắm trong tay thời gian và định mệnh con người, các cơ chế và các dân tộc và do đó, Người sắp đặt việc ban ơn vào những thời điểm khác nhau. Các tình trạng khủng hoảng đau khổ thúc đẩy người tận hiến tuyên xưng một cách mạnh mẽ niềm tin vào sự chết và sống lại của Đức Ki-tô, để trở nên những dấu chỉ hữu hình của cuộc vượt qua từ sự chết đến sự sống.”[3]
Sau hết, như một câu ngạn ngữ của Người Anh, nghe đâu đã xuất hiện từ thế kỷ 17: “Every dark cloud has a silver lining” (Đám mây đen nào cũng có viền ánh bạc), chúng ta không được phép nản lòng, thất vọng, bởi vì “đường viền ánh bạc” trên khung trời Hội Thánh chính là “Đức Kitô đang sống” và “Ngài là suối nguồn của tuổi trẻ theo nghĩa tốt nhất. Vì ai tin tưởng vào Chúa thì «giống như cây trồng bên dòng nước, đâm rễ sâu vào mạch suối trong, mùa nóng có đến cũng chẳng sợ gì, lá trên cành vẫn cứ xanh tươi» (Gr 17,8). Trong khi «những thanh niên thì mệt mỏi, nhọc nhằn” (Is 40,30), những người đặt niềm tin vào Chúa lại «được thêm sức mạnh. Như thể chim bằng, họ tung cánh. Họ chạy hoài mà không mỏi mệt, và đi mãi mà chẳng chùn chân» (Is 40,31).[4]
Ước mong sao sự hiện diện của Chúa Phục sinh là niềm vui, sự bình an và là ánh sáng dẫn đường giúp các bạn trẻ tìm và chọn cho mình một con đường đúng đắn trong ơn gọi thánh hiến. Và với sự hiện diện đầy quyền năng của Chúa Phục sinh, Ngài sẽ làm cho mỗi người chúng ta không còn băn khoăn, lo lắng hay sợ hãi trên sân cỏ đời mình.
Nt. Anna Hiền Linh – MTGQN
[1] Park Hang Seo là một Huấn luyện viên bóng đá chuyên nghiệp người Hàn Quốc, đang là Huấn luyện viên cho đội tuyển bóng đá Việt Nam
[2] Theo Điển tích Văn học, Prômêtê là một nhân vật trong thần thoại Hy Lạp đã ăn cắp lửa từ trời cho loài người và bị thần Dớt trừng phạt xiềng vào núi đá ngày đêm cho kên kên rút gan moi ruột…
[3] ĐGH GIOAN PHAOLÔ II, Tông huấn “Đời Thánh Hiến” (Vita Consecrata), số 63.
[4] ĐGH PHANXICÔ, Tông huấn “Đức Kitô đang sống” (Christus Vivit) só 133.