SAO LẠI LÀ “HẨM HIU” !

,

Views: 109

(Lễ Giỗ 100 ngày (qua đời) của cha Phêrô Đặng Son: 27.7 – 04.10)

            Sau cái chết của Cha nguyên Chánh xứ kiêm Hạt trưởng Tuy Hòa – Phêrô Đặng Son cách đây đúng một tháng (27.7), không ít người đã đăng tải những dòng tâm sự: “Cố Son thật là hẩm hiu !”; và không quên nói rõ lý do:  Ngài chịu chức linh mục nhằm ngày “cá tháng tư” của năm “75 đứt bóng” (1.4.1975) trong âm thầm lặng lẽ chẳng có được một người thân tham dự. Và rồi, sau 46 năm linh mục, ngài đã qua đời vào chính ngày “liệt sĩ” giữa mùa cao điểm đại dịch Covid-19 (27.7.2021), nên cũng chỉ có được một số ít linh mục và giáo dân đưa tiễn đến nơi an nghỉ cuối cùng.

            Nếu nhìn cuộc đời linh mục được gói gọn trong hai biến cố “chịu chức” và “qua đời” với thước đo “sự rầm rộ hoành tráng bên ngoài” để đánh giá “hẩm hiu” hay “huy hoàng”, “thành công” hay “thất bại”, “vô phúc” hay “diễm phúc”… thì có lẽ, chính vị “Linh Mục Giêsu là người “hẩm hiu nhất”, thất bại nhất, vô phúc nhất ! Bởi vì, như Tin Mừng Nhất Lãm và cả thư Côrintô của Thánh Phaolô đều đồng thanh tường thuật: Chúa Giêsu dâng Thánh Lễ đầu tiên, hay thiết lập bí tích Thánh Thể vào chiều thứ Năm trước ngày chịu nạn cũng chỉ với nhóm Mười Hai tham dự, chẳng thấy một người thân nào, kể cả Mẹ Ngài là Đức Maria. Và Ngài đã tắt hơi trên đồi Sọ cũng chỉ với một nhóm nhỏ ít người hiện diện như Tin Mừng Gioan tường thuật: Đứng gần thập giá Đức Giê-su, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Ma-ri-a vợ ông Cơ-lô-pát, cùng với bà Ma-ri-a Mác-đa-la” (Ga 19,25). Hẩm hiu thay linh mục Giêsu ! Thượng Tế Giêsu !

            Thế nhưng, trong cách đánh giá truyền thống của Giáo Hội hay của viễn tượng niềm tin đúng nghĩa, sự cao cả, thành công của cuộc đời linh mục, như Công Đồng Vatican II xác nhận, đó là: “trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô” (PO số 2). Và nếu xét cuộc đời linh mục trên nền tảng hay tiêu chí đó, thì chúng ta có thể nói ngược lại rằng: cha cố Phêrô Đặng Son của chúng ta thật diễm phúc và thành công, vì Ngài nên giống Chúa Kitô linh mục, ít ra, với hai sự kiện quan trọng của cuộc đời mục tử: cử hành Thánh lễ đầu tiên trong âm thầm và giã từ cuộc đời trong lặng lẽ !

            Và như giáo lý của Công Đồng Vatican II, cuộc đời linh mục nào đâu phải được tính chỉ với sự kiện bắt đầu và kết thúc; mà là một tiến trình “vừa làm cho vinh quang Thiên Chúa thêm hiển sáng, vừa giúp con người tăng triển trong đời sống siêu nhiên” (Sắc lệnh về Tác vụ và Đời sống linh mục – Prebyterorum Ordinis – PO số 2) qua những “hành động với tư cách là hiện thân của Đức Kitô” (PO số 2) (…) khi cầu nguyện, tôn thờ cũng như khi giảng dạy, khi dâng Hy tế Thánh Thể và cử hành các bí tích cũng như khi phục vụ mọi người” (PO số 2). Và chắc chắn, bất cứ linh mục nào cố gắng hết mình để thực thi những điều căn bản đó thì cho dù, trước mắt người đời, có khờ khạo dốt nát như linh mục Gioan Vianey, có chết trong tù tội đọa đầy và cô đơn như linh mục Maximilien Kolbe,… thì vẫn trở thành “hạt lúa mục nát sinh nhiều bông hạt” (Ga 12,23-26); hay như những cánh hoa hồng ướp hương thơm cho “khu vườn Hội Thánh”, như cách đánh giá của thánh Gandhi: “Hãy để cho đời sống của các ngài nói với chúng tôi như đóa hoa hồng không cần ngôn ngữ, mà chỉ cần đơn sơ để cho hương thơm lan tỏa…”.

            Và cha cố Phêrô của chúng ta, cho dù mang thân phận yếu hèn của con người, không thiếu những tính hư tật xấu, nhưng tôi đoan chắc với anh chị em, với 46 năm trong thiên chức linh mục, từ Đại Bình tới Quảng Ngãi đến Tuy Hòa, không ít thì nhiều ngài đã để lại những hương thơm nơi những dấu chân ngài đã đi qua trong cuộc đời phục vụ: hương thơm của sự vâng phục bề trên, hương thơm của tinh thần trách nhiệm mục tử, hương thơm của sự khôn ngoan chín chắn khi phân định để những lựa chọn những điều ích lợi cho Giáo Hội, cho cộng đoàn; hương thơm của tình huynh đệ linh mục, hương thơm của sự hòa đồng, dễ gần gũi cảm thông nhưng cũng chỉnh chu ngăn nắp trong ứng xử mục vụ…

            Thật là thích hợp, trong khung cảnh của những ngày đầu tiên tháng Mười Một, tháng Các Đẳng, chúng ta họp nhau để cử hành lễ Giỗ 100 ngày cho cha cố Phêrô; vừa như một nghĩa cử để cảm ơn ngài vì những đóng góp lớn lao của ngài trong việc chăm sóc đoàn chiên; vừa cảm tạ và cầu xin Thiên Chúa độ lượng thứ tha cho ngài những lỗi lầm thiếu sót. Đồng thời, đây cũng là dịp để chúng ta cùng tái tuyên xưng niềm tin vào niềm hy vọng vĩnh hằng: niềm tin mà Thánh Phaolô đã từng củng cố cộng đoàn Philipphê: “Quê hương chúng ta ở trên trời, chúng ta mong đợi Đấng Cứu Chuộc là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta…”. Amen.

Trương Đình Hiền