Views: 31
(Chúa Nhật 23 TN năm B 2024)
“Chữa lành” (healing) hay “tự chữa lành” (self-healing) có lẽ là “thuật ngữ” được đề cập khá thường xuyên trong đời thường cuộc sống, và nhất là, trên diễn đàn xã hội trực tuyến, đặc biệt nơi giới trẻ hôm nay.
Kinh nghiệm bản thân hay kết luận khoa học đều cho rằng:
– Về phương diện thể lý, cơ thể con người luôn có một phản ứng sinh học tự nhiên “bảo vệ sự lành lặn của cơ thể”, bảo vệ sức khỏe hay “chữa lành” trước các đe dọa đến từ bệnh tật do virus, từ vết thương do tai nạn, từ những “nhiễm cảm do thời tiết… Đó chính là sức “đề kháng” tự nhiên. Tuy nhiên, đó mới chỉ là “giải pháp tình thế cấp thời” mà Thượng Đế đặt để nơi mỗi loài thụ tạo để “tự chữa lành”. Trước những “ngoại lực” mà sức đề kháng bất lực, cơ thể con người luôn cần đến các phương thế trị liệu hỗ trợ tức sự can thiệp của các phương tiện y tế để được “chữa lành”.
– Về phương diện tinh thần thì không đơn giản; và “sức đề kháng” của sức khỏe tâm linh cũng không hiện thực rõ ràng. Vì thế, để “chữa lành” các căn bệnh về tâm lý, tinh thần, nội tâm… là cả một trời phức tạp. Nhất là với thế giới càng ngày càng gia tăng nhiều khủng hoảng xã hội và áp lực đa chiều lên cuộc sống: chiến tranh, thất nghiệp, di dân, đại dịch, chính trị, kỹ thuật truyền thông, giá trị luân lý, tín ngưỡng, triết học…, rất nhiều người, nhiều cộng đồng, nhất là giới trẻ, rơi vào “khủng hoảng tinh thần”, bị “rối loạn tâm lý”, “chấn thương nội tâm”… Chính vì thế, đã có cả một “nền công nghiệp” để đáp ứng cho việc “chữa lành” này; mà theo nhà nghiên cứu Kathryn Schulz, chỉ vào năm 2013, nền “công nghiệp chữa lành” này đã đạt con số 11 tỷ đô, bao gồm nhiều loại hình chữa lành như “Âm nhạc chữa lành”, “Hội họa chữa lành”, “Phim ảnh chữa lành”, “Du lịch chữa lành”…, cùng với các kỹ thuật và thủ thuật mang tính tâm lý, tâm linh, tôn giáo như Thiền, Yoga, Khí công, Thái cực dưỡng sinh, Pháp Luân công, thôi miên… Thậm chí xuất hiện cả “Học viện chữa lành” với hình thức đào tạo từ trực tuyến cho đến trực tiếp…
Sứ điệp Phụng vụ của Chúa Nhật 23 TN B hôm nay cũng chuyển tải đến cộng đoàn chúng ta về sự “Chữa lành” của Thiên Chúa qua Đức Kitô, Con Một của Ngài.Đây, thật ra, chính là “sứ điệp” của toàn bộ mạc khải: Thiên Chúa chữa lành hay Thiên Chúa cứu độ chỉ là một; và Đức Kitô, Đấng cứu độ loài người cũng là Đấng “chữa lành” mọi tật bệnh cả hồn và xác để dẫn đưa con người vào cuộc sống hạnh phúc vĩnh cửu.
Để giới thiệu sứ điệp “chữa lành” này, trước hết, qua Bài đọc 1, Phụng vụ công bố Lời Chúa trong sách Isaia, một vị Tiên tri chuyên tiên báo về sự xuất hiện để chữa lành của Đấng Mêsia mà Đức Giêsu-Kitô chính là hiện thực: “Chính Người sẽ đến và cứu thoát các ngươi. Bấy giờ mắt người mù sẽ sáng lên, và tai người điếc sẽ mở ra. Bấy giờ người què sẽ nhảy nhót như nai, và người câm sẽ nói được…”. Trong ngữ nghĩa của ngôn sứ Isaia, và toàn bộ Kinh Thánh, các căn bệnh như “mù”, “điếc”, “què”, “câm”… đều là những dấu chỉ chung cho các tật bệnh thể xác và tinh thần của con người. Và việc Đấng Mêsia chữa lành các căn bệnh này cũng chính là “chữa lành”, là “giải thoát”, là “cứu độ” toàn bộ thân phận con người, không chỉ dừng lại ở những căn bệnh thể lý, mà vươn tới những “trói buộc” tinh thần: Kẻ tội tù được nghe tin giải thoát, người nghèo khổ được loan báo tin vui, mọi người được nhìn thấy ơn cứu độ…
Để hiện thực hóa những lời “tiên tri chữa lành” của ngôn sứ Isaia, thánh sử Máccô đã trình bày câu chuyện “chữa lành” của Chúa Giêsu Kitô đầy ý nghĩa và thâm thúy: chỉ bằng một tiếng “EFFETHA”, Đức Kitô đã chạm đến một anh chàng bị bệnh câm và điếc để chữa lành và phục hồi cho anh một cuộc sống mới: Người đem anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào tai anh và bôi nước miếng vào lưỡi anh ta. Ðoạn ngước mặt lên trời, Người thở dài và bảo: “Effetha!” (nghĩa là “Hãy mở ra!”), tức thì tai anh ta mở ra, và lưỡi anh ta được tháo gỡ, và anh nói được rõ ràng.
Thật ra, còn hơn một “tường thuật” đơn thuần về “dấu lạ chữa lành”, đằng sau câu chuyện của thánh sử Máccô, đã chất chứa cả một “kho” ý nghĩa về “sứ điệp chữa lành” của Đức Kitô!
– Để chữa lành nhân loại, Đức Kitô đã thật sự đến giữa loài người, đã đi qua nẻo đường nhân loại, đã tiếp cận mọi vùng “ngoại vi” để gặp gỡ một nhân loại thương tích: Chúa Giêsu từ địa hạt Tyrô, qua Siđon, đến gần biển Galilêa giữa miền thập tỉnh…
– Trong nhân loại muôn nơi muôn thuở không thiếu những con “người ta” sẵn sàng làm cánh tay nối dài của Đức Kitô để nhiều kẻ khốn khổ được chữa lành và nhiều người đến được với Thiên Chúa: Người ta đem một kẻ câm điếc đến cùng Người và xin Người đặt tay trên kẻ ấy.
– Để được chữa lành, một trong những điều kiện tiên quyết đó là phải “ra khỏi đám đông”, phải bức phá để ra khỏi bức tường của thói quen, nô lệ, định kiến, não trạng a dua, tâm thức “lên đồng tập thể”: Người đem anh ta ra khỏi đám đông.
– Để được chữa lành, nhất là căn bệnh “mù, điếc” tâm linh, cần phải để Lời Chúa đập tan cái tai điếc lác và Thánh thể Chúa chạm vào cái lưỡi ngọng nghịu. Ai không đón nhận, sống Lời Chúa và các Bí tích sẽ mãi mãi không được chữa lành: Ngài đặt ngón tay vào tai anh và bôi nước miếng vào lưỡi anh ta. Ðoạn ngước mặt lên trời, Người thở dài và bảo: “Effetha!” (nghĩa là “Hãy mở ra!”), tức thì tai anh ta mở ra, và lưỡi anh ta được tháo gỡ, và anh nói được rõ ràng.
– Cuối cùng, cao điểm của “chữa lành” đó là một lời “tuyên xưng và cảm tạ”, một hành vi căn bản của đức tin: Họ đầy lòng thán phục mà rằng: “Người làm mọi sự tốt đẹp, Người làm cho kẻ điếc nghe được và người câm nói được!”.
Tóm lại, sứ điệp “chữa lành” của Tin mừng hay của Kitô giáo không là một “liệu pháp” của trần tục mà là một “chọn lựa đức tin”, một chọn lựa của niềm tin yêu phó thác cho lòng thương xót của Thiên Chúa qua Đức Giêsu Kitô và Hội Thánh của Ngài. Sự chọn lựa căn bản này không chỉ để đón nhận ơn chữa lành thực sự từ Thiên Chúa toàn năng, mà còn mở ra nẻo đường “làm chứng sự chữa lành” cho muôn vạn người trên thế giới. Một trong những “chứng nhân thời đại về sự chữa lành” của tình yêu Thiên Chúa cho anh em đồng loại đó chính là Mẹ thánh Têrêsa Calcutta, người được thế giới vinh danh qua giải Nobel Hòa bình năm 1979 và Giáo Hội vừa mừng lễ ngài hôm ngày 5.9 vừa qua. Ngài đúng là “người nghèo được chọn” để mang ơn “chữa lành” đến cho nhiều người, như lời thánh Giacôbê trong Bài đọc 2 hôm nay: “Không phải Thiên Chúa chọn người nghèo trước mắt thế gian, để nhờ đức tin, họ trở nên giàu có và được hưởng nước Người đã hứa cho những kẻ yêu mến Người đó sao?”.
Ước gì sứ điệp “Chữa lành hôm nay sẽ không rơi vào quên lãng nhưng trở thành “mệnh lệnh của tình yêu”; một tình yêu luôn biết “mở miệng” để ca ngợi lòng thương xót của Chúa” và một tình yêu biết “mở tai” để lắng nghe tiếng than của tha nhân”; một tình yêu mà mẹ thánh Têrêsa Calcutta đã mô tả là: “loại quả của cả bốn mùa, và nằm trong tầm với của mọi bàn tay”. Amen.
Trương Đình Hiền