Views: 1
(CN 7 TN C 2025)
Khi nói tới quyền năng của Thiên Chúa, người ta thường nghĩ ngay đến công cuộc sáng tạo hay những dấu lạ cả thể của Ngài, hoặc trực tiếp như: “Hãy có ánh sáng…”. Liền có ánh sáng (St 1,3-4), hoặc qua trung gian như: Ông Mô-sê giơ tay trên mặt biển, Đức Chúa cho một cơn gió đông thổi mạnh suốt đêm, dồn biển lại, khiến biển hoá thành đất khô cạn. Nước rẽ ra, và con cái Ít-ra-en đi vào giữa lòng biển khô cạn, nước sừng sững như tường thành hai bên tả hữu. (Xh 14,21-22). Người Do Thái cũng quan niệm: Đấng Mêsia phải là Đấng làm được “dấu lạ từ trời” (Mc 8,11-13), cho nên khi Chúa Giêsu làm phép lạ “Bánh hóa nhiều” … thì dân Do Thái muốn tôn Ngài làm vua… (Ga 6,5-15)… Riêng các Tông Đồ của Chúa Giêsu thì phản ứng tức thời khi bị dân Samari chận không đón tiếp: “Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu hủy chúng nó không?” (Lc 9,54).
Thế nhưng, trong lời Kinh Tổng nguyện của Chúa Nhật 26 Thường Niên, Hội Thánh đã dâng lên Thiên Chúa những lời nguyện đặc biệt nầy: “Lạy Chúa, khi Chúa thương xót và thứ tha, chính là lúc Chúa biểu lộ quyền năng cách tỏ tường hơn cả…”! Hội Thánh đã cầu nguyện như thế (Lex Orandi) thì chắc chắn Hội Thánh cũng tin y như vậy (Lex Credendi).
Thì ra, Hội Thánh tin rằng: Chúa biểu lộ quyền năng không chỉ trong những công trình vĩ đại, nghiêng trời rợp đất… như trong Thánh vịnh 18: “Trái đất bỗng ầm ầm rung chuyển, chân núi đồi chấn động lung lay, vì Chúa nổi lôi đình. Từ thánh nhan Người, khói bốc lửa thiêu, và than hồng tung toé. Chúa nghiêng trời ngự xuống, chân đạp lớp mây mù, ngự trên thần hộ giá, trên cánh gió lượn bay…” (Tv 18,8-11), nhưng “biểu lộ quyền năng tỏ tường hơn cả” lại là “khi Chúa xót thương và tha thứ” …
Lời Chúa của Chúa Nhật 7 TN (Năm C) này muốn chuyển tải đến chúng ta sứ điệp về lòng “xót thương và tha thứ”, một giá trị, một lựa chọn sống và ứng xử xem ra họa hiếm trong xã hội con người hôm nay.
Trước hết, sách Samuel quyển thứ nhất, tường thuật một hành vi “mã thượng” đầy “nhân ái khoan dung” của Đa-vít dành cho vua Sao-lê, một kẻ đang truy sát “đuổi cùng diệt tận” Đa-vít. Lời Chúa qua câu chuyện này muốn nói: điều làm cho Đa-vít trở nên một anh hùng, một vị Thánh vương, một con người vĩ đại… không phải là những trận chiến thắng lẫy lừng, những mạng sống quân thù bị ngài tiêu diệt… mà chính là tấm lòng đại lượng, khoan dung, nhân ái dành cho chính kẻ thù của mình. Chính vua Sao-lê đã cảm nhận tỏ tường cái vĩ đại, lớn lao, nhất là cái tiền đồ sán lạn của Đa-vít, ngang qua hành vi đại lượng, nhân ái nầy: “Đa-vít con cha ơi, con được chúc phúc! Chắc chắn con sẽ làm việc lớn, và sẽ thành công” (1 Sm 26,25).
Sau “câu chuyện Đa-vít” khoảng 1000 năm, một hậu duệ của vua Đa-vít với danh xưng người đương thời gán cho “Con vua Đa-vít”, một “Rabbi đi chân đất đến từ làng quê Nadarét”, Thầy Giêsu, đã rao giảng về một Thiên Chúa mang gương mặt của một “Đấng đầy lòng xót thương”, một gương mặt mà hình như dân Do Thái đương thời đã quên tuốt luốt! Và từ cái “chân dung Thiên Chúa nhân từ đó”, Ngài muốn loài người phải hoán cải để sống nhân từ yêu thương nhau: “Vậy các con hãy ở nhân từ như Cha các con là Đấng nhân từ”. Chọn lối sống nhân từ cũng có nghĩa là sống khoan dung tha thứ, chấp nhận thiệt thòi, nhường nhịn, lấy yêu thương đáp trả hận thù… Tin Mừng Luca hôm nay đã cụ thể hóa việc “ở nhân từ như Thiên Chúa từ nhân” bằng cách thể hiện: “Các con hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn cho những kẻ ghét mình, hãy chúc phúc cho những kẻ nguyền rủa mình, hãy cầu nguyện cho những kẻ vu khống mình. Ai vả má con bên này, thì đưa cả má bên kia; ai lột áo ngoài của con, thì con cũng đừng cản nó lấy áo trong. Ai xin, thì con hãy cho và ai lấy gì của con, thì đừng đòi lại. Các con muốn người ta làm điều gì cho các con, thì hãy làm cho người ta như vậy…”.
Với tâm thức hãnh tiến và kiêu căng, “ăn miếng trả miếng”… nằm sâu trong cái tôi mang hệ quả của tội Nguyên Tổ, loài người khó mà chấp nhận lối sống và ứng xử “ngược dòng” này. Vâng, nếu văn hóa ngàn đời của dân Trung Hoa là “phụ thù bất cọng đái thiên”, đời cha chưa trả hết thù thì đời con, cháu, chắt… phải trả cho xong; vì “quân tử trả thù mười năm chưa muộn”! Trong khi đó, triết lý “Siêu nhân” hay “nhân bản vô thần” của phương Tây mà những người đại diện như Nietzsche, Ludwig Feuerbach, Sigmund Freud, Karl Marx, Friedrich Engels … đồng thanh kêu gọi con người đứng lên làm chúa, làm chủ nhân ông, làm kẻ chiến thắng … Vì thế chẳng lạ gì, trong cuộc chiến Nga-Ukraina đang hồi đĩnh điểm, khi Đức Giáo hoàng Phanxicô kêu gọi “bên dũng cảm là bên can đảm cầm cờ trắng… để cắt đứt hận thù, chiến tranh…” đã khiến người Ukraina bực dọc, nhiều chính khách Âu-Mỹ dẫy nẫy…
Vâng, cho dẫu loài người đã kinh nghiệm như mấy ngàn năm trước Đức Khổng Phu tử đã khôn ngoan tiên liệu: “Trước khi lên đường báo thù, hãy đào hai cái huyệt”, thì việc lựa chọn Tin Mừng khoan dung tha thứ và “yêu thương kẻ thù” của Chúa Giêsu vẫn còn xa vời vợi đối với nhân loại hôm nay; một nhân loại chỉ tìm thấy “sức mạnh và chân lý nơi đầu súng”, nơi hỏa tiễn tầm xa, nơi bom hạt nhân, nơi đồng Đô la, nơi tài nguyên “đất hiếm” … Riêng đối với bạn trẻ, thì tình yêu, sự tha thứ… mãi mãi còn chơi vơi ở đâu đó của hoài nghi như những ca từ của ca khúc đang hot “NGÀY CHƯA GIÔNG BÃO”: “Ta yêu sai hay đúng, còn thấy đau là còn thương. Khi bão đã qua rồi biết đâu sẽ đi tơi nơi của ngày đầu. Hết muộn sầu…”!
Quả thật, cái ngày mà dân tộc Israel và Palestine, Ukraina và Nga… cùng nắm tay “nối vòng tay lớn” để trao nhau hai tiếng “anh em” còn xa vời vợi. Còn xa mới có hòa bình, bởi chưng, như lời dạy của Thánh Phaolô cho giáo đoàn Côrintô trong Bài đọc 2, con người vẫn cứ mang nguyên si “dáng hình của địa giới”, chưa hoán cải để “mặc lấy “con người thiên giới”. Nói cách khác, chỉ với con đường mới mẻ của Tin Mừng Đức Kitô, con đường của yêu thương tha thứ, mới mong đẩy lùi nền “văn hoá oán thù”, nền “văn mình sự chết”, như cách định nghĩ của Michel Quoist: “Hành động duy nhất có thể làm đứt đoạn dây chuyền bạo lực, đó là tha thứ và yêu thương. Ai dám đưa cả má trái mình ra, đó là người mạnh nhất”.
Người ta cho rằng: đệ nhị thế chiến chấm dứt đó là nhờ hai quả bom nguyên tử của Mỹ; cũng có lập luận, đó là nhờ sức mạnh của Hồng quân Liên Sô… Tuy nhiên, biết đâu chỉ có Thiên Chúa trên trời mới cho rằng: đó là nhờ cái chết tử đạo vì yêu thương và tha thứ của linh mục Maximilien Kolbe! Yêu thương và tha thứ như ngài sẽ không bao giờ sai!
Trương Đình Hiền.