Views: 91
(MÌNH MÁU CHÚA KITÔ Năm C 2022)
Cách đây không lâu, đám thợ lặn đã tìm ra một chiếc tàu Tây Ban Nha được chế tạo đã 400 trăm bị chôn vùi dưới biển ngoài khơi Bắc Ái Nhĩ Lan. Trong số báu vật tìm được trong tàu, người ta thấy một chiếc nhẫn đàn ông bằng vàng, trên mặt nhẫn có chạm hình một cánh tay đang nắm một trái tim, với những dòng chữ như sau: “ Anh không thể cho em điều gì hơn thế nữa”.
Vâng, “quả tim” hay “tình yêu” chính là “quà tặng” tuyệt vời nhất mà một người dành tặng cho người mình yêu.
Phụng Vụ Chúa Nhật giữa tháng 6 hôm nay cũng xoay quanh câu chuyện về “quà tặng tình yêu”; nhưng không phải “chiếc nhẫn với bàn tay nắm lấy trái tim” mà là “TẤM BÁNH VÀ LY RƯỢU”. Vâng, “BÁNH THÁNH THỂ” chính là một “quà tặng tuyệt vời nhất” mà Thiên Chúa tình yêu đã chọn để trao ban cho con người, như cách cảm nhận của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II trong Thông điệp về Thánh Thể: “Hội Thánh đã đón nhận Thánh Thể từ Đức Kitô, Chúa của mình, không như một quà tặng – dẫu quí giá – giữa nhiều quà tặng khác, nhưng là quà tặng trỗi vượt, vì quà tặng đó chính là bản thân Người, quà tặng của một ngôi vị trong nhân tính thần linh, đồng thời cũng là quà tặng của công trình cứu độ…”[1].
Từ “Quà tặng sự sống vật chất” đến “Quà tặng sự sống cứu độ”:
Có thể nói được rằng, ý nghĩa đầu tiên của Thánh Thể có thể được cô đọng lại nơi thực tại “BÁNH, RƯỢU”, chính là “quà tặng sự sống” bằng “lương thực”, thứ lương thực cơ bản và nguyên tuyền từ “thực vật” được Thiên Chúa làm nên cho con người sống và tồn tại. Chính vì thế, trong kinh tiến lễ của thánh lễ, linh mục đã đọc rằng: “Lạy Chúa là Chúa Cả trời đất, chúc tụng Chúa đã rộng ban cho chúng con bánh nầy là hoa màu ruộng đất và công lao của con người, chúng con dâng lên Chúa để trở nên bánh trường sinh cho chúng con…; rượu nầy là sản phẩm từ cây nho…, chúng con dâng lên Chúa để trở nên của uống thiêng liêng cho chúng con”[2].
Và đây là điều đã được Thiên Chúa mạc khải từ lâu trong Cựu Ước: Manna trong hoang mạc thời Xuất Hành (Xh 16,1-5), bánh của tiên tri Êlia trên đường về núi Khôrép (1 V 19,8)… Đặc biệt với Chúa Nhật hôm nay, trích đoạn sách Sáng Thế trong Bài đọc 1 đã khắc họa chân dung Vị Thượng Tế Tối cao và là Vua Salem, Menkisêđê đã dâng tặng cho Ápram trong ngày khải hoàn chiến thắng một thứ “tặng phẩm duy nhất” là BÁNH VÀ RƯỢU: “Trong những ngày ấy, Menkixêđê là vua thành Salem, đem bánh và rượu tới, vì ông là thượng tế của Thiên Chúa Tối Cao…” (St 14,18).
Thì ra, Menkisêđê thời Cựu Ước chính là vị “Thượng Tế tiên trưng của Thượng Tế Giêsu” thời Tân Ước; và thứ “bánh và rượu” của thượng tế thời “Sáng Thế” nầy đã trở thành “hiện thực qua Hy Lễ là chính thân mình” của Vị Thượng Tế đích thực theo phẩm hàm Menkixêđê như thư Do Thái cắt nghĩa: “Quả thật, có lời chứng nhận rằng: Muôn thuở, Con là Thượng Tế theo phẩm trật Menkixêđê. (…). … Đức Giê-su không như các vị thượng tế khác: mỗi ngày họ phải dâng lễ tế hy sinh, trước là để đền tội của mình, sau là để đền thay cho dân; phần Người, Người đã dâng chính mình và chỉ dâng một lần là đủ.” (Dt 7,15-17.26-27).
Như vậy, từ một “quà tặng sự sống vật chất” xuất phát từ “thực vật”, Thiên Chúa đã biến thành một “quà tặng sự sống thần linh” là chính Con Một Ngài: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một…” (Ga 3,16); và “Người Con Một” đó đã hiện thực hóa quà tặng sự sống của Cha ban tặng cho loài người bằng cách “thí mạng sống”, “nộp mình”, “đổ máu”, để trở nên một “quà tặng cứu độ”: “Nầy là Mình Thầy sẽ bị nộp vì các con… Nầy là chén Máu Thầy… sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được khỏi tội” (Mt 26,26-28).
Từ tấm bánh hữu hạn nuôi thân xác đến tấm bánh trường sinh nuôi linh hồn:
Nếu chân lý, mầu nhiệm Thánh Thể cao cả nầy đã được Thiên Chúa chuẩn bị từ xa xưa trong Cựu ước, thì đến phiên Chúa Giêsu, để các môn sinh và những kẻ tin theo Ngài hiểu được mầu nhiệm “Bánh Trường Sinh”, “Bánh ban Sự Sống”, “Bánh Thánh Thể”… đã phải vất vả dày công thuyết minh lý giải bằng nhiều cách; trong đó, có cả những lần thực hiện dấu lạ “bánh hóa Nhiều”.
Thực vậy, trích đoạn Tin Mừng Luca mà chúng ta vừa nghe, đã tường thuật phép là “hóa bánh ra nhiều” của Đức Kitô để nuôi đám dân cùng đinh theo Ngài vào sa mạc nghe thuyết giảng Tin mừng Nước Thiên Chúa: Nhưng Người nói với các ông: “Các con hãy cho họ ăn đi”… Chúa Giêsu cầm lấy năm chiếc bánh và hai con cá, nhìn lên trời, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và phân phát cho các môn đệ để các ông dọn ra cho dân chúng. Tất cả đều ăn no nê, và người ta thu lượm được mười hai thúng miếng vụn còn dư lại. (Lc 9,11-17).
Chắc chắn, đây không là dấu lạ chỉ nhằm đáp ứng “nhu cầu khát đói” của thân xác; mà theo Thánh sử Gioan, khởi đi từ “dấu lạ bánh hoá nhiều” nầy, Đức Kitô đã cẩn trọng cắt nghĩa chân lý “BÁNH HẰNG SỐNG”, một “mặc khải chính thức và trọn hảo về mầu nhiệm Thánh Thể” đã khiến nhiều người dị ứng, đến đổi có một số môn đệ đã “càm ràm bỏ đi” (Ga 6,25-66). Riêng các Tông Đồ, chắc chắn phải đợi đến chiều Thứ Năm trước khi Thầy Chí Thánh bước vào cuộc khổ nạn, các ông mới hiểu loáng thoáng “Bánh Hằng Sống từ trời xuống” đó chính là “Tấm Bánh là Mình và Chén rượu là Máu của Thầy ban tặng trong bữa Tiệc Ly”, một “tặng phẩm tình yêu tuyệt mỹ” mà Ngài đã thực hiện cách trọn hảo qua mầu nhiệm khổ giá vào ngày Thứ Sáu liền sau đó: “Nầy là Mình Thầy sẽ bị nộp vì các con… Nầy là chén Máu Thầy… sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được khỏi tội” (Mt 26,26-28).
Thánh Thể: Quà tặng tình yêu trao ban và đáp trả:
Dù được cắt nghĩa: Thánh Thể chính là “Quà Tặng Sự Sống”, hay “Quà tặng Cứu độ”, thì chung quy, như đã giới thiệu ngay từ đầu, Thánh Thể chính là “Quà Tặng tình Yêu”; bởi chỉ có mối tình cao cả nhất mới sẵn sàng hiến mình thành quà tặng cho người khác: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13).
Quả thật chỉ có Thiên Chúa mới dám nghĩ ra thứ quà tặng độc đáo nầy; mà xét cho cùng, chỉ có cách nầy, Đức Kitô mới thật sự làm cho chúng ta “đồng hình đồng dạng với Ngài”, như khẳng định của Thánh Phaolô: “Khi ta nâng chén chúc tụng mà cảm tạ Thiên Chúa, há chẳng phải là dự phần vào Máu Đức Ki-tô ư? Và khi ta cùng bẻ Bánh Thánh, đó chẳng phải là dự phần vào Thân Thể Người sao?” (1 Cr 10,16), mới cho chúng ta được ‘thần hóa” thực sự, mới biến chúng ta thật sự trở thành chứng nhân của mầu nhiệm Khổ Giá, trở thành tông đồ loan báo Mầu Nhiệm Cứu độ…: “Vì mỗi khi anh em ăn bánh và uống chén này, anh em loan truyền việc Chúa chịu chết, cho tới khi Chúa lại đến” (Bđ 2).
Cho dù những kẻ duy lý khước từ, những nhà duy vật khinh chê, và cho dù “giác quan chẳng cảm thấy sự gì”… thì sau lời truyền phép “Nầy là Mình Thầy sẽ bị nộp vì các con… Nầy là chén Máu Thầy, đổ ra cho các con…” con mắt đức tin sẽ đưa chúng ta đến thờ lạy Đức Kitô, Đấng vừa hiến dâng thân mình trên thánh giá và cũng chính là Đấng đang hiện đến trong quyền năng phục sinh để hà hơi ban sức mạnh Thánh Thần cho tất cả chúng ta.
Nhưng đâu phải thế giới lúc nào cũng đầy ắp những Phêrô, dù đứng trước huyền nhiệm Thánh Thể đầy thách đố, vẫn kiên vững “bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa.” (Ga 6,68-69). Vâng, thế giới chúng ta đang sống là cả một “đại tiệc buffet” với hàng triệu những món cao lương mỹ vị bắt mắt hấp dẫn, cố lôi kéo con người quay lưng lại với “Tấm Bánh Tình Yêu Giêsu” đã 2000 năm quen thuộc chán ngấy. Chính vị Thánh trẻ Carlo Acutis (1991-2006)[3], vị thánh đã say mê Thánh Thể từ nhỏ, đã nhận xét rằng: “tại sao có rất đông người xếp hàng dài cả dặm để xem những buổi nhạc rock hay một bộ phim, nhưng không bao giờ có những hàng người như thế trước Chúa Kitô Thánh Thể. (…)… mọi người không nhận ra điều họ đang bỏ sót, nếu không thì các nhà thờ sẽ đông chật người đến mức bạn sẽ không vào được trong nhà thờ.(…)… trong Bí tích Thánh Thể – Chúa Kitô hiện diện cùng một cách như Người đã hiện diện 2000 năm trước vào thời của các Tông đồ. Trở lại thời đó, mọi người phải di chuyển thật xa để gặp Người, trong khi ngày hôm nay, chúng ta may mắn hơn, vì chúng ta có thể tìm thấy Người ở bất kỳ nhà thờ nào gần nhà của chúng ta…”[4]. Và không phải chỉ “nhận xét suông”, Carlo đặt Bí tích Thánh Thể ở trung tâm cuộc đời mình, và gọi đó là “đường cao tốc của tôi đến thiên đàng”. Cậu luôn cố gằng chầu Thánh Thể và tin rằng “bằng cách đứng trước Chúa Kitô Thánh Thể, chúng ta trở nên thánh thiện”.
Ước gì, đó cũng là quyết tâm, là lựa chọn của tất cả chúng ta, sau khi nhận lãnh lời chào chúc của linh mục chủ tế: Ite Missa est – Lễ xong, chúc anh chị em đi bình an. Hãy mang Thánh Thể lên đường và luôn xác tín như Thánh Acutis: Thánh Thể chính là đường cao tốc đưa ta về trời. Amen.
Trương Đình Hiền
[1] ĐGH GIOAN PHAOLÔ II, Thông điệp về Thánh Thể (Ecclesia de Eucharistia), số 11.
[2] ỦY BAN PHỤNG TỰ trực thuộc HĐGMVN, Nghi thức Thánh lễ, nxb Tôn Giáo 2005, tr. 19.
[3] Carlo Acutis, một thiếu niên Công giáo người Ý qua đời năm 2006, được tuyên phong Chân phước ngày 10 tháng Mười năm 2020 ở Assisi.
[4] HỒNG THỦY, website Carlo Acutis: Thánh Thể – đường cao tốc dẫn đến Thiên Đàng – Vatican News