THÁNH THỂ VÀ CUỘC LỮ HÀNH VỀ VĨNH CỬU

Views: 69

(Chúa nhật 19 thường niên B 2024)

Cho tới mãi hôm nay, sau mấy ngàn năm lịch sử, cuộc hành trình về Núi thánh Horeb của ngôn sứ Êlia thời Cựu ước vẫn còn nguyên giá trị qui chiếu cho cuộc hành trình đức tin của Dân Chúa thời Tân ước hôm nay.

Thật vậy, sau những chiến thắng ngoạn mục trên núi Cácmen để triệt hạ ngẫu tượng Baan và phục hồi niềm tin cho Dân Chúa, cứ tưởng rằng “Vị ngôn sứ độc hành bách chiến bách thắng Êlia” sẽ ngồi rung đùi mà tận hưởng chiến công vô địch; ai ngờ chính vị đại tiên tri nầy lại ba chân bốn cẳng trốn chạy trước một nữ “tín đồ của Baan”, một hoàng hậu gian ác, Jézabel. Đúng vậy, tiên tri Êlia chạy trốn vì sợ bị thiệt thân!

Thời Hội thánh Chúa Kitô mới bắt đầu đối diện với những “Baan của đế quốc Rôma” dân Kitô giáo cũng chuyền tai nhau một câu chuyện “lủi trốn” như thế của vị đại Tông đồ Phêrô hay còn được gọi là “huyền thoại Quo vadis”, một tích chuyện đã được đại văn hào người Ba Lan, Henryk Sienkiewicz, dựng thành một bộ tiểu thuyết lịch sử bất hủ cùng tên “QUO VADIS”, tác phẩm đã mang về cho ông giải Nobel văn học 1905.

Nếu ngôn sứ Êlia nhờ Bánh và lời nhắc nhở của Thiên Chúa đã đi tới núi Horeb, thì thánh Phêrô, nhờ lời nhắc khéo của Thầy Giêsu tại cuộc gặp gỡ bất ngờ trên con đường Appia ngoại ô Rôma khi Phêrô bỏ thành đi trốn, “vì ngươi bỏ đoàn chiên mà đi trốn nên ta phải trở lại Rôma chịu đóng đinh lần nữa chứ đi đâu!”[1], Phêrô đã quay lại và chấp nhận đóng đinh ngược đầu xuống đất để làm chứng việc hoàn thành sứ mệnh của một người chăn chiên.

Thật ra, cuộc hành trình đức tin của Dân Chúa muôn nơi muôn thuở vẫn mang dáng đứng “từ bỏ” của Abraham, “vượt qua hoang mạc” của Môsê”, hay như sứ điệp Lời Chúa hôm nay, dáng đứng “cuộc lữ hành về Núi Thánh Horeb” của sứ ngôn Êlia. Vâng, đó là những cuộc lữ hành luôn giăng mắc những đau thương và mỏi mệt, mãi đan xen những nước mắt và mồ hôi; cuộc lữ hành thường thiếu những “suối mát rừng mơ” để nhanh chân vươn tới, nhưng lại thừa những khúc khuỷu gian nan để bỏ cuộc dừng chân: Êlia đi một ngày đàng vào trong hoang địa. Khi đến nơi kia, và ngồi dưới gốc cây tùng, ông xin được chết mà rằng: “Lạy Chúa, đã đủ rồi, xin cất mạng sống con đi: vì con chẳng hơn gì các tổ phụ con”. Rồi ông nằm ngủ dưới bóng cây tùng… (BĐ1).

Thói thường nhân loại, như cảm nhận của những ca từ trong bài hát “Một đời người một rừng cây” của nhạc sĩ Trần Long Ẩn: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai?

Vâng, thế gian mà!

– Ai mà không muốn chọn “việc nhẹ nhàng”, một giấc ngủ an yên, thay vì ra đi với vất vả đắng cay!

– Ai lại không muốn những công việc truyền giáo, những công trình mục vụ, những phong trào công giáo tiến hành phải được rầm rộ phất cờ vang trời dậy đất, thay vì phải chịu cảnh chui rúc âm thầm trong đố kỵ ghét ghen!

– Ai lại không muốn Thiên Chúa phải ra mặt xuất đầu lộ diện vung cánh tay uy quyền để làm những dấu lạ động trời cho những kẻ vô tín vô tâm phải im hơi lặng tiếng thay vì Ngài cứ im lặng ẩn khuất để mặt cho đàn chiên bị săn đuổi, bách hại tả tơi!…

Đứng trước những thực tại “thay vì” nhứt buốc đó, nhiều Kitô hữu đã thích chọn thái độ “giấc ngủ an yên dưới gốc cây tùng” hôm nào của Êlia, thay vì “đứng lên tiếp tục chiến đấu với Baan”. Quả thật, như câu nói bất hủ của Nguyễn Bá Học[2] mà lâu ngày gần như đã trở thành tục ngữ: “Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, nhưng khó vì lòng người ngại núi e sông!”

Thế nhưng, chính vào lúc kẻ lữ hành Êlia kiệt sức, thì Lời Chúa đã vang vọng gần xa: Và đây Thiên Thần Chúa đánh thức ông và bảo rằng: “Hãy chỗi dậy mà ăn”. Ông nhìn thấy gần đầu ông có chiếc bánh lùi và một bình nước: ông ăn uống, rồi ngủ lại. Thiên Thần Chúa trở lại đánh thức ông lần thứ hai và bảo: “Hãy chỗi dậy mà ăn: vì đường ngươi phải đi còn xa”. Ông liền chỗi dậy ăn uống, và nhờ sức của nuôi ấy, ông đi bốn mươi ngày bốn mươi đêm mới tới Horeb, núi của Thiên Chúa”. “Hãy chỗi dậy mà ăn: vì đường ngươi phải đi còn xa!

Thì ra, trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa, không giản đơn chỉ là “tấm bánh lùi trong than hồng của lửa… mà là tấm lòng và sự hiện diện của Đấng Thiên Chúa yêu thương, quan tâm chăm sóc sự sống của con cái. Để rồi tấm lòng ấy vươn tới đỉnh cao khi Thiên Chúa ban tặng chính Người Con Một chí ái của Ngài cho thế gian” (Ga 3,16)[3].

Vâng, đích điểm của sứ điệp Lời Chúa hôm nay là giới thiệu cho chúng ta chính Người Con Một đó, Đức Giêsu Kitô, cùng với tấm bánh Thánh Thể, “Bánh trường Sinh từ trời xuống”, bánh là thịt máu của một xác thân bị trao nộp: “Tất cả anh em hãy nhận lấy mà ăn: vì nầy là Mình Thầy, …”, bánh là nguồn sống thiêng liêng đích thực dành cho con người trong cuộc “lữ hành về Núi thánh”, cuộc lữ hành tìm kiếm và gặp gỡ Thiên Chúa và hạnh phúc đích thực; tìm kiếm sự hoàn thành đời mình và sự dấn thân phục vụ tha nhân…

Đặc biệt, trong đời sống đức tin của người Kitô hữu, khi cuộc hành trình dưới thế sắp kết thúc mà được lãnh nhận “Của Ăn Đàng” (Viaticum) là hạnh phúc mãn nguyện nhất. Chính vì thế, nếu có ai đó xa rời Thánh Thể, coi thường Thánh Thể và đã để vuột mất những cơ hội được đồng hành với Chúa Giêsu Thánh Thể, thì mãi mãi là những khách lữ hành cô độc ngay giữa đời này; nhất là cô độc khi đi về bên kia thế giới!

Phải chăng chính vì lý do thiêng liêng đầy tính thuyết phục đó, mà thánh Ignatio sẵn sàng đục cánh cửa từ phòng làm việc thông sang nhà tạm để thường xuyên gặp gỡ và kết hiệp với Chúa Giêsu Thánh Thể trong mọi suy nghĩ và quyết định. Hay thánh Charles de Foucauld mỗi ngày dành 4 tiếng đồng hồ để thờ phượng Thánh Thể hầu có được nghị lực phục vụ không mệt mỏi những người dân bán khai trong sa mạc Tamanrasset. Trong khi đó thánh nữ Têrêsa Calcutta luôn khởi đầu ngày sống và làm việc bằng việc ưu tiên hàng đầu là gặp gỡ Chúa Giêsu trong Thánh lễ… Hay như Đức Tổng Giám Mục Fulton J. Sheen, nhờ cuộc “tử đạo vì 32 Bánh Thánh Thể” của một em bé Trung Quốc 11 tuổi mà đã gợi hứng để Ngài yêu mến Thánh Thể và dành suốt 60 năm trường để chầu Thánh Thể mỗi ngày một giờ; và nhờ đó “gợi hứng” cho bao người yêu mến phụng sự Chúa!…

Sau hết, sống mầu nhiệm Thánh Thể cũng đồng nghĩa với việc sống yêu thương; bởi vì, trong Đức Kitô, Thánh Thể và tình yêu chỉ là một, như lời Thánh Phaolô dạy: “hãy sống trong tình thương, như Đức Kitô đã yêu thương chúng ta và phó mình làm của dâng và lễ tế thơm tho ngọt ngào dâng lên Thiên Chúa vì chúng ta” (Bđ 2).

Nhờ có Thánh Thể, như cảm nhận của nhà văn V. Georghill, tác giả của cuốn tiểu thuyết nổi tiếng “Giờ Thứ 25”, “không có người lữ hành nào là cô đơn trên con đường đi về vĩnh cửu, bởi vì Chúa cùng đi với họ”.

Giuse Trương Đình Hiền


[1] X. Tiểu thuyết “Quo Vadis”, Chương 70.

[2] Nguyễn Bá Học (1857-1921), một nhà văn, nhà báo gốc Hà Nội, rất nổi tiếng vào đầu thế kỷ 20, thời chuyển tiếp giữa nền văn chương Hán học và Quốc ngữ.

[3] Tòa Tổng Giám Mục TP. Hồ Chí Minh, Bài Giảng Chúa Nhật Năm B, tập 8, tr. 32-33.