Views: 79
(Chúa Nhật 3 Mùa Chay Năm B – 2024)
Vào những ngày đầu năm Dương lịch 2024, chùa Ba Vàng ở miền Bắc Việt Nam bỗng dưng lại nổi đình nổi đám với sự kiện lạ “Xá lợi tóc Đức Phật 2.600 tuổi chuyển động”; và đã có hàng vạn người đổ xô về đảnh lễ chiêm ngắm và sẵn sàng “mở rộng hầu bao” cúng dường để nhận được phước lành…; và dư luận nói chung một lần nữa cho rằng: thánh điện trang nghiêm hay “cửa Phật” đã bị “tục hóa”[1]. Đừng quên, mấy năm trước đây (đầu năm 2019), cũng tại ngôi chùa này, đã xảy ra hiện tượng “Pháp thỉnh oan gia trái chủ” và dư luận cũng đã lên án: Phật pháp thánh thiêng đã bị lạm dụng và bóp méo để trở thành công cụ làm ăn, trục lợi, buôn thần bán thánh trên tâm thức mê tín dị đoan của nhiều người!…
Thế nhưng, chuyện “tục hóa cõi thiêng”, làm vấy bẩn nơi thánh không phải chỉ dừng lại ở mỗi địa chỉ “Ba Vàng” mà còn bao nhiêu địa chỉ khác; nhất là những ngày đầu năm Âm lịch này, đây là chuyện nhỡn tiền tại những lễ hội nơi các đền thiêng như “Đền Hùng”, “Đền Thánh Gióng”, “Đền Trần”… như nhận định đăng trên báo Nhân Dân: “Tuy nhiên, không ít người lợi dụng chính sách tự do tín ngưỡng, quy chế dân chủ của Đảng và Nhà nước thương mại hóa lễ hội dưới mọi hình thức tinh vi, làm giàu bất chính. Tại không ít lễ hội, đã xuất hiện các tệ nạn mại dâm, nghiện hút, cờ bạc, buôn lậu. Có nơi bày ra các hòm công đức để lợi dụng, trá hình tống tiền khách…”[2].
Riêng trong sinh hoạt đức tin của Dân Chúa Công Giáo Việt Nam cũng không thiếu những biểu hiện lệch lạc, mê tín…, mà nếu không có ơn Chúa Thánh Thần qua sự phân định và hướng dẫn đầy can đảm và khôn ngoan của “Bản Quyền Hội Thánh”, đã không tránh khỏi những hệ lụy “tục hóa” đáng buồn…(như trường hợp “Giáo điểm Tin Mừng” ở Xóm Chiếu thuộc Tổng Giáo phận Sài Gòn)[3].
Thật ra, câu chuyện “tục hóa” này không phải mới có hôm nay và xảy ra hay xuất hiện cùng với tập thể hay cá nhân mà đức tin nông cạn, lỏng lẻo… nhưng gần như hiện hữu xuyên suốt trong lịch sử loài người; cả với những tôn giáo độc thần chính chuyên hay những tín đồ được tôi luyện và giáo dục qua giáo lý nghiêm khắc. Và đây chính là sứ điệp, là bài học mà Lời Chúa của Chúa Nhật thứ 3 Mùa Chay (Năm B) muốn chuyển tải cho các tín hữu và anh chị em Dự tòng Công Giáo.
Trước hết, trích đoạn sách Xuất Hành tường thuật việc Thiên Chúa đích thân truyền cho dân Israel các điều khoản của “Thập Điều” trong cuộc thần hiển uy hùng tại núi Sinai: Ta là Thiên Chúa ngươi … Ngươi không được thờ thần nào khác trước mặt Ta… Ngươi đừng lấy danh Chúa, Thiên Chúa ngươi, mà lường gạt… Ngươi hãy nhớ thánh hoá ngày Sabbat… Ngươi hãy tôn kính cha mẹ … Ngươi chớ giết người, chớ phạm tội ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng dối hại anh em mình, chớ tham lam nhà của kẻ khác, chớ ham muốn vợ bạn hữu, tôi tớ nam nữ, bò lừa và bất cứ vật gì của bạn hữu.” (Xh 20,1-17).
Không chỉ mang tính “giá trị tín ngưỡng-tôn giáo” dành riêng cho Do Thái giáo và Kitô giáo, mà “Thập Điều” chính là một “bản Hiến pháp”, một “bản Quy luật” dành cho tất cả loài người đã tồn tại trên 30 thế kỷ mà vẫn luôn hợp thời, cần thiết, mới mẻ và bất khả thay thế!
Nhưng trớ trêu thay! Nếu dân Israel, khi vừa nghe ông Môsê công bố lại Thập điều đã đồng thanh tuyên bố: “Mọi lời Đức Chúa đã phán, chúng tôi sẽ thi hành” (Xh 24,3), thì liền sau đó, khi Môsê lên núi Sinai để tiếp tục diện kiến và nhận thêm các chỉ thị của Thiên Chúa, họ đã xin ông Aharon đúc một con bò vàng để họ tôn thờ, bất kể mạc khải thánh thiêng “Ta là Đấng hằng hữu”, bất kể những điềm thiêng dấu lạ xảy ra trên đất Ai Cập, những biến cố kinh thiên động địa trên Biến Đỏ và trong hoang mạc… như dấu chỉ thánh thiêng oai hùng của một Đấng Giavê toàn năng, toàn thánh… Israel đã tạo ra vị “Thượng đế theo kiểu của mình” với hình “một con bò vàng” để thể hiện một thứ tôn giáo phàm tục thỏa mãn những dục vọng điên cuồng của họ…
Người ta có thể cắt nghĩa rằng: sở dĩ xảy ra hiện tượng tục hóa “bò vàng” vì lúc đó dân Israel phải lang thang nơi hoang mạc, đối diện với bao nhọc nhằn, đói khát, nguy cơ bị tiêu diệt…; họ túng quẩn quá nên “vái tứ phương”… Tuy nhiên, sự tục hóa đã chẳng không biến mất mà càng lên ngôi, khi họ đã trờ thành một quốc gia với đầy đủ cung điện, đền thờ và một tổ chức tôn giáo bài bản; nhất là vào thời chính Đức Kitô đi rao giảng như Tin Mừng Gioan tường thuật: “Người thấy trong đền thờ có những kẻ bán chiên, bò, bồ câu, và những người đang ngồi đổi tiền.”. Quả thật, tôn giáo, Đền thờ đã trở thành dịch vụ kinh tế, cơ hội kiếm ăn, mà Đức Kitô quyết tâm thanh tẩy: “Người liền lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả bọn họ cùng với chiên bò ra khỏi Đền Thờ; còn tiền của những người đổi bạc, Người đổ tung ra, và lật nhào bàn ghế của họ. Người nói với những kẻ bán bồ câu: ‘Đem tất cả những thứ nầy ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán’…”. (Ga 2,14-15). Việc Đức Kitô thanh tẩy Đền Thờ Giêrusalem là một tiếp nối đậm nét trong tiến trình “huấn luyện và thanh tẩy niềm tin” của Thiên Chúa dành cho Dân Người qua sứ điệp của các ngôn sứ xuyên suốt trong lịch sử Cựu ước.
Ngày hôm nay, đã có không biết bao nhiêu cái “điện thờ” đã bị tục hoá: “Điện thờ gia đình”: con giết cha, vợ giết chồng, bạo lực gia đình, bất nghĩa bất hiếu; “Điện thờ hôn nhân”: ly thân, ly dị, đồng tính…; “Điện thờ sự sống”: phá thai, khủng bố, chiến tranh đủ kiểu; “Điện thờ tôn giáo”: chùa chiền thành trung tâm du lịch, thương mại; các chức sắc biến chất, suy đồi…
Mùa Chay đúng là thời thuận tiện để chúng ta tỉnh táo nhận ra “những mưu ma chước quỷ” của ba thù “ma quỷ, thế gian, xác thịt” mà quay trở về nhà Cha, mà hoán cải đổi đời. Riêng với Đức Kitô trong Tin Mừng Thánh Gioan hôm nay, thì Ngài không chỉ mời gọi cách nhẹ nhàng (bằng lời) như những ngày đầu khai trương sứ vụ “hãy sám hối và Tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15), nhưng đã hành động quyết liệt: “người chắp dây thừng làm roi, đánh đuổi tất cả bọn cùng với chiên bò ra khỏi đền thờ…” (Ga 2,14-15).
Quả thật đây là một điều “mới mẻ” trong cách hành xử của Đức Kitô mà Thánh Gioan đã nhận xét chí lý khi liên kết sự kiện nầy với cuộc khổ nạn sắp xảy đến không xa: “Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa mà tôi đây sẽ phải thiệt thân” (Ga 2,17); và sau hành động quyết liệt đó lại là lời mang tính “tiên tri” về cuộc khổ nạn và phục sinh mà Ngài sắp dấn thân cử hành và hoàn tất: “các ông cứ phá hủy Đền Thờ nầy đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại.”; và cũng chính Thánh Gioan đã chú giải: “Nhưng đền thờ Đức Giêsu muốn nói ở đây là chính thân thể Ngài” (Ga 21).
Nếu thời gian Xuất Hành của Israel xưa luôn là điểm qui chiếu cho cuộc hành trình Mùa Chay của “Dân Mới”, thì Giao Uớc Sinai với Thập Điều luôn là tiêu đích để Dân Chúa hôm qua cũng như hôm nay định hướng mối quan hệ với Chúa và anh em. Vâng, Mùa Chay là “thời thuận tiện” để cộng đoàn Dân Chúa hồi tâm trở về, soi cuộc sống vốn đã lệch lạc, chệch hướng theo “tấm bản chỉ đường” “Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời” mà nội dung cô đọng chính là Mến Chúa -Yêu người. Lựa chọn con đường này chính là sự “khôn ngoan đích thực” sẽ dẫn chúng ta đi vào nẻo thập giá của Đức Kitô để được phục sinh vinh quang với Ngài, một “sự khôn ngoan” khác thường hay “thập toàn” mà tinh thần thế tục sẽ không không bao giờ cảm nhận hay hiểu được như phát biểu của Thánh Phaolô trong thư gởi giáo đoàn Côrintô: “Chúa Kitô chịu đóng đinh trên thập giá, một cớ vấp phạm cho người Do-thái, một sự điên rồ đối với các người ngoại giáo, nhưng đối với những người được gọi, dầu là Do-thái hay Hy-lạp, thì Ngài là Ðức Kitô, quyền năng của Thiên Chúa và sự khôn ngoan của Chúa Cha” (BĐ 2).
Như thế, có thể nói được, hành trình Mùa Chay Công Giáo có thể cô đọng nơi 3 chữ “Thập”: Thập Điều, Thập Giá và Thập toàn.
Trương Đình Hiền
[1] Bài viết trên Báo điện tử Pháp Luật: Từ vụ ‘xá lợi tóc Đức Phật’ tại chùa Ba Vàng, cần loại bỏ mê tín dị đoan, website https://plo.vn/tu-vu-xa-loi-toc-duc-phat-tai-chua-ba-vang-can-loai-bo-me-tin-di-doan-post769206.html
[2] Bài viết trên Báo điện tử Nhân Dân: Thương mại hóa và mê tín dị đoan trong lễ hội, website https://nhandan.vn/thuong-mai-hoa-va-me-tin-di-doan-trong-le-hoi-post603082.html, đăng ngày 21.02.2005.
[3] Bài viết trên blog “Đức tin Giêsu”: Bàn về thuyên chuyển tại Giáo điểm Tin Mừng, website https://ductinjesus.com/cg-viet/ban-ve-thuyen-chuyen-tai-giao-diem-tin-mung.html, đăng ngày 8.03.2019.