Views: 126
CHÚA NHẬT V MÙA CHAY (C 2019)
Từ Chúa Nhật hôm nay (5 Mùa Chay), bóng thập giá đã bắt đầu lộ diện trên “khung trời Phụng vụ”, cuộc khổ nạn của Đức Kitô dần dần được vén mở !
Ngay từ Ca Nhập Lễ, Giáo Hội mượn lời Thánh vịnh 43 để đặt lên môi miệng Đức Kitô như một lời van xin và trần tình với Chúa Cha trước bao nhiêu âm mưu đen tối của con người đang chực chờ vây bủa :
Lạy Chúa Trời xin xử cho con,
Chính Ngài là Thiên Chúa bảo vệ con,
sao Ngài đành xua đuổi?
Sao con phải lang thang tiều tuỵ,
bị quân thù áp bức mãi không thôi? (Tv 43,1-2).
Và liền sau đó, Giáo Hội dâng lời Kinh Tổng Nguyện với những lời đầu tiên cũng đậm mùi khổ nạn : “Lạy Chúa, vì yêu thương nhân loại, Đức Giêsu-Kitô đã hiến thân chịu khổ hình…”. Chưa hết, cũng bắt đầu từ hôm nay, loạt Kinh Tiền Tụng Mùa Chay phải khép lại, nhường chỗ cho “Kinh Tiền Tụng Thương Khó” mà ý nghĩa Khổ Nạn chính là “điểm nhấn” :
“Vì nhờ cuộc khổ nạn sinh ơn cứu độ của Con Chúa…” (Tiền Tụng TK 1); “Chúng con biết những ngày khổ nạn sinh ơn cứu độ và phục sinh vinh hiển của Đức Kitô đã đến gần…” (Tiền Tụng TK 2).
Thảo nào, truyền thống Phụng Vụ trước đây bắt đầu gọi tên Chúa Nhật và Tuần lễ nầy là “Chịu Nạn” (Dominica Passionis), và luôn có một dấu chỉ kèm theo – biểu tượng cho nỗi thương đau tang chế : thánh giá và ảnh tượng trong nhà thờ đều được phủ khăn !
Thế nhưng, chiều khích “Khổ Nạn” mà Phụng Vụ hôm nay hướng đến lại chuyên chở một “tín thư đầy tin yêu hy vọng” của sự sống chứ không dừng lại ở “nỗi buồn thập giá” !
Thật vậy, Bài đọc 1, với trích đoạn Lời Chúa của ngôn sứ Isaia, Thiên Chúa, sau khi nhắc lại đoạn đường gian khổ thời Xuất Hành, với cuộc vượt qua Biển Đỏ hiểm nguy, khi quân binh Ai Cập bị vùi chết trong lòng biển…, đã ân cần dạy dân Chúa “hãy quên đi quá khứ hoang mạc lầm than” và hướng đến “chân trời mới của sự sống” :
Các ngươi đừng nhớ lại những chuyện ngày xưa,
chớ quan tâm về những việc thuở trước.
Này Ta sắp làm một việc mới, (…)
“vì Ta cho nước chảy ngay giữa sa mạc,
khơi những dòng sông tại vùng đất khô cằn,
cho dân Ta tuyển chọn được giải khát…” (Is 43,20).
Thập Giá, hay cuộc Vượt Qua của Đức Kitô, chính là “nguồn mạch của sự sống”, là con đường dẫn tới Phục Sinh. Chính Đức Kitô đã ví von cái nỗi đau buồn thập giá qua hình ảnh của một người phụ nữ sinh con : “Khi sinh con, người đàn bà lo buồn vì đến giờ của mình; nhưng sinh con rồi, thì không còn nhớ đến cơn gian nan nữa, bởi được chan chứa niềm vui vì một con người đã snh ra trong thế gian” (Ga 16,21).
Cuộc đời nào mà không phải đi qua những “nỗi buồn thập giá” ! Nhưng thay vì ngồi đó mà gặm nhấm nỗi buồn trong thất vọng, đảo điên, chán nản…, hãy mạnh mẽ đứng lên tiến về phía trước; như Matthêô đứng dậy bỏ nghề thu thuế đi làm Tông đồ, như Giakê quay lưng lại với thói ham tiền để bước đi trên con đường công bằng, sẻ chia; như “người con hoang bỏ kiếp chăn heo lên đường tìm về mái ấm nhà cha”….
Đây cũng chính là điều mà Thánh Phaolô ân cần khuyên nhủ các anh chị em Kitô hữu cộng đoàn Philipphê (Bđ 2) : Bỏ lại quá khứ để hướng đến tương lai :
“Tôi chỉ chú ý đến một điều, là quên đi chặng đường đã qua, để lao mình về phía trước.14 Tôi chạy thẳng tới đích, để chiếm được phần thưởng từ trời cao Thiên Chúa dành cho kẻ được Người kêu gọi trong Đức Ki-tô Giê-su.
Thật là ý nghĩa và trùng hợp khi Giáo Hội hôm nay có truyền thống chọn Chúa Nhật nầy để cử hành “Nghi lễ Khảo Hạch lần 3” dành cho các anh chị em dự tòng sắp được lãnh nhận các bí tích Nhập Đạo, mà trọng tâm đó chính là : quyết tâm từ bỏ con người cũ, thói tục cũ, để cam kết dấn thân cho một lựa chọn mới : Đức Kitô, một cuộc sống mới : Kitô hữu.
Nhưng có lẽ điểm nhấn quan trọng hơn cả mà sứ điệp Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay nhắm tới lại chính là TÌNH YÊU CỦA ĐỨC KITÔ; đó chính là “tình yêu cứu sống”, “tình yêu phục hồi”, “tình yêu khoan dung và tha thứ”…!
Cuộc khổ nạn của Đức Kitô được đong đầy ý nghĩa của mọi chiều kích tình yêu đó : “vì yêu thương nhân loại, Đức Giêsu-Kitô đã hiến thân chịu khổ hình…” (Kinh Tổng Nguyện).
Tin Mừng Thánh Gioan hôm nay đã minh hoạ rõ nét chiều kích tình yêu đó qua câu chuyện rất thời sự xảy ra vào những ngày trước khi Chúa Giêsu bước vào con đường thập giá : chuyện người phụ nữ ngoại tình bị bắt quả tang ! (Tin mừng Gioan 8,1-11).
Với cái nhìn của một nhà thần học chiêm niệm và cái tâm của một Tông đồ truyền giáo, Thánh Gioan gần như đã “vẽ” nên một bức tranh Tin mừng tuyệt vời :
“Nghe vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi. Chỉ còn lại một mình Đức Giêsu, và người phụ nữ thì đứng ở giữa…”
Vâng, mọi nhân vật bát nháo, mọi ồn ào khích động, mọi bon chen manh múng, mọi âm mưu đen tối của hận thù đố kỵ…đã cao bay xa chạy, giờ chỉ còn rực sáng lên hai con người, hai nhân vật: Đức Giêsu hiện thân của tình thương cứu độ, khoan dung, tha thứ của Thiên Chúa, và người phụ nữ phạm tội ngoại tình, hiện thân của của một nhân loại bẽ bàng, tội lỗi, lầm than…
Thánh Giáo phụ Augustinô đã kết luận chí lý : “Chỉ còn lại tình thương và tội lỗi”.
Thì ra, cái tâm thức và não trạng Biệt phái đã bao đời cứ khuôn đúc một điều duy nhất như lời kinh Shema rằng : “Hãy yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự” (Đnl 6,4-5); và có thể nhân danh “tình yêu đó” để có thể sẵn sàng “giết chết kẻ nào phạm tội ngoại tình” (Đnl 22,22), mà quên mất một chân lý khác, một điều luật khác cũng quan trọng không kém : “yêu thương anh em như chính mình” (Lv 19,18).
Thì ra, Mùa Chay Kitô giáo mời gọi chúng ta hãy “đặt mình” trước Thiên Chúa, không phải một cuộc đối diện trước pháp đình để run sợ trước một Thiên Chúa chỉ là một quan án lạnh lùng, nghiêm khắc, mà là một cuộc trở về” gặp gỡ một “Người Cha đang rộng vòng tay đón đợi”, là tìm lại đôi tay của “Người mục tử bỏ lại 99 con chiên để đi tìm con chiên lạc”, là đón nhận ánh mắt dịu dàng của một “Thầy Giêsu” cùng với những lời thân thương trìu mến: “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu ! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa” !
Không biết người phụ nữ ấy sau này có đáp trả tấm lòng khoan dung của Thầy Giêsu như vị tướng ngày xưa của nước Tàu : Tưởng Hùng trả ơn cứu sống cho Sở Trang Vương vì tội khi quân đáng chết (trêu ghẹo cung nữ của vua) ? Nhưng chắc một điều, cuộc đời của chị từ đấy đã bắt qua một khúc quanh mới, một “phía trước” của tin yêu hy vọng, một tương lai của cuộc sống đã được phục sinh !
Mùa Chay Kitô giáo sắp đi vào đoạn kết. Bóng thập Giá của Đức Kitô đã dần sáng lên như ngọn đuốc thiêng bừng cháy soi chiếu vào thế giới hôm nay, một thế giới đang đầy tràn bóng đêm của bất công hận thù, của đố kỵ ghen ghét, của vô cảm và bạo lực hoành hành… Ngọn đuốc đó chính là Tình thương cứu độ, chính là khoan dung tha thứ, chính là sự phục sinh toàn vẹn phẩm giá con người trong ân sủng và tự do của đời sống con cái Chúa. Dứt khoát đó không bao giờ là một biểu tượng, một ước mơ hảo huyền, một dự phóng vô căn cứ…mà là một hiện thực hóa những lời tiên báo tự ngàn xưa của các sứ ngôn : “Ta cho nước chảy giữa sa mạc, khơi những dòng sông tại vùng đất khô cằn, cho Dân ta tuyển chọn được giải khát” (BĐ 1).
Một ít ngày nữa, hàng triệu anh chị em dự tòng khắp nơi trên mọi miền thế giới sẽ đón nhận “dòng nước Thanh Tẩy xuyên qua cuộc đời của họ”, chắc chắn, họ sẽ hân hoan bước đi trên một lộ trình mới đầy ắp tin yêu và hạnh phúc của những đứa con trong mái nhà Hội Thánh; và với chúng ta hôm nay, sau những ngày chay tịnh sám hối, bí tích Giải Tội đã cuốn trôi tất cả lỗi lầm, ô trọc để chúng ta hân hoan vui sướng mà ca lên rằng : “Chúa đã đối xử đại lượng với chúng con, nên chúng con mừng rỡ hân hoan”. Niềm vui đó lại càng lớn hơn, sâu sắc hơn, trọn vẹn hơn…khi chút nữa đây, chúng ta được đón nhận chính Mình Thánh Chúa, quà tặng của một tình yêu vĩ đại, một tình yêu được trả giá bằng chính cuộc hiến mình trên thánh giá. Amen.
GiuseTrương Đình Hiền