Views: 73
CHÚA NHẬT V THƯỜNG NIÊN A (2020)
Trong những ngày “tâm điểm” của đại dịch “Coronavirus – Vũ Hán” nầy, ngoài những trang thông tin dày đặc mang đầy lo âu và đe doạ với sự gia tăng không ngừng những người chết và những ca lây nhiễm, người ta lại tìm được những gương mặt, những chứng nhân của lòng tận tuỵ phục vụ con người. Đó là những bác sĩ, y sĩ ngày đêm quên ăn, quên ngủ, chấp nhận mang gương mặt đầy vết hằn của khẩu trang phải đeo lâu ngày, mặc những bộ đồ bảo hộ cho đến bốc mùi, hay với những đôi tay nứt nẻ vì thuốc sát trùng[1]…; và cái “giá đầu tiên để trả cho tình nhân loại” đó phải dành cho bác sĩ Lý Văn Lượng 34 tuổi (Li Wenliang), là một trong những người cảnh báo sớm về dịch cúm Corona, bị nhiễm chính loại virus nầy và qua đời tại bệnh viện Trung ương Vũ Hán ngày 6.2 vừa qua.[2]
Nhắc đến sự kiện nầy trong khung cảnh Phụng vụ hôm nay thật là thích hợp; vì quả thật, sứ điệp Lời Chúa hôm nay – Chúa nhật V Thường niên, muốn chuyển tải đến chúng ta một “kết luận thực hành” nẻo đường “Tám Mối Phúc thật qua hai thực tại rất gần gũi với nhịp sống đời thường: Muối, Ánh Sáng.
Thật vậy, người môn đệ Đức Kitô khi sống và thực hành con đường “Bát Phúc” (Khó nghèo, hiền lành, trong sạch, biết xót thương, xây dựng hòa bình…) thì chắc chắn sẽ trở thành “hương vị đậm đà cải tạo môi trường cuộc sống”, như muối ướp mặn thức ăn ; hay như ngọn đèn rực rỡ thắp sáng những mảnh đời tăm tối mịt mù…
Vâng, thế giới hôm nay đang cần muối !
Cho dù là “muối mỏ” hay “muối biển”, theo quan niệm chung, muối là vật tinh khiết nhất vì phát xuất từ hai nguồn năng lượng sạch và quan trọng nhất: Biển và Mặt Trời. Ánh nắng mặt trời chiếu dọi biến nước biển xanh thành muối trắng. Trộm nghĩ, nếu một ngày nào đó không còn biển xanh, không còn mặt trời, dĩ nhiên, không còn muối mặn, thì thế giới nầy ắt hẳn chỉ còn là một bãi tha ma đầy những xác chết tanh hôi thối rửa.
Nhưng cái quan trọng nhất lại là cái giản đơn nhất. Hạt muối lúc nào cũng hiền lành, thầm lặng. Hiện nay, giá muối trên thị trường so với các thương phẩm khác, chỉ là một thứ rẻ mạt, chẳng có giá trị gì. Có lẽ từ những yếu tố giàu chất biểu tượng đó mà Đức Kitô đã phong tặng tước vị đặc biệt cho người Kitô hữu, cho các môn sinh của Ngài: “Các con là muối ướp đời”. Cách đây 2000 năm, Kitô giáo đã hội nhập vào trần gian trong bối cảnh một xã hội đang “ươn thối”, một xã hội đang mất dần hương vị của chân lý, tình yêu và hạnh phúc đích thực.
Vâng, giữa một thế giới bị chi phối giữa hai nền văn hoá Hi-La, một đàng dẫn dắt tư tưởng loài người trên những con đường triết lý và huyền thoại hư ảo, một đàng xô đẩy con người vào trong thế giới đa thần đồi truỵ, giàu nghèo xa cách và hưởng thụ vật chất trong vô vọng…, Tin Mừng của Chúa Kitô chính là những viên muối được quăng vào trần gian để ướp mặn lại thế giới, để đem hương vị cho cuộc đời, để làm cho kiếp nhân sinh sáng lên niềm tin yêu hy vọng.
– Hạt Muối Tin Mừng đó đã phục sinh La-gia-rô sau bốn ngày chết thúi trong mộ, để trả lại niềm vui, tiếng cười cho một gia đình trẻ ở Bêtania.
– Hạt muối Tin Mừng đó cho chàng thanh niên đã chết sống lại để lau sạch những giọt lệ trên gương mặt già nua buồn khổ của người mẹ goá Naim.
– Hạt muối Tin Mừng đó đã cho những người cùi hủi tê tái thất vọng giam mình trong hoang mạc tối tăm bỗng một ngày được ngẩng mặt bước vào cõi sống đường hoàng với xác thân lành lặn;
– Hạt muối Tin Mừng đó đã mở mắt anh mù ở Giê-ri-cô, đã gọi Lêvi bỏ bàn thu thuế gian lận để trở nên sứ đồ, đã hoán cải cô gái làng chơi Mai-đệ-Liên thành chứng nhân loan truyền chân lý, đã biến gã lùn Giakê giàu sụ, ham tiền thành một con người mới của sẻ chia, công bình, bác ái…
– Hạt muối Tin Mừng đó đã biến những anh chàng ngư phủ chân quê, dốt nát nơi biển hồ Galilê trở thành những “tay chài lưới người”, xả thân vì Nước Trời, bôn ba đi loan báo Tin Mừng và dựng xây một thế giới mới, cho dù phải hy sinh mạng sống…
Quả thật, Tin Mừng đó, một Tin Mừng cho dù thấp cổ bé miệng, một Tin Mừng đã bị đặt ra ngoài vòng pháp luật suốt 300 năm của thiên niên kỷ đầu tiên trong đế quốc Rôma hùng mạnh, bằng những cuộc bách hại khủng khiếp, bị dè bỉu khinh khi như một thứ rác rưởi… đã từ từ biến đổi một nền văn hóa đồi trụy bất công của đế quốc thành một xã hội bình đẳng quí trọng con người. Và rồi sau những ngàn năm kế tiếp, Tin mừng đó tiếp tục hóa thân trong những viên muối mặn giản đơn nhỏ bé như Phanxicô thành Assisi, như Phanxicô Xavie, như Têrêxa hài Đồng, như Mẹ Á Thánh Têrêxa thành Calcutta, như thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, như Các thánh Tử đạo Việt Nam, như Á Thánh Anrê Phú Yên…
Trong những ngày “tâm bão Coronavirus” nầy, chân dung của anh chị em tín hữu Công Giáo Trung quốc đã bừng sáng lên như những viên muối và những tia sáng qua những công tác bác ái phục vụ các bệnh nhân luôn ở tuyến đầu.[3] Phải chăng đó là những người đi xây dựng một thế giới mới, một tương lai rạng ngời cho nhân loại, như lời nguyện của ĐHY Roger Etchegaray:
“…Xin dạy con nhìn về phía trước
Đừng lầm lẫn những gì
của ngày mai với hôm qua.
Xin dạy con cùng Ngài
Làm nên ngày mới
Đừng tích tụ hoa tàn nhụy rữa
Bên lối cũ đường xưa.
Xin dạy con mở toang những vách ngăn
Thành cánh cổng của một lộ trình mới
Và thế giới cũng đang cần ánh sáng !
Là muối ướp mặn cuộc đời đã là khó. Tuy nhiên Đức Kitô không dừng lại ở đó mà Ngài còn đòi hỏi cao hơn, khó hơn, đầy cao sang vinh dự, nhưng cũng đầy thử thách gian nan. Các môn sinh của Ngài phải trở nên ánh sáng soi đường: “Các con là ánh sáng cho trần gian”. Thật ra, chính bản thân chúng ta với xác đất vật hèn, làm gì chúng ta “là ánh sáng” ; vã lại, đã là “viên muối khiêm hạ, ẩn khuất”, sao lại bất chợt trở nên ánh sáng soi đường dẫn lối. Như thế có quá mâu thuẩn chăng ? Không đâu, thánh tiến sĩ Giáo Hội Cyrilo thành Alexandria đã dạy: “Không phải bạn đang sống, nhưng chính ánh sáng là Đức Kitô, Ngài có khả năng soi chiếu toàn thể thế giới bằng lời của Ngài, đang sống trong bạn.”
Quả đúng như thế, con người Kitô hữu chúng ta trước tiên phải được biến đổi nhờ cuộc sống nội tâm sâu sắc tràn đầy ánh sáng Tin Mừng của Đức Giêsu, để rồi dân dần cung cách hiện diện của chúng ta giữa lòng thế giới cũng thay đổi, không còn là sự hiện diện của một con người tầm thường, nhưng phải toả sáng bằng cuộc sống Kitô giáo đích thực, để cho những người tiếp cận với chúng ta có thể nhận ra được dấu ấn Tin Mừng trên bản thân chúng ta.
Không những chúng ta được Đức Kitô mời gọi toả sáng bằng đời sống nội tâm mà thôi, nhưng còn bằng đức bác ái mang đầy tính năng động. Bài đọc I hôm nay sứ ngôn I-sa-i-a đã nói: “Nếu ngươi loại bỏ nơi ngươi xiềng xích, cử chỉ hăm dọa, lời nói xấu xa, hoặc khi ngươi hy sinh làm cho ngươi đói rách và những người đau khổ được vui thích thì ánh sáng của ngươi sẽ bừng lên trong bóng tối, và bóng tối trở thành ánh sáng giữa ban ngày”.
Như thế, lòng tốt đối với tha nhân trở thành một loại ánh sáng của đời sống Kitô giáo. Giúp đỡ những người nghèo khó, khốn khổ trở thành ánh sáng tình yêu đối với tha nhân. Trong thế giới hiện đại, mối liên hệ giữa người với người lắm lúc trở thành băng giá vì bị đặt trên cơ sở tiền bạc, vật chất và lợi nhuận, thiếu hẳn hơi ấm tình người.
Thánh Augustinô đã nói: “Đây là giới răn vắn gọn được trao cho bạn: Hãy yêu thương, rồi bạn có thể làm bất cứ điều gì…Bạn hãy giữ trong tim cội rễ yêu thương. Vì những điều tốt đẹp chỉ mọc lên từ cội rễ yêu thương”.
Đúng thế, tình yêu không được thiếu hay vắng bóng trong mối tương quan với tha nhân, nhưng mỗi ngày phải có đủ tình yêu để toả sáng trong cuộc sống. Đó mới là điều đáng nói và đáng lưu tâm trong cuộc sống. Chỉ có ánh sáng tình yêu Kitô giáo mới có khả năng trở thành một dòng chảy yêu thương lan toả đến mọi người, bất chấp mọi chướng ngại. Chỉ khi trở thành những chứng nhân cho ánh sáng tình thương, người Kitô hữu chúng ta mới đạt được những hiệu năng cao nhất trong việc giới thiệu Chúa cho người khác, mới trở thành “Ánh sáng cho trần gian”.
Vì thế, muôn nơi và muôn thuở, sứ điệp “Muối, Ánh Sáng” không bao giờ cũ và hết hợp thời đối với người Kitô hữu. Bởi vì đó không là “sự khôn ngoan của loài người” mà chính là lời, là mệnh lệnh của Đấng mà nhà giảng đạo lừng danh Phaolô đã tuyên bố dứt dạc rằng: “Tôi không biết điều gì khác ngoài Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh” (Bđ 2). Chắc chắn, thế giới hôm nay, con người hôm nay, cũng như thế giới và con người thời Thánh Phaolô 2000 năm trước, họ chẳng cần chúng ta trao cho họ “sự khôn ngoan của loài người”, nhưng họ đang cần những “chứng nhân của đức tin”, chứng nhân của tình yêu và phục vụ; vâng, họ đang cần, muối và ánh sáng của Tin Mừng.
Ngoài kia Mùa Xuân đang về. Bàn tiệc Thánh Thể hôm nay sẽ đưa chúng ta đi vào cuộc sống đời thường để làm những viên muối ướp mặn và những ngọn đèn thắp sáng mùa xuân, như ước nguyện trong bài thơ “Bài ca Nhập Thể” của Đức Cha Phêrô Nguyễn Soạn, được ngài viết trong những năm gian khổ đồng hành với các chủng sinh trên bãi bờ ruộng muối:
Nầy đời con Chúa ơi như biển xanh
Chúa biến con thành muối mặn gian trần.
Đời cần lao bao vất vả gian nan,
Giọt nước mặn trở thành viên muối trắng…
Nguyện đời con thắp lên như hải đăng,
Mãi sáng soi rạng chiếu mọi gian trần.
Vượt trùng dương bao sóng vỗ gian nan,
Được chiếu dọi mở đường theo chân lý…
Trương Đình Hiền
[1] Xem: ARY. Hình ảnh những bác sĩ Trung quốc tuyến đầu chiến đấu với dịch virus Corona gây xúc động. Nguồn: https://thongtinhanquoc.com/hinh-anh-nhung-bac-si-trung-quoc-tuyen-dau-chien-dau-voi-dich-virus-corona-gay-xuc-dong/
[2] Xem: MINH KHÔI, NGUYÊN HẠNH. 1 trong 8 bác sĩ đầu tiên cảnh báo virus corona ở Vũ Hán đã qua đời vì corona. Nguồn: Trang mạng Báo Bình Định. Link:
http://www.baobinhdinh.vn/viewer.aspx?macm=25&macmp=25&mabb=139779
[3] NGỌC YẾN, VATICAN. Trung Quốc: Giáo hội Công giáo đi đầu trong việc chăm sóc và gần gũi bệnh nhân nhiễm virus corona. Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/church/news/2020-02/trung-quoc-giao-hoi-di-dau-virus-corana.html