Views: 59
(LỄ HIỂN LINH 2023)
Trong sách Tự Điển Công Giáo của HĐGMVN, từ Hiển Linh được cắt nghĩa như sau: Hiển Linh gốc tiếng Hy Lạp là Epiphaneia, được ghép bởi “epi” có nghĩa là “trước mặt” và “phaneia” có nghĩa là hiện ra. Hiển linh chỉ sự biểu dương quyền uy của vua chúa, hay những cuộc tỏ hiện của thần linh[1]…
Chính trong ý nghĩa nầy, ngay từ những thế kỷ đầu, Hội Thánh mừng lễ Hiển Linh vào ngày 6/01 với trọng tâm ý nghĩa là cuộc Giáng Sinh của Chúa Giêsu. Riêng Giáo Hội Chính Thống Giáo vẫn tiếp tục mừng lễ Giáng Sinh vào ngày nầy; trong khi Giáo Hội Công Giáo Rôma mừng lễ Giáng Sinh vào ngày 25/12 và Hiển Linh vào ngày 6/01 với 3 mầu nhiệm: Ngôi Hai Thiên Chúa Hiển Linh qua “vì sao lạ dẫn đường Ba Vua Phương đông đến thờ lạy”, Hiển linh qua biến cố chịu phép rửa bên dòng sông Gio-đan và hiển linh qua phép lạhóa nước thành rượu tại tiệc cưới Cana.
Riêng người Công Giáo Việt Nam thương gọi lễ nầy là lễ Ba Vua; vì sứ điệp Lời Chúa được chọn làm trọng tâm cho đại lễ Hiển Linh hôm nay chính là bài tường thuật duy nhất của thánh sử Matthêô về sự kiện các Đạo sĩ Phương đông đến gặp Hài Nhi Giêsu tại Bêlem và triều bái Người với ba lễ vật Vàng, Nhũ hương và Mộc dược”.
Tuy nhiên, để hiểu trọn vẹn ý nghĩa của sứ điệp Lời Chúa trong ngày lễ hôm nay, chúng ta lại phải bắt đầu từ những trang Cựu ước.
Trước hết, mầu nhiệm Hiển Linh của Thiên Chúa qua biến cố Ngôi Hai ra đời làm người đã được tiên báo từ xa xưa, qua thị kiến của ngôn sứ Isaia về cuộc hồi hương vĩ đại của dân Israel tiến về Giêrusalem huy hoàng đã được tái thiết, sau một thuở lưu đày tối tăm hoang phế: “Hãy đứng lên, hãy tỏa sáng ra, hỡi Giêrusalem ! Vì sự sáng của ngươi đã tới, vì vinh quang của Chúa đã bừng dậy trên mình ngươi. Kìa tối tăm đang bao bao bọc địa cầu, vì u minh phủ kín các dân; nhưng trên mình ngươi, Chúa đang đứng dậy, vì vinh quang của Ngài xuất hiện trên mình ngươi. Chư dân sẽ lần bước tìm về sự sáng của ngươi, và các vua hướng về ánh bình minh của ngươi …”.
Qua những “dấu chỉ đầy ấn tượng” của Lời ngôn sứ đó, ý nghĩa đầu tiên của sứ điệp Hiển Linh chính là “ảnh hưởng bao trùm của công cuộc cứu độ”; hay nói cách khác, việc “Thiên Chúa nhập thể, Thiên Chúa đi vào trần gian, Thiên Chúa “đến cắm lều ở giữa nhân loại” không phải là chuyên riêng tư của một gia đình bé nhỏ: Giuse, Maria và Hài Nhi Giêsu; nhưng là công cuộc cứu độ có liên quan đến toàn thể nhân loại, ảnh hưởng trên toàn bộ lịch sử loài người và cả vũ trụ, trải dài trên mọi chiều kích không gian và thời gian.
Vì thế, cuộc “Hiển Linh” nầy đích thị là một “Tin Mừng vĩ đại cho toàn dân” (Lc 2,10) mà các thiên sứ đã báo cho các mục đồng thành Bê-lem trong đêm Ngôi Hai giáng thế; cũng là Tin Mừng được Đức Kitô ra lệnh cho cho các môn sinh “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo…” (Mc 16,15), và cũng là Tin Mừng, mà theo nhận định của Thánh Phaolô trong thư Êphêsô (Bđ 2) nhờ đó, dân ngoại tìm về ơn cứu độ: “Và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được nên đồng thừa tự, đồng một thân thể và đồng thông phần với lời hứa của Người trong Chúa Giêsu Kitô”; một “dân ngoại” được Thánh sử Matthêô minh họa đầy ấn tượng qua câu chuyện ba nhà đạo sĩ phương đông với những lễ vật cũng mang đầy nội dung Cứu độ: vàng (vương đế), nhũ hương (tư tế), mộc dược (khổ nạn hay mầu nhiệm Vượt Qua).
Và còn hơn thế nữa, “Dân Ngoại” trong sứ điệp Hiển Linh nầy còn mang thêm những ý nghĩa: “Dân ngoại” chính là đoàn dân ô hợp mang đầy tội lỗi oan khiên mà ở giữa họ có chàng thanh niên đến từ Nadaret đang sắp hàng xuống dòng sông Giođanô để ông Gioan là phép thanh tẩy; và “dân ngoại” cũng chính là muôn vạn ức triệu gia đình nhân loại đang “bẽ mặt vì thiếu rượu” nhưng lại được sự can thiệp kịp thời của vị Rabbi Giêsu khi biến hàng trăm lít nước lã thành rượu ngon để tiệc cưới mãi vang lên tiếng cười…
Nếu đem sứ điệp đầy hy vọng của mầu nhiệm Hiển Linh nầy soi chiếu vào thế giới hôm nay chúng ta sẽ thấy gì ? Thấy còn hơn hai phần ba nhân loại chưa nhận biết Chúa Kitô, còn chiến tranh loạn lạc khắp nơi, còn mê tín dị đoan, còn bóng tối của lầm lạc, đổ vỡ, thương đau bao phủ nhiều dân tộc, nhiều gia đình…
Như vậy “cuộc Hiển Linh” của Thiên Chúa vẫn còn đang ở phía trước, vẫn là một “gọi mời” để nhân loại cất bước lên đường tìm kiếm “ánh sao lạ Bê Lem” như ba nhà đạo sĩ thuở nào; và nhất là để những ai đã một lần “tìm thấy ánh sao Bêlem”, phải “tìm đường khác trở về xứ sở mình”, quê hương mình, loan Tin Mừng Cứu Độ và giới thiệu Chúa Giêsu cho anh chị em mình.
Tóm lại, nếu “Hiển Linh” đó là mầu nhiệm “Thiên Chúa tỏ mình” thì đây cũng là lễ để chúng ta lên đường tiến về phía của Thiên Chúa, của Ngôi Lời Nhập Thể, của Đấng Thiên Chúa đang hiện diện giữa chúng ta.
Tuy nhiên, để đến được với Thiên Chúa, chúng ta phải ra khỏi cái tôi tầm thường, vị kỷ của mình của mình, để tiến bước trên con đường của “Lời Chúa”. Phải thức dậy khỏi giấc ngủ triền miên của biếng lười và tự mãn để nghe theo tiếng gọi của “Tin Mừng”, một Tin Mừng đòi hỏi hoán cải, khiêm hạ, khó nghèo, yêu thương, phục vụ….; một Tin Mừng chỉ dành cho những ai “khao khát mới được toại lòng” và chỉ những ai “trong sạch trong lòng mới được nhìn thấy Thiên Chúa” (Mt 5,6.8); chẳng khác nào, như ba nhà đạo sĩ khi xưa, chỉ khi ra khỏi cái “đô thành Giêrusalem trần tục của Hêrôđê”, mới “gặp thấy Hài Nhi và Bà Maria Mẹ Người, và họ đã quỳ gối xuống sụp lạy Người” !
Vâng, chỉ với một “đức tin hành động” đó, chúng ta mới “tới được Bê-lem như các đạo sĩ phương đông xưa”. Và khi đã gặp Chúa, chúng ta còn phải biến mình thành những “vì sao rực lên trong đêm tối” để đưa đường dẫn lối cho bao anh chị em xung quanh đang còn ở trong những chân trời xa cách Thiên Chúa và ánh sáng cứu độ của Ngài. Vâng, “sống Hiển Linh” chính là luôn biết sống cuộc sống đầy “khát vọng” như ca từ trong nhạc khúc “Khát Vọng” của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn: “là bão, là giông, là ánh lửɑ đêm đông…; là hạt giống xɑnh đất mẹ bɑo dung…; là đàn chim gọi bình minh thức giấc…; là mặt trời gi℮o hạt nắng νô tư…”.
Và đó chính là cuộc hiển linh của những “vì sao” mà Thánh Phaolô đã khuyến dụ cộng đoàn Philipphê: “Giữa một thế giới gian tà sa đọa, anh em hãy rực sáng như những sao trên vòm trời”. (Phil.2, 14-15 ). Trương Đình Hiền
[1] HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM, ỦY BAN GIÁO LÝ ĐỨC TIN, BAN TỰ VỰNG CÔNG GIÁO, Tự Điển Công Giáo, nxb Tôn Giaos2016, mục từ HIỂN LINH, LỄ, tr. 381-382.