Views: 47
(Chúa nhật 12 tn b 2024)
Tỉnh thức để nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa luôn là một thách đố cho con người. Vì thế, cuộc tìm kiếm khó khăn nhất, cuộc hành trình nhiêu khê nhất chính là cuộc kiếm tìm Đấng Toàn Năng, hay như ý nghĩa của một tác phẩm của nhà văn Công giáo Pháp, Léon Bloy: (con người là) Khách hành hương đi tìm Tuyệt Đối (Pèlerin de l’Absolu).
Thật vậy, kinh nghiệm nhân sinh thông thường cho thấy: khi thanh bình thịnh đạt, lúc “mây tạnh trời quang”, con người dễ tin, dễ cảm, dễ gặp một Thiên Chúa ở gần, có một Thiên Chúa đang ân cần săn sóc. Tuy nhiên, khi “đất bằng nổi sóng”, khi thử thách chợt về, đau thương ập đến, con người hay rơi vào cơn hoảng loạn hồ nghi: Thiên Chúa có ở đây không hay đã ra đi đâu mất rồi? Thiên Chúa có đủ quyền năng để cất đi những nỗi oan khiên nầy, những tai ương hoạn nạn nầy, những đau thương khốn khổ nầy…, hay Ngài hoàn toàn bất lực? Thiên Chúa có thực sự công minh chính trực, đối xử công bằng với hết mọi sinh linh hay chỉ là một vị thần nhỏ nhen thiên vị, bất công xảo trá?
Câu chuyện về cuộc đời đầy biến động của ông Gióp trong Cựu ước là một minh họa rõ nét. Khi bị thử thách dập vùi, thân tàn ma dại với cơn bịnh ung nhọt từ chân tới đầu, bấy giờ bà vợ của ông đã lên tiếng: “Ông còn kiên vững trong đường lối vẹn toàn của ông nữa hay thôi? Hãy nguyền rủa Thiên Chúa và chết đi cho rồi” (G 2, 9). Hay chính Gióp cũng chất vấn Thiên Chúa vì những tai ương hoạn nạn phải gánh chịu khi ông sống công chính: “Tôi là người công chính, thế mà Thiên Chúa lại gạt bỏ sự chính trực của tôi; tôi ăn ở chính trực mà bị coi là dối trá, tôi bị bắn trọng thương mặc dù không phạm tội” (G 34,5-6).
Thật ra, không phải chỉ riêng “câu chuyện ông Gióp”, kinh nghiệm nầy đã thường xuyên xảy ra trong lịch sử Dân Chúa. Kinh thánh đã cho chúng ta thấy rõ: khi đối diện với những cơn thử thách nặng nề như: cuộc sống lầm than đọa đầy nơi Ai Cập, cái đói cái khát kinh khủng của những tháng năm lang thang trong hoang mạc trên đường về Đất Hứa, những cuộc xâm lăng của quân thù, những lần bị lưu đầy nơi đất khách quê người …, Dân Israel đã lãng quên hay nghi ngờ Thiên Chúa, đánh mất niềm tin về sự hiện diện của Ngài.
Trong trích đoạn Tin Mừng vừa được công bố hôm nay, chúng ta thấy các tông đồ đã hoảng loạn trước cơn thịnh nộ của cuồng phong bão táp: “Thầy ơi, chúng ta chết mất, Thầy chẳng lo gì sao?” (TM). Thế nhưng, cũng chính trong những biến cố đau thương ấy, những giai đoạn đen tối ấy, Thiên Chúa đã ra tay can thiệp và bày tỏ quyền uy. Vâng, quyền năng và sự khôn ngoan của Thiên Chúa vượt xa cái đầu óc thiển cận và cái trí khôn hạn hẹp hay đôi mắt trần phàm tục của con người. Trích đoạn sách Gióp trong Bài đọc 1, mượn những câu trả lời của Thiên Chúa dành cho Gióp về công trình sáng tạo vũ trụ, đã muốn nói với chúng ta rằng: mọi đường đi nước bước, mọi vận hành xuôi ngược, mọi dâu bể thăng trầm… đều do sự khôn ngoan diệu kỳ của Thiên Chúa: Bấy giờ từ cơn gió lốc, Chúa đáp lời Gióp rằng: “Khi nước chảy mạnh vỡ bờ như sinh ra bởi lòng mẹ, ai đã lấy cửa mà ngăn lại, lúc Ta lấy mây làm áo che nó, và lấy u tối che phủ nó như khăn bọc con trẻ? Ta đã vạch biên giới chung quanh nó, đã đặt khung cửa và then chốt mà phán rằng: “Ngươi chảy đến đây mà thôi, không được chảy xa nữa và vỗ sóng ba đào cũng phải dừng tại đây”.
Mầu nhiệm Quan phòng và sự Khôn ngoan của Thiên Chúa vượt xa cái triết lý “nhân quả nhãn tiền” của nhà Phật. Ai công chính như Gióp mà vẫn bị dập vùi tai nạn! Ai công chính hơn Đức Kitô Con Một Thiên Chúa nhưng phải kề môi nhấp cạn chén đắng thập giá! Thế nhưng, cái “nhân quả đích thực” không dừng lại ở “dập vùi tai nạn” hay “chén đắng thập giá” mà trong thành quả cuối cùng của ơn cứu độ, trong ánh sáng của nhiệm mầu Phục Sinh! Và vì thế, sự công chính đích thực không dừng lại ở sự “ăn ngay ở lành” là đủ nhưng cốt lõi chính là tìm thánh thánh ý Thiên Chúa trên cuộc đời mình, tìm thấy bàn tay Thiên Chúa đang hướng dẫn mình, tìm thấy sự hiện diện của Thiên Chúa ngay trong mọi biến cố, mọi gian nan thử thách, mọi dập vùi cay đắng… của cuộc đời!
Tin Mừng đã mạc khải: để dứt khoát một lần làm rõ nét chân lý trên, Thiên Chúa đã phải “Sai Con Một giáng trần”. Thật vậy, một khi Thiên Chúa đã cất bước đi vào trần gian, thì Ngài không còn “lẫn trốn trên các tầng mây”, không còn xa xôi ngăn cách trong cõi thánh thiện ngút ngàn mà đã trở nên một “Đấng Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. Phải chăng, trong chiếc thuyền nhân loại đang hiện diện Đấng Thiên Chúa làm người!
Thiên Chúa đang hiện diện tại đây, nơi này! Ngài sẵn sàng bị treo trên thập giá và hiện diện giữa hai người trộm cướp nơi ngã ba đường Giêrusalem, phải chăng để muôn dân thiên hạ nhìn thấy một Thiên Chúa gần gũi biết bao, một Thiên Chúa là người biết bao, một Thiên Chúa sống thực biết bao cái phận người bèo bọt, bi đát…; và để những người cũng mang kiếp đọa đầy, cũng trải qua những nỗi thống khổ thương đau, cũng hằn sâu những vết thương chí mạng… sẽ tìm được cái đáp số cho chính mình. À, thì ra Thiên Chúa cũng đi con đường đó, Thiên Chúa cũng phải kinh qua thập giá và chén đắng, cũng tiến bước trong cuộc sống đầy thương đau và cái chết trong tủi nhục…
Và đó không chỉ là những câu chuyện đã cũ của 2000 năm trước để vĩnh viễn khép lại trong lịch sử loài người. Không, dọc dài suốt hai mươi thế kỷ trôi qua, những câu chuyện về “một Đấng Thiên Chúa đang hiện diện, đang đồng hành”, những câu chuyện về sự can thiệp và những hành động yêu thương của Thiên Chúa dành cho nhân loại cứ mãi được viết tiếp, nhân lên, nối dài qua Giáo Hội Chúa Kitô, qua những người con người mang danh hiệu Kitô hữu như Augustinô, Phanxicô Assisi, Têrêsa Hài đồng, Maximilien Kolbe, Anrê Phú Yên, Anê Lê Thị Thành, Gioan Phaolô II, Mẹ Têrêsa thành Calcutta, vị á thánh thiếu niên đam mê tin học Carlo Acutis…
Chính vì thế, thái độ đúng đắn của niềm tin Kitô hữu, của chúng ta hôm nay đó là làm sao biểu tỏ sự hiện diện của Thiên Chúa qua cuộc sống đời thường của chính mình, qua mỗi hành động và ứng xử với mọi người chung quanh. Đó chính là phương hướng sống mà ngay buổi đầu Kitô giáo, thánh Phaolô đề nghị với dân thành Côrintô và hôm nay được công bố cho chúng ta trong Bài đọc 2 hôm nay: “Đức Kitô đã chết thay cho mọi người, để những ai đang sống không còn sống cho chính mình nữa, mà sống cho Đấng đã chết và sống lại vì mình”.
Vì thế, phải chăng, Chúa có hay không, Chúa hiện diện hay vắng mặt, Chúa quyền năng hay tầm thường, Chúa yêu thương gắn bó hay lãnh đạm thờ ơ… là do niềm tin và cách thể hiện niềm tin của chính chúng ta đó thôi. Và cho dù cuộc sống có ra sao thì hãy cứ vững tin:
– Ở bên kia bờ động đất và sóng thần, ở bên kia chiến trường đang đẩm máu, ở bên kia khủng bố và bạo lực… thì vẫn còn đầy những tiếng hát của loài chim, những đóa huệ sặc sỡ vẫn ung dung khoe màu, những cánh rừng non vẫn đang âm thầm vươn dậy…
– Ở bên kia những bách hại tôn giáo, những ngạo mạn khước từ một Thiên Chúa quyền năng và tình yêu, ở bên kia những ly dị, phá thai, suy đồi luân lý…, thì vẫn vang lên những tiếng khóc oa oa chào đời của bao bé thơ trong tay mẹ hiền, vẫn vang vọng những lời ca kinh ngọt ngào trong muôn ngàn cung thánh điện thờ, vẫn có hàng hàng lớp lớp những bậc chân tu như thầy Augustinô Dương Nguyên Khang, tu sĩ khổ tu Dòng Chartreuse Thụy Sĩ, hay thầy Thích Minh Tuệ, chân trần khất thực trong tấm Y phấn tảo khó nghèo…
Quả thật, trên mọi nẻo đường thế giới hôm nay, Thiên Chúa vẫn hiện diện thường xuyên, mọi thời và mọi lúc. Ngài vẫn “dựa gối mà ngủ” trên chiếc thuyền mỏng manh nhân loại; nhưng rồi sẽ chỗi dậy để thể hiện quyền năng và tình yêu muôn thuở: “Hãy im đi, hãy lặng đi”. Vì thế, điều còn lại hôm nay và cả cuộc đời là hãy nguyện cầu theo như ý của Thánh Augustino: “Xin Chúa phá vỡ sự điếc lác của con và làm tan đi sự mù lòa của con”. Amen.
Trương Đình Hiền