THIÊN CHÚA RẤT HỢP THỜI

Views: 46

(Lễ Chúa Ba Ngôi  – Năm B – 2024)

            Khi Hội Thánh kính nhớ mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, ắt hẳn có không ít người Kitô hữu nảy sinh một tư tưởng tiêu cực: chuyện quá cũ! Chính mẹ thánh Têrêsa Calcutta đã cảm nhận về thái độ tiêu cực này: “Người ta đang cố gắng biến Thiên Chúa thành món đồ cổ quý giá của quá khứ”. Tuy nhiên, sống và thể hiện niềm tin vào Thiên Chúa, đặc biệt, Thiên Chúa Ba Ngôi Vị,  cách đúng đắn và tích cực, không cho phép chúng ta “biến Thiên Chúa thành món đồ cổ quý giá của quá khứ”, mà phải là, như xác tín của chính mẹ: “Nhưng các bạn, bằng tình yêu của các bạn, bằng sự thanh thiết của đời sống các bạn và bằng lòng cảm thông của các bạn, có thể minh chứng cho thế giới biết rằng Thiên Chúa rất hợp thời”.

            Và để minh chứng cho định đề “Thiên Chúa rất hợp thời” không gì thật và sống động hơn chứng từ của một anh lính quèn thời đệ nhị thế chiến. Vâng, đây là những lời tâm sự với Thiên Chúa của một anh lính chiến tử trận mà người ta nhặt được trong túi áo của anh, một lời chứng về một Thiên Chúa “dễ gần, dễ gặp” vào chính lúc con người đối diện với sự chết: “Chúa ơi, trước đây con chưa bao giờ thưa chuyện với Ngài, nhưng bây giờ con xin chào Ngài. Họ đã nói với con rằng Ngài không hiện hữu, và như một thằng điên, con đã tin họ. Nhưng đêm hôm qua, con đã nhìn lên trời từ một lỗ nhỏ trong hầm trú. Con đã thấy vẻ đẹp của những vì sao và con nghĩ rằng vũ trụ bao la biết chừng nào. Khi đó con biết rằng họ đã nói dối. Con không biết Ngài sẽ bắt tay con không khi Ngài và con gặp nhau. Dù sao, con cảm nghĩ rằng Ngài sẽ hiểu cho tất cả những sa ngã của con. Thật lạ lùng sao con phải đến nơi khủng khiếp này mới có thể biết được Ngài. Trước đây còn đã làm gì? Con chẳng biết nói gì hơn, nhưng con đoan chắc rằng con rất hạnh phúc khi hôm nay được biết Ngài. Con cảm thấy giờ zero sắp đến. Sắp có một trận đánh khủng khiếp. Biết đâu ngay đêm nay con có thể đến nhà Ngài. Con đang khóc! Lạ quá con đang khóc, vì trước đây chưa bao giờ con khóc như thế. Bây giờ con phải đi. Nhưng vì con đi để gặp Ngài nên con không sợ chết nữa.”[1].

            Quả thật, để có thể “Tin” vào Thiên Chúa, con người cần ân ban. Thiên Chúa bằng nhiều cách ban “ơn đức tin” cho chúng ta. Tạ ơn Chúa. Chúng ta, những Kitô hữu, nhờ ơn Đức Tin qua Nhiệm Tích Thánh Tẩy nhân Danh Ba Ngôi (“Ta rửa con, nhân Danh Cha…”), chúng ta tin nhận Thiên Chúa. Và dĩ nhiên, “ân ban đức tin” luôn đi liền với “ân ban hiểu biết” để đức tin của chúng ta không bao giờ là một “mê tín”, một sự “tin vơ thờ quấy”, như lời xác quyết của Thánh Phaolô: “Người cho ta được biết mầu nhiệm ý muốn của Người, theo như điều Người ưa thích mà Người đã định từ trước trong Đức Kitô….” (Ep 1,9-11).

            Thật vậy, nếu không có “Người Con Một được Chúa Cha yêu thương ban tặng”, thì mãi mãi loài người chúng ta, có may mắn nhất thì cũng chỉ được như dân Do Thái: “tiếp cận xa xa” trước một Thiên Chúa “uy hùng cao cả khi thần hiển ở Sinai”; chiêm ngắm một Thiên Chúa “kín ẩn mịt mờ như cột lửa, áng mây dẫn đường về Đất hứa”; hay cụ thể lắm như cách thuyết minh của Môsê về những dấu chỉ biểu lộ chân dung Thiên Chúa được ghi lại trong sách Đệ Nhị Luật nơi Bài đọc 1 vừa nghe: Có bao giờ một dân tộc đã nghe lời Thiên Chúa từ trong lửa phán ra như các ngươi đã nghe mà còn sống chăng? Có bao giờ Chúa đã dùng sự thử thách, dấu chỉ, điềm lạ, chiến tranh, cánh tay quyền năng mạnh mẽ và những thị kiến khủng khiếp, để chọn lấy cho mình một dân tộc giữa các dân tộc khác, như Chúa là Thiên Chúa các ngươi đã làm tất cả các điều đó trước mặt các ngươi trong đất Ai-cập chăng?…”.

            Vâng, không có Đức Kitô, chúng ta không thể có một Thiên Chúa gần gũi thân thương để thân thưa như một em bé: “Abba”; một Thiên Chúa nghĩa tình thân mật để tâm sự như một học trò: “Thưa Thầy”; một Thiên Chúa là chỗ tựa nương yên ủi để gọi mời như một bạn đường, một khách quý: “Hỡi Khách trọ hiền lương… xin hãy đến”

            Vâng, đó chính là “dung mạo Thiên Chúa Ba Ngôi”, hay mầu nhiệm “Một Thiên Chúa Ba Ngôi Vị” mà ngày lễ hôm nay nhắm đến, cử hành. Tuy nhiên, chúng ta đừng quên, để có được một nền giáo lý về mầu nhiệm Ba Ngôi như sách Giáo Lý dạy hôm nay: “Ðức tin công giáo hệ tại điều này: thờ kính Một Chúa Ba Ngôi và Ba Ngôi Một Chúa mà không lẫn lộn giữa các Ngôi Vị, không chia cắt bản thể: vì Ngôi Cha, Ngôi Con và Ngôi Thánh Thần khác biệt nhau; nhưng Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần có cùng một thiên tính, một vinh quang, một uy quyền vĩnh cửu” (Giáo lý Công Giáo, số 266), Dân Chúa phải mò mẫm qua những bước đường dài. Riêng các Tin Mừng, chỉ có cuốn Tin Mừng thứ Tư, khi Kitô giáo đã hình thành hơn nửa thế kỷ, lời tuyên xưng “Đức Kitô là Thiên Chúa” mới xuất hiện qua câu tuyên tín của thánh Tôma Tông đồ: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!”(Ga 20,28)[2].Thì ra, niềm tin “Độc thần”, một Thiên Chúa độc nhất vô nhị của Do Thái giáo, của Cựu ước, đã có một tầm ảnh hưởng nhất định trên nền thần học, giáo lý và niềm tin Kitô!

            Trở về mạc khải của Tin Mừng, chúng ta nhận thấy rằng: danh xưng “Cha, Con, Thánh Thần”, trước tiên, được chính Chúa Giêsu nói đến trong “mệnh lệnh sai đi” truyền cho các môn đệ trước khi Ngài lên trời: “Vậy các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần”. Danh xưng “Thiên Chúa Ba Ngôi Vị: Cha, Con, Thánh Thần (Đấng bảo Trợ…)” nầy cũng thường được Chúa Giêsu nhắc đến trong các lời tâm sự, nhắn nhủ các môn sinh trong thời gian trước khi chịu khổ nạn: “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi”…; “Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em”…. (Ga 14, 9.13.16.26).

            Riêng Giáo Hội ngay từ thuở ban đầu, vừa đón nhận giáo lý đức tin về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, vừa cô đọng chân lý nền tảng đó thành những lời vinh tụng ca trong Phụng vụ như lời chào chúc mở đầu Phụng vụ Thánh lễ: “Nguyện xin ân sủng Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần…” (2 Cr 13,13); hay trong bài ca vinh tụng kết thúc Kinh Nguyện Thánh Thể: “Chính nhờ Người với Người và trong Người mà mọi danh dự và vinh quang đều quy về Chúa là Cha Toàn năng trong sự hợp nhất của Chúa Thánh Thần đến muôn đời”.

            Tuy nhiên, chân lý Thiên Chúa Ba Ngôi, cho dù cao cả và thâm sâu cách mấy, cũng không phải chỉ để tuyên xưng, vinh tụng như một công thức mà chính là để thấm nhập vào từng ngõ ngách cuộc sống; như dấu chỉ Thánh Giá nhân danh Ba Ngôi đã theo suốt cuộc đời người Kitô hữu từ khi mở mắt chào đời cho đến khi nằm sâu dưới huyệt mộ.

            Hơn nữa, như định nghĩa của Thánh Gioan: Thiên Chúa là Tình yêu (1 Ga 4,8). Vì thế, Thiên Chúa Ba Ngôi cũng chính là Thiên Chúa Tình yêu, một tình yêu trọn hảo, thâm sâu, hiệp nhất nên một giữa Ba Ngôi Vị: Cha, Con, Thánh Thần; một tình yêu khuôn mẫu cho các gia đình Kitô hữu, cho các cộng đoàn thánh hiến, cho các tổ chức tông đồ…

            Trong một thế giới đang thiếu vắng những giá trị “tin, yêu, hy vọng” và đang rất cần những chứng nhân của tình yêu và sự hiệp nhất đích thực, thì huyền nhiệm Thiên Chúa Ba sẽ là một thúc bách mạnh mẽ để mọi gia đình Kitô hữu, mọi thành phần Hội Thánh làm mới lại những cam kết tin cậy mến mang “dấu ấn Ba Ngôi của nhiệm tích Thánh Tẩy”, những cam kết hiệp nhất yêu thương theo “dáng đứng Thiên Chúa Ba Ngôi” của bí tích Hôn Phối, những cam kết dấn thân phục vụ và hy sinh quên mình theo “phong cách Ba Ngôi” của bí tích Truyền Chức, Thêm Sức…

            Sau hết, chúng ta đừng quên: chân lý Ba Ngôi luôn gắn liền với “mệnh lệnh lên đường”: “Vậy các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần; giảng dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con. Và đây Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”. Vì thế, không phải chỉ hôm nay, mà mọi phút giây trong cuộc đời Kitô hữu đều là những chắt chiu, nỗ lực để mang Chúa đến cho mọi người; không phải một Thiên Chúa “cau có khó chịu”, một Thiên Chúa “ở tận trên các tầng mây”, một Thiên Chúa “khắc nghiệt để sợ hãi”… nhưng là một “Thiên Chúa tình yêu”, Thiên Chúa của hạnh phúc và niềm vui”. Vì chưng, như lời dạy của Thánh Phaolô Tông đồ: “không phải anh em đã nhận tinh thần nô lệ trong sợ hãi nữa, nhưng đã nhận tinh thần nghĩa tử; trong tinh thần ấy, chúng ta kêu lên rằng: “Abba – lạy Cha!”. Nói cách khác, như lời của mẹ thánh Têrêsa Calcutta, chúng ta có thể minh chứng cho thế giới biết rằng Thiên Chúa rất hợp thời”.

Trương Đình Hiền


[1] TRANG MẠNG GIÁO PHẬN CẦN THƠ; website: https://gpcantho.com/soi-chi-do-chua-nhat-le-kinh-thien-chua-ba-ngoi-b/; SCĐ Lễ kính Thiên Chúa Ba Ngôi B.

[2] LM. MATTHEW NGUYỄN KHẮC HỶ, Lịch sử hình thành thần học Thiên Chúa Ba Ngôi, website Trung Tâm Học vấn Đa Minh.