TIẾNG “VÂNG” CỦA “NGƯỜI CON THỨ NHẤT”

Views: 36

(CHÚA NHẬT 26 THƯỜNG NIÊN A 2020)

Khi bàn về “thánh nhân” và “tội nhân”, trong văn hoá Phật giáo có câu châm ngôn: “Quay đầu là bờ”; và thánh Giáo phụ Augustino cũng đã để lại một phát biểu thâm thuý: “Không có thánh nhân nào không có quá khứ và cũng không có tội nhân nào không có tương lai”. Theo thánh nhân, “quá khứ” đó chính là “tội lỗi” và “tương lai” đó chính là “ơn thánh”, sự “thánh thiện”! Riêng vua Đavít, sau khi phạm tội tày trời, đã từng xác tín thân thưa với Chúa: “Lạy Thiên Chúa, tế phẩm dâng Ngài là tâm thần tan nát, một tấm lòng tan nát giày vò, Ngài sẽ chẳng khinh chê” (Tv 50,19; và nhờ thái độ khiêm hạ sám hối, ngài đã trở thành “thánh vương” và là “Tổ phụ của Đấng Cứu Thế”!  Và chúng ta cũng đừng quên: “hoán cải, sám hối” chính là sứ điệp đầu tiên của Chúa Giêsu trong chương trình rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa của Ngài: “Sau khi ông Gio-an bị nộp, Đức Giê-su đến miền Ga-li-lê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. Người nói: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.” (Mc 1,14-15).

            Quả thật, xuyên suốt qua mạc khải Thánh Kinh, chân lý về “sám hối, hoán cải” nầy không là chuyện mới mẻ, đột xuất ! Sách sứ ngôn Êdêkien trong bài đọc 1 hôm nay nhắc lại cho cộng đoàn chúng ta chính lời đoan thệ từ ngàn xưa của Thiên Chúa: “Nếu kẻ gian ác bỏ đàng gian ác nó đã đi, và thực thi công bình chính trực, nó sẽ được sống. Nếu nó suy nghĩ và từ bỏ mọi tội ác nó đã phạm, nó sẽ sống chớ không phải chết”.

            Trong khi đó, Tin Mừng Matthêô tường thuật tiếp một dụ ngôn của Chúa Giêsu như một cách “trả lời thẳng mặt” cho đám Biệt phái và luật sĩ” về quan niệm đạo đức, thánh thiện đích thực của Ngài. Thật vậy, từ hình ảnh “Người công nhân giờ thứ 11” của “Dụ ngôn Vườn Nho” (Mt 20,1-16) nơi Chúa Nhật tuần trước – 25 TN A) đến chân dung “người con thứ nhất” trong “Dụ ngôn hai người con” (Mt 21,28-32) của Chúa Nhật tuần nầy (26 TN A), hình như Thánh sử Matthêô muốn trình bày liền lạc một “điểm nhấn Tin Mừng”: khiêm hạ và hoán cải. Đây cũng là “sứ điệp” nhằm “lật tẩy” cái lối sống đạo giả hình và hành xử thiếu nhân bản đối với anh chị em mình, nhất là đối với những người yếu đuối, tội lỗi, khó nghèo… của nhóm mệnh danh là “tinh hoa Do Thái Giáo” lúc bấy giờ.

            Tuy nhiên, trong bản chất và cùng đích của Phụng Vụ, sứ điệp Lời Chúa được công bố hôm nay, tại Bàn Tiệc Hy tế Tạ Ơn nầy, không chỉ liên quan đến những người luật sĩ và biệt phái ngày xưa, mà vẫn còn nguyên giá trị giáo dục đức tin dành cho tất cả chúng ta hôm nay.

            Trước hết, chúng ta thử dừng lại nơi chân dung của “Người con thứ nhất”.

            Không còn gì để nghi ngờ, trong dụ ngôn nầy, chắc chắn Chúa Giêsu muốn chúng ta chọn thái độ và tâm tình “hoán cải” của “người con thứ nhất”: đó là kẻ ban đầu, do yếu đuối và nông nỗi, đã khước từ, nhưng sau đã hoán cải mà thi hành ý muốn của người cha: Ông đến với đứa con thứ nhất và bảo: ‘Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho cho cha!’ Nó thưa lại rằng: ‘Con không đi’. Nhưng sau nó hối hận và đi làm (Mt 21,28-29); rồi liền sau đó, Chúa Giêsu đã cắt nghĩa việc ám chỉ dành cho “người con thứ hai”, những người thường vỗ ngực tự hào hiểu biết và giữ nghiêm luật Chúa nhưng thiếu tấm lòng khiêm hạ hoán cải: Ông đến gặp đứa con thứ hai và cũng nói như vậy. Nó thưa lại rằng: ‘Thưa cha, vâng, con đi’. Nhưng nó lại không đi.… “Tôi bảo thật các ông, những người thu thuế và gái điếm sẽ vào nước Thiên Chúa trước các ông. Vì Gioan đã đến với các ông trong đường công chính, và các ông không tin ngài; nhưng những người thu thuế và gái điếm đã tin ngài. Còn các ông, sau khi xem thấy điều đó, các ông cũng không hối hận mà tin ngài”.

            Chúng ta dễ dàng nhận ra khuôn mặt “người con thứ nhất”, những kẻ đã từng xa lạc lối đường của Chúa, hoặc từng khước từ, chối bỏ, phản bội… mà Tin Mừng đã khắc hoạ đó đây:

– “Người con thứ nhất” đó chẳng phải là một Lêvi thu thuế, tội lỗi, đã một thời chạy theo tiền bạc, vinh hoa trần tục, nhưng đã nghe tiếng gọi mà bỏ bàn thu thuế, đứng dậy theo Đức Kitô để trở thành Tông Đồ sao ?

– “Người con thứ nhất” đó chẳng phải là một “phụ nữ tội lỗi” quyết giã từ một quá khứ đen tối để với những giọt nước mắt sám hối chân thành nhỏ trên chân Chúa, đứng lên làm lại cuộc đời trong ánh sáng và tình yêu sao ?

– “Người con thứ nhất” đó chẳng phải là một tay trọc phú thuế vụ GiaKê với thái độ tò mò đến ngây thơ trèo lên cây sung để nhìn cho được mặt Chúa, rồi sau đó tiếp rước Chúa vào nhà mà bắt đầu một cuộc sống mới sao ?

– Và “Người con thứ nhất” đó chẳng phải là tên tử tội bị đóng đinh bên tay phải Chúa sắp sửa lìa đời đã ngước nhìn về phía của Chúa Chịu đóng đinh với những lời thân thương và đầy lòng trông cậy: “Khi Thầy vào Nước của Thầy, xin nhớ đến tôi”…Và Chúa đã hứa chắc: “Hôm nay ngươi sẽ ở trên thiên đàng với Ta” ?

– Vâng, “Người con thứ nhất” đó cũng chính là những người mà trong dụ ngôn Tin Mừng hôm nay Ngài đã long trọng công bố đích danh trước mặt những ký lục và biệt phái: “Người thu thuế và hạng gái điếm sẽ vào Nước Trời trước các ông”. 

            Đừng quên: Giáo Hội ngay từ thuở ban đầu đã được làm nên bởi phần đông những con người như thế: những kẻ đã từng bỏ Thầy chạy trốn như các Tông Đồ, chối Thầy ba lần như Phêrô, bắt bớ đạo Chúa như Phaolô, những cô gái điếm hoàn lương, những anh chàng mù sáng mắt, những phụ nữ lẽo đẽo tháp tùng Chúa đi lên đồi Sọ, những bà góa nghèo chỉ có mấy đồng xu ten để bố thí, những kẻ phung cùi lành bệnh, những thanh niên đã từng bị quỷ ám, những trẻ thơ được Chúa chúc lành, người phụ nữ bệnh hoạn đã từng chạm đến gấu áo Chúa Giêsu…

            Và sau đó, trong ký ức của Hội Thánh, chúng ta lại đọc thấy bao nhiêu bóng dáng những “người con thứ nhất” như:

– Augustinô đã có một thời thanh niên buông thả và lầm lạc, nhưng rồi, nhờ những giọt nước mắt nguyện cầu của người mẹ tuyệt vời Monica, sau đó đã trở thành Giám Mục và Giáo Phụ thời danh của Hội Thánh trong những thế kỷ đầu tiên.

– Phanxicô Assisi, chàng thanh niên giàu có lêu lổng, đã từng lựa chọn cuộc sống ngược lại Tin Mừng, nhưng rồi một lần nghe tiếng gọi của Lời Chúa và cương quyết dấn thân vào con đương hẹp của Tin Mừng. Cuộc đổi đời và sám hối đó đã thổi vào Giáo Hội lúc bấy giờ và mãi cho tới hôm nay một luồng gió canh tân trở về nguồn cội của Tin Mừng.

– Trong lịch sử Giáo Hội Viêt Nam, cũng không thiếu những Chứng nhân anh hùng, như các Thánh Phan Viết huy, Bùi Đức thể, Đinh Đạt, là những quân nhân, dù cho đã có lần yếu đuối chối đạo, nhưng sau đã trở lại cương quyết làm chứng đức tin và đã anh dũng lãnh nhận cành lá thiên tuế Tử đạo…

            Vâng, đó là “những người con thứ nhất” mà dụ ngôn Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu từng ám chỉ. Và như thế, “Vườn Nho của Cha” mãi mãi đang cần những hạng “người con thứ nhất” đó để đi vào canh tác và xây dựng, để chăm sóc và giữ gìn. Và như thế, tất cả chúng ta đều có lý do để hân hoan cảm tạ, để phấn chấn và hy vọng ắp đầy. Bởi vì chúng ta đang thấy mình trong chân dung của “người con thứ nhất”, người con đã hơn một lần nghe tiếng Cha vẫy gọi “Hãy đi làm vườn nho cho Cha nhé!” nhưng đã yếu đuối khước từ vì biết bao lỗi lầm thiếu sót, bao phản bội vong ân… và rồi khiêm hạ trở về trong canh tân sám hối.

            Vâng, sám hối ăn năn, làm lại cuộc đời, phải chăng đó chính là của lễ mà Chúa ưa thích nhất: “Tế phẩm dâng Ngài là tâm thần tan nát., một tâm hồn tan nát giày vò Ngài sẽ chẳng khinh chê” (Tv 50), và đó cũng chính là tâm tình khiêm hạ và vâng phục của chính Chúa Giêsu, một chọn lựa căn bản để Ngài hoàn tất chương trình cứu độ nhân loại: “Người tuy là thân phận Thiên Chúa, đã không nghĩ phải dành cho được ngang hàng với Thiên Chúa; trái lại, Người huỷ bỏ chính mình mà nhận lấy thân phận tôi đòi, đã trở nên giống như loài người với cách thức bề ngoài như một người phàm. Người đã tự hạ mình mà vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá.” (BĐ 2).

            Trong một xã hội mà sự giả dối, giả hình đã trở thành một cơn bệnh trầm kha: người ta cố khoác lên mình những “bộ cánh” công chính, những “chiếc mặt nạ” thiện lương để mưu đồ danh lợi, chức quyền…, thì người Kitô hữu được Lời Chúa gọi mời “hãy cảm nghĩ trong anh em điều đã có trong Đức Giêsu Kitô”, tức là “cùng một niềm vui, được cùng chung một lòng mến, được đồng tâm nhất trí với nhau, chớ làm điều gì bởi ý cạnh tranh hay bởi tìm hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi kẻ khác vượt trổi hơn mình, mỗi người đừng chỉ nghĩ đến những sự thuộc về mình, nhưng hãy nghĩ đến những sự thuộc về kẻ khác…” (Bđ 2).

            Chính trong tâm tình đó, chúng ta sẽ nhiệt thành đáp lại lời kêu gọi của Thiên Chúa trên mọi nẻo đường đời: “Con hãy đi làm vươn nho cho Cha nhé”… không phải bằng một tiếng “vâng” của đãi bôi môi mép… mà phải là tiếng “xin vâng đầy lòng khiêm hạ khó nghèo và ăn năn sám hối”; tiếng “xin vâng” của “Người CON MỘT” khi cất bước vào đời: “Nầy con xin đến để thực thi Thánh ý Cha…”, tiếng “xin vâng” của người Trinh Nữ Maria ở Nadarét: “Tôi xin vâng như lời thiên sứ truyền cho tôi”; tiếng “xin vâng” được dệt bằng cả một cuộc đời “lắng nghe và thực thi Lời Chúa”, bằng những bước chân can đảm “đứng lên trở về nhà Cha”… . Amen.

 

Trương Đình Hiền.