Views: 14
(CN 5 MC Năm C 2025)
Có rất nhiều người cho rằng: “Lòng thương xót” là một “ân ban có điều kiện”. Anh nhận được “lòng thương xót” vì anh “có công cách mạng”, vì anh “thuộc diện chính sách”, hay, vì anh thuộc loại “con ông cháu cha”, anh đã có nhiều công trình khoa học xuất chúng, nhiều tác phẩm vĩ đại… Câu chuyện sau đây lại cho chúng ta thấy rằng: “Lòng thương xót” đúng nghĩa hoàn toàn không phải là “ân ban có điều kiện” nhưng là “ân ban hoàn toàn miễn phí”!
Một người đàn bà đến với Vua Napoléon để cầu xin cho đứa con trai của bà khỏi bị xử tử. Nhà vua dựa vào Luật pháp và cho biết rằng theo công lý thì con trai bà phải chết. Bà nói:
– Muôn tâu Bệ Hạ, tôi đến đây không phải để xin công lý mà xin lòng thương xót.
– Nhưng con bà không đáng hưởng lòng thương xót. Vua trả lời.
Nhưng bà lập luận:
– Nếu nó đáng thì đâu phải là lòng thương xót nữa.
Cuối cùng nhà vua phải chấp thuận:
– Được rồi. Ta sẽ tỏ lòng thương xót đối với nó.
Người con trai ấy đã được tha chết.
Vâng, Lòng thương xót không phải là “tiền công trả cho một điều gì xứng đáng”, mà là một “ơn ban miễn phí”; nhất là khi “lòng thương xót” của Thiên Chúa dành cho con người tội lỗi!
Với Chúa Nhật thứ V Mùa Chay này, Phụng vụ của Giáo Hội gần như muốn vén mở cho cộng đoàn Dân Chúa huyền nhiệm về lòng thương xót của Thiên Chúa, một “ân ban miễn phí” mà con người nhận được qua cuộc khổ nạn của Đức Kitô. Thật vậy, cái chết và sự sống lại của Chúa Giêsu mà chúng ta sắp long trọng cử hành “tưởng niệm-tái diễn” là biểu hiện cao nhất và rõ nhất tình thương cứu độ của Thiên Chúa; một tình thương sẵn sàng hy sinh trọn vẹn để “gánh tội trần gian”, sẵn sàng lấy “Máu châu báu để rửa sạch tội khiên”. Phải chăng đó là ý nghĩa cuối cùng và cao cả nhất của “khổ nạn, của thương khó”. Chính vì thế mà ngày xưa, phụng vụ đã bắt đầu gọi tên Chúa Nhật và Tuần lễ nầy là “Chịu Nạn” (Dominica Passionis), như để gọi mời tất cả chúng ta hướng về Thập Giá Chúa Kitô với niềm tin yêu, phó thác và trở lại với Ngài bằng cõi lòng thống hối ăn năn.
Vâng, Lòng thương xót của Thiên Chúa được biểu lộ trong cuộc thương khó của Đức Kitô không bao giờ là một sự “bố thí” để giữ chặt con người trong thân phận của một kẻ “nô lệ vì hàm ơn”, một kẻ luôn mang “mặc cảm được thương hại” để đánh mất cái phẩm giá và tự do cao cả của mình. Không, tình yêu thập giá của Đức Kitô là một “tình thương giải thoát”, là “lòng xót thương mở ra” cả một chân trời đầy sức sống và hy vọng để vươn mình về phía trước, để xây đắp tương lai.
Chính ngôn sứ Isaia qua trích đoạn được công bố nơi Bài đọc 1 hôm nay đã phần nào minh họa đặc tính phong phú, sinh động, tự do và sáng tạo của tình thương này, của lòng thương xót này: “Đây Ta sẽ làm những cái mới và giờ đây chúng sẽ xuất hiện, như các ngươi sẽ biết; Ta sẽ mở đường trong hoang địa, và khai sông nơi đất khô khan. Thú đồng, muông rừng và chim đà sẽ ca tụng Ta, vì Ta đã làm cho hoang địa có nước và đất khô khan có sông, để dân yêu quý của Ta có nước uống; Ta đã tác tạo dân này cho Ta, nó sẽ ca ngợi Ta”.
Thiên Chúa thương xót Dân riêng của Ngài, Israel của một thời Cựu ước, không nhằm giam hãm họ trong thân phận của những kẻ “nô lệ hàm ơn” khô khốc như hoang địa mà là một dân được đổi mới, một dân đầy sức sống tươi mát như hoang địa ngập nước của những dòng sông!
Cho dù đã được giáo dục như thế, răn dạy như thế, nhưng hầu như dân Israel vẫn điếc lác mù lòa, bưng tai bịt mắt, như câu chuyện minh họa đầy ý nghĩa của tác giả Tin mừng thứ Tư: chuyện người phụ nữ ngoại tình bị bắt tại trận!
Trước hết, thánh sử Goan đã dành cho câu chuyện “vụ án người phụ nữ bị bắt quả tang ngoại tình” một cái kết bất ngờ, rất “có hậu” chỉ với mấy lời ngắn ngủi: còn lại một mình Chúa Giêsu với người thiếu phụ vẫn đứng đó. Bấy giờ Chúa Giêsu đứng thẳng dậy và bảo nàng: “Hỡi thiếu phụ, những người cáo chị đi đâu cả rồi? Không ai kết án chị ư?” Nàng đáp: “Thưa Thầy, không có ai”. Chúa Giêsu bảo: “Ta cũng thế, Ta không kết tội chị. Vậy chị hãy đi, và từ nay đừng phạm tội nữa”.
Quả thật, thánh Gioan gần như đã “vẽ” nên một bức tranh Tin mừng sinh động tuyệt vời, khi xua đi mọi nhân vật trơ trẻn hạ tiện, mọi ồn ào khích động bất công, mọi mọi âm mưu đố kỵ đen tối… để chỉ còn rực sáng lên hai con người, hai nhân vật: Đức Giêsu hiện thân của tình thương cứu độ, khoan dung, tha thứ của Thiên Chúa, và người phụ nữ phạm tội ngoại tình, hiện thân của của một nhân loại bẽ bàng, tội lỗi, đáng thương… Thánh Giáo phụ Augustinô đã kết luận chí lý: Chỉ còn lại hai người: lòng thương xót và kẻ đáng thương (Misericordia et Misera – Mercy with Misery).
Với câu chuyện mang tính “ngụ ngôn” này, quả thật, thánh Gioan đã cho chúng ta khám phá sự mạc khải của Đức Kitô về chân dung đích thực của Thiên Chúa: Thiên Chúa là tình yêu, Thiên Chúa là Đấng Cứu độ; chứ không là một Thiên Chúa vô hồn nghiêm khắc, lạnh lùng và ác độc mà một số người Do Thái thời Chúa Giêsu, những kẻ thường vỗ ngực tự xưng là “kinh sư, biệt phái” đang rao giảng và đầu độc dân Chúa. Vâng, đó là những kẻ sẵn sàng quên mất những lời dạy của sách Lêvi “yêu thương anh em như chính mình” (Lv 19,18), để chỉ nhớ một điều “phải giết chết kẻ nào phạm tội ngoại tình” (Đnl 22,22), nên đã rình bắt cho được một người chị em đồng bào lỡ lầm yếu đuối để đem làm mồi nhữ cho một âm mưu đen tối của chính mình mà không đoái hoài gì đến nhân phẩm, danh dự của một con người “mang ảnh hình Thiên Chúa”.
Sứ điệp Tin mừng về câu chuyện “người phụ nữ ngoại tình” đã cho chúng ta biết được rằng: chỉ cần một ánh mắt yêu thương với một lời khoan dung “ta cũng không kết án chị đâu. Chị hãy đi đi và đừng phạm tội nữa”, người phụ nữ đáng thương dơ dáng dị hình, bẽ bàng thân phận… đã chỗi dậy và làm lại cuộc đời trong đầy ắp tin yêu và hy vọng. Phải chăng đó cũng chính là kinh nghiệm của một Phaolô ngã ngựa, khi đã chạm mặt Thầy chí thánh, thì chỉ còn “coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi”…; và cũng từ đó, chàng Phaolô biệt phái cực đoan, nhiệt thành với luật Môsê, sẵn sàng “ném đá những tên Kitô hữu phản động”,thì đã hân hoan, can đảm “quên đi chằng đường đã qua, để lao mình về phía trước” (BĐ 2), trở thành người loan báo Tin vui về ơn tha thứ và tình thương cứu độ của Thiên Chúa.
Mùa Chay Kitô giáo sắp sửa tiến về đoạn kết mà thập Giá Đức Kitô đã sáng lên như ngọn đuốc thiêng bừng cháy soi chiếu vào thế giới hôm nay, một thế giới đang đầy tràn những nỗi bất công của hận thù, ghen ghét, của âm mưu đen tối và bạo lực hoành hành. Ngọn đuốc đó chính là Tình thương cứu độ, chính là khoan dung tha thứ, chính là sự phục sinh toàn vẹn phẩm giá con người trong ân sủng và tự do của đời sống con cái Chúa.
Ước gì mọi người Kitô hữu chúng ta, ước gì mọi anh chị em dự tòng trên khắp thế giới, đứng thẳng lên, hướng về Thập giá của Đức Kitô để hát to lên chính lời Thánh vịnh tự ngàn xưa: “Lạy Chúa, xin hãy đổi số phận chúng con, như những dòng suối ở miền nam. Ai gieo trong lệ sầu, sẽ gặt trong hân hoan.”
Trương Đình Hiền