Views: 45
(Chúa Nhật 19 TN A 2020)
Nếu quá trình hình thành “Dân ưu tuyển” trong thời “lịch sử cứu độ tiền Kitô” đã kinh qua không biết bao nhiêu cuộc “thăng trầm dâu bể”: tuyển chọn, di cư, nô lệ, xuất hành, vào đất hứa, xây dựng vương quốc, chiến tranh, chia cắt, lưu đầy, hồi hương, tan tác…, thì cũng qua bấy nhiêu cuộc “tang thương” đó, dân được chọn Israel cuối cùng cũng học được một kinh nghiệm tuyệt vời: THIÊN CHÚA LUÔN HIỆN DIỆN TRÊN MỌI NẺO ĐƯỜNG LỊCH SỬ.
Phải chăng, chính nhờ “kinh nghiệm tín ngưỡng” có một không hai nầy mà chỉ có mình dân tộc Do Thái, sau gần hai ngàn năm bị xoá tên trên trên bản đồ thế giới, đã vùng lên tái lập lại đất nước, tái thiết dân tộc, mà cứ sự thường, đất nước đó, dân tộc đó, đã trở thành một cái tên vang bóng một thời của tro tàn lịch sử.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay cũng muốn khơi gợi lại kinh nghiệm thiêng liêng độc đáo nầy cho Dân Mới khi được Phụng Vụ dẫn dắt vào việc hiểu và sống sứ điệp “mầu nhiệm Nước Trời” của Chúa Kitô, một chủ đề mà Tin Mừng Matthêô liên tiếp chuyển tải qua liền lạc mấy Chúa Nhật tiếp nhau.
Trước hết là kinh nghiệm “gặp gỡ Chúa của tiên tri Êlia trên núi Horeb” (BĐ 1): “Chúa không ở trong gió bão…; Chúa không ở trong cơn động đất…; Chúa không ở trong lửa…; Sau lửa thì có tiếng gió hiu hiu. Vừa nghe thấy, Êlia liền lấy áo choàng che mặt lại, đi ra đứng ở cửa hang.”.
Thì ra, đã từ xa xưa trong thời Cựu ước, cho dù không ít lần Thiên Chúa đã dùng những dấu lạ quyền uy để hiển dung và biểu lộ sự hiện diện quyền năng của Ngài: Những tai ương giáng xuống đất nước Ai Cập, cuộc xuất hành qua Biển Đỏ ráo chân, cuộc thần hiển ban Mười điều răn trên núi Sinai…, thì Ngài lại luôn đòi hỏi chúng ta cần nhận ra sự hiện diện của Ngài cho dù chỉ là “hiu hiu một cơn gió nhẹ thì thầm”, qua những hành vi quan phòng, yêu thương giản đơn, nhỏ nhặt giữa đời thường cuộc sống.
Quả thật, như một câu ngạn ngữ của người Trung Hoa: “Một cây đổ thì ồn ào hơn là một cánh rừng đang mọc”, đức tin đúng nghĩa vào sự hiện diện và sự can thiệp lạ lùng của Thiên Chúa chính là nhận ra điều kỳ diệu, nhận ra “phép lạ” nơi “cánh rừng đang mọc”, nơi “những con chim sẻ không đáng mấy đồng xu”, nơi “cánh hoa huệ bên bờ ruộng giữa đồng quê”…
Và đó lại chính là sự mạc khải về dung mạo Thiên Chúa nơi thời Tân ước khi Thiên Chúa hoá thân nhập thể vào đời trong thân phận của “một kẻ phàm nhân ngoại trừ tội lỗi”.
Thật vậy, Đức Kitô, “Vị Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Emmanuel), đã chọn con đường hiện diện âm thầm, khiêm hạ và ẩn khuất: ba mươi năm lao động trong xưởng thợ mộc ở Na-da-rét, ba năm nắng dãi mưa dầu lên Bắc xuống Nam mà tài sản trong tay “một viên đá gối đầu cũng không có được”, hay những giây phút hấp hối đắng cay của một tên tội đồ trần truồng trên cây thập giá ở đồi Can-Vê… Vâng, đó chính là Vị Con Thiên Chúa, Vua Nước Trời, Đấng Thiên Sai… mà chỉ những con người có đôi mắt “của người trộm bị đóng đinh bên phải Chúa” mới nhận ra: “Nếu Ngài đi vào Vương quốc của Ngài, xin nhớ đến con” !
Và Đức Kitô đã muốn các môn sinh của Ngài, Giáo Hội mà Ngài thiết lập, cũng phải đi qua kinh nghiệm “xương máu” đó, kinh nghiệm nhận ra Ngài, bám chặt vào Ngài, không phải qua những con đường thành công hãnh tiến, quyền lực ngợp trời…nhưng là trên những nẻo bấp bênh, bách hại, vùi dập…như “những bước chân trên sóng” của Tông Đồ Phêrô như Tin Mừng vừa công bố. Vâng, Phêrô đã “có những bước chân trên sóng” lao thẳng về phía Đức Kitô. Điều đó không có nghĩa là Phêrô mạnh mẽ, vững vàng, hay quyền năng tài phép. Không có gì hết. Vì chỉ mới mấy bước trên sóng, niềm tin hầu sụp đổ, ông ta sắp chìm xuống. Tuy nhiên, lời cầu khẩn của Phêrô lúc nầy xem ra lại là bước quyết định: “Lạy Thầy, xin cứu con !”.
Trong tác phẩm lừng danh “QUO VADIS”, Nhà văn Ba Lan, H. Sienkievich đã tái hiện lại tâm trạng nầy của “người chài lưới Phêrô” khi một thân một mình với đàn chiên ốm đói, thương tích đầy mình…phải đối diện với một Rôma uy quyền đầy thế lực: Phêrô đã run rẩy ngẩng mái đầu bạc trắng của mình lên trời cao mà thầm thĩ: “Chúa ơi ! Con biết làm gì đây với thành phố mà Người sai con tới ? Của y cả biển cả và đất liền, của y cả muông thú trên mặt đất và thủy tộc dưới nước, của y cả những vương quốc và thành quách, cả 30 chiến đoàn đang canh giữ. Còn con, lạy Chúa, chỉ là một tên ngư phủ ở ao hồ. Con biết làm gì đây ? Làm sao con thắng được sự dữ của y ?”.
Câu chuyện của 2000 năm trước hình như luôn được lặp lại trên suốt chiều dài lịch sử của Giáo Hội như là kim chỉ nam để Giáo Hội kiên cường đi tới cho dù phải đối diện với những khó khăn và thử thách, với những phong ba và bão táp bên trong cũng như bên ngoài con thuyền Giáo Hội.
Mà không chỉ dành riêng cho Giáo Hội, dù Phêrô là người lãnh đạo cộng đoàn Dân Chúa, tất cả chúng ta đều có thể nhìn thấy đời mình nơi đó: với niềm tin bên cạnh những phút giây nghi nan và ngờ vực ; với mừng vui xen lẫn những âu lo và sợ hãi ; với vững tâm rồi lại chao đảo ngả nghiêng… Chính với những bước chân trên sóng của Phêrô ngày xưa ấy, mỗi người chúng ta có thể nhận ra thân phận mỏng manh yếu đuối của chính mình. Và cũng nơi Phêrô ấy, mỗi người cần hun đúc lại niềm cậy trông: “Lạy Thầy, xin cứu con !”
Và như thế, “sứ điệp những bước chân trên sóng” được đề nghị hôm nay lại mang chiều kích của tình yêu. Bước chân của Phêrô ngày nào phải chăng đã đong đầy sức mạnh của tình yêu phó thác. Hơn nữa, đặc tính muôn đời của tình yêu đó chính là dễ đem lại “gần Chúa” và “gần nhau” ; và cho dù có xa xăm cách trở, vẫn có một thứ “thần giao cách cảm” nối liền những trái tim, nối kết những đôi bờ. Cứ thử dựa đầu vào ngực Chúa như Thánh Gioan tông Đồ trong bữa Tiệc Ly, cứ thử quanh quẩn bên mộ trống như Maria Mađalêna, cứ thử tò mò xem mặt Chúa như Giakêu, cứ thử kêu cầu Chúa khi đối diện với gian nan thử thách như Phêrô “Lạy Thầy, cứu con”…chắc chắn chúng ta sẽ nhận ra Chúa đang có ở đây, đang đồng hành bên ta, đang mĩm cười dìu ta đi tới… ; bởi vì, dẫu “trong cơn gió nhẹ vẫn có Ngài” !
Và chút nữa đây, Chúa Kitô lại đến với ta trong tấm bánh nhỏ giản đơn và khiêm tốn. Chính trong sự hiện diện đầy khiêm hạ nhưng vô cùng sâu thẳm nầy, Ngài đang tiếp tục nói với chúng ta, với toàn thế giới: “Thầy đây, đừng sợ” !
Và như thế, trên những con đường chông gai cuộc sống hay giữa mênh mông biển đời thăm thẳm bao la, chúng ta hãy mang lấy “Luơng thực trường sinh” nầy gieo bước giữa dòng đời và chèo thuyền về muôn lối trong niềm xác tín như thánh Phaolô rằng: cũng giống như dân Do Thái ngày xưa và các Tổ phụ của họ, vì chúng ta “mà Đức Kitô sinh ra phần xác, Người là Thiên Chúa trên hết mọi sự, đáng chúc tụng muôn đời.” (BĐ 2)
Vì thế, hãy cầu nguyện cho nhau luôn có đôi mắt tâm hồn tinh anh để luôn sớm nhận ra Chúa đang có mặt ở đây mà đưa tay cho Ngài nắm giữ, có đôi tai tâm hồn mẫn thính để sớm nghe được Lời Chúa vang lên nơi đây “Thầy đây đừng sợ” mà đón Ngài lên thuyền cuộc đời và có trái tim công chính, trinh trong để sớm tin vào quyền năng và tình yêu của Thiên Chúa mà “đến bến bình an”. Amen.
Trương Đình Hiền