Views: 42
(CHÚA NHẬT 21 THƯỜNG NIÊN C 2019)
Ngày thứ năm (22/8) vừa qua, có nhiều Hội Dòng Mến Thánh Giá tại Việt Nam long trọng cử hành đại lễ Khấn Dòng. Năm nay, 2019, Liên Hội Dòng Mến Thánh Giá tại Việt Nam (26 Hội Dòng) cùng với các Hội Dòng Mến Thánh Giá hải ngoại như Dòng Mến Thánh Giá Los Angeles Hoa Kỳ, Campuchia, Lào và Thái Lan đã long trọng cử hành Năm Thánh kỷ niệm 350 năm thành lập Dòng Mến Thánh Giá tại Việt Nam (Bao gồm cả Đàng ngoài 1670 và Đàng Trong 1671).
Sở dĩ nhắc đến Dòng Mến Thánh Giá trong Phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật 21 hôm nay là vì “tên gọi” của Hội Dòng nầy – “MẾN THÁNH GIÁ”, và câu châm ngôn của họ – “Chúa Giêsu chịu đóng đinh là đối tượng duy nhất của lòng trí con” – có thể nói được là rất gần gũi với sứ điệp Tin Mừng hôm nay.
Thật vậy, Tin Mừng Luca hôm nay tường thuật cuộc hành hương tiến về Giêrusalem của Chúa Giêsu; và để trả lời cho một người chất vấn về việc “chỉ ít người được cứu độ”, Chúa Giêsu đã phát biểu : “Các ngươi hãy cố gắng vào qua cửa hẹp…”.
Việc các nữ tu Mến Thánh Giá chọn “Chúa Giêsu chịu đóng đinh…” nào chẳng phải các chị đã chọn “con đường hẹp đó sao ?
Thế nhưng, khi đọc lại “thiên tình sử cứu độ”, hình như “câu chuyện CON ĐƯỜNG HẸP” lại là câu chuyện Thiên Chúa thích và ưa thực hiện.
– Con đường hẹp của cụ tổ Abraham, bỏ quê cha đất tổ, đi theo một tiếng gọi của “Đấng vô hình”, cúi đầu dẫn con một lên núi để dâng của lễ theo ý Đấng Toàn Năng…!
– Con đường hẹp của Mô-sê, lòng vòng với dân Ít-ra-en suốt 40 năm dài qua hoang mạc, để rồi ngẩn ngơ chôn thây ngoài hứa địa…!
– Con đường hẹp của các ngôn sứ như Ê-li-a, Giê-rê-mi-a, Gioan Tẩy Giả…, vì làm phát ngôn nhân cho Thiên Chúa, bênh vực đạo Trời…mà bị săn đuổi, bách hại, thiệt thân…
Vâng, Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận đã diễn tả “Con Đường Hẹp” đó một cách ví von : “Thiên Chúa luôn viết thẳng trên một đường cong”.
Mà quả thật tới “phiên” Đức Kitô cũng thế !
– Sẵn sàng chọn đói khát rách nát đau thương trong khi có thể đễ dàng biến hòn đá kia thành bánh mì ngon ơ ngọt xớt !
– Sẵn sàng chọn tủi nhục thương đau, đọa đầy nhục mạ, trong khi có thể nắm gọn trong tay mọi vương quốc và quyền lực thế gian.
– Sẵn sàng vác lấy thập giá lê những bước nhọc mệt đắng cay lên đồi Canvê để chịu đóng đinh dập vùi tan nát, trong khi có thể mở tay thực hành muôn phép lạ cả thể uy quyền…
Và Ngài gọi đó chính là con đường “Phúc thật”, “Con đường hẹp”.
Xem ra con đường nầy chỉ thích hợp với những ai thuộc về Đức Kitô và chấp nhận chọn đi trên những lối “Phúc Thật” mà Ngài đã vạch ra cách đây 2000 năm !
Là người Kitô hữu, đã từng cam kết “từ bỏ những quyến rũ bất chính” và tuyên xưng niềm tin vào Đức Kitô trong ngày lãnh bí tích Rửa Tội, lẽ nào hôm nay lại chọn đi “con đường rộng”, là con đường chỉ thích “nhậu nhẹt ăn uống với Chúa”, chỉ thích “nghe Chúa giảng dạy ở công trường”…rồi quay lưng đi theo con đường cũ của cái tôi dục vọng của riêng mình.
Trong dụ ngôn Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói chắc với những người như thế : “Ta không biết các ngươi từ đâu tới, hỡi những kẻ làm điều gian ác, hãy xéo khỏi mặt ta…”.
Nói tới con đường hẹp hôm nay chợt nhớ “những nẻo đường rất hẹp” của thời bách hại mà cha ông ta đã trải qua, được cô đọng trong 2 câu của Bài Văn Tế dịp Mừng đại lễ 400 năm Loan báo Tin Mừng tại Nước Mặn – Qui Nhơn (1618-2018) :
Thời “Bách Hại”[1] nghiệt ngã, máu đổ đầu rơi, quyết bền lòng đôi câu nghĩa hiếu.
Lúc “Phân Sáp”[2] điêu linh, gông cùm trăng trói, đành vững dạ hai chữ tín trung…”[3]
Riêng các nữ tu Dòng Mến Thánh Giá, con đường hẹp mà các chị đã chọn và đã đi còn ghi lại đầy những gương chứng nhân bi hùng trong đoạn đường dài 350 năm; trong đó, có những câu chuyện về “con đường hẹp” được kể lại như sau :
– Con đường hẹp của 40 nữ tu thuộc Dòng Mến Thánh Giá Phú Hoà, Quảng Ngãi, bị sát hại thời Văn Thân năm 1885 :
“Phần lớn các nữ tu ở khoảng 40 tuổi đã bị tàn sát ngay dưới mắt cha Guégan Hoàng sau khi đã bị chúng lột sạch áo quần. Đó là do cái lòng lang dạ thú, hay đúng hơn, cái trò ma quỷ của bọn đi cắt cổ người”.[4]
– Con đường hẹp của các nữ tu tại cô nhi viện Hoa Vông thuộc vùng truyền giáo “Nam Phú Yên”, cũng bị sát hại vào biến cố Văn Thân 1885 :
“Hồi còn là một thừa sai trẻ, năm 1888, tôi đã đến viếng đống tro tàn đổ nát của nhà dòng xinh xắn và cô nhi viện tuyệt đẹp tại Hoa Vông, hai cây cau còn nghiêng mình bên bờ giếng. Người ta bảo tôi : “Chính trên hai cây cau ấy mà chị bề trên cùng chị phụ tá đã bị treo cổ; và trong lòng giếng sâu nầy, các chị nữ tu khác đã bị xô đẩy xuống”.[5]
Lời Chúa hôm nay gọi mời chúng tiếp tục chọn đi trên “những nẻo đường hẹp” như thế.
Thật ra, “con đường hẹp” của Tin Mừng nào đâu xa lạ !
– Con đường hẹp đó cũng là những hy sinh âm thầm của những người mẹ người cha sẵn sàng đón nhận vất vả nhọc mệt để nuôi dạy con cái trong đường ngay lẽ phải.
-Con đường hẹp đó là những an vui của những bệnh nhân biết chấp nhận bệnh hoạn tật nguyền trong tin yêu phó thác…
– Con đường hẹp đó là sự khoan dung, tha thứ đáp trả lại những người xúc phạm đến chúng ta.
– Con đường hẹp đó là sự can đảm giữ mình thanh sạch của những bạn trẻ để luôn xứng đáng đáp lại ơn gọi của Chúa dành cho hoặc trong thân phận lứa đôi hoặc trong đời thánh hiến.
– Con đường hẹp đó là sự trung thành phục vụ cộng đoàn của những “tông đồ giáo dân thầm lặng” qua các hội đoàn như chức việc, Legio, giáo lý viên, ca đoàn…
– Con đường hẹp đó là sự thuỷ chung, hiệp nhất và luôn tươi vui, đạo đức, Thánh lễ kinh nguyện hằng ngày… của các đôi vợ chồng trẻ, cho dù phải bon chen gánh nặng cơm áo gạo tiền…
Dĩ nhiên, đã là “đường hẹp” thì bao giờ cũng hứa hẹn cho khách bộ hành những lúc phải “bàn tay bủn rủn, những đầu gối rụng rời”. Nhưng đối với những người cảm nhận được tình yêu của Chúa, thì tất cả gian nan thử thách trên cõi đời nầy, chẳng qua, chỉ là “những sửa dạy, quở trách…” của người Cha đầy lòng thương xót, như cách cảm nhận của tác giả thư Do Thái trong Bài đọc 2 hôm nay :
“Hỡi con, con chớ khinh thường việc Chúa sửa dạy, và đừng nản chí khi Người quở trách con; vì Chúa sửa dạy ai là kẻ Người yêu mến, và đánh đòn kẻ Người chọn làm con…”.
Vâng, những “Con đường hẹp như thế đó” vẫn còn nối dài nối dài đến thiên thu bất tận để dẫn loài người đến Bàn Tiệc Nước Trời, một Bàn Tiệc mà đông vui mà sứ ngôn Isaia đã từng loan báo cách đây 2700 năm mà chúng ta vừa nghe công bố trong Bài đọc 1 :
“Ta sẽ đến tập họp mọi dân tộc và mọi ngôn ngữ ; họ sẽ đến và được thấy vinh quang của ta..”
Như vậy, cho dù Bàn Tiệc nước Trời chưa kịp đến, thì bàn Tiệc Thánh Thể hôm nay đang mở ra và sẵn sàng để mỗi người chúng ta cùng vào “chung vui đánh chén”. Nhưng hãy nhớ kỷ, đây không là cuộc “chung vui đánh chén” mang tính trần tục, bên ngoài, mà là một cử hành của Hy Tế và Tình yêu của Đấng chết và sống lại vì yêu.
Vì thế, hãy hết lòng sốt sắng và với con tim tràn đầy lửa mến, để xứng đáng “vào tiệc”.
Trương Đình Hiền.
[1] Giáo Hội tại Việt nam đã trải qua suốt 300 năm bị bách hại, được đánh dấu qua các thời đại sau : Thời Trịnh Nguyễn phân tranh (1644-1773), Thời Cảnh Thịnh (1798), thời Minh Mạng (1820-1840). Thời Thiệu Trị (1841-1847), thời Tự Đức và sau đó là phong trào Văn Thân (1847-1883).
[2] Chiếu chỉ bách hại Công Giáo nghiệt ngã được vua Tự Đức ban hành vào ngày 05.08.1861, truyền triệt hạ các làng Công giáo, bắt giáo dân phải sáp nhập vào các làng ngoại giáo. (x. Giáo phận Qui Nhơn qua dòng thời gian (SĐD) tr. 219).
[3] VĂN TẾ KÍNH NHỚ TIỀN NHÂN DỊP GIÁO PHẬN QUI NHƠN MỪNG 400 NĂM LOAN BÁO TIN MỪNG. Tác giả : Lm. Giuse Trương Đình Hiền.
[4] Lm. Đào Quang Toản, TÌM HIỂU LỊCH SỬ DÒNG MẾN THÁNH GIÁ, Chương 8: Các nữ tu tử đạo, tr. 250.
[5] Lm. Đào Quang Toản, TÌM HIỂU LỊCH SỬ DÒNG MẾN THÁNH GIÁ, Chương 8: Các nữ tu tử đạo, tr. 249.