ƯỚC GÌ “CÔ NGHÈO” (LADY POVERTY) VẪN CÒN CAO GIÁ

Views: 19

(CN 6 TN C 2025)

          Trong nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ lần hai của ông D. Trump có một nhân vật, một nhà tỷ phú đô la được nhắc đến nhiều nhất đó là Elon Musk, ông chủ của các tập đoàn kinh tế lớn nhất hành tinh như SpaceX (không gian), Telsla (Xe điện), Boring (Đường hầm), Twitter (Truyền thông), xAI (Trí tuệ nhân tạo)… và được mệnh danh là người giàu nhất hành tinh với tài sản trên dưới 500 tỷ USD! Tuy nhiên, nhà tỷ phú này lại chọn cách sống “nghèo”: không sở hữu biệt thự, không đi xe sang, thường ăn ngủ ngay tại ghế sofa hoặc tại nơi làm việc ở công ty, và luôn thao thức với các công việc từ thiện và mang lại phúc lợi cho những người nghèo, kẻ bất hạnh…

          Sở dĩ nhắc đến cái “giàu” và “nghèo” của tỷ phú Elon Musk vì muốn cụ thể hóa ý nghĩa của sứ điệp Lời Chúa của Chúa Nhật hôm nay, cũng tập trung vào chủ đề “nghèo”, “giàu”; một câu chuyện, một giáo huấn, một tin mừng… đi theo suốt “hành trình mạc khải”, từ những trang Cựu ước mịt mù xa xôi thời các ngôn sứ của Israel cho tới những bài giảng quan trọng của Thầy Giêsu chí thánh được Tin Mừng gi lại…

          Trước hết, trong nhịp sống đức tin của dân Cựu ước, điều mà các ngôn sứ luôn canh cánh và không ngừng dạy dỗ, khuyên lơn, răn đe đó là Dân Chúa phải luôn “Đặt mình tin cậy vào Chúa” (Tv 1). Người đặt mình tin cậy vào Chúa đó là người không lấy cái tôi và những gì thuộc về mình (của cải, quyền lực, gia thế, tài năng, nhan sắc, học thức…) làm điểm tựa để tự đại, tự hào, tự tung, tự tác… Sách ngôn sứ Giêrêmia trong Bà đọc 1 hôm nay dạy bảo dứt khoát về cách sống của hai loại người “giàu” bị lên án và người” nghèo” được chúc phúc: “Khốn thay cho kẻ tin tưởng người đời, họ nương tựa vào sức mạnh con người, còn tâm hồn họ thì sống xa Chúa. Họ như cây cỏ trong hoang địa, không cảm thấy khi được hạnh phúc; họ ở những nơi khô cháy trong hoang địa, vùng đất mặn không người ở. Phúc thay cho người tin tưởng vào Thiên Chúa, và Chúa sẽ là niềm cậy trông của họ. Họ sẽ như cây trồng nơi bờ suối, cây đó đâm rễ vào nơi ẩm ướt, không sợ gì khi mùa hè đến, lá vẫn xanh tươi, không lo ngại gì khi nắng hạn mà vẫn sinh hoa kết quả luôn.”.

          Liên hệ những lời trên với chân dung của những nhân vật thời Cựu ước như Abraham, Môsê, Đavít, Êlia, hoàng hậu Esther, bà Ruth, mẹ và các con nhà Maccabê… và Tân ước như Đức Mẹ Maria, thánh Giuse, Gioan Tẩy giả, ông già Simêon, các anh dân chài bỏ mọi sự theo Thầy, bà góa với hai đồng tiền quả, người phụ nữ Canaan xin phép lạ, ông Giakêu hoàn lương, cô Maria Bêtania đập bể bình dầu, tên trộm trở về giờ hấp hối… chúng ta mới xác tín rằng: lựa chọn cách sống đặt trọn niềm tin vào Thiên Chúa chính là lựa chọn anh hùng nhất, can đảm nhất, thánh thiện và giá trị nhất…; và dĩ nhiên, cuộc sống đó, lựa chọn đó chắc chắn mang lại hạnh phúc tuyệt vời, một giá trị vĩnh cửu… mà lời kinh Magnificat của Đức Trinh nữ Maria là một chứng từ rõ nét: Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường. Kẻ đói nghèo Chúa ban của đầy dư, Người giàu có lại đuổi về tay trắng…

          Tuy nhiên, để cảm nhận thật sự “chân lý của nghèo khó”, và đón nhận như một sự khôn ngoan, một hạnh phúc, một chọn lựa cho cuộc đời, thì chúng ta phải tìm đến chính “người nghèo vĩ đại nhất của nhân loại” đó chính là Đức Giêsu-Kitô, là Đấng đã tự đồng hoá mình với muôn vạn người “bé mọn” khác trong nhân loại được Thiên Chúa nhìn đến, đoái thương, mạc khải: “Lạy Cha là Chúa tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã dấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn” (Mt 11, 25). Nhà chú giải Noel Quesson đã chú giải thêm về “chân dung Đấng Mêsia khó nghèo” như sau: “Đức Giêsu là Đấng “Mêsia của người nghèo”. Chính Người đã sống khó nghèo; … Người đã hiệp thông trong thân xác và trong cảm thức con người với điều kiện khắc nghiệt của những ai thiếu thốn. Khi chia sẻ thân phận của họ từ lúc nằm trong máng cỏ cho đến lúc bị đóng đinh, “không có một viên đá để kê đầu!”, Người đã cảm thấy một trái tim huynh đệ đang đập vì họ. Là Đấng Mêsia của người nghèo bị Do Thái giáo của giới trí thức Giêrusalem khinh bỉ, Đức Giêsu đã đau khổ như những “người phận nhỏ” và “cùng với họ” bị những “người có của” lăng nhục, khinh khi. Ôi! sự khinh miệt đáng sợ ấy thường là vô thức đối với sự nghèo khó từ phía những kẻ no nê và cười ngạo nghễ. Vậy Đức Giêsu hứa hẹn gì với những người nghèo ấy?”.

          Câu trả lời sẽ là lời tuyên bố của chính Chúa Giêsu trong Tin Mừng Luca về “bốn phúc nghèo” và cả “bốn họa giàu” mà chúng ta vừa nghe: “Phúc cho các ngươi là những kẻ nghèo khó, vì nước Thiên Chúa là của các ngươi. Phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ đói khát, vì các ngươi sẽ được no đầy. Phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ phải khóc lóc, vì các ngươi sẽ được vui cười. Phúc cho các ngươi, nếu vì Con Người mà người ta thù ghét, trục xuất và phỉ báng các ngươi, và loại trừ tên các ngươi như kẻ bất lương. Ngày ấy, các ngươi hãy hân hoan và reo mừng, vì như thế, phần thưởng các ngươi sẽ bội hậu trên trời…  “Nhưng khốn cho các ngươi là kẻ giàu có, vì các ngươi hiện đã được phần an ủi rồi. Khốn cho các ngươi là kẻ đã được no nê đầy đủ, vì các ngươi sẽ phải đói khát. Khốn cho các ngươi là kẻ hiện đang vui cười, vì các ngươi sẽ ưu sầu khóc lóc. Khốn cho các ngươi khi mọi người đều ca tụng các ngươi, vì chính cha ông họ cũng từng đối xử như vậy với các tiên tri giả”.

          Đứng trước một trào lưu xã hội “thượng tôn vật chất”, thực dụng và hưởng thụ tiện nghi, những lời công báo “Phúc-Hoạ” hôm nay quả thật cần thiết. Bởi chưng, con người muôn nơi muôn thuở vẫn còn đó nguyên cơn cám dỗ “trái cấm” nơi vườn địa đàng, hay “bánh mì, sự giàu có thế gian và vinh quang trần tục” nơi hoang mạc!

          Trong lãnh vực đức tin, mục vụ, Giáo Hội, được mệnh danh là “Đoàn chiên nhỏ”, nhưng đâu đã thoát hẳn những cơn bệnh “thế tục hoá” của những “ông phú hộ”, của “chàng trai giàu có”: muốn nhà thờ mình, cộng đoàn mình, Hội Dòng mình, gia đình mình… phải to lớn khang trang, phải huy hoàng hoành tráng, phải hiện đại hợp thời… và bao nhiêu cái “phải” để rốt cuộc, “chẳng khác gì thế gian”!

          Dĩ nhiên, khi chọn cái “PHÚC” của Tin Mừng cũng có nghĩa chọn “Con đường thập giá”, chọn phương án “tự huỷ” để chiếm hữu “NƯỚC THIÊN CHÚA”, để đạt được niềm hạnh phúc “PHỤC SINH”. Sự phục sinh của Đức Kitô chính là đích điểm của sự chọn lựa “khó nghèo thập giá”; đó chính là chân lý đã được Thánh Phaolô cùng với cộng đoàn tín hữu Côrintô xác tín và tuyên xưng ngay từ những buổi đầu khai sinh Giáo Hội mà chúng ta vừa nghe lại trong Bài đọc 2: “Đức Kitô từ cõi chết sống lại là hoa quả đầu mùa của những người đã yên giấc”.

          Trong Năm thi hành “sứ vụ loan báo Tin Mừng” và với những “bước chân hành hương trong hy vọng của Năm Thánh 2025”, sứ điệp Khó Nghèo của Lời Chúa hôm nay là một ánh sáng và nhắc nhở cần thiết; cần thiết và hiệu quả để canh tân và xây dựng Giáo Hội vốn rệu rã, biến chất chẳng khác nào vị thánh nghèo Phanxicô Assisi (1181-1226) xuất hiện vào thế kỷ 12. Vâng, nhà “thi sĩ vĩ đại của người nghèo”, tác giả của bài ca bất hủ “KINH HOÀ BÌNH”, không những là chứng nhân tiêu biểu của Đức Khó Nghèo Kitô giáo, của Tin Mừng Bát Phúc, mà còn là người đã trân trọng “đính hôn cuộc đời với cô Khó Nghèo”, một ý tưởng, một nhân đức, một quan niệm sống… được ngài nhân cách hoá như một ngôi vị: CÔ NGHÈO (LADY POVERTY)[1].

          Ước gì “cô dâu nghèo” đó vẫn hiện hữu và “có giá” trong Giáo Hội và xã hội hôm nay!.

Trương Đình Hiền


[1] Trang bách Khoa Toàn Thư mở Wikipedia: “Người ta kể lại rằng khi cố từ chối những trò giải trí và những buổi hội hè đình đám với bạn bè, những người này trêu chọc Francis và hỏi có phải cậu sắp kết hôn không, câu trả lời là “phải, với một cô dâu đẹp hơn bất cứ người phụ nữ nào mà các cậu từng gặp” – Francis ngụ ý “sự nghèo khó” (lady poverty), một thuật từ mà ông thường sử dụng sau này.”