VÀO NHÀ THỜ ĐỂ THÀNH MỘT KITÔ HỮU THỨ THIỆT

Views: 48

(Thánh lễ Cung Hiến Nhà Thờ Trà Câu – 19.7.2023)

            Kính thưa cộng đoàn PV,

            Trong sinh hoạt đức tin của người Công Giáo chúng ta, đặc biệt trong lãnh vực Phụng vụ thờ phượng Chúa, các cộng đoàn, đặc biệt, các cộng đoàn giáo xứ chúng ta có nhiều cuộc tập họp để cử hành các nghi lễ với các trọng tâm khác nhau như: Các lễ trọng kính Chúa, Đức Mẹ, Các thánh, thánh lễ Chúa Nhật các mùa, lễ An Táng, lễ Hôn Phối, lễ truyền chức Giám Mục, linh mục…. Thế nhưng, có một cuộc lễ mà cả trăm năm, có khi còn lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa mới diễn ra tại một giáo xứ: đó là Thánh lễ CUNG HIẾN NHÀ THỜ.

            Thật vậy, theo lịch sử, cộng đoàn tín hữu Trà Câu đã có vào thế kỷ 19, trước thời Văn Thân bách hại. Vì chính nơi vùng đất nầy, vẫn còn lưu dấu cái tên “Vực Đạo”, tức Vực Ô Rô, một đoạn sông sâu và rộng của sông Thoa hợp lưu cùng với sông Trà Câu, là mồ chôn các vị tử đạo của họ đạo Trà Câu; và khi tôi còn nhỏ, tới tháng Các Đẳng, cộng đoàn giáo xứ vẫn đi dẫy hai mả tử đạo trong khu vườn của dượng Khâm, chồng bà dì ruột thứ bốn của tôi: một mả dài khoảng 7 thước và một mả tròn: mả dài là cái hào và mả tròn là cái giếng, nơi bọn Văn Thân chôn sống giáo dân Trà Câu. Và cho dầu chính thức được thành giáo xứ từ năm 1921, hơn trăm năm rồi, nhưng mãi đến ngày 26.12.1960, cách đây gần 63 năm, nhà thờ Trà Câu do cố linh mục Thêôphan Nguyễn Văn Bích xây dựng mới được Đức Cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi Làm phép Khánh thành. Làm phép thôi chứ không được cung hiên à nhen.

            Như vậy, chúng ta thấy đó, hơn 1 trăm năm rồi, hôm nay nhà thờ Trà Câu mới được long trọng cung hiến.

            Ngoài ý nghĩa Phụng vụ đó, cuộc tập họp mừng lễ Cung Hiến nhà Thờ Trà Câu phù hợp làm sao với sinh hoạt đức tin của Dân Israel của một thời hồi hương về đất hứa sau những tháng năm lưu đầy. Thật vậy, như anh chị em vừa nghe sách Nêhêmi tường thuật một cuộc cử hành Lời Chúa trên mảnh đất mới tại Giêrusalem khi những người dân Israel lưu đầy từ Ba Tư trở về. Cho dù họ chưa xây nổi cái đền thờ mới như dân Trà Câu chúng ta hôm nay, nhưng họ đã tập họp cử hành Lời Chúa cách trang nghiêm thánh thiện và đạo đức sốt mến đến độ khóc ròng; và vị chủ tế đã nhắc nhở: “Ngày hôm nay được thánh hóa dâng cho Chúa là Thiên Chúa chúng ta; anh chị em đừng mang tang chế, đừng than khóc… vì niềm vui của Chúa là đồn lũy của anh chị em!”.

            Nếu con đường hồi hương về Giêrusalem để xây lại đền thánh của dân lưu đày Israel là cả một đoạn đường nhiêu khê, thì cũng có thể nói được, việc xây dựng lại ngôi thánh đường Trà Câu mới hôm nay là cả một khúc trường ca bi tráng của mồ hôi và nước mắt, của hy sinh và gian khổ, của cầu nguyện và sẻ chia… Từ những tấm lá đơn chắc đã mục nát nơi xã huyện đường của bác Khánh, tới những trao đổi hiệp thương qua các đời cha sở: cha Grg. Văn Ngọc Anh, cha Tadeo Lê Văn Ý, tới bao nhiêu lời cầu nguyện và tiếng van xin của bao thế thệ giáo dân… để rồi thánh đường Trà Câu lại được dựng xây và hôm nay được Cung hiến.

Trong ngôn ngữ Hán Nôm: Cung: có nghĩa Kính, tôn kính; còn HIẾN có nghĩa Dâng, hiến dâng. Như vậy, CUNG HIẾN NHÀ THỜ là việc dâng hiến cách trân trọng và tôn kính ngôi nhà thờ cho Thiên Chúa để nơi đây trở thành trung tâm thờ phượng của cộng đoàn tín hữu. Nội dung ý nghĩa nầy được nêu bật ngay trong phần mở đầu của LỜI NGUYỆN CUNG HIẾN mà chút nữa đây Đức Giám Mục chủ tế sẽ tuyên đọc trong nghi thức Cung Hiến: “hôm nay dân tín hữu muốn cử hành nghi lễ trọng thể cung hiến ngôi nhà cầu nguyện nầy cho Chúa một cách vĩnh viễn, để nơi đây họ thờ phượng Chúa cách sốt sắng, lắng nghe Lời Chúa dạy bảo và được nuôi dưỡng bằng các bí tích”.

Lời cầu nguyện trên đã cho chúng ta thấy rõ ba công năng sử dụng hay ba mục đích chính của Nhà Thờ:

– Để tín hữu thờ phượng Chúa cách sốt sắng.

– Để tín hữu lắng nghe Lời Chúa dạy bảo.

– Để tín hữu được nuôi dưỡng bằng các bí tích.

            Trước hết: để thờ phượng Chúa cách sốt sắng, chúng ta hãy nhớ lại câu chuyện Chúa Giêsu thanh tẩy đền thờ Giêrusalem mà chúng ta vừa nghe công bố qua trích đoạn Tin Mừng của Thánh Gioan: Thật vậy, “thờ phượng Chúa cách sốt sắng”, hay “thờ phượng Chúa trong Thần Khí và sự thật”, đó chính là việc thờ phượng phải quy hướng về Chúa Kitô, phải đón nhận và tin vào Ngài, phải hội nhập sâu xa vào cái chết và sự phục sinh của Ngài; nói cách khác, phải thờ phượng trên chính “Ngôi đền thờ là Thân Thể Ngài”: Người Do Thái đáp lại: “Phải bốn mươi sáu năm mới xây được đền thờ nầy, mà ông, Ông sẽ dựng lại trong ba ngày ư ?”. Nhưng Người, Người có ý nói đền thờ là thân thể Người. Vì thế, khi Chúa Giêsu từ cõi chết sống lại, các môn đệ mới nhớ lời đó, nên đã tin Kinh Thánh và tin Lời Người đã nói.

            Với ngôi nhà thờ mới được cung hiến-khánh thành hôm nay, chắc chắn ai cũng trằm trồ khen ngợi, ai cũng tâm đắc vui mừng với một công trình mới tinh, đẹp đẽ…, là kết quả của mồ hôi nước mắt, của biết bao thao thức chung tay góp sức, của hy sinh và lời cầu nguyện. Tuy nhiên, cái cao quý nhất, giá trị nhất của nhà thờ lại không được định giá trên sự đồ sộ, to lớn, trên vật tư trang trí đắt tiền…; mà nhà thờ chính là một biểu hiện rõ nét của mầu nhiệm Hội Thánh như được khắc ghi trong Lời nguyện Cung Hiến: “Ngôi nhà nầy biểu hiện mầu nhiệm Hội Thánh, mà Đức Kitô đã thánh hóa bằng Máu Người, để phô bày trước mặt mình một Hội Thánh là Hiền Thê vinh hiển, là trinh nữ trỗi trang về đức tin nguyên tuyền, là hiền mẫu phong phú nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần…”.

            Nhưng Hội Thánh là ai ? Thưa là “Tòa nhà, là Đền thờ của Thiên Chúa”; mà “đền thờ của Thiên Chúa lại chính anh, là chị, là mỗi người chúng ta…, như chính Thánh Phaolô xác quyết trong thư gởi giáo đoàn Côrintô mà chúng ta vừa nghe qua Bài đọc 2: Anh em thân mến, anh em là tòa nhà của Thiên Chúa… Anh em không biết anh em là đền thờ của Thiên Chúa và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao?…”. Thật rất tiếc, không ít trong số những người tín hữu Trà Câu nói riêng và nhiều nơi khác nói chung, không trân trọng đủ cái phẩm giá được là “đền thờ của Thiên Chúa”; và thậm chí, đau đớn hơn, như Thánh Phaolô đã từng nhận xét, có nhiều kẻ đã biến cuộc đời thành “miếu thờ ma quỷ” !

Như vậy, biến cố Cung Hiến nhà thờ hôm nay cũng là dịp để chúng ta một lần nữa xin Chúa cung hiến lại ngôi đền tâm hồn mình, cung hiến lại đời sống đức tin của mình.

            Và đó cũng chính mục tiêu thứ hai của nhà thờ: Để tín hữu lắng nghe Lời Chúa dạy bảo.

Dĩ nhiên, chúng ta có thể nghe Lời Chúa bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, việc cử hành Lời Chúa và lắng nghe Lời Chúa cách long trọng, xứng đáng vẫn là tại nhà thờ trong khung cảnh Phụng vụ. Và đây là điều mà chúng ta có thể học hỏi từ kinh nghiệm của dân tộc Israel, đặc biệt, như trích đoạn sách Nêhêmia trong Bài đọc một, mô tả một buổi cử hành tại Giêrusalem khi họ vừa trở về từ nơi lưu đày: Từ sáng đến giữa trưa, thầy đứng ở công trường, trước cửa Nước, đọc sách trước mặt đàn ông, đàn bà và những người hiểu luật. Tất cả dân chúng đều lắng tai nghe đọc sách luật… Họ cúi mình là phủ phục trước Thiên Chúa, mặt họ cúi sát đất.

            Ước gì, sau ngày lễ Cung Hiến nầy, anh chị em cộng đoàn giáo xứ Trà Câu nầy siêng năng đến đây để thực thi đúng như lời nguyện Cung Hiến: xin cho nơi đây, các tín hữu biết đến quanh bàn thờ cử hành cuộc tưởng niệm Lễ Vượt Qua và được bổ dưỡng nhờ bàn tiệc Lời Đức Kitô và Mình Thánh của Người; xin cho nơi đây vang lên lời ca ngợi hân hoan, hòa âm thanh loài người với những lời ca của các thiên thần, và liên lỉ bay lên tới Chúa lời nguyện cầu cho phần rỗi thế gian

            Và mục tiêu thứ ba đó là: Để tín hữu được nuôi dưỡng bằng các bí tích. Vâng, cuộc sống đức tin, niềm vui ơn cứu rỗi của chúng ta, những người Kitô hữu chính là “được nuôi dưỡng bằng các bí tích”; mà các bí tích lại được cử hành tại chính ngôi nhà thờ nầy. Và khi được lãnh nhận các bí tích, chúng ta lại trở thành, như lời Thánh Phaolô xác quyết: anh em là đền thờ của Thiên Chúa và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh emVì đền thờ của Thiên Chúa là thánh mà chính anh em là đền thờ ấy.

            Nhìn thấy một cộng đoàn đông đảo về tham dự lễ Cung Hiến và Khánh thành nhà thờ Trà Câu để hiệp thông, chung chia niềm vui với bà con giáo dân, với cha sở Bầu Gốc, cha phó đặc trách một giáo họ từng có một bề dày lịch sử đáng nễ, đóng góp cho Giáo Hội hàng chục linh mục và nữ tu… nhưng hôm nay thuộc vào hạng nhỏ bé nhất của giáo phận, tôi thật cảm kích và vui mừng. Đây, quả là dấu chỉ của một Hội Thánh, một “Ecclesia viết hoa”. Tuy nhiên, tôi cũng chợt nhớ tới lời cảnh giác của tác giả Billy Sunday: “Đi vào nơi đậu xe không thể biến bạn trở thành một chiếc xe. Cũng thế, vào nhà thờ không làm cho bạn thành một Kitô hữu.

            Vâng, nếu những người Do Thái khi xưa đã vào đền thờ nhưng đã biến đền thờ Giêrusalem “thành nơi buôn bán” và đã bị Chúa Giêsu thanh tẩy nặng tay, thì ước gì hôm nay, từ ngày lễ Cung Hiến và với sứ điệp Lời Chúa được chuyển tải, chúng ta đã đến đây, đã lắng nghe Lời Chúa, đã lãnh nhận Mình Máu Chúa, đã chia sẻ tình huynh đệ hiệp thông…, thì chúng ta phải trở về như một Kitô hữu đích thực. Vâng, đã vào nhà thờ thì phải hạ quyết tâm: trở thành một Kitô hữu thứ thiệt. Amen.

Trương Đình Hiền