Views: 40
Gợi ý suy niệm sứ điệp Lời Chúa Chúa Nhật 12 TN A 2020
Đã đi qua cuộc đời mà ai đó bảo rằng “ta chưa bao giờ phải sợ” thì chắc thuộc “công dân Suối Nổ” hoặc “Trảng Bom”! Thật vậy, chúng ta có thể đồng ý với nhận xét của Marrianne Williamson: “Chúng ta được sinh ra trong tình yêu thương. Sợ hãi là điều mà chúng ta học được qua cuộc sống”[1].
Và qua kinh nghiệm cuộc sống, người ta có thể liệt kê hàng trăm thứ sợ: sợ đau, sợ chết, sợ già, sợ mất của, sợ bồ đá, sợ phản bội, sợ ăn trộm, sợ người ta chê, sợ thi rớt, sợ phỏng vấn trượt…; hay như cái sợ “thật dễ thương” của lứa tuổi học trò:
Tôi sợ ngày mai tôi sẽ lớn
Tuổi học trò cắp sách còn đâu
Áo trắng nhường cho những chiếc áo màu
Nỗi buồn sẽ đong đầy trên khóe mắt
(…)
Tôi sẽ hết bên mẹ hiền phụng phịu
Nũng nịu đòi xin mẹ được rong chơi
Ngày mai ơi! xin đừng đến với tôi
Vì tôi sợ ngày mai tôi sẽ lớn…[2]
Cho nên, nếu hỏi rằng: ai là người ít sợ nhất hay không biết sợ, có lẽ chúng ta đều đồng ý với câu trả lời: TRẺ EM. Và đây là câu chuyện minh hoạ cho “đáp án” trên:
Người ta kể rằng, trên một con tàu xuyên đại dương, tất cả mọi hành khách đều nhốn nháo hoang mang lo sợ khi tàu phải đối diện với một cơn bão lớn. Trong khi đó, tại phòng lái của viên thuyền trưởng, có một em bé vẫn bình thản, vui chơi, như không cảm thấy sự gì xảy ra. Có người thấy vậy mới buột miệng hỏi em:
– Sao đang đứng trước phong ba bão táp như thế mà cháu vẫn bình tâm vô sự ?
Em bé tươi tỉnh trả lời:
– Bố tôi đang lái tàu mà, tôi có gì mà phải sợ !
Thì ra em bé không hoang mang lo sợ không phải vì chính mình hay vì những bảo đảm chung quanh, mà giản đơn, chỉ vì một điểm tựa duy nhất: “BỐ TÔI ĐANG LÁI TÀU”.
Trên “chuyến tàu đời” hôm nay, chúng ta cũng đang phải đối diện từng ngày với những phong ba bão táp của cuộc sống, những đe dọa trăm chiều, những áp lực nặng nề bủa vây giăng mắc trên mọi nẻo đời thường… Cuộc đời của Vị Ngôn Sứ được trích đọc hôm nay, sứ ngôn Giêrêmia, là phản ảnh rõ nét những xuyến xao, lo sợ như thế, khi Ngài phải đối diện với bao nỗi oái ăm, nguy khốn tràn ngập cuộc đời làm chứng cho chân lý.
Tuy nhiên, điều cuối cùng mà sứ điệp Lời Chúa muốn gióng lên cho dân Ít-ra-en xưa, hay muốn chuyển tải đến muôn người trên thế giới, đến chúng ta hôm nay, qua miệng của Sứ ngôn Giêrêmia lại chính là: “Nhưng Đức Chúa hằng ở bên con như một trang chiến sĩ oai hùng…Hãy ca ngợi Chúa, hãy ngợi khen Đức Chúa, vì Người đã giải thoát kẻ cơ bần khỏi tay phường hung bạo” (BĐ 1). Và đây cũng chính là điều mà Đức Kitô, Đấng được tiên báo qua sứ điệp và hình ảnh của sứ ngôn Giêrêmia, đã cô đọng thành một mệnh lệnh dứt khoát với hai từ “đừng sợ” qua trình thuật của Tin Mừng Matthêô mà cộng đoàn chúng ta vừa nghe công bố: “Các con đừng sợ những người đó… Các con đừng sợ những kẻ giết được thân xác, nhưng không thể giết được linh hồn… Phần các con, tóc trên đầu các con đã được đếm cả rồi. Vậy các con đừng sợ: các con còn đáng giá hơn chim sẻ bội phần…”. (Mt 10,26-33).
Như vậy, sống giữa đời thường và sống đức tin, không có nghĩa là tìm kiếm cuộc sống an bình thư thái, không có những gian nguy thử thách để lắng lo đối diện, những bão táp phong ba để lo sợ và chiến đấu…; nhưng là biết bình tâm để chiến đấu và chiến thắng sợ hãi, biết khôn ngoan và can đảm để vượt qua thử thách gian nan.
Nếu điểm tựa đã giúp cho ngôn sứ Giêrêmia vững vàng trong sứ vụ là “Vị Thiên Chúa, như Trang Dũng Sĩ uy hùng”, thì điểm tựa, sức mạnh để Đức Kitô bảo đảm cho các môn sinh của Ngài “đừng sợ” lại chính là một “Thiên Chúa Cha quyền năng và nhân ái chăm sóc từng con chim sẻ, đếm từng sợi tóc trên đầu”. Và nếu trở lại với câu chuyện của “em bé con ông thuyền trưởng”, thì chúng ta có thể nói được rằng: con người sẽ không còn hoang mang lo sợ bất cứ điều gì khi sống tâm tình tin yêu phó thác của một em thơ đối với Thiên Chúa là “Người Bố đang lái tàu”. Phải chăng, cũng vì lẽ đó mà Chúa Giêsu đã từng dạy bảo chúng ta “Hãy đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn của một trẻ em” (Lc 18,17).
Tuy nhiên, chúng ta đừng hiểu lầm: thái độ “Đừng Sợ” ở đây không là “giải pháp tạm thời” để lẫn tránh thực tại, để chạy trốn hiểm nguy. Không, đó luôn phải là một chọn lựa anh hùng và đầy can đảm, mà điểm đến cuối cùng chính là “đừng sợ” hy sinh mạng sống. Điều nầy, chúng ta sẽ nhận thấy rõ nét nơi các Chứng Nhân anh hùng Tử Đạo qua suốt các chặng đường lịch sử của Hội Thánh; trong đó, phải kể đến chứng từ “đừng sợ” của các Thánh Tử Đạo Việt Nam: dù gông cùm trăng trói, dù đói khát nhục hình, dù phải bị thiêu, thắt cổ, đâm chém, xẻo từng miếng thịt…các Ngài vẫn mỉm cười trung trinh với Chúa Kitô, với đức tin Công Giáo.
Hơn lúc nào hết, giữa một thế giới đầy hoang mang lo sợ của dịch bệnh, chiến tranh, suy đồi luân lý, hận thù sắc tộc, chia rẽ tôn giáo, ý thức hệ… vài trò ngôn sứ của Hội Thánh, của người Kitô hữu cần thiết biết bao. Vâng, Giáo Hội đang cần những “ngôn sứ” dám đánh cuộc đời mình cho sứ vụ. Ngày xưa, sau khi nhận lãnh sức mạnh Chúa Thánh Thần, các tông Đồ đã mạnh mẽ ra đi loan báo Tin Mừng. Cho dù bị bắt bớ, đánh đập, bị điệu đến trước tòa án để bị cấm loan báo Tin Mừng, cấm nói về Chúa Kitô, các Ngài vẫn can đảm thực hành sứ vụ, cho đến chứng tá cuối cùng là cái chết Tử đạo. Các Ngài đã thực hiện đúng những gì Chúa Kitô đã dạy: “Điều Thầy nói với anh em lúc đêm hôm thì hãy nói ra giữa ban ngày, điều anh em nghe rỉ tai thì hãy lên mái nhà rao giảng”. Quả thật, nếu các ngài sợ hãi, chùn bước, thối lui, thì làm gì có chúng ta hôm nay, làm gì có Giáo Hội, làm gì thế giới biết được Tin Mừng cứu độ, biết Chúa yêu thương con người đến độ chết trên thập giá, biết được niềm hy vọng phục sinh…
Và con đường Ngôn Sứ vẫn nối tiếp dài dài qua muôn thế hệ…
Khi mới lên làm Tổng Giám Mục giáo phận San Salvador, Đức Cha Oscar Romero vẫn còn theo lập trường bảo thủ. Nhưng chẳng bao lâu sau, khi nhìn thấy những bất công xã hội, ngài đã thay đổi. Mỗi ngày Chúa nhật, ngài giảng ở nhà thờ chánh tòa tố cáo những tội ác đã di diễn ra mà đa số là do các viên chức chính phủ. Các bài giảng của ngài như một luồng điện mạnh chạm đến toàn xã hội. Khi ngài nói, hầu như mọi người đều ngưng việc để lắng nghe. Ngài bị đặt vào tình trạng bị đe đọa thường xuyên. Một vài bạn bè thân thích của ngài đã bị giết chết. Nhưng ngài vẫn không im tiếng, cũng không lánh đi nơi khác an toàn hơn. Ngài nói: “một mục tử chân chính khi thấy nguy hiểm không thể bỏ đoàn chiên để cứu lấy mạng sống mình. Tôi sẽ ở lại với dân tôi”. Và ngài đã bị chết dưới lằn đạn tháng ba năm 1980 đúng lúc dâng Thánh Lễ…[3]
Không phải ai cũng được gọi mời để can đảm loan báo chân lý theo kiểu của Thánh Giám Mục Oscar Romero. Tuy nhiên, ai cũng có thể là chứng nhân của Tin Mừng “Đừng Sợ” qua những chiến thắng cái tôi giữa đời thường, trong gia đình; chiến thắng những cơn nóng giận, những lời xúc phạm, những hèn nhát và lười biếng, những ích kỷ nhỏ nhen….Vâng, chính sự thiếu can đảm thực hành những “chi tiết nhỏ” của Tin Mừng đã khiến ơn gọi Ngôn Sứ của nhiều Kitô hữu phai nhạt dần để trở thành những “viên muốn, hạt men bị ném ra bên đường cuộc sống” (Mt 5,13).
Người ta bảo: “Khi mang trái tim chuột thì thứ gì cũng sợ”. Trái tim chúng ta đã được dựng nên giống ảnh hình Thiên Chúa, được Thánh Thần tác động và thanh tẩy để thành một trái tim biết yêu thương, trung tín, một trái tim được nuôi dưỡng bởi Máu thịt Con Đức Chúa Trời, một trái tim của một dòng tộc mang danh là “Dòng tộc Tư Tế, Vương Đế”, của một Dân Thánh, lẽ nào chúng ta khiếp nhược để giam mình trong những nỗi lo sợ vụn vặt của loài chuột. Chúng ta hãy xác tín vào lời của Đức Kitô: “Can đảm lên, đừng sợ, Thầy đã thắng thế gian”. Hay như lời của Đức Cố giáo hoàng G.P. II: “Đừng sợ ! Hãy mở rộng cánh cửa cho Chúa Kitô…”. Đi làm Ngôn Sứ phải mang trái tim như thế; trái tim thanh thản của một đứa trẻ thơ đang vững tin rằng Cha trên trời là Hoa Tiêu Vĩ Đại!
Trương Đình Hiền
[1] HUY QUỐC. Bài viết Nỗi sợ hải lớn nhất của bạn là gì?. Nguồn: Trang mạng của TRUNG TÂM ĐÀO TẠO TÀI NĂNG TRẺ CHÂU Á (ATY)
[2] Nguồn: Sưu tầm từ trang facebook “thơ tình”:
https://www.facebook.com/thotinhmagazine/posts/396007880467127/
[3] Đức TGM Oscar Romero đã được phong Chân Phước ngày 23.5.2015 và được tuyên phong hiển thánh ngày 14.10.2018.