Views: 163
(Chúa Nhật 2 MC – B – 2024)
Tâm thức con người nói chung, cá nhân hay tập thể xã hội, đều chuộng cái đẹp, cái tốt, cái tinh tuyền thánh thiện…; và không ngần ngại tránh xa, gạt bỏ, tẩy trừ cái xấu, cái dơ bẩn, cái tội lỗi nhớp nhơ…
Chính vì thế, về mặt thể hình, thân xác, ai cũng muốn mình đẹp. Chưa đẹp thì phải chỉnh sửa sao cho đẹp. Thế giới hôm nay phải nói là tiến bộ vượt bực trong khoa làm đẹp mà bằng chứng cụ thể là đâu đâu cũng thấy nhan nhản các thẩm mỹ viện, các trung tâm chăm sóc sắc đẹp và làm đẹp. Nhiều người không ngần ngại sử dụng “dao kéo” để lột bỏ hoàn toàn con người cũ đen đủi, khó coi để mặc lấy “con người mới” trắng trẻo nõn nà xinh xắn.
Trong khi đó, về mặt chính trị xã hội, đã có biết bao chủ trương, chính sách, lập trường… của các nhà kỹ trị, những chính khách, những thủ lãnh… muốn làm sạch cộng đồng, canh tân xã hội cho đẹp hơn, tốt hơn… Chẳng hạn như chủ trương của cựu Tổng thống D. Trump của Mỹ quốc đó là “tát cạn đầm lầy”, một định hướng và chủ trương cơ bản của “nhiệm kỳ Tổng Thống thứ 45 Hoa Kỳ” nhằm trong sạch hoá, chuẩn hoá môi trường chính trị ở Washington DC, vốn đã trở nên một “đầm lầy” tai tiếng, đầy dẫy các chính trị gia biến chất, đồi truỵ, tham nhũng…
Trên bình diện vĩ mô toàn cầu, người ta đang nói tới một cuộc “Great reset” (Đại tái lập) để định hình lại toàn bộ cơ cấu chính trị, kinh tế, xã hội… của toàn thế giới… Riêng trong thế giới Công Giáo, ngay từ thời tiền Công Đồng Vatican II, Đức Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII đã đề xuất định hướng “Aggiornamento” (“Cập nhật hóa” hay “Nhật nhật tân”) nhằm canh tân và đổi mới Giáo Hội…
Nhưng đó là chuyện của cái đẹp bên ngoài, cái đẹp thể chất. Bởi chưng có biết bao nhiêu người cho dù bên ngoài có gương mặt đẹp, có vóc dáng đẹp, có đôi chân dài, có 3 vòng chuẩn…, nhưng bên trong lại là một “hồ ly tinh”, một tâm hồn phù thủy đen đúa xấu xa! Cũng vậy, có những tổ chức, những cộng đoàn (không loại trừ tổ chức hay cộng đồng tôn giáo, kể cả Công Giáo) bên ngoài trông lộng lẫy, hoành tráng, tiến bộ, ngăn nắp, văn minh… nhưng bên trong chứa đựng đầy những tiêu cực, nhầy nhụa tội ác, bất công…
Trong Mùa Chay thánh này, đặc biệt, với Chúa Nhật 2 Mùa Chay, người Kitô hữu được Lời Chúa gọi mời “lột xác, biến hình” để tìm lại cái đẹp đích thực của chính mình, cái đẹp của tâm hồn mang ảnh hình Thiên Chúa, cái đẹp của cuộc đời phản ảnh những giá trị của Phúc Âm…; và đây không là chuyện mang tính tự nguyện cá nhân, nỗ lực tự phát… mà là phát xuất từ “mệnh lệnh của Thiên Chúa” và sự “đáp trả tự do của con người” qua hai sự kiện hay hai hình tượng mẫu: Abraham vâng lệnh Thiên Chúa lên núi Moria sát tế con và Chúa Giêsu lên núi để biến hình và được Chúa Cha giới thiệu để loài người “vâng nghe lời”…
Trước hết, câu chuyện của Abraham là một “tiếng gọi đầy bi kịch”: “Abraham, Abraham!” Ông đáp lại: “Dạ, con đây”. Chúa nói: “Ngươi hãy đem Isaac, đứa con một yêu dấu của ngươi, và đi đến đất Moria, ở đó ngươi sẽ dâng nó làm của lễ toàn thiêu trên núi Ta sẽ chỉ cho ngươi”. Đây đâu phải là một cuộc “mổ xẻ dao kéo” bình thường, mà là một cuộc “sát tế”; đúng hơn, một “nỗi đau ngút ngàn” của hy sinh, một “đón nhận anh hùng” của thái độ vâng phục hoàn hảo, và một “niềm trông cậy vững chắc” của niềm tin sâu thẳm lớn lao: Abraham giơ tay lấy dao để sát tế con mình! Và Thiên Chúa đã “thành công” trong cuộc “thử thách” liều lĩnh nầy: “Đừng giết con trẻ và đừng động đến nó, vì giờ đây ta biết ngươi kính sợ Chúa, đến nỗi không từ chối dâng đứa con duy nhất cho Ta”.
Và câu chuyện “bi kịch lên núi” của cụ Tổ Abraham đã trở thành “hỉ kịch xuống núi” , một “niềm hy vọng đã nở hoa”: “Chúa phán: Ta thề rằng: vì ngươi đã làm điều đó, ngươi không từ chối dâng đứa con duy nhất của ngươi cho Ta, nên Ta chúc phúc cho ngươi…, và mọi dân tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc nơi miêu duệ ngươi, vì ngươi đã vâng lời Ta”.
Từ “câu chuyện trên núi Moria” của một thời xa xôi Cựu Ước, Lời Chúa như muốn dẫn cộng đoàn Kitô hữu và các anh chị em Dự tòng đến “câu chuyện trên đĩnh “Núi Cao” mà truyền thống có từ thế kỷ thứ 3 gọi tên là “Tabor”[1]: Khi ấy, Chúa Giêsu đưa Phêrô, Giacôbê, và Gioan đi riêng với Người lên núi cao, và Người biến hình trước mặt các ông, và áo Người trở nên chói lọi, trắng tinh như tuyết, không thợ giặt nào trên trần gian có thể giặt trắng đến thế. Rồi Êlia và Môsê hiện ra và đàm đạo với Chúa Giêsu. (Mc 9,2-5).
Trước hết, đây là sự kiện hi hửu trong cuộc đời công khai của Chúa Giêsu, và được Tin mừng Nhất lãm đồng loạt lược kể trong thời điểm ở giữa hai lần Chúa Giêsu “loan báo cuộc thương khó và phục sinh”, một “bản tin” đang làm dao động tinh thần của các tông đồ: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày sẽ sống lại” (Mc 8,31; 9,31).
Đây quả thật không là “biến cố đột xuất”, ngẫu hứng, nhưng là “chân lý tối cao” là “tử nạn-phục sinh”, được ấn chứng của cả “năm vị đại diện của hai Giao ước”: Cựu ước: Rồi Êlia và Môsê hiện ra và đàm đạo với Chúa Giêsu; Tân ước: Phêrô, Giacôbê, và Gioan đi riêng với Người lên núi cao. Đây còn là điểm đến của cả một “chương trình Cứu độ” mà “lề luật và các tiên tri” (Môsê, Êlia) nhường chỗ cho triều đại của “ân sủng và sự thật” (Đức Kitô): “Quả thế, Lề Luật đã được Thiên Chúa ban qua ông Môsê, còn ân sủng và sự thật thì nhờ Đức Giêsu Kitô mà có” (Ga 1,17); và đó là một “Đức Giêsu Kitô tử nạn-phục sinh được ban tặng” như xác quyết của Thánh Phaolô trong thư gởi giáo đoàn Rôma nơi Bài đọc 2: “Người không dung tha chính Con mình, nhưng lại phó thác Con vì tất cả chúng ta… Ðức Giêsu Kitô, Ðấng đã chết và hơn nữa đã sống lại, đang ngự bên hữu Thiên Chúa, cũng đang biện hộ cho chúng ta”
Đặc biệt, “Biến Hình” là giáo huấn được Giáo Hội dành riêng cho các anh chị em Dự Tòng sắp lãnh nhận các “Bí Tích Vượt Qua”, một cuộc “lột xác”, “chết đi để sống lại một cuộc đời mới” mà theo ngôn ngữ của Thánh Phaolô đó là “được dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Đức Ki-tô Giê-su …, được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới.” (Rm 6,3-4).
Người Kitô hữu nói chung hay các anh chị em dự tòng nói riêng, hôm nay, với sứ điệp Lời Chúa của Chúa Nhật 2 Mùa Chay, được gọi mời “lên núi”, viết tiếp câu chuyện “vâng lời Thiên Chúa của Abraham”, câu chuyện “biến hình, lột xác trong cộc Vượt Qua của Đức Kitô” để tìm lại cái đẹp đích thực của chính mình, cái đẹp của tâm hồn luôn biết “vâng nghe và thực hành Lời Chúa”, cái đẹp của cuộc đời luôn giữ mãi nét đẹp của “chiếc áo trắng tinh khôi ngày chịu Phép Rửa”; hay như giáo huấn của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Sứ điệp Mùa Chay 2024, đó là cái đẹp của một cuộc sống chấp nhận “chiến đấu” để không chịu “khuất phục trước sự quyến rũ của sự dối trá” là “con đường cũ quen đi” như “gắn bó với tiền bạc, với những dự án, ý tưởng, mục tiêu, với địa vị của mình, với một truyền thống, thậm chí với một số người…”.
Loài chim thiên nga sở dĩ luôn bay cao và bay xa, vì không chịu sống tà tà mặt đất dưới đầm lầy như bầy vịt. Cũng vậy, người Kitô hữu chỉ có thể lắng nghe được Thánh lệnh của Thiên Chúa “Đây là Con Ta rất yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người” khi biết can đảm “lên núi và biến hình”; và một khi để “lời hằng sống nuôi dưỡng đức tin” thì như Lời Tổng nguyện của Hội Thánh hôm nay, “cặp mắt tâm hồn chúng con sẽ trong sáng để nhìn thấy vinh quang Chúa tỏ hiện”.
Vâng, “vinh quang Chúa tỏ hiện” chỉ dành cho những ai biết chấp nhận “lên cao, biến hình”.
Trương Đình Hiền
[1] Sự xác nhận núi Tabor là nơi chúa Giêsu biến hình là do Origen ở thế kỷ thứ 3. Nó cũng được St. Cyril of Jerusalem và St. Jerome nói đến trong thế kỷ thứ 4. Sau này, trong thế kỷ thứ 5, nó cũng được nói tới trong Transitus Beatae Mariae Virginis. Theo truyền thuyết thì núi Hermon cũng có thể là nơi chúa Giêsu biến hình (chứ không phải núi Tabor). Nguồn: https://vi.wikipedia.org/wiki/N%C3%BAi_Tabor