VINH QUANG CỦA CHÚA ĐÃ BỪNG DẬY

Views: 70

(Lễ Hiển linh 2024)

          Đã từ lâu lắm rồi, Phụng Vụ Lễ Hiển Linh luôn gắn với hình ảnh “Ngôi Sao Lạ”, “Ngôi Sao Bêlem”, hay “Ngôi sao của Đấng Cứu Thế”, một biểu tượng vừa đậm chất thi ca vừa thiêng liêng huyền diệu như cách diễn tả của Thánh thi giờ kinh Phụng Vụ Sáng:

          Ngôi sao ấy ngời trong vẻ đẹp,
          Ánh trời hồng nối kết trăng thanh.
          Báo tin hội lớn hình thành,
          Kitô Cứu Chúa mặc thân xác người…

          Và cũng từ “vì sao huyền diệu” đó, Thần Linh Chúa đã gợi lên bao nhiêu tâm tình và suy nghiệm để giúp người Kitô hữu muôn nơi và muôn thuở vừa tìm được ý nghĩa mới cho việc thực hành đức tin, điều chỉnh cuộc sống cho phù hợp hơn với Tin Mừng… vừa thêm lòng nhiệt thành để lên đường làm chứng đức tin, loan báo Tin mừng…

          Riêng người Công Giáo Việt nam thương gọi lễ nầy là lễ Ba Vua; vì sứ điệp Lời Chúa được chọn làm trọng tâm cho đại lễ Hiển Linh hôm nay chính là bài tường thuật duy nhất của thánh sử Matthêô về sự kiện các Đạo sĩ Phương đông theo “Ánh Sao Cứu thế” đến gặp Hài Nhi Giêsu tại Bêlem và triều bái Người với ba lễ vật Vàng, Nhũ Hương và Mộc Dược”.

          Tuy nhiên, để hiểu trọn vẹn ý nghĩa của sứ điệp Lời Chúa trong ngày lễ hôm nay, chúng ta lại phải bắt đầu từ những trích đoạn Lời Chúa vừa được công bố.

          Trước hết, mầu nhiệm Hiển Linh của Thiên Chúa qua biến cố Ngôi Hai ra đời làm người đã được tiên báo từ xa xưa, qua thị kiến của ngôn sứ Isaia về cuộc hồi hương vĩ đại của dân Israel tiến về Giêrusalem huy hoàng đã được tái thiết, sau một thuở lưu đày tối tăm hoang phế: “Hãy đứng lên, hãy tỏa sáng ra, hỡi Giêrusalem ! Vì sự sáng của ngươi đã tới, vì vinh quang của Chúa đã bừng dậy trên mình ngươi. Kìa tối tăm đang bao bao bọc địa cầu, vì u minh phủ kín các dân; nhưng trên mình ngươi, Chúa đang đứng dậy, vì vinh quang của Ngài xuất hiện trên mình ngươi. Chư dân sẽ lần bước tìm về sự sáng của ngươi, và các vua hướng về ánh bình minh của ngươi …”. Qua những “dấu chỉ đầy ấn tượng” của Lời ngôn sứ đó, ý nghĩa đầu tiên của sứ điệp Hiển Linh chính là “ảnh hưởng bao trùm của công cuộc cứu độ”; hay nói cách khác, việc “Thiên Chúa nhập thể, Thiên Chúa đi vào trần gian, Thiên Chúa “đến cắm lều ở giữa nhân loại” không phải là chuyên riêng tư của một gia đình bé nhỏ: Giuse, Maria và Hài Nhi Giêsu; nhưng là công cuộc “hiển linh cứu độ” có liên quan đến toàn thể nhân loại, ảnh hưởng trên toàn bộ lịch sử loài người và cả vũ trụ, trải dài trên mọi chiều kích không gian và thời gian.

          Vì thế, cuộc “Hiển Linh” nầy đích thị là một “Tin Mừng vĩ đại cho toàn dân” (Lc 2,10) mà các thiên sứ đã báo cho các mục đồng thành Bêlem trong đêm Ngôi Hai giáng thế; đây cũng là Tin Mừng được Đức Kitô ra lệnh cho cho các môn sinh “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo…” (Mc 16,15), để đợi chờ cái ngày mà Tin Mừng đó hiện thực, như niềm xác tín của Thánh Phaolô trong thư Êphêsô (Bđ 2): “Và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được nên đồng thừa tự, đồng một thân thể và đồng thông phần với lời hứa của Người trong Chúa Giêsu Kitô”.

Riêng Tin mừng theo thánh Matthêô đã minh họa cách hiện thực và sống động cuộc hiển linh cứu độ qua câu chuyện ba nhà đạo sĩ phương đông dõi theo vì sao của Đấng Cứu Thế đã tiến về hang đá Bê lem với những lễ vật cũng mang đầy nội dung Cứu độ: vàng (vương đế), nhũ hương (tư tế), mộc dược (khổ nạn hay mầu nhiệm Vượt Qua).

          Qua chân dung của “Ba Nhà Đạo sĩ Phương Đông” này, chúng ta nhận ra đoàn “Dân Ngoại” trong sứ điệp hy vọng ngút ngàn của Isaia “chư dân sẽ lần bước tìm về sự sáng của ngươi, và các vua hướng về ánh bình minh của ngươi”; và sau biến cố “hiển linh ở Bê lem” khoảng 30 năm, chúng ta lại một lần nữa tìm thấy hình ảnh “Dân ngoại” trong biến cố “hiển linh bên bờ sông Giođanô”: Ở đây,“Dân ngoại” không còn mang “dáng đứng cao sang tôn quý của các đạo sĩ, của Ba Vua phương đông” mà chính là đoàn dân ô hợp mang đầy tội lỗi oan khiên đang sắp hàng cùng chàng thanh niên đến từ Nadarét bước xuống dòng sông Giođanô để ông Gioan là phép thanh tẩy và được Chúa Cha hiển linh giới thiệu. Phải chăng, đây cũng chính “Dân ngoại” mà mầu nhiệm “Hiển Linh” muốn nhắm tới: một “dân ngoại” bao gồm muôn vạn ức triệu gia đình nhân loại đang “bẽ mặt vì thiếu rượu” nhưng lại được sự can thiệp kịp thời của vị Rabbi Giêsu khi biến hàng trăm lít nước lã thành rượu ngon để tiệc cưới mãi vang lên tiếng cười; một cuộc “hiển linh cứu độ” qua dấu chỉ đầy tính nhân bản: nước, rượu ngon, tiệc cưới và “Giờ” của Đấng Thiên sai!         

Thì ra, trong Phụng vụ từ xa xưa của Hội Thánh, khi cử hành “mầu nhiệm Hiển Linh”, bao giờ cũng quy chiếu vào ba biến cố: Ngôi Hai Thiên Chúa Hiển Linh qua “vì sao lạ dẫn đường Ba Vua Phương đông đến thờ lạy”; Hiển linh qua biến cố chịu phép rửa bên dòng sông Giođanô và hiển linh qua phép lạhóa nước thành rượu tại tiệc cưới Cana.

          Nếu đem sứ điệp đầy hy vọng của mầu nhiệm Hiển Linh nầy soi chiếu vào thế giới hôm nay chúng ta sẽ thấy rằng: cuộc “Hiển Linh” của Thiên Chúa vẫn còn đang ở phía trước, vẫn là một “gọi mời”:

– để nhân loại cất bước lên đường tìm kiếm “Đấng Cứu Thế” như ba nhà đạo sĩ thuở nào;

– để nhân loại tin nhận và gặp gỡ Đức Kitô Đấng đang hiện diện giữ đời thường cuộc sống mà ăn năn hoán cải như đoàn dân sám hối ở sông Giođanô;

– để nhân loại sẵn sàng đón nhận và “làm theo lời dạy” của Chúa Giêsu hầu có được thứ “rượu mới” của Tin mừng Cứu độ chảy tràn lan trên cuộc sống của mọi gia đình…

          Tóm lại, nếu “Hiển Linh” đó là mầu nhiệm “Thiên Chúa tỏ mình” thì “hiển linh” cũng là dịp để chúng ta lên đường tiến về phía của Thiên Chúa, về phía của Ngôi Lời Nhập Thể, của Đấng Thiên Chúa đang hiện diện giữa chúng ta… Đó là, chúng ta phải ra khỏi cái tôi tầm thường, vị kỷ của mình; phải thức dậy khỏi giấc ngủ triền miên của biếng lười và tự mãn để nghe theo tiếng gọi của “Tin Mừng”…, chẳng khác nào, như ba nhà đạo sĩ khi xưa: chỉ khi ra khỏi cái “đô thành Giêrusalem trần tục của Hêrôđê”, mới “gặp thấy Hài Nhi và Bà Maria Mẹ Người, và họ đã quỳ gối xuống sụp lạy Người”!

Cuối cùng, nếu Ba Vua ngày xưa, sau khi chiêm bái Hài Nhi Giê-su, sau khi gặp gỡ Thiên Chúa, đã “lên đường về theo lối khác, không thèm trở lại với bạo vương Hê-rô-đê”, thì sau thánh lễ nầy, mỗi người chúng ta cũng hãy ra đi trên con đường mới của Tin Mừng, con đường mới của vui tươi, phục vụ, yêu thương, khoan dung và tha thứ; con đường của xây dựng thuận hòa, đắp nghĩa anh em; con đường của trong sạch và thủy chung trong tình yêu đôi lứa, của quảng đại và dấn thân trong sứ vụ tông đồ… Đó là con đường mang đến cho đời niềm tin yêu hy vọng như những lời thơ thâm thúy trong bài thơ “hãy Mang đến” của nhà thơ Đất Quảng”:

Hãy mang đến cho đời những niềm vui đi em

Hãy mang đến cho người một niềm tin đi anh

Vậy là anh, Vậy là em

Đang mang đến cho mình một niềm tin yêu cuộc sống.

          Và như thế, viễn tượng một thế giới mà Isaia đã ươm mơ: “Hãy đứng lên, hãy toả sáng ra, hỡi Giêrusalem! Vì sự sáng của ngươi đã tới, vì vinh quang của Chúa đã bừng dậy trên mình ngươi…” sẽ không còn xa nữa nhưng đang trở về; đang trở về từ hôm nay, cho dù ở đâu đó tại Ukraina, tai Gaza, tại biên giới Myanmar… tiếng bom đạn vẫn thét gào, bóng tối vẫn bủa vây giăng mắc…

 Trương Đình Hiền